Đấu tranh trong nhà tù đế quốc là bộ phận trong cuộc đấu tranh của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng. Chế độ lao tù có thể giam cầm thân thể của những chiến sỹ cộng sản và quần chúng yêu nước, nhưng không thể giam cầm ý chí đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc của họ
Vượt ngục Tà Lài (Đồng Nai)
Tà Lài là một trại tập trung mang tên “Trại lao động đặc biệt” nằm ở vùng rừng miền Đông, bên bờ sông Đồng Nai, nơi thực dân Pháp giam giữ 300-400 tù cộng sản được cho là nguy hiểm đối với nền thống trị của Pháp.
Nghe tin cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, thực dân Pháp khủng bố các chiến sĩ yêu nước, hệ thống tổ chức Đảng ở Nam Kỳ bị phá nát, Đảng uỷ Căng Tà Lài quyết định tổ chức cho đảng viên vượt ngục trở về xây dựng lại cơ sở.
Các tù nhân ở đây vượt ngục hai lần.
Lần đầu, 3 tù nhân (Dương Khuy, Khước, Minh), vượt ngục ngày 17/1/1941, có nhiệm vụ về địa phương nắm tình hình, sau ba tháng liên lạc lại Căng để tiếp tục tổ chức vượt ngục ra ngoài.
Tuy nhiên, sau một thời gian, cả ba người đều không trở lại. Tổ chức Đảng ở Tà Lài chọn tiếp 8 người để vượt ngục lần thứ hai là Trần Văn Giàu, Châu Văn Giác, Tô Ký, Dương Quang Đông, Trương Văn Nhâm, Nguyễn Tấn Đức, Nguyễn Công Trung, Trần Anh Kiệt. Các tù nhân chuẩn bị lương khô, thuốc men, giấy tờ, liên lạc với bên ngoài và kế hoạch hành động.
Ngày 27/3/1941, 8 tù nhân xuống hai chiếc xuồng bơi ngược sông Đồng Nai, vượt qua nhiều thác ghềnh, trở về hoạt động.
Nhưng sau một thời gian, 4 người bị bắt, những người còn lại phân công nhau về các địa phương chắp nối tổ chức cơ sở Đảng.
Đấu tranh tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội)
Tại nhà tù Hỏa Lò, những người cộng sản bị giam giữ không ngừng đấu tranh chống các phần tử thân Nhật trong các tổ chức như Đảng Phục Quốc đồng minh, Đại Việt Quốc gia liên minh... bị Pháp bắt giam.
Bằng lý luận sắc bén, kết hợp với vốn hiểu biết tình hình thực tế trên thế giới và trong nước, các tù nhân cộng sản đã vạch trần quân phiệt Nhật là kẻ thù nguy hiểm của nhân dânViệt Nam với mưu đồ làm bá chủ toàn cầu, trước hết là vùng Đông Nam Á; khẳng định vai trò, vị trí của Liên Xô trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.
Hoàng Văn Thụ, trong thời gian ở xà lim án chém, đã tham gia cuộc “khẩu chiến” chống lại các phần tử thân Nhật. Bằng những lập luận xác đáng, đồng chí đã cảm hoá được nhiều người lầm đường, lạc lối.
Đầu năm 1944, tù nhân tổ chức cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống. Đại diện tù chính trị yêu sách cai ngục không được cho ăn gạo mục, tù chính trị cử đại biểu trực tiếp giám sát cân cơm để chống nhà thầu cắt xén tiêu chuẩn; buổi sáng phát thêm cháo cho người ốm; không được cho ăn rau già và mắm thối; phát thêm quần áo để chống rét.
Cai ngục lừng chừng, viện cớ có chiến tranh, không giải quyết. Tù chính trị tuyên bố tuyệt thực đấu tranh đòi thực hiện cho bằng được những yêu sách đề ra. Trước tinh thần kiên quyết của tù nhân, cuối cùng, cai ngục phải tuyên bố chấp nhận những yêu sách của tù nhân. Cai ngục đưa thêm cơm và khoai lang vào bữa ăn hằng ngày; đồng thời anh em tù được mua một số vật dụng ở bên ngoài và được nhận quà của người nhà gửi; mỗi người còn được nhận thêm một bộ quần áo cũ.
Nhờ đó, đời sống tù nhân được cải thiện, bệnh tật giảm dần, số người chết do bệnh tê phù đã chấm dứt.
Qua cuộc đấu tranh, tình đoàn kết trong tù chính trị ngày càng được nâng cao. Cai ngục kính nể và không dám hách dịch như trước.
Hình ảnh tái hiện tù nhân tại Nhà tù Hỏa Lò trước Cách mạng Tháng Tám
Đấu tranh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột
Nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi giam giữ biệt xứ tù nhân trong những điều kiện khắc nghiệt. Hàng nghìn lượt tù nhân đã bị đày ải qua đây. Không những bị giam cầm, cùm kẹp, bị đánh đập dã man, tù nhân còn phải đi lao dịch khổ sai làm nhà tù, mở đường, xây dựng nhà cửa, cầu cống, doanh trại cho quân đội…, làm cho tù nhân kiệt lực mà rời rã ý chí đấu tranh.
Ngay từ những ngày đầu bị đưa lên đày ải ở nơi đây, các tù nhân cộng sản đã thể hiện tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau; trao đổi kinh nghiệm đấu tranh, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, quân sự; xác định thái độ của người chiến sĩ cách mạng trước thời cuộc, trước thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù.
Các cuộc đấu tranh của những tù nhân cộng sản diễn ra liên tục, với các hình thức: tuyệt thực, hò la, gửi yêu sách, chống đánh đập, đòi cải thiện chế độ ăn uống, phải có thuốc chữa bệnh, không được ngược đãi người đi lao dịch…
Tù nhân tổ chức những buổi sinh hoạt đọc thơ, kể chuyện, hát tuồng, diễn kịch… thể hiện khí tiết, tinh thần lạc quan cách mạng của người cộng sản.
Cũng trong thời gian này, tù nhân cho ra đời những tờ báo viết tay như: Tù nhân, Xích sắt, Yuôn-Êđê (Việt-Êđê), đăng thơ, truyện… do các tù nhân sáng tác, tố cáo chế độ lao tù hà khắc và kêu gọi các chiến sĩ giữ vững tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh.
Những bài báo ngắn gọn, gần gũi dễ hiểu đã trở thành món ăn tinh thần của những người cộng sản ở Nhà đày Buôn Ma Thuột. Họ bí mật luân chuyển cho nhau đọc nên kẻ thù ít khi phát hiện được. Nhiều binh lính, cai đội người Êđê đã được giác ngộ trở thành cơ sở cách mạng, ủng hộ Việt Minh.
Những hoạt động của những người cộng sản đã tạo tiền đề cho sự ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của Đăk Lăk ngay trong Nhà đày Buôn Ma Thuột vào cuối năm 1940. Chi bộ chủ trương thông qua đấu tranh để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, góp phần chuẩn bị cho thành công của Cách mạng Tháng Tám ở Đăk Lăk.
Tháng 7/1943, tù nhân cộng sản bị giam giữ tại nhà tù Buôn Ma Thuột tổ chức cuộc đấu tranh phản đối hành động vô cớ đánh đập và sát hại tù nhân của quản ngục Morin. Đại biểu tù nhân đã gặp Công sứ, Giám binh và Quản đạo Đắk Lắk, đòi trừng trị Morin. Nhà cầm quyền không đáp ứng yêu sách của tù nhân và cho cai ngục đàn áp. Ban lãnh đạo tù nhân tiếp tục tổ chức cuộc đấu tranh dưới hình thức: hô khẩu hiệu, viết khẩu hiệu lên tường, hò la, đưa yêu sách. Cuộc đấu tranh ngày càng lôi kéo được nhiều tù nhân tham gia, sự đồng tình của binh lính và kéo dài hơn hai tuần lễ. Hoảng sợ trước cuộc đấu tranh ngày càng lan rộng của tù nhân, giới cầm quyền buộc phải chuyển Morin đi nơi khác và hạn chế đàn áp tù nhân.
Toàn cảnh Khu di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột
Tại nhà tù Phú Thọ, Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La
Tại nhà tù Sơn La, đêm 2/8/1943, thực hiện chủ trương của chi uỷ nhà tù, 4 cán bộ kỳ cựu của Đảng là Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu (Lưu Quyên) vượt ngục thành công, mở ra khả năng lấy nguồn cán bộ từ trong tù ra bổ sung cho các địa phương, đáp ứng đòi hỏi về cán bộ, đảng viên cho phong trào cách mạng đang phát triển.
Cuối năm 1943, Trung ương Đảng xúc tiến chuẩn bị các đường dây liên hệ với các nhà tù, tổ chức cho đảng viên vượt ngục. Theo đó, đầu năm 1944, năm tù nhân là: Bùi Quang Tạo, Nguyễn Hữu Hiệt, Lê Quốc Thân, Nguyên và Đặng Kim Giang vượt ngục từ nhà tù Hoà Bình thành công. Cũng trong đầu năm 1944, thực dân Pháp đưa một đoàn tù từ Sơn La về Hoà Bình để xuống Hà Nội rồi đày ra Côn Đảo. Trên đường đi, chi bộ đoàn tù đã bố trí cho 3 người trốn thoát.
Tháng 5/1944, Hạ Bá Cang chỉ định Ban Cán sự Đảng Phú Thọ, giao nhiệm vụ cho Trưởng Ban cán sự Phú Thọ tổ chức đường dây từ Phú Thọ lên Sơn La để liên lạc với chi uỷ nhà tù Sơn La tổ chức cho tù cộng sản vượt ngục. Cùng với các chi bộ nhà tù Hoà Bình, chi bộ nhà tù Sơn La, chi bộ Đảng ở "căng" Bá Vân và Chợ Chu cũng nhận được liên lạc và chỉ thị của Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ tổ chức cho cán bộ vượt ra ngoài hoạt động.
Ngày 21/8/1944, chi bộ "căng" Bá Vân tổ chức cho 8 tù nhân vượt ngục về hoạt động ở các địa phương. Ngày 11/10/1944, 12 tù nhân ở "căng" Chợ Chu được bố trí vượt ngục thành công.
Chỉ trong vòng hơn một năm từ tháng 8/1943 đến tháng 10/1944, gần 40 tù nhân dày dạn kinh nghiệm, được rèn luyện trong trường tranh đấu đã trở về, bổ sung lực lượng lãnh đạo phong trào, góp phần khôi phục và xây dựng tổ chức Đảng ở nhiều địa phương.
Tại nhà tù Côn Đảo
Chi bộ đặc biệt đẩy mạnh việc phân hoá tranh thủ gác dan thuộc phái De Gaulle, tuyên truyền, giác ngộ những tù nhân tiến bộ; đẩy mạnh công tác huấn luyện cán bộ; chỉ đạo các trại tù, các kíp tù đấu tranh với những yêu sách và hình thức thích hợp như đòi nới rộng chế độ nhà tù và hạn chế bóc lột khổ sai, lãn công ngầm, đoàn kết tù nhân phản đối hành động đánh đập tù nahan của cai ngục.
Mặc dù được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, nhưng ý chí cách mạng của tù nhân cộng sản tại Nhà tù Côn Đảo chưa bao giờ bị khuất phục. Do điều kiện hải đảo xa xôi, việc vượt ngục vô cùng khó khăn, chỉ đến khi Cách mạng Thám Tám thành công, hàng nghìn tù nhân ở Côn Đảo mới được giải phóng, được đón về đất liền và ngay lập tức tham gia kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ.
Bình Thi