Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã sớm tến hành cuộc chiến bí mật chống phá miền Bắc, sử dụng lực lượng gián điệp, biệt kích phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam
Triển khai xây dựng lực lượng cho cuộc chiến bí mật từ khá sớm
Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, Hoa Kỳ cử trùm tình báo E.Lansdale sang Việt Nam giúp Ngô Đình Diệm củng cố vị thế của mình. Sau khi thực hiên cuộc trưng cầu dân ý phế truất Bảo Đại và thành lập Việt Nam Cộng hòa, Ngô Đình Diệm tiếp tục thanh trừng các giáo phái và lực lượng đối lập, củng cố quyền thống trị tại miền Nam Việt Nam.
Đầu năm 1956, Hoa Kỳ đã đưa những lính thuộc lực lượng đặc biệt đến miền Nam Việt Nam nhằm giúp chính quyền Sài Gòn xây dựng lực lượng đặc biệt theo mô hình của Mỹ.
Liên đội quan sát số 1 thuộc Sở liên lạc do Lê Quang Tung phụ trách được thành lập, có một trong số các nhiệm vụ là tung những ra miền Bắc hoạt động phá hoại. Cuối năm 1956, 65 sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa được đưa đi đào tạo tại Hoa kỳ, sau đó vê Nha Trang làm hạt nhân xây dựng lực lượng đặc biệt.
Cuối 1957, Liên đội quan sát số 1 trực thuộc Sở Khai thác địa hình do Đại tá Lê Quang Tung phụ trách. Phòng E, còn gọi là Phòng 45 nằm trong cơ cấu tổ chức của Sở khai thác địa hình, chịu trách nhiệm về những hoạt động biệt kích tại miền Bắc Việt Nam.
Cuối năm 1958, 12 quân nhân quân lực Việt Nam Cộng hòa do Ngô Thế Linh làm đội trưởng được cử đến đảo Saipan, thuộc quần đảo Mariana của Hoa Kỳ, để huấn luyện nghiệp vụ biệt kích. Ngô Thế Linh sau đó được cử phụ trách Phòng 45.
Tháng 2/1959, thêm 5 sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa đi Saipan huấn luyện, đồng thời, CIA cử nhân viên đến Sài Gòn huấn luyện các binh sĩ người Việt Nam được chọn trong số những người dân tộc thiểu số miền Bắc di cư vào miền Nam. Các khóa huấn luyện kéo dài 12 tuần. Phòng 45 cũng tiến hành xây dựng kế hoạch 5 năm xâm nhập và phá hoại miền Bắc.
Tháng 11/1960, Phòng 45 đổi tên là Liên đoàn 77. Liên đoàn 77 có nhiệm vụ xâm nhập miền Bắc, thực hiện các hoạt động nắm tình hình và phá hoại kết cấu hạ tầng.
CIA giúp Việt Nam Cộng hòa thành lập các trung tâm huấn luyện lực lượng đặc biệt tại Long Thành (Biên Hòa), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Phú Bài (Huế) và Long Chẹng (Lào).
Tiến hành cuộc chiến bí mật ở miền Bắc cùng với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt" tại miền Nam
Từ năm 1961, cùng với việc tiến hành các chiến lược chiến tranh xâm lược tại miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân, trong đó sử dụng lực lượng biệt kích với âm mưu phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cách mạng miền Nam
Sử dụng lực lượng biệt kích phá hoại miền Bắc được Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tính đến, nhằm móc nối với các phần tử phản động ở địa phương, đánh vào tiềm lực kinh tế, kết cấu hạ tầng của miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cách mạng miền Nam ngay tại nơi nó xuất phát.
Tháng 1/1961, Lansdale trình bày trước Chính phủ Hoa Kỳ một bản Kế hoạch, trong đó nêu vấn đề, việc chống lại hoạt động của Việt cộng tại miền Nam Việt Nam sẽ đơn giản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều nếu Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa có thể làm giảm đi sự chi viện từ miền Bắc. Do đó, vấn đề tung biệt kích ra phá hoại miền Bắc cần thiết được đặt ra. Đây là một giải pháp đồng bộ với việc xây dựng và củng cố tiềm lực kinh tế, quân sự của Việt Nam Cộng hòa.
Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã sớm xây dựng lực lượng biệt kích, biên chế trong quân lực Việt Nam Cộng hòa hoặc trực tiếp do các cơ quan tình báo, quốc phòng Hoa Kỳ như CIA, Lầu Năm Góc phụ trách.
Sau khi J. Kennedy lên làm Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc gia tăng đội ngũ cố vấn tại miền Nam Việt Nam, việc xây dựng lực lượng biệt kích thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa được đẩy mạnh hơn và lực lượng biệt kích bắt đầu tiến hành các hoạt động xâm nhập và phá hoại miền Bắc.
Tháng 1/1961, J. Kennedy tuyên bố trước Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ: “Cần phải có những hoạt động du kích tại miền Bắc, để cho miền Bắc nếm trải lại những gì họ đang tiến hành đối với chúng ta ở miền Nam”. “Việc vô hiệu hóa và đánh bại thách thức của Việt cộng ở miền Nam Việt Nam, một nhiệm vụ sẽ đơn giản hơn nhiều nếu sự giúp đỡ của miền Bắc Việt Nam bị loại trừ”. “Muốn có du kích hoạt động ở miền Bắc, hãy cho miền Bắc nếm thử những gì họ đang làm với chúng ta ở miền Nam và ngay lập tức”.
Một đơn vị biệt kích, gồm cả cố vấn Mỹ và binh sĩ Việt Nam Cộng hòa (Ảnh tư liệu)
Điều khoản số 52 của Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ cho phép cơ quan CIA sử dụng lực lượng biệt kích Mũ nồi xanh (Special Forces) và lực lượng Người nhái Hải quân (Navy Seals) để huấn luyện lực lượng đặc biệt của quân lực Việt Nam Cộng hòa tiến hành những nhiệm vụ bí mật ra miền Bắc Việt Nam.
Liên đoàn quan sát số 1 Việt Nam Cộng hòa được huấn luyện tại Nha Trang trong những năm 1961-1962. Lúc đầu, lực lượng này chưa thực hiện việc xâm nhập miền Bắc mà thực hiện nhiệm vụ do thám, truy tìm dấu vết đường mòn Hồ Chí Minh trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam và Lào.
Không quân cũng giữ vai trò quan trọng của cuộc chiến tranh bằng gián điệp, biệt kích chống phá miền Bắc. Nhiều chuyến bay bí mật vào ban đêm, tung lực lượng biệt kích ra miền Bắc và tiếp đó là các chuyến bay tiếp tế lương thực, vũ khí cho lực lượng này hoạt động. Chỉ tính riêng từ năm 1961 đến năm 1967, Cục tình báo Trung ương Mỹ, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tung 52 toán gián điệp, biệt kích xâm nhập miền Bắc, trong đó có 49 toán nhảy dù hoặc được trực thăng chuyên chở tới nhiều địa phương trên miền Bắc[1].
Các biệt kích thường mang theo trang bị cá nhân khá nặng nề. Súng ống thường là loại tiểu liên Swedish K của Thụy Điển, Sten của Anh hay Uzi của Israel với 3 cơ số đạn. Đồng thời, mỗi biệt kích phải mang theo khoảng 20 vật dụng cá nhân các loại như bi đông nước, la bàn, bản đồ khu vực, lựu đạn, lương thực thực phẩm cho ít nhất 3 ngày cùng cà mèn đựng thức ăn, đèn pin, dao găm, túi cứu thương cá nhân, pháo hiệu, đồng hồ đeo tay, radio…tất cả các dụng cụ này được mua ở nước thứ ba, không có thứ gì mang nhãn hiệu Hoa Kỳ hay Việt Nam Cộng hòa. Ngoài ra, mỗi toán mang theo máy truyền tin, lương thực, thực phẩm, đồ cứu thương, vũ khí phá hoại mục tiêu… được đóng thành kiện thả dù theo máy bay.
Sau phi vụ xâm nhập không thành công của toán biệt kích ATLAS, phi vụ thành công đầu tiên là tung toán biệt kích CASTOR gồm 4 thành viên xuống Sơn La ngày 27/5/1961 bằng máy bay C47, xuất phát từ Đà Nẵng. Chuyến bay này do chính Thiếu tá không quân Nguyễn Cao Kỳ, người sau này trở thành Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, cầm lái.
Phi vụ lớn cuối cùng chính là sử dụng lực lượng biệt kích Hoa Kỳ tập kích vào Sơn Tây vào cuối tháng 11/1970, nhằm giải cứu phi công Mỹ đang bị giam giữ tại đây. Tuy nhiên, chiến dịch này cuối cùng đã thất bại và từ năm 1971 trở đi, cuộc chiến tranh bằng biệt kích chống phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa về cơ bản đã chấm dứt.
[1] Sedgwick Tourison: Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 546.