45 năm đã qua, cuộc chiến đấu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc vẫn là biểu tượng sáng ngời về tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ
Chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ
Sáng sớm ngày 17/2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc mở cuộc tiến công quân sự quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, dài 1.400km, gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn và Quảng Ninh. Mục tiêu của Trung Quốc là: Phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, kích động bạo loạn, hạ uy thế quân sự, chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ của một số nước lớn đang chống phá cách mạng Việt Nam (trong đó có Mỹ) để giúp Trung Quốc thực hiện “bốn hiện đại hóa” (nông nghiệp, công nghiệp, quân đội, khoa học - kỹ thuật); thị uy sức mạnh đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á; thăm dò phản ứng của Liên Xô và dư luận thế giới để chuẩn bị cho những bước phiêu lưu quân sự về sau...
Cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam
Trước tình cảnh Tổ quốc lâm nguy, một lần nữa, quân và dân Việt Nam không còn con đường nào khác buộc phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Ngày 17/2/1979, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố nêu rõ nhà cầm quyền Trung Quốc đang đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phá hoại nghiêm trọng tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta, nhất là ở các tỉnh Việt Bắc và Tây Bắc, một lần nữa phát huy cao độ truyền thống cách mạng, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến đấu anh dũng, kiên cường.
Đối mặt với 60 vạn quân Trung Quốc được trang bị vũ khí đầy đủ, tổng số quân Việt Nam chỉ có khoảng 7 vạn người. Đây là một sự chênh lệch rất lớn. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, quân và dân Việt Nam đã chiến đầu kiến cường, anh dũng và chặn đứng bước tiến của quân thù. Những trận chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng khắc sâu vào tâm khảm chúng ta những chiến đấu anh dũng ở Pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn); Bát Xát, Mường Khương (Lào Cai); Trà Lĩnh, Trùng Khánh (Cao Bằng); Pò Hèn (Quảng Ninh)…
Cuộc tiến công của quân Trung Quốc chịu nhiều tổn thất mà không đạt được mục tiêu ban đầu đề ra. Quân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân Trung Quốc, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, xe thiết giáp, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, đồ dùng quân sự... Bên cạnh đó, bị dư luận tiến bộ thế giới cũng lên án gay gắt, nên tối 5/3/1979, chính quyền Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước.
Để tỏ rõ thiện chí hòa bình, mong muốn khôi phục quan hệ hữu nghị giữa hai nước, Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam ra lệnh cho các lực lượng vũ trang và nhân dân vùng biên giới dừng chiến dịch phản công để tạo điều kiện cho quân Trung Quốc rút về nước. Đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc cơ bản hoàn thành việc rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Hình ảnh biểu tượng của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 (Ảnh tư liệu)
Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm
Cuộc chiến đấu bảo vệ phía Bắc của Việt Nam diễn ra trong vòng một tháng (17/2-18/3/1979) nhưng có ý nghĩa thắng lợi rất to lớn. Vì đã làm thất bại hoàn toàn ý đồ của phía Trung Quốc; một lần nữa khẳng định sức mạnh, ý chí quyết tâm của quân và dân Việt Nam không bao giờ chịu quỳ gối trước bất kỳ thế lực xâm lược ngoại bang nào để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; khẳng định đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc bén của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Việt Nam trong tình hình mới; phát huy cao độ khối đại đoàn kết toàn dân, tạo dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc và thể hiện rõ lòng bao dung, khát vọng hòa bình, mong muốn chấm dứt xung đột để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam - Trung Quốc, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, thế giới.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 để lại nhiều bài học quý báu cần được nghiên cứu, vận dụng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay:
Thứ nhất, thường xuyên nêu cao cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình, dự đoán chính xác âm mưu, hành động của các bên liên quan, nhất là động thái các nước lớn, từ đó có sự chuẩn bị toàn diện, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Thứ hai, nhận thức đúng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tự cường, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, quân sự với đấu ngoại giao để phát huy tổng hợp sức mạnh trong nước, sức mạnh quốc tế.
Thứ ba, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ đất nước, trong đó, chú ý xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, phát huy sức mạnh thế trận chiến tranh nhân dân, nhất là sức mạnh của lực lượng vũ trang tại chỗ kết hợp với sức mạnh hậu phương cả nước để tạo thành những “trường thành thép” trong cuộc chiến chống quân thù.
Thứ tư, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” với nghệ thuật quân sự hiện đại, phát huy tư tưởng nhân văn “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của cha ông kết hợp với chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc, Việt Nam cũng chịu nhiều tổn thất. Hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong; hàng chục ngàn dân thường bị thiệt mạng. Các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai gần như bị hủy diệt hoàn toàn; có 320 xã, 735 trường học, 41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 38 lâm trường bị tàn phá; 400.000 gia súc bị giết, bị cướp. Khoảng 50% trong tổng số 3,5 triệu người ở sáu tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống. Sự hy sinh anh dũng quanavaf dân biên giới phía Bắc đã viết nên khúc tráng ca bất tử, khẳng định sức mạnh, tinh thần yêu nước và tính chính nghĩa cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam.
Nhắc lại quá khứ để các thế hệ mai sau trân trọng giá trị của hòa bình hiện tại và ra sức xây dựng tình đoàn kết giữa các dân tộc, quốc gia vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đặc biệt là thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung không ngừng bước tầm cao mới.
Trọng Hùng