Trước những bất cập của phong trào hợp tác hóa, xuất hiên nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, Trung ương Đảng chủ trương vẫn tiếp tục triển khai các cuộc vận động nhằm củng cố hợp tác xã, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa
Những quan điểm khác nhau về hợp tác hóa sau Hội nghị Trung ương 5 khóa III
Ở hội nghị cán bộ toàn miền Bắc nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 tại trường Tuyên giáo Trung ương, tháng 7/1962, có các quan điểm khác nhau được nêu ra thảo luận.
Ý kiến thứ nhất: miền Bắc vừa thoát khỏi chiến tranh, sức sản xuất vừa thoát khỏi phương thức sản xuất phong kiến lạc hậu, nên kích thích kinh tế nông dân phát triển có lợi hơn.
Ý kiến thứ hai: cứ để kinh tế hộ nông dân phát huy tác dụng, đồng thời dùng quyền lực nhà nước ngăn ngừa các mặt tiêu cực.
Ý kiến thứ ba lập luận: sản xuất còn nhỏ bé, xác lập quan hệ sản xuất mới không có kết quả, tổ chức hợp tác xã để làm gì ? sẽ đi tới đâu ?
Ba loại ý kiến trên đều băn khoăn về việc tổ chức hợp tác xã, về quan điểm “quan hệ sản xuất mở đường” và ở mức độ khác nhau đều quan tâm đến vai trò vị trí kinh tế nông dân vừa được giải phóng.
Giải đáp các ý kiến trên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách nông nghiệp nhấn mạnh: tuy cơ sở vật chất kỹ thuật miền Bắc còn nghèo nàn, lạc hậu, nhưng điều kiện chính trị thuận lợi cho việc tổ chức hợp tác xã. Làm như vậy có lợi vì sản xuất tập thể hơn cá thể, sản xuất tập thể tạo điều kiện cho công nghiệp hóa có điều kiện sử dụng kỹ thuật hiện đại do Liên Xô, Trung Quốc giúp đỡ, mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất với sức sản xuất còn lạc hậu không phải là mâu thuẫn đối kháng mà là mâu thuẫn của sự trưởng thành, cách giải quyết mâu thuẫn là tiến hành cách mạng kỹ thuật.
Vận động cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật trong các hợp tác xã nông nghiệp, nhà nước tăng đầu tư cho nông nghiệp
Đầu năm 1963, tình hình xã viên xin ra hợp tác xã vẫn tăng lên. Tính cả số xã viên xin ra năm 1962 và cả những tháng đầu năm 1963 lên tới 44.659 hộ, trong đó miền xuôi 29.629 hộ, miền núi 15.030 hộ. Đặc biệt, việc áp dụng kỹ thuật vào công tác quản lý hợp tác xã vẫn còn nhiều mặt trì trệ. Bộ Chính trị nêu rõ: “hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa phải quản lý khác với cách quản lý kinh tế cá thể, khác với kinh tế tư bản chủ nghĩa, khác với phường hội. Nhưng hiện nay, đại bộ phận hợp tác xã chưa có phương hướng sản xuất sử dụng lao động chưa tốt, công tác cải tiến kỹ thuật chưa được tiến hành tích cực công tác quản lý lúng túng”.
Vì vậy, ngày 19/2/1963, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 20 Về cuộc vận động cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc.
Cuộc vận động được chia làm hai vòng trong 3 năm 1963-1965. Nội dung cải tiến quản lý là giúp các hợp tác xã xác định phương hướng sản xuất, lập kế hoạch sản xuất, quản lý lao động, tăng số lượng và giá trị ngày công, quản lý tài vụ, khắc phục tệ nạn tham ô, lãng phí, quản lý theo Điều lệ, nội quy hợp tác xã. Cải tiến kỹ thuật với các nội dung: đủ nước, nhiều phân giống tốt, cày cấy đúng thời vụ, phòng trừ sâu bệnh, cải tiến công cụ, xây dựng các định mức tiêu chuẩn kỹ thuật, thành lập các tổ khoa học kỹ thuật trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hợp tác xã.
Đây là một cuộc vận động lớn, cán bộ được huấn luyện chu đáo, được học tập trong Đảng và ngoài quần chúng, được chỉ đạo chặt chẽ, có sơ kết từng bước, tổng kết toàn đợt.
Lao động tập thể tát nước bằng khau sòng của xã viên HTXNN (Ảnh tư liệu)
Tiếp theo cuộc vận động trên, tháng 4/1963, Hội nghị lấn thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III bàn về kế hoạch phát triển kinh tế 1961-1965 đã quyết định một số biện pháp như dành thêm 5% đất cho chăn nuôi tập thể để phát triển chăn nuôi cân đối với trồng trọt; tăng mức đầu tư cho nông nghiệp lên 21% (so với tổng số đầu tư) nhằm tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, bước đầu đưa cơ giới vào nông nghiệp, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lý cải tiến kỹ thuật.
Trải qua cuộc vận động và chủ trương tăng đầu tư, bình quân hằng năm trong giai đoạn 1961-1965, Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp 651,3 triệu đồng, trong đó cho thủy lợi 326 triệu đồng, tăng 4,9 lần so với năm 1960. Điện phục vụ nông nghiệp năm 1965 so với năm 1960 tăng 9 lần (31 triệu Kw/h), máy kéo tiêu chuẩn tăng 11,5 lần (1.086 chiếc), số trạm máy kéo tăng 3 lần.
Cơ sở vật chất, kỹ thuật hợp tác xã tăng lên đáng kể, tài sản cố định hợp tác xã năm 1965 so với năm 1960 tăng 2,6 lần, tài sản cố định trên lao động tăng 2,17 lần và tài sản cố định trên 1 hecta canh tác tăng 1,9 lần.
Vốn hợp tác xã năm 1964 so với năm 1960 tăng 6,4 lần, vốn cho trồng trọt tăng 2,4 lần, cho chăn nuôi tăng 6,8 lần, cho ngành nghề tăng 3,9 lần. Vốn hợp tác xã tăng chủ yếu là do Nhà nước cho vay dài hạn.
Sự đầu tư nói trên đã không đem lại hiệu quả mong muốn thể hiện ở ba mặt yếu kém cơ bản mà nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương nhận định vẫn chưa được khắc phục
- Hiện tượng tan vỡ hợp tác xã, xã viên xin ra hợp tác xã vẫn diễn ra phổ biến và kéo dài, đặc biệt là tại các huyện miền núi Việt Bắc, huyện Vũ nhai Thái Nguyên tan vỡ trên phạm vi toàn huyện
- Quản lý tài chính vẫn yếu kém, sổ sách vẫn không được quyết toán, tài sản không được kiểm kê, bảo quản đúng mức, tham ô, lãng phí vẫn là một căn bệnh phổ biến (điều tra 420 hợp tác xã tại Thái Bình, Hải Dương, Hà Đông thì có 116 hợp tác xã tham ô 18 tấn thóc, 3.892₫).
- Vốn hợp tác xã tăng lên nhưng đầu tư không đúng hướng, dàn trải, bao cấp nên hiệu quả kinh tế thấp. Năm 1964, xây dựng 4.800 mét vuông chuồng trại, nhưng chỉ đưa vào sử dụng được 24,7%, số trâu bò chết đói, chết rét, chết dịch, chết do làm quá sức tăng lên dẫn đến việc thiếu sức kéo và thiếu phân bón. Cụ thể năm 1959, bón 7,2 tấn phân chuồng ha, năm 1960 còn 5,8 tấn, năm 1963 còn có 5,3 tấn. Năm 1959, một trâu cày 1,62 ha, đến năm 1962 một trâu phải cày trên 2 ha. Đông Xuân năm 1961, trâu bò chết trên 30.000 con. Đồng bằng sông Hồng năm 1961 có 1.000 tổ người cày cuốc thay trâu (Theo Báo cáo Vụ chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp).
Hiện tượng xã viên chiếm dụng vốn hợp tác xã, hợp tác xã vay vốn ngân hàng không trả được, Nhà nước phải xóa nợ.
Tình hình trên dẫn đến sản xuất giảm sút. Giai đoạn 1961- 1965, diện tích gieo trồng tăng thêm 20 vạn ha, nhưng năng suất giảm chỉ còn 17 đến 18 tạ 1 ha, trong khi đó năm 1959 là 22,43 tạ 1 ha. Chi phí sản xuất tăng lên từ 85 đồng trên 1 ha năm 1961 lên 140 đồng trên 1 ha năm 1965. Chi phí lao động tăng gấp rưỡi, chi phí sản xuất so với thu nhập từ 22%, tăng lên 33%. Hiệu quả đồng vốn giảm, giá trị ngày công giảm đi rõ rệt. Mức bình quân lương thực 24 kg/ tháng năm 1961 còn 14 kg/ tháng năm 1965. Rõ ràng là tập trung sức lao động và tư liệu sản xuất của bần nông và trung nông lại, Nhà nước đã dành khoản đầu tư lớn cho hợp tác xã, trải qua 5 năm củng cố chưa tạo ra được một sức sản xuất mới, đời sống nông dân giảm sút.
Vào giai đoạn này, khi cuộc vận động cải tiến quản lý đang ở bước cao trào thì một số hợp tác xã Hải Phòng bắt đầu khoán hộ trong những năm 1962-1963, song xu hướng đó đã lập tức bị ngăn chặn lại.
Thái Trần