Từ đầu năm 1965, Hoa Kỳ mở rộng và tằng cường chiến tranh phá hoại chống phá miền Bắc. Nhân dân miền Bắc bước vào thời kỳ vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Trong bối cảnh đó, các cuộc vận động cải tiến hợp tác xã, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa vẫn tiếp tục với việc ban hành Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao và cuộc vận động dân chủ trong quản lý hợp tác xã nhưng năm 1966-1970
Bước vào thời kỳ 1965-1970, trước tình hình Hoa Kỳ đưa quân trực tiếp xâm lược miền Nam Việt Nam và đẩy mạnh chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 và lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương khóa III quyết định chuyển hướng về tư tưởng, tổ chức, kinh tế, quốc phòng, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cả nước có chiến tranh ác liệt. Mục tiêu "Tất cả để chiến thắng, để giải phóng miền Nam" được đặt lên hàng đầu. Các hợp tác xã miền Bắc đã đưa 2 triệu thanh niên trẻ, khỏe từ 18 đến 25 tuổi vào các lực lượng vũ trang chiến đấu trên các chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. Người ở lại hậu phương miền Bắc thì “tay cày, tay súng”, “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, phục vụ chiến đấu, chống chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ.
Chiến tranh gây cho sản xuất nông nghiệp không ít khó khăn, làm đảo lộn và giảm sút lực lượng lao động, tàn phá cơ sở vật chất kỹ thuật vừa được xây dựng, làm cho phong trào hợp tác hóa nông nghiệp vốn đã mang nhiều mặt yếu kém lại thêm khó khăn mới. Chiến tranh đã kích thích mãnh liệt tinh thần yêu nước truyền thống tốt đẹp vốn có của nông dân nước ta. Ở khía cạnh nào đó, hình thức tổ chức lao động tập trung, chế độ công điểm phân phối bình quân (tối thiểu 13 tối đa 18) các chính sách hậu phương quân đội đã làm yên lòng người ra đi chiến đấu, bảo đảm cuộc sống cho người ở lại.
Hợp tác xã lúc này là chiếc nôi thích hợp nuôi dưỡng phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau vốn có ở các làng xã Việt Nam. Những yếu tố đó đã làm dịu bớt, che mờ đi những khuyết tật của hợp tác xã. Trên thực tế, việc mở rộng quy mô hợp tác xã, chế độ quản lý tập trung và điều hành theo kiểu hành chính quân sự đã có vai trò nhất định trong việc tập trung sức người, sức của để khắc phục hậu quả chiến tranh phá hoại, cải tạo đồng ruộng, làm thủy lợi, đắp bờ vùng bờ thưa. Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giống mới lúa Xuân ngắn ngày bắt đầu đưa vào sản xuất thay cho giống lúa Chiêm dài ngày năng suất thấp, do đó, năng suất lúa các hợp tác xã có tiến bộ hơn, số hợp tác xã đạt mục tiêu 5 tấn thóc 1 ha tăng lên.
Cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ tại xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (Ảnh tư liệu)
Tháng 3/1966, Ban Bí thư ra Thông tri số 176 nhằm khắc phục những mặt yếu và chủ trương tiếp tục cuộc vận động cải tiến quản lý vòng 2 trong tình hình mới với nội dung: hợp tác xã phải bảo đảm nguyên tắc dân chủ, dựa vào quần chúng mà đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấum phục vụ chiến đấu. Về quản lý, phải chú ý xây dựng chế độ 3 khoán: khoán chi phí sản xuất, khoán công điểm, khoán sản lượng. Chế độ ba khoán được coi là biện pháp quản lý bảo đảm cho hợp tác xã trở thành đơn vị quản lý thống nhất, trong đó đội sản xuất là đơn vị nhận khoán, khắc phục việc hoán hộ cho xã viên. Song trong thực tế, khoán cho đội sản xuất, nhưng thực hiện phân phối thống nhất trên phạm vi hợp tác xã. Phần dành để thưởng cho đội sản xuất không đủ kích thích tạo ra động lực, nên xuất hiện phổ biến hiện tượng tiêu cực mới, các đội sản xuất dấu bớt diện tích, để quỹ thóc, quỹ tiền riêng ăn chia ở đội, tạo thêm kẽ hở để đội lợi dụng, việc tham ô diễn ra ngày càng phổ biến hơn.
Trong khi chế độ ba khoán đang mở rộng trên toàn miền Bắc thì tháng 9/1966, ở Vĩnh Phúc, Tỉnh ủy ra nghị quyết về khoán hộ trên phạm vi toàn tỉnh. Khoán hộ ở Vĩnh Phúc cho thấy kết quả sản xuất phát triển, nông dân phấn khởi, một số mặt tiêu cực được khắc phục. Đây là tín hiệu dự báo một hướng đi mới của nông nghiệp, nông thôn, một hình thức hợp tác mới nảy sinh từ đòi hỏi của cuộc sống.
Song Đảng ta đã uốn nắn và đình chỉ hình thức mới này bằng Thông tri số 224 của Ban Bí thư ngày 12/12/1968.
Ở giai đoạn này, qua cải tiến quản lý, áp dụng giống mới, kỹ thuật mới, tình hình các hợp tác xã có tiến bộ một bước.
Năm 1967 đã có 93,7 % số hộ nông dân và0 hợp tác xã, 80% hợp tác xã lên bậc cao, 4.655 hợp tác xã được trang bị cơ khí nhỏ, 2.555 hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn 1 ha 2 vụ.
Nông dân miền Bắc vừa sản xuất, vừa chiến đấu (Ảnh tư liệu)
Mặt khác, do quy mô hợp tác xã ngày càng lớn, cơ chế quản lý tập trung điều hành mang nặng tính hành chính quân sự, nên vẫn phát sinh những mặt yếu kém, đặc biệt là tình trạng độc đoán, mệnh lệnh ,vi phạm nguyên tắc quản lý dân chủ. Do đó, Bộ Chính trị đã xem xét đánh giá tình hình và đề ra hai giải pháp:
Tháng 4/1969, ban hành Điều lệ hợp tác xã bậc cao gồm 10 chương, 33 điều. Ngày 01/05/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời nói đầu Điều lệ tóm tắt và nhấn mạnh: mọi người cần hiểu cho rõ làm cho đúng Điều lệ hợp tác xã.
Ngày 15/3/1970, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 197 phát huy dân chủ tăng cường chế độ làm chủ tập thể của xã viên ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất, phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc.
Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ: “Về kinh tế, phải bảo đảm cho mọi xã viên có đầy đủ quyền hạn trong việc tham gia quản lý kinh tế tập thể, bàn bạc quyết định các vấn đề quan trọng về sản xuất, lao động và phân phối, kiểm tra giám sát việc chấp hành các điều quy định trong Điều lệ hợp tác xã và các nghị quyết Đại hội xã viên”.
Nhìn lại, từ năm 1960 đến năm 1970, trong điều kiện thời bình cũng như thời chiến, Đảng ta luôn quan tâm đến phong trào hợp tác hóa, liên tục tìm biện pháp củng cố, khắc phục yếu kém, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nông dân. Nhưng những mặt yếu kém của hợp tác xã bộc lộ từ đầu và trải qua 10 năm lại càng nặng nề thêm. Các cuộc điều tra ở hợp tác xã lúc bấy giờ cho thấy mức lương thực xã viên năm 1970 giảm xuống còn 16,6 kg một người. Nhà nước phải đưa lương thực và bán trở lại cho nông dân ngày càng tăng. Năm 1965, Nhà nước bán lại cho nông dân 51.595 tấn thóc, năm 1969 bán lại cho nông dân 112.691 tấn thóc. Việc lấn chiếm đất đai, tham ô, lãng phí, mệnh lệnh, mất dân chủ vẫn chưa được khắc phục.
Thái Trần