Tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh bí mật
Bước vào năm 1965, các hoạt động chống phá miền Bắc bằng lực lượng biệt kích vẫn tiếp tục được Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tiến hành. Tuy nhiên, do cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân chống phá miền Bắc ngày càng leo thang, hoạt động chống phá bằng biệt kích cũng có những thay đổi.
Về lực lượng, lúc này, về cơ bản các toán biệt kích do CIA xây dựng và huấn luyện đã được tung hết ra miền Bắc. MACVSOG bắt đầu xây dựng và huấn luyện những toán biệt kích của riêng mình.
Ngoài việc thực hiện những nhiệm vụ như trước đây, các toán biệt kích có thêm nhiệm vụ quan sát, nắm tin tức về tình hình chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam và định vị những vị trí quan trọng của hạ tầng cơ sở miền Bắc phục vụ các cuộc ném bom của không quân Mỹ đang ngày càng leo thang.
Từ cuối năm 1965, các máy bay C.123 với những tổ lái Đài Loan không còn là sự chọn lựa của SOG, thay vào đó, SOG quyết định sử dụng loại máy bay trực thăng H.34 của Phi đoàn 219 (King Bee) của Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Thêm nữa, các phi hành gia người Đài Loan từ chối bay do được tin phòng không miền Bắc đã được trang bị tên lửa SAM 2 của Liên Xô. Trên thực tế, các hệ thống tên lửa SAM 2 của Liên Xô đã được đưa vào sử dụng từ tháng 7/1965. Ngay cả các máy bay chiến đấu cũng đã bị bắn hạ, nói gì đến những chiếc vận tải cơ chậm chạp.
Đối với việc tiếp tế cho những toán biệt kích còn hoạt động, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn sử dụng Phi đoàn chiến thuật số 83 của Không quân Việt Nam Cộng hòa, có biệt danh là Thần Phong, chuyên sử dụng loại máy bay Skyraider A-1 G. Máy bay này có tốc độ cao, có thể bảo đảm an toàn cho những phi vụ tiếp tế hơn, khi năng lực phòng không của miền Bắc đã được nâng lên nhiều.
Không quân Mỹ cũng được huy động thả đồ tiếp tế cho biệt kích Việt Nam Cộng hòa còn hoạt động tại miền Bắc. Mỹ sử dụng loại máy bay Con ma (Phantom) F.4. Để tránh tổn thất, thông thường không quân Mỹ tổ chức nhiều tốp F.4 đánh phá các mục tiêu nhằm hút lực lượng phòng không miền Bắc vào đây, rồi một số chiếc F.4 đơn lẻ lợi dụng thời cơ thả những trái bom Napal giả, chứa đồ tiếp tế cho biệt kích dưới mặt đất.
Một toán biệt kích người nhái VNCH huấn luyện tại Đà Nẵng (Ảnh tư liệu)
Cũng từ năm 1966, SOG sử dụng máy bay vận tải C.130 cho các hoạt động thả dù và tiếp tế cho lực lượng biệt kích. Điều này được cho là khôn ngoan trong trường hợp nếu như có máy bay nào bị bắn hạ thì đó được coi là máy bay tham gia ném bom miền Bắc chứ không phải là máy bay sử dụng cho những nhiệm vụ bí mật. Các tổ lái C.130 được huấn luyện kỹ càng tại căn cứ không quân Pope, thuộc tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ.
Đêm 24/12/1966, máy bay C.130 thực hiện phi vụ đầu tiên, thả 2 biệt kích tăng cường cho toán TOURBILLON được cho là vẫn đang hoạt động.
Mặc dù đã sử dụng có hiệu quả loại trực thăng H.34 của Phi đoàn King Bee, từ cuối năm 1965, SOG yêu cầu quân đội Mỹ trang bị cho mình loại trực thăng CH.3, loại trực thăng bay nhanh hơn và có tải trọng lớn hơn. Đây là loại máy bay mới đưa vào biên chế của quân đội Hoa Kỳ. Cuối năm 1965, những chiếc CH.3 đầu tiên đã được đưa đến Nha Trang. Một số chiếc được đưa đến căn cứ không quân Nakhon Phanom của Thái Lan, để phục vụ cuộc chiến tranh bí mật.
Cho đến những năm 1966-1967, mặc dù kế hoạch xâm nhập, phá hoại miền Bắc không còn được coi là nhiệm vụ chính, do Hoa Kỳ đã mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, bộ máy tiến hành cuộc chiến tranh bí mật vẫn không ngừng tăng lên. Đến tháng 1/1967, SOG có 207 nhân viên người Mỹ, trên 1.700 nhân viên người Việt (con số nhân viên người Việt cuối năm 1964 mới chỉ có 400 người).
Ngoài việc xâm nhập, nắm tình hình và thực hiện các hoạt động phá hoại, SOG được giao thêm nhiệm vụ phối hợp tìm kiếm và giải cứu những phi công Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc và Lào.
Những chương trình đầy tham vọng
Từ đầu năm 1967, SOG hoạch định chương trình STRATA có nhiệm vụ do thám hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh và chỉ điểm các mục tiêu cho máy bay đánh phá. Các toán biệt kích thuộc chương trình STRATA như toán STRATA 111, STRATA 112 đã đổ bộ xuống vùng biên giới Lào-Việt do thám đường mòn Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, các toán STRATA được đưa xâm nhập miền Bắc. Để bảo đảm an toàn, thành viên các toán này được ăn mặc và trang bị giống bộ đội miền Bắc, được trang bị các phương tiện hiện đại như máy chụp ảnh có chân đế cố định dùng để chụp xa, máy truyền tin PRC 74 có khả năng liên lạc trực tiếp với các máy bay trinh sát hoạt động trong khu vực.
Năm 1968, sau khi nghi ngờ các toán biệt kích còn hoạt động, nhưng đã bị miền Bắc khống chế, SOG đã có những hành động trả đũa. Họ thông báo cho các toán biệt kích sẽ thả hàng tiếp tế tại các địa điểm đã được xác định. Như mọi khi, họ sẽ thả hàng hóa trong những trái bom Napal giả, nhưng lần này không quân Mỹ đã có 8 chuyến thả những trái bom thật. Không có báo cáo về thương vong cho lực lượng vũ trang miền Bắc, nhưng các cuộc tiếp tế cũng chấm dứt.
Để hỗ trợ các hoạt động xâm nhập miền Bắc bằng biệt kích, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn còn tiến hành nhiều thủ đoạn xảo quyệt.
Trước hết, Hoa Kỳ xây dựng chương trình đặt máy phát thanh trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam. Máy phát thanh sẽ do lực lượng biệt kích mang đến hoặc thả dù xuống, được cài sẵn các chương trình phát thanh của các đài “Gươm thiêng ái quốc”, đài “Cờ đỏ”. Khi phát hiện có hoạt động phát thanh, chính quyền miền Bắc sẽ phải tốn công sức và lực lượng để lùng sục những khu vực phát thanh mà thực ra chẳng có toán biệt cách nào cả ngoài những máy thu thanh. Ngoài ra, những máy phát thanh này còn gửi những mật điện cho các toán biệt kích đang hoạt động trên lãnh thổ miền Bắc hoặc những bức điện giả, khiến cho lực lượng an ninh miền Bắc bối rối.
Đảo Cù Lao Chàm ngoài khơi Đà Nẵng, nơi Hoa Kỳ bắt cóc và giam giữ hàng nghìn người dân miền Bắc phục vụ cuộc chiến bí mật
Từ năm 1968 trở đi, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn xây dựng hệ thống “Trở mặt tay ba” rất phức tạp gồm ba chương trình:
Chương trình Borden, chiêu hồi bộ đội miền Bắc bị bắt làm tù binh, sau đó tung họ trở lại miền Bắc hoạt động với những tin tức giả. Thậm chí Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn còn mong những thành viên này sớm bị bắt để có thể khai nhận về những tin tức giả họ nắm được về những toán biệt kích ma đang hoạt động.
Một số biệt kích thậm chí được gài vào các trại tù binh Bắc Việt và rỉ tai về các toán biệt kích đang hoạt động tại miền Bắc. Khi thả dù, những tù binh đã chiêu hồi này sẽ nhảy ra trước, những người còn lại sẽ không nhảy, nhưng dù của họ vẫn được thả xuống để đánh lừa lực lượng vũ trang miền Bắc. Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã tuyển chọn được 44 người và thực hiện chương trình này trong năm 1968.
Chương trình Urgency, sử dụng những tù binh miền Bắc bị bắt hay những người dân miền Bắc bị bắt cóc vào miền Nam. Đối với những tù binh bị bắt, không chịu hợp tác, Hoa Kỳ sẽ dàn dựng việc họ đã làm việc, hợp tác với người Mỹ, rồi thả họ trở lại miền Bắc, hi vọng rằng họ sẽ bị bắt bớ, tra tấn và giết hại. Đối với những người dân bị bắt cóc vào miền Nam thì huấn luyện họ, rồi gửi ra miền Bắc nằm chờ lệnh. Trong năm 1967, SOG đã đưa hai biệt kích ra miền Bắc theo dạng này.
Chương trình Oodles, sử dụng hệ thống phát thanh, truyền tin thông tin về một mạng lưới điệp viên hay biệt kích đang hoạt động ở ngoài Bắc. Tổng cộng, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã đưa ra những tin tức về 14 toán biệt kích “ma” đang hoạt động tại miền Bắc. Hoa Kỳ cũng tổ chức chuyến thả dù tiếp tế, nhưng không có hàng hóa, mà chỉ là những kiện hàng trống rỗng, để đánh lừa đối phương tin rằng sự tồn tại và hoạt động của các toán biệt kích là có thật. Tuy nhiên, chương trình này cũng đã chấm dứt vào cuối năm 1968, sau khi Hoa Kỳ tuyên bố chấm dứt ném bom hoàn toàn miền bắc.
Chương trình STRATA: trong những toán biệt kích hoạt động ngắn hạn ở khu vực phi quân sự đến vĩ tuyến 20, có nhiệm vụ tiến hành hoạt động phá hoại và thu thập tin tức về hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, rải truyền đơn, gài mìn bắt cóc... Những toán biệt kích này thường xuyên và liên tục được thả vào miền Bắc cũng như đón về căn cứ, thời gian hoạt động từ 15 đến 20 ngày. Thực tế đã có 26 toán STRATA với 102 biệt kích hoạt động trong năm 1967 và 1968.
Cũng từ năm 1965, SOG thực hiện Kế hoạch 39 (OPLAN 39) chiến tranh tâm lý. Trước đó, từ cuối năm 1964, Cù lao Chàm, ngoài khơi Đà Nẵng được lựa chọn xây dựng thành 1 khu vực mang dáng dấp các làng chài ven biển ngoài miền Bắc, do Phong trào Gươm thiêng ái quốc quản lý. Từ đầu năm 1965, lực lượng biệt hải có thêm nhiệm vụ bắt cóc những ngư dân miền Bắc hoặc người dân sống tại các khu vực ven biển, đưa tới Cù lao Chàm. Những người bị bắt cóc sẽ bị bịt mắt trước khi đến hòn đảo. Mục đích của OPLAN 39 này là làm cho những người dân bị bắt cóc tới đảo lầm tưởng rằng họ đang được ở trong một làng đã được Tổ chức Gươm thiêng ái quốc giải phóng và quản lý tại miền Bắc Việt Nam. Sau khi được thả về miền Bắc, những người này sẽ loan tin là phong trào kháng chiến có thật và đã giải phóng nhiều vùng trên miền Bắc. Thậm chí họ được đưa đến những khu vực trên đồi cao để có cảm tưởng đang ở một căn cứ kháng chiến rộng lớn. Sau 3 tuần lễ “tẩy não” tại Cù lao Chàm, những người này được đưa trở về miền Bắc theo cách mà họ đã bị bắt cóc. Họ được trao nhiều quà lưu niệm, những thứ hàng hóa miền Bắc ít có, trong đó có cả radio để nghe tin tức của Đài phát thanh Gươm thiêng ái quốc. Họ có nhiệm vụ xây dựng và phát triển phong trào Gươm thiêng ái quốc tại địa phương.
Đây là một trong những thủ đoạn xảo quyệt của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng lực lượng biệt hải.
Bình Nguyễn