44 năm trước, quân và dân ta trên tuyến biên giới phía Bắc đã đánh bại cuộc chiến tranh do Trung Quốc phát động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Hiện thực lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cho thấy những thành công cũng như hạn chế của cuộc chiến đó
Thành công
Trong những ngày đầu chiến tranh, các đơn vị của quân và dân Việt Nam phòng ngự trên tuyến biên giới đã đánh trả quyết liệt, ngăn chặn, tiêu diệt nhiều sinh lực và xe tăng, xe thiết giáp của địch.
Trên hầu hết các hướng, quân Trung Quốc không thực hiện được ý định tiến công nhanh như ở khu vực mốc 15 xã Tân Yên, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, sau 5 ngày, quân Trung Quốc mới ra được đường số 4. Tại khu vực phía đông Đồng Đăng, các đơn vị của Trung đoàn 12 Sư đoàn 3 liên tục chặn bước tiến công của địch, đến 26 tháng 2 (sau gần 10 ngày), quân Trung Quốc vẫn chưa vượt qua được khu vực Tam Lung. Tại Tà Lùng huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng, trong 2 ngày 17 và 18 tháng 2, Trung đoàn 567 đã đánh lui nhiều đợt xung phong của địch, bắn cháy 16 xe tăng, loại 800 tên địch, ngăn chặn địch tiến công về hướng Phục Hoà. Trên hướng Lào Cai, quân Trung Quốc bị các lực lượng vũ trang địa phương và của Sư đoàn 345 chặn đánh, đến ngày 23 tháng 2 chúng phải dừng lại ở khu vực km số 4 Kim Tân. Trên hướng Phong Thổ, đến 2 tháng 3 năm 1979, quân Trung Quốc mới tiến vào đất Việt Nam được 10 km thuộc khu vực ngã ba Nậm Cáy vì bị các lực lượng vũ trang tại chỗ chặn đánh quyết liệt.
Trong quá trình tác chiến, các đơn vị bộ đội Việt Nam đã vận dụng nhiều hình thức chiến thuật để đánh địch như phòng ngự trận địa, vận động phục kích, tập kích quân địch ở điểm cao… (trận đánh xe tăng địch trên đèo Nậm Nàng, đèo Ngườm Kim ở Cao Bằng). Sau 1 tháng chiến đấu, các lực lượng vũ trang trên toàn tuyến biên giới đã loại khỏi vòng chiến đấu trên khoảng 60.000 tên địch, bắt sống hàng trăm tên; phá huỷ 259 xe tăng, xe bọc thép và 404 ô tô vận tải quân sự, 2 đầu máy xe lửa cùng nhiều pháo cối và các phương tiện chiến tranh khác, thu gần 2 vạn khẩu súng bộ binh, đánh thiệt hại nặng nhiều sư đoàn, quân đoàn chủ lực của quân Trung Quốc.
Theo Đại Tá Russell D. Howard thuộc Học viện An ninh guốc gia của Không Quân Hoa Kỳ, Trung Quốc thiệt hại chỉ trong vài tuần bằng số tổn thất của Mỹ trong hơn 8 năm trực tiếp tham dự chiến tranh Việt Nam. Thống kê cho thấy từ 30.000 đến 60.000 quân Trung Quốc đã bị tiêu diệt trong vòng chỉ một tháng.
Lực lượng Công an vũ trang chiến đấu tại khu vực Pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn (Ảnh tư liệu)
Hạn chế
Sau khi Bộ Tổng tham mưu ra mệnh lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, quân và dân Việt Nam đã chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất tờ ngày 11/1 đến ngày 15/2/1979, tuy nhiên, do chưa thấy Trung Quốc động binh, nên đến ngày 15/2/1979, Bộ Tổng tham mưu hạ cấp sẵn sàng chiến đấu xuống, ngày 16/2/1979, phổ biến xuống các đơn vị, thì ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc mở cuộc tiến công. Như vậy, chúng ta bị bất ngờ về thời điểm bị tiến công.
Đồn biên phòng Pò Hèn, ngày 16/2/1979 còn mời binh lính Trung Quốc sang giao lưu bóng chuyền. Đến đếm, địch luồn sâu về phía sau đơn vị chôt chặn. 4 giờ sáng hôm sau địch tiến công. Bị tiến công phía trước mặt và từ phía sau, hầu như toàn bộ lực lượng đồn biên phòng hy sinh.
Tại Lào Cai, đêm hôm trước, do là ngày nghỉ, nên bộ đội Việt Nam và một số bộ đội, dân thường Trung Quốc vẫn cùng nhau xem phim ở thị xã Lào Cai, như mọi kỳ nghỉ cuối tuần khác. Chỉ mãi gần sáng, khi pháo binh Trung Quốc bắn vào sân bay Lào Cai, mọi người mới hốt hoảng hỏi nhau chuyện gì đang xảy ra.
Tuy nhiên, vào thời điểm ấy thì quân Trung Quốc đã tràn ngập ở bất cứ chỗ nào, từ trận địa trên chốt, lẫn các con đường chính. Quân Trung Quốc cải trang thành dân thường, lợi dụng lính biên phòng Việt Nam đi xem phim, đã chiếm một số điểm chốt tiền tiêu. Nhiều bộ đội Việt Nam bị giết chết ngay từ đêm ngày 16/2 mà không một ai hay biết.
Mặc dù Trung Quốc huy động một lực lượng quân sự khổng lồ, tới 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không với 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, (chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay sẵn sàng phía sau) áp sát biên giới Việt Nam, ngoài ra còn hàng triệu dân binh, nhưng tình báo chiến lược của ta cũng không phát hiện ra.
Có sự bất ngờ ở cấp cao, cấp chiến lược. GS,TS Vũ Dương Huân cho rằng: “Tôi nghĩ là lúc ấy hầu như không có ai suy luận được, không ai nghĩ là Trung Quốc sẽ tấn công Việt Nam bằng quân sự, vì ta có cái nhận thức từ xưa tới nay là xã hội chủ nghĩa không có mâu thuẫn đối kháng, không tấn công lẫn nhau. Trên thực tế, sáng 17/2/1979, khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, Bộ Ngoại giao mới tập trung làm tuyên bố”[1].
Về bố trí lực lượng: quân đội Việt Nam rải quân mỏng trên toàn tuyến biên giới, không theo nguyên tắc tập trung lực lượng vào những hướng trọng điểm, khu vực trọng điểm, càng về sau càng mạnh, càng chắc nên khi quân Trung Quốc phá vỡ tuyến phòng ngự phía trước, tuyến phòng ngự phía sau khó khăn. Có nơi còn xác định hướng tiến công của địch thiếu chính xác, do đó bố trí lực lượng không phù hợp. Bố trí đội hình tác chiến ở các cấp của bội đội Việt Nam chưa phù hợp, đưa bộ đội lên chốt trên các điểm cao, không tổ chức trận địa khống chế các đường giao thông để ngặn chặn cơ giới địch...khu vực phòng ngự rộng, hoả lực bảo đảm hạn chế, liên lạc khó khăn, không có hoặc có dự bị nhưng bố trí không phù hợp. Do đó, khi tác chiến, bộ đội ta không có lực lượng dự bị để phản kích hay đánh vào phía sau, bên sườn các hướng, mũi tiến công của địch.; dễ bị địch bao vây, vu hồi, chia cắt, nên các đơn vị cơ bản ở đâu đánh đó, không chi viện được cho nhau.
Bộ đội địa phương tỉnh Lạng Sơn chiến đấu bảo vệ biên giới ngày 18/2/1979 (Ảnh Long Sơn - TTXVN)
Thế trận chiến tranh nhân dân của quân và dân ta, nhất là trên tuyến biên giới chưa được củng cố vững chắc. Dân quân, du kích trên tuyến biên giới bước đầu mới được củng cố, bộ đội Biên phòng tỉnh, huyện và một số sư đoàn chủ lực Quân khu mới chuyển từ nhiệm vụ làm kinh tế, khung huấn luyện chiến sỹ mới sang làm nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, nên trình độ tác chiến hạn chế, nhiều nơi phải bố trí bộ đội chủ lực thay thế nên thiếu lực lượng cơ động trên từng khu vực, từng mặt trận.
Việc chuẩn bị cho tác chiến phòng ngự thiếu chu đáo, công sự trận địa sơ sài, thiếu tính vững chắc (chủ yếu mới là gỗ, đất); hầu hết các trận địa chưa có giao thông hào, chiến hào chiến đấu, chủ yếu bộ đội cơ động trên đường mòn hoặc những đoạn hào nông, hẹp; nguỵ trang trận địa kém, dễ bị địch dùng hoả lực khống chế.
Công tác nắm tình hình địch chưa chắc từ cấp chiến lược trở xuống, không liên tục, bị bất ngờ cả về thời gian, không gian, quy mô sử dụng lực lượng của địch (ta chỉ chuẩn bị, dự kiến đánh địch tiến công quy mô cấp trung đoàn, sư đoàn). Ta không nắm được phiên hiệu, quân số, trang bị; đặc biệt là cách đánh của các đơn vị địch đang tiến công trước trận địa để có cách đánh phù hợp, kịp thời ngăn chặn địch có hiệu quả. Cũng do không nắm được ý đồ, thủ đoạn tiến công của địch nên khi hạ lệnh xuống cấp sẵn sàng chiến đấu thì địch bất ngờ tiến công. Trong quá trình tác chiến, các đơn vị bộ đội ta thường bị địch vu hồi, bao vây, chặn cắt phía sau. Lực lượng ta thiếu lực lượng cơ động đánh các mũi vu hồi của địch, nên chỉ tác chiến được trong một thời gian, thiếu chi viện về lực lượng, vật chất, thường phải lui về sau để địch chiếm trận địa một cách dễ dàng.
Về tổ chức chỉ huy, thiết bị chiến trường của quân đội Việt Nam chưa thống nhất, chưa đồng bộ và chưa tổ chức thành từng khu vực phòng ngự có chỉ huy lãnh đạo chung. Thực tiễn chiến đấu cho thấy: Quân khu chỉ huy chung trên địa bàn rất rộng, khi chiến đấu phải lập Sở chỉ huy bổ trợ trên từng tỉnh, rồi từng tỉnh lại phải lập chỉ huy mặt trận theo từng khu vực (tỉnh Cao Bằng phải lập Mặt trận Nguyên Bình). Trên địa bàn 1 tỉnh cũng nhiều Sở chỉ huy như Sở chỉ huy bổ trợ, sau đó là Sở chỉ huy Quân đoàn, Sở chỉ huy thống nhất của tỉnh, các sở chỉ huy sư đoàn .v.v. nhưng thiếu sự chỉ huy chung, thống nhất các lực lượng cùng hiệp đồng tác chiến; vì vậy, sở chỉ huy nào thì chỉ huy bộ đội của mình nên chủ lực chiến đấu theo kiểu chủ lực, bộ đội tỉnh chiến đấu theo kiểu địa phương, ít chi viện cho nhau, ở đâu đánh đó, ở đâu mất trận địa thì tự rút lui.
Việc vận dụng chiến thuật của bộ đội trong tác chiến phòng ngự chưa được quan tâm đúng mức, do trong chiến tranh giải phóng ta ít vận dụng chiến thuật phòng ngự, không chú trọng huấn luyện chiến thuật phòng ngự nên trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc, ta thiếu kinh nghiệm, lựa chọn, tổ chức trận địa không liên hoàn (toàn ngồi trên đỉnh đồi), thiếu tính vững chắc (chủ yếu công sự bằng gỗ đất, không có hàng rào; chông tre, mìn lâu ngày mất tác dụng); ít vận dụng thủ đoạn phản kích, khi phản kích lại không có bảo đảm chặt chẽ nên kém hiệu quả; kết hợp phòng ngự trận địa với tiến công hầu như không có. Hoả lực chi viện cho bộ binh chiến đấu giữ trận địa còn rất hạn chế (rất ít hoặc có nơi không có), nên quá trình phòng ngự càng khó khăn. Việc tổ chức đánh vào bên sườn, sau lưng, vào hậu phương chiến đấu, chiến dịch của địch của các lực lượng luồn sâu, của bộ đội chủ lực (nhất là đặc công), bộ đội địa phương rất ít; chưa được phát huy được cách đánh phá giao thông, tiếp tế của địch mặc dù sau lưng chúng có rất nhiều sơ hở.
Tóm lại, do chuẩn bị thế trận không tốt, sử dụng lực lượng, vận dụng tác chiến phòng ngự chưa tốt, trong tác chiến hiệp đồng thiếu chặt chẽ, các công tác bảo đảm có nhiều thiếu sót nhất là ở cấp chiến dịch và chiến thuật nên quân và dân Việt Nam chưa tổ chức được các trận đánh tiêu diệt lớn quân xâm lược ở qui mô lớn. Bộ đội Việt Nam hy sinh 3.907 người, bị thương 5.627 người, bị bắt và mất tích 960 người. Bị địch phá huỷ 133 khẩu pháo cối các loại, 86 ô tô và 6 xe tăng, xe thiết giáp, mất hàng vạn khẩu súng bộ binh cùng một số khí tài quân sự khác.
Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng phải khẳng định quân và dân ta đã chiến thắng trong một cuộc chiến không cân sức, bị bất ngờ và nhanh chóng giành lại thế chủ động chiến trường, buộc kẻ thù không dám phiêu lưu, mạo hiểm tiếp tục tiến công và phải rút quân.
Lê Minh
[1] Báo Vietnamnet.vn, ngày 17/2/2018.