Tiếp tục củng cố hợp tác xã, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, từ năm 1970 đến năm 1975, Đảng đã lãnh đạo nhân dân miền Bắc tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý gắn với việc xây dựng huyện, đưa nông nghiệp tiên lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa
Sau khi tuyến bố ngừng ném bom miền Bắc từ ngày 31/11/1968, từ ngày 6/4/1972, đế quốc Mỹ tiếp tục cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai với quy mô rộng lớn và ác liệt hơn nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam, hạn chế sức mạnh cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của Quân giải phóng ở miền Nam.
Đáng chú ý, trong giai đoạn này, Hoa Kỳ đã tiến hành chiến dịch Linekaker II, dùng máy bay B.52 ném bom hủy diệt Hà Nội và nhiều thành phố miền Bắc.
Quân và dân Hà Nội, quân và dân miền Bắc đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Paris, lập lại hòa bình, chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.
Trong giai đoạn này, hậu phương miền Bắc, một mặt dốc lòng chi viện sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, một mặt ra sức củng cố phong trào hợp tác hóa đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.
Nghị quyết Trung ương 19 năm 1971, Nghị quyết Trung ương 22 năm 1974 rồi tiếp đến Hội nghị nông nghiệp Thái Bình tháng 8 năm 1974, đã tiếp tục đề ra giải pháp để củng cố hợp tác xã, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Hội nghị nông nghiệp Thái Bình có ý nghĩa như tổng kết nông nghiệp một chặng đường vạch hướng đi mới cho nông nghiệp ở miền Bắc sau Hiệp định Paris.
Tình hình nông nghiệp vào lúc ấy được Đảng ta nhận định "sản xuất phát triển chậm ,có mặt trì trệ và sút kém, không bảo đảm nhu cầu cần thiết của đời sống nhân dân, nguyên liệu cho công nghiệp và nông sản xuất khẩu. Sau hơn 10 năm làm ăn tập thể, số hợp tác xã yếu kém còn nhiều, trình độ sản xuất nông nghiệp còn ở tính cách tự cấp tự túc" (Nghị quyết Trung ương 19 khóa III).
Trong khó khăn chung của nền kinh tế đất nước lúc bấy giờ, tình hình nông nghiệp, nông thôn nổi lên những vấn đề chủ yếu sau:
Hàng triệu lao động trai trẻ ra chiến trường nhưng nông thôn vẫn dư thừa lao động lớn, dân số tăng nhanh, bình quân nửa triệu người một năm.
Ruộng đất sau 10 năm xây dựng hợp tác xã mất đi trên vài chục vạn hecta do lấn chiếm, do chiến tranh, do quản lý sử dụng lãng phí và kém hiệu quả.
Năng suất lúa tuy có tăng do áp dụng giống mới, song tổng sản lượng lương thực không tăng, vấn đề cái ăn vẫn chưa được giải quyết căn bản, nông dân mỗi năm bán cho Nhà nước một khối lượng lương thực khá lớn, nhưng Nhà nước lại phải cung cấp trở lại một phần cho nông dân mỗi khi đến mùa giáp hạt.
Về tổ chức sản xuất và lao động nông nghiệp có những mặt không hợp lý, có nhiều tiêu cực.
Hội nghị đã đánh giá, phân tích những đặc điểm của con đường tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, những tiềm năng to lớn của nông nghiệp nước ta, phân tích kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến, phê phán những mặt yếu kém tiêu cực trong công tác quản lý hợp tác xã, đã rút ra kết luận củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất mới bao gồm chế độ sở hữu tập thể chế độ quản lý đúng đắn chế độ phân phối hợp lý. Phải dùng ưu thế của quan hệ sản xuất mới để tổ chức lại sản xuất và lao động đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa
Đảng ta đã phân tích hợp tác hóa và công nghiệp hóa là tất yếu khách quan trong chặng đường đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong bối cảnh quốc tế mới và thành tựu đạt được của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, phải đưa nông dân và nông nghiệp đi ngay và chủ nghĩa xã hội chứ không chờ công nghiệp phát triển.
"chúng ta không thể bỏ lỡ mất thời cơ thuận lợi lịch sử ấy và nắm lấy tiến hành ngay hợp tác hóa nông nghiệp và dùng chính quyền công nông với chế độ hợp tác làm đầu tàu đi trước thúc đẩy mọi sự cải biến cách mạng khác trong nông nghiệp thúc đẩy sản xuất lớn và công nghiệp lớn ra đời" (Kết luận của đồng chí Lê Duẩn tại hội nghị nông nghiệp Thái Bình).
Cánh đồng 8 tấn thắng Mỹ (Ảnh tư liệu)
Đảng ta thừa nhận nền nông nghiệp tập thể hóa đã tiến hành trên một thập kỷ, song mang nặng tính chất phường hội phân tán, chứa chấp nhiều hiện tượng tiêu cực như đất đai bị lấn chiếm, quản lý hợp tác xã kém hiệu quả, tham ô, lãng phí, mất dân chủ diễn ra nhiều nơi, đặc biệt là đời sống nông dân sa sút, tiêu cực xã hội tại nông thôn phát sinh, phát triển.
Nội dung về nền sản xuất lớn mà Đảng ta nêu ra là một nền sản xuất mà quy mô phát triển phân công vượt ra khỏi từng vùng từng địa phương xóa bỏ tính chất tự túc tự cấp hẹp hòi. Cả nước là một công xưởng khổng lồ. Mỗi lao động là một tế bào, mỗi đơn vị kinh tế là một khâu trong hệ thống sản xuất xã hội. Mỗi người lao động lo cho toàn xã hội, cả xã hội lo cho từng người, từng gia đình.
Nhằm thực hiện tư tưởng nói trên, Đảng ta quyết định tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý nông nghiệp ở cơ sở gắn với tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý trên phạm vi huyện.
Huyện được xác định là địa bàn chiến lược là cấp kế hoạch và lập phương án kinh tế kỹ thuật, là cấp cân đối, cấp tổ chức sản xuất và phân công lao động là cứ điểm tiến hành 3 cuộc cách mạng trong nông thôn.
Ở cấp hợp tác xã, xóa bỏ sự khép kín ở đội sản xuất, bảo đảm sự thống nhất quản lý thống nhất phân phối trên quy mô hợp tác xã, mở rộng quy mô hợp tác xã, hình thành kiểu phân công chuyên môn hóa và hợp tác mới dưới sự điều hành của chủ nhiệm. Như vậy, sản xuất nông nghiệp đã được thực hiện kiểu phân công hiệp tác của sản xuất công nghiệp thời kỳ công trường thủ công tiền tư bản.
Sau khi làm thử xây dựng cấp huyện ở một số huyện điểm Đông Hưng (Thái Bình) Quỳnh Lưu (Nghệ Tĩnh), Thọ Xuân (Thanh Hóa), Tân Lạc (Hòa Bình), Nam Ninh (Hà Nam Ninh), Đảng đã rút ra được nội dung, bước đi, cách làm.
Cuối năm 1974, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 208 CT/TW mở rộng diện thực hiện trên toàn miền Bắc. Bộ chính trị ra Nghị quyết số 33 về xây dựng huyện, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 61- CP để cụ thể hóa chủ trương tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại hợp tác xã, quy hoạch lại sản xuất, hợp nhất hợp tác xã quy mô lớn trên địa bàn xã, tiến hành cải tiến quản lý xây dựng hợp tác xã thành đơn vị kinh tế quản lý và phân phối thống nhất.
Chủ trương tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý hợp tác xã nhằm phá vỡ sự khép kín ở từng đội sản xuất đưa quy mô điều hành quản lý trên địa bàn huyện và phân phối trên quy mô lớn (xã, liên xã)
Chủ trương ra đời được một số huyện đón nhận rất tích cực coi như một cuộc cách mạng sôi nổi trong nông thôn. Khẩu hiệu “Cả huyện vì một xã, mỗi xã vì cả huyện” ở một số nơi đã tạo ra những công trường thủ công làm thủy lợi, khai hoang vùng kinh tế mới, xây dựng nhà hát, trường học, bệnh viện, di dời dân cư ,di dời làng mạc. Ở một số nơi có sự viện trợ vốn của Nhà nước đã có kinh phí trợ cấp cho người già các cháu học sinh mặc đồng phục, bữa ăn trưa cho học sinh mẫu giáo, nhà trẻ.
Nông dân miền Bắc vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu (Ảnh tư liệu)
Khí thế đó nằm trong hào khí cách mạng sôi nổi của toàn Đảng toàn dân và toàn quân ta vào đầu Xuân năm 1975 đã tạo thêm điều kiện đẩy tới cuộc vận động tổ chức sản xuất trên miền Bắc ngày càng mở rộng.
Cuộc vận động tổ chức lại sản xuất với mong muốn tạo ra một kiểu tổ chức sản xuất quy mô lớn chuyên môn hóa và hiệp tác hóa. Xóa bỏ tính chất manh mún, tự cấp, tự túc của kinh tế tiểu nông, tạo ra tiền đề kinh tế đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa được triển khai rộng lớn trên toàn bộ miền Bắc với mấy nội dung chủ yếu: quy vùng quy hoạch lại sản; xây dựng các vùng chuyên canh theo cây, con; xây dựng kế hoạch hợp tác xã theo quy hoạch và kế hoạch Nhà nước; hợp nhất đội sản xuất lên quy mô thôn, hợp tác xã lên quy mô xã, liên xã; xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của hợp tác xã, của các cụm kinh tế kỹ thuật trên địa bàn huyện.
Về tổ chức sản xuất, chia sản xuất nông nghiệp ra nhiều công đoạn, lập đội sản xuất cơ bản với mấy nhiệm vụ cấy chăm sóc, thu hoạch, đội chuyên khâu, đội làm đất, đội phân bón, đội thủy lợi, đội trừ sâu, đội khoa học kỹ thuật, đội ngành nghề. Một số nơi còn vận dụng lý thuyết điều khiển học vào điều hành trong các hợp tác xã nông nghiệp. Những chủ trương nêu trên về thực chất là tách rời người nông dân với đối tượng lao động, tách người lao động với sản phẩm cuối cùng. Kinh tế hợp tác xã là tổ chức tự nguyện tự chủ tự quản của nông dân đã bị Nhà nước hóa cao độ.
Trải qua một giai đoạn tiến hành tổ chức lại sản xuất và xây dựng cấp huyện, thực trạng kinh tế hợp tác xã miền Bắc lúc bấy giờ vẫn nổi lên những mặt đáng chú ý sau:
Hợp tác xã quy mô lớn không ngừng tăng lên, bình quân hợp tác xã có 378 hộ, 602 lao động, 202 ha canh tác. Toàn miền Bắc có 4.154 hợp tác xã toàn xã, 835 hợp tác xã quy mô 500 hecta, 159 hợp tác xã quy mô 700 ha. Một số nơi, quy mô liên xã quản lý trên 1.000 hecta, trên 2.000 lao động. Thực tiễn cho thấy rằng: quy mô hợp tác xã càng lớn, các mặt yếu kém càng bộc lộ rõ, hiệu quả kinh tế càng sút kém.
Chi phí sản xuất tăng vọt, thời kỳ 1971- 1975, thu nhập bình quân của hợp tác xã tăng 23,7%, chi phí sản xuất tăng 75%. Chi phí các trại chăn nuôi tập thể vượt tổng thu 9,97%. Xét từ góc độ kinh tế, đây là hiện tượng làm ăn thua lỗ.
Tài sản cố định sử dụng kém hiệu quả. Điều tra ở 967 hợp tác xã có 18% máy phát lực không sử dụng, 26,68% máy cày kéo ứ đọng, các máy động lực chỉ hoạt động 91 ngày trong một năm.
Nhà nước đầu tư nhiều cho cơ giới hóa, thủy lợi hóa, song vẫn gặp nhiều khó khăn và kém hiệu quả.
Việc tham ô, lãng phí diễn ra phổ biến và đến mức nghiêm trọng báo động trên diện rộng.
Mức bình quân lương thực xã viên không ngừng giảm. Giá trị ngày công năm 1975 còn 0,5₫ trên một công. Nhiều hợp tác xã phải trích quỹ để chia ngày công. Nhà nước phải đưa lương thực về bán trở lại cho nông dân. Năm 1974, nhà nước bán lại cho nông dân 74.328 tấn thóc, con số đó năm 1975 tăng lên 149.690 tấn thóc.
Giá cả nông sản thực phẩm do hà nước quy định, các hợp tác xã thống nhất thực hiện chế độ kinh tế hiện vật bình quân bao cấp.
Thực trạng trên nói lên chủ trương tổ chức lại sản xuất và quản lý tập trung mà Đảng ta đã đề ra tại hội nghị Thái Bình là kém hiệu quả. Hình thức tổ chức sản xuất và quản lý đó không phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp, với tâm lý, nguyện vọng nông dân. Nông dân không quan tâm đến công việc hợp tác xã, đến tài sản chung, không gắn bó với tư liệu sản xuất nói chung và ruộng đất nói riêng, lao động không gắn với sản phẩm cuối cùng.
Tình hình trên không được tổng kết, rút kinh nghiệm, đã đem áp dụng máy móc vào miền Nam sau ngày giải phóng.
Thái Trần