Hôm nay 2/9, kỷ niệm 78 năm ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời khắc thiêng liêng này, chúng ta lại nghe văng vẳng bên tai lời Tuyên ngôn độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.
1. Thuở nô lệ dân ta mất nước
Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm
Một đời đau suốt trăm năm
Chim treo trên lửa cá nằm dưới dao!
Đó là tình cảnh của dân tộc Việt Nam khi bị thực dân Pháp xâm lược mà nhà thơ Tố Hữu đã khái quát trong bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng.
Trong lịch sử dân tộc Việt, “Đất nước tuy bao lần hưng vong/ Giang sơn tuy bao lần đổi chủ” (Hoài Thanh, Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam), nhưng có lẽ nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là một giai đoạn thực sự đen tối của lịch sử Việt Nam.
Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và sau ngày 9/3/1945 lại thêm “một cổ hai tròng” Pháp Nhật, tình cảnh của dân tộc Việt Nam “đen tối như không có đường ra”. Trong bối cảnh ấy, tất cả các phong trào yêu nước nổ ra nhưng cuối cùng đều thất bại.
Không phải cha ông chúng ta không có lòng yêu nước thiết tha, cháy bỏng, không phải cha ông chúng ta không anh dũng mà chỉ bởi vũ khí của nhà nho đã không thắng nổi vũ khí của quân thù. Khi ấy, các dân tộc xung quanh đã tiến những bước tiến hoà nhịp vào dòng chảy chung văn minh nhân loại thì Việt Nam vẫn còn trong trạng thái “tự sướng” khi “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
Sự hy sinh can trường, lẫm liệt nhưng thất bại của liệt sĩ Nguyễn Thái Học cùng các nhà yêu nước năm 1930 như là “tiếng thét tuyệt vọng cuối cùng” của các phong trào yêu nước theo đường hướng khác nhau và cũng như tiếng thét thức tỉnh dân tộc Việt Nam. Trọng trách giành độc lập dân tộc đã được trao vào tay một tổ chức mới ra đời: Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 (Ảnh tư liệu)
2. Nhà cách mạng lão thành Nguyễn Văn Nguyễn, nguyên Ủy viên Xứ ủy Nam bộ đã cảm tác về ngày ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong bài viết Tháng Tám trời mạnh thu: “Tác phẩm càng vĩ đại thì đau khổ, hy sinh càng nhiều. Sanh một con người phải chín tháng mang nặng, một cuộc đẻ đau và ba năm bú mớm. Làm một cuộc cách mạng phải mấy thế hệ mang nặng, mấy cuộc đẻ đau và mấy mươi năm nuôi dưỡng”.
Để có cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, để có một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời ngày 2/9/1945, biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước đã ngã xuống. Những địa ngục trần gian Côn Đảo, Sơn La, Hoả Lò v.v…mãi đó với thời gian là chứng tích nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về một giai đoạn đau thương của đất nước.
Chỉ riêng năm 1941, sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) thất bại, thực dân Pháp đã xử bắn gần hết ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương khi ấy. Cả 4 Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam là Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Cừ đều bị thực dân Pháp bắt, giam cầm, giết hại.
Thế nhưng, “Ngang qua họ, từ lâu và từ lâu, Cách mạng Tháng Tám được nghiền ngẫm, tưởng tượng, mơ mộng, ao ước, hy vọng trong nhà tù, trong trại giam, trong rừng thẳm, trong hang núi. Chết khô, chết đói, chết lạnh, chết súng, chết gươm. Cuộc đời tràn ngập nơi họ nhiều quá nên họ khinh cái chết. Họ phải khinh vào cái chết và đời sống của họ là kỷ luật. Kẻ thù săn bắt, tra tấn, tù đày, giết mòn, giết tại trận. Giết họ thì được nhưng không thể giết được kỷ luật của Đảng họ. Kỷ luật của Đảng Nguyễn Ái Quốc đã thắng tất cả. Họ ở trong trái tim của một anh hùng mãi mãi, vô địch trong thời gian và không gian. Ấy là nhân dân” (Nguyễn Văn Nguyễn – Tháng Tám trời mạnh thu).
Lịch sử đã đặt dân tộc ta nhiều thử thách ngặt nghèo, vừa trải qua 30 năm kháng chiến giành độc dân tộc và thống nhất Tổ quốc lại phải đương đầu với sự phá hoại và xâm lấn ở cả hai đầu đất nước. Đại hội VI của Đảng đã quyết định đổi mới đất nước song vẫn là quá trình chúng ta vừa đi vừa dò đường trong bối cảnh vẫn bị bao vây cấm vận và vẫn còn chiến tranh với Trung Quốc. Việt Nam chỉ chính thức bước vào thời kỳ ổn định và phát triển có lẽ phải tính từ năm 1991, khi Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, nhưng có lẽ mốc chính xác hơn cả là từ năm 1995, khi Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ.
Thành phố Hồ Chí Minh hòa nhịp với sự phát triển của thời đại
3. Gần 80 năm kể từ 2/9/1945, đất nước và dân tộc Việt Nam đã tiến những bước tiến dài với những thành quả vĩ đại. Đảng Cộng sản Việt Nam với chỉ chưa đầy 5.000 đảng viên năm 1945 đến nay đã có gần 5,5 triệu đảng viên. Các Tổng Bí thư của Đảng trước năm 1945 bị truy lùng, sát hại thì nay đã được nhiều quốc gia trên thế giới tiếp đón trọng thị.
Năm 2015, nước Mỹ đã đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng với nghi thức cấp chính thức dành đón nguyên thủ quốc gia. Ngày 10, 11/9 này, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Năm 2022, dù phải chịu những ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19 trong 2 năm trước đó, song Việt Nam đã chính thức vươn lên trở thành nền kinh tế với quy mô đứng thứ 37 trên thế giới. Uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 17 nước…
Những thành tựu mà đất nước đạt được trong gần 80 năm qua là vô cùng lớn, song với những người luôn đau đáu với vận mệnh đất nước và số phận dân tộc chắc hẳn vẫn còn nhiều suy tư, trăn trở mong muốn dân tộc tôi, đất nước tôi không phải chỉ thế này, dân tộc tôi, đất nước tôi phải hơn như thế.
Còn nhớ, trước đây chúng ta đã từng đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp nhưng rồi mục tiêu này đã chưa đạt được. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt là 2045, khi kỷ niệm 100 năm ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển với thu nhập cao.
Để đạt được mục tiêu to lớn này, rất cần tinh thần đoàn kết của toàn dân, tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ chiến lược.
Năm 1945, chỉ với chưa đầy 5.000 đảng viên, những lớp cha anh của chúng ta đã làm nên cuộc cách mạng vĩ đại, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày nay, khi chúng ta có một nhà nước thống nhất, có một chính đảng với số lượng đông gấp hơn 1 nghìn lần năm 1945 với những điều kiện thuận lợi lại không hoàn thành mục tiêu cao đẹp sau 100 năm.
Chỉ hơn 1 năm sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, năm 1946, Quốc hội khoá I đã ban hành bản Hiến pháp đầu tiên với lời nói đầu khẳng định: “Nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại”. Khó khăn, thách thức chắc hẳn vẫn không ít, song thời cơ và thuận lợi đang chào đón dân tộc chúng ta.
Kỷ niệm ngày 2/9, nhớ nghĩ về công lao của các lớp cha anh, hãy khéo léo nắm bắt vận hội, tận dụng thời cơ đưa đất nước và dân tộc chúng ta đi tới. Trên con đường đi tới vinh quang, hạnh phúc của đất nước và dân tộc, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục đi chung dòng chảy văn minh của nhân loại, đó là con đường của những giá trị phổ quát mà nhân loại đã và đang hướng tới.
Trung Kiên