Xây dựng lực lương, tổ chức huấn luyện
Lực lượng biệt kích được xây dựng, tuyển chọn trong người dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo (chủ yếu là Công giáo), các phần tử tề ngụy cũ, bộ đội từng tham gia chiến đấu tại miền Nam nhưng đã chiêu hồi. Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa ước tính trong số khoảng 800.000 người miền Bắc di cư vào Nam sau năm 1954 có thể tuyển chọn và huấn luyện vài nghìn người phục vụ nhiệm vụ bí mật, đặc biệt.
Người được lựa chọn có độ tuổi từ 18 đến 35. CIA không lựa chọn 1 cách ồ ạt mà nắm lý lịch quân đội Việt Nam Cộng hòa, từ đó theo dõi, tuyển chọn vào lực lượng biệt kích những thành phần có sức khỏe, có năng khiếu, am hiểu địa lý và phong tục tập quán miền Bắc, có khả năng thuyết phục quần chúng và đặc biệt là có tinh thần chống cộng.
Toán DAUPHINE gồm 5 thành viên, được thả xuống Lào Cai đầu năm 1963. Chỉ huy toán này cho biết: Toán được thành lập vào năm 1962, tất cả đều là người dân tộc Tày ở khu vực Lào Cai và toán trưởng ở huyện Văn Bàn. Sau khi huấn luyện, toán được đưa đến Thái Lan và được phi hành đoàn Đài Loan chở vào miền Bắc Việt Nam tìm nơi đổ bộ. Các chuyến bay được thực hiện vào đêm trăng sáng ở tầm thấp để quan sát địa hình nhảy dù. Toán DAUPHINE có nhiệm vụ bắt liên lạc với những người dân tộc Tày và xây dựng một căn cứ hoạt động tại Lào Cai, với nhiệm vụ phá hoại tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Cai. Trong toán có cả thành viên là đảng viên của Đảng “Gươm thiêng ái quốc”. Biệt kích khi đến địa điểm nhảy dù từ độ cao khoảng 300 m.
Được Hoa Kỳ đầu tư kinh phí và cố vấn huấn luyện, chỉ riêng Trung tâm huấn luyện biệt kích Long Thành (Tỉnh Long Khánh), được thành lập tháng 4/1963, từ năm 1964 đến năm 1968 đã huấn luyện 52 toán biệt kích với tổng số 679 thành viên[1]. Các biệt kích được huấn luyện bởi nhân viên CIA và từ đầu năm 1964 chuyển sang cơ quan MACSOG, trực thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Một toán biệt kích Việt Nam Cộng hòa tại căn cứ huấn luyện (Ảnh tư liệu)
Các biệt kích được huấn luyện về nghiệp vụ tình báo, kỹ thuật sử dụng chất nổ, kỹ năng nhảy dù, sử dụng điện đài, la bàn, kỹ năng tồn tại trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Tóm lại, mỗi biệt kích đào tạo và huấn luyện để có thể xâm nhập, tồn tại, hoạt động lâu dài trên miền Bắc Việt Nam.
Phi công Đài Loan giúp đưa các biệt kích Việt Nam Cộng hòa vào vùng trời miền Bắc. Ngoài ra, từ tháng 6/1962, cố vấn Đài Loan còn trực tiếp huấn luyện một toán cảm tử quân người nhái (biệt kích biển, biệt hải) có tên gọi là VULCAN. Toán này có nhiệm vụ bí mật xâm nhập, đặt mìn phá tàu quân sự trong các hải cảng tại miền Bắc.
Từ đầu năm 1964 trở đi, cuộc chiến bí mật chống phá miền Bắc được chuyển từ CIA sang quân đội Hoa Kỳ phụ trách, trực tiếp là Bộ Tư lênh Quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam (MACV). MACV thành lập một bộ phận gọi là Liên đoàn Hành quân đặc biệt (Special Operation Group), gọi tắt là SOG. Sau đó, bộ phận này đổi tên là Liên đoàn quan sát và nghiên cứu (Study and Observation Group), vẫn gọi tắt là SOG, nhưng cái tên nghe đã dân sự hóa hơn. Mặc dù trên danh nghĩa là một bộ phận của MACV, SOG không hoàn toàn trực thuộc MACV, chỉ phải báo cáo công việc với một số cá nhân của MACV, còn trên thực tế, SOG chịu sự chỉ huy trực tiếp từ Bộ Tổng Tham mưu quân đội Hoa Kỳ tại Lầu Năm Góc.
Sau khi chuyển sang tay SOG, từ đầu năm 1964, các khóa huấn luyện biệt kích mới được thực hiện với chương trình huấn luyện lên đến 21 tuần. Tên gọi lực lượng này cũng được thay đổi, thường gọi là lực lượng biệt kích Lôi Hổ, một lực lượng thiện chiến trong quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Từ năm 1964 đến năm 1970, Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho hoạt động của MACVSOG 103.536.950 USD[2]. Số tiền này bao gồm chi phí mua và hỗ trợ hoạt động của máy bay, tàu xuồng, chi phí mua vũ khí, trang bị và hàng hóa tiếp viện cho các toán biệt kích xâm nhập miền Bắc.
Mục đích và phương thức xâm nhập miền Bắc
Mục đích tung biệt kích ra miền Bắc: điều tra tin tức, cung cấp cho mục đích đánh phá của máy bay, phá hoại cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt là quân sự, bắt cóc cán bộ, nhân dân đưa về Nam vĩ tuyến 17 để khai thác, gây dựng móc nối cơ sở phản cách mạng để tiến hành bạo loạn, gây mất ổn định miền Bắc, phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngăn chặn sự chi viện tiền tuyến lớn miền Nam, giải cứu phi công Mỹ bị bắn rơi, giải cứu phi công Mỹ đang bị giam giữ tại miền Bắc.
Phương thức tung biệt kích ra miền Bắc: bằng đường bộ, đường không và đường biển, trong đó chủ yếu là đường không. Đầu tiên, đường biển được lựa chọn với việc các toán biệt kích xâm nhập bờ biển, tiến hành hoạt động phá hoại rồi nhanh chóng rút lui ra biển, trở về Nam vĩ tuyến 17. Tuy nhiên, sau một vài phi vụ, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam cũng như các lực lượng bảo vệ bờ biển tăng cường cảnh giác, nên Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa chuyển sang phương thức sử dung máy bay thả dù và trực thăng đổ bộ những toán biệt kích vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Một toán biệt kích đang đổ bộ xuống miền Bắc (Ảnh tư liệu)
Thống kê cho thấy có đến 90 % các toán biệt kích được đổ bộ từ trực thăng và nhảy dù. Các máy bay nhiều khi được lái bởi phi công Đài Loan nhiều kinh nghiệm và cất cánh tại Thái Lan, Philippines. Dần dần sau này, khi các phi công của quân lực Việt Nam Cộng hòa được đào tạo, công việc này mới do phi công Nam Việt Nam thực hiện.
Tháng 8/1962, sau khi Tổng thống Mỹ J. Kennedy chủ trương tăng cường chống phá miền Bắc, văn phòng CIA ở Sài Gòn xây dựng một kế hoạch đầy tham vọng với tuyên bố “buộc chính quyền miền Bắc phải tập trung giải quyết các vấn đề nội tại và tập trung phá hoại các nỗ lực của miền Bắc trong việc mở rộng phạm vi hoạt động vào chiến trường miền Nam và Lào”. Các hoạt động được đề xuất bao gồm: phá hủy các cần cẩu, hệ thống kho chứa hàng và tàu hàng tại cảng Hải Phòng, đánh sập các cây cầu huyết mạch ở Vinh và Thanh Hóa, điều động khoảng 100 biệt kích để phá hoại các trạm điện ở Mũi Độc (Quảng Bình), Vĩnh Sơn (Thanh Hóa). Sử dụng thuyền cao tốc để đưa các nhóm biệt kích khác tiến hành đột kích quy mô lớn và tiến công các công trình cầu, phà, bến cảng, tiền đồn quân sự dọc theo tuyến đường số 1 ven biển từ Khu phi quân sự đến Thanh Hóa. Cử các đội biệt kích phá hoại tuyến đường sắt Trung -Việt, các tuyến đường từ Việt Nam sang Lào, kích động đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc nổi dậy chống chính quyền, xây dựng lực lượng thổ phỉ, đồng thời, tiến hành cuộc chiến tranh tâm lý bằng việc rải truyền đơn và tăng cường phát thanh ra miền Bắc[3].
Văn phòng CIA tại Sài Gòn đã lên danh sách 800 mục tiêu phá hoại tại miền Bắc, trong đó có những mục tiêu ưu tiên.
Theo tính toán của những nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa, cuộc chiến tranh bí mật bằng biệt kích sẽ làm giảm tương đối sức mạnh của miền Bắc, vì miền Bắc sẽ phải tập trung một phần lực lượng để đối phó tại chỗ thay vì tập trung sức người, sức của chi viện cách mạng miền Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mc Namara ra lệnh tăng cường thả các toán biệt kích ra miền Bắc thực hiện nhiệm vụ phá hoại, để trả đũa việc lực lượng vũ trang miền Bắc được đưa vào miền Nam ngày càng nhiều. Mc Namara đe dọa: “Giới lãnh đạo miền Bắc nên biết rằng họ sẽ phải trả giá đắt, nếu còn tiếp tục nuôi dưỡng, cho quân xâm nhập vào miền Nam”[4].
Bình Nguyễn (Tiếp theo kỳ trước)