Nếu như đồng khởi ở Nam Bộ diễn ra từ đầu năm 1960 với địa phương tiêu biểu là Bến Tre, thì phải đến cuối năm 1960, đồng khởi mới nổ ra ở Nam Trung Bộ, tiểu biểu là ở Hòa Thịnh, Tuy Hòa, Phú Yên
Sự chủ động, sáng tạo của các cấp bộ Đảng địa phương
Sau khi có Nghị quyết 15 và phong trào Đồng khởi nổ ra ở Nam Bộ, Liên khu ủy V và các cấp bộ Đảng cơ sở đã tổ chức học tập, nghiên cứu Nghị quyết 15 và kinh nghiệm Đồng khởi ở Nam Bộ, tìm cách vận dụng thích hợp vào địa bàn đồng bằng Liên khu V.
Tháng 11/1959, Tỉnh ủy Phú Yên họp tại căn cứ Suối Heo (Sơn Hòa) chủ trương đẩy mạnh đấu tranh trên cả hai vùng miền núi và đồng bằng, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, lực lượng bán vũ trang xã, chuẩn bị điều kiện để khi có thời cơ nổi dậy khởi nghĩa.
Tiếp đó, tháng 8/1960, Đại hội Đảng bộ tỉnh chủ trương đẩy mạnh đấu tranh vũ trang để hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy ở đồng bằng. Tỉnh ủy Phú Yên ra Nghị quyết, lấy kinh nghiệm Đồng khởi của Bến Tre thực hiện ở xã Hòa Thịnh, Tuy Hòa I và cho toàn tỉnh.
Được sự chỉ đạo của Liên khu ủy V, Tỉnh ủy Phú Yên và Huyện ủy Tuy Hòa đã phân công cán bộ bám địa bàn phụ trách công tác chuẩn bị Đồng khởi và trực tiếp chỉ đạo Đồng khởi. Đó là các đồng chí Lê Xuân Mai, Nguyễn Duy Luân (Chín Cao), Bùi Tân (Bảy Tính), Sáu Lục, Huỳnh Lưu, Nguyễn Ngọc Anh… ngày đêm bám sát địa bàn, không quản gian khổ hy sinh để chỉ đạo phong trào quần chúng.
Các chi bộ Đảng ở các thôn Mỹ Xuân, Mỹ Trung, Mỹ Điền, Mỹ Hòa thuộc xã Hòa Thịnh tồn tại qua sự chà xát của địch, bám quần chúng chỉ đạo phong trào qua các lực lượng nòng cốt trung kiên, thanh niên lao động.
Huyện ủy Tuy Hòa đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp hoạt động giữa xã Hòa Thịnh với các xã lân cận, lấy Hòa Thịnh làm điểm, các xã Hòa Mỹ, Hòa Tân, Hòa Đồng làm diện để căng kéo địch, nên đồng thời với việc huy động quần chúng nổi dậy tại Hòa Thịnh, các xã Hòa Mỹ, Hòa Tân, Hòa Đồng thả bè chuối, gây xôn xao dư luận, xã Hòa Hiệp rải truyền đơn, dán áp phích, phát loa để nghi binh…
Đảng bộ sử dụng lực lượng vũ trang gồm một tổ vũ trang chiến đấu của tỉnh 4 đồng chí, lực lượng vũ trang huyện Tuy Hòa I gồm 21 đồng chí, có nhiệm vụ vũ trang diệt ác ôn, làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy.
Nhân dân Hòa Thịnh tái hiện đêm Đồng khởi 22/12/1960 nhân dịp kỷ niệm 45 năm
Đồng khởi Hòa Thịnh 22/12/2005 (Ảnh Dương Thanh Xuân)
Cuộc đồng khởi có sự hỗ trợ của cơ sở binh vận, kết quả của quá trình tuyên truyền, giác ngộ và vận động. Đó là Đào Công Văn, cảnh sát trưởng kiêm trung đội trưởng dân vệ, Nguyễn Mã, trung đội phó dân vệ sẵn sàng phối hợp hành động theo kế hoạch.
Như vậy, cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh có sự phối hợp của các mũi đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận, là kết quả quá trình chuẩn bị lực lượng chu đáo và lâu dài của huyện ủy Tuy Hòa và xã Hòa Thịnh.
Tỉnh ủy Phú Yên và Huyện ủy Tuy Hòa đã chọn đúng địa bàn tiến hành đồng khởi. Nhân dân xã Hòa Thịnh có truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất trong kháng chiến chống thực dân Pháp, địa bàn xã giáp núi, thuận lợi cho tiến công cũng như phòng thủ và quan trọng nhất là cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng là một trong những xã khá nhất của huyện Tuy Hòa, trải qua quá trình địch đánh phá ác liệt, vẫn giữ được một số chi bộ Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần cách mạng của quần chúng rất cao, lòng căm thù giặc sâu sắc, sẵn sàng theo tiếng gọi của Đảng vùng lên đấu tranh.
Chuyển thế phong trào cách mạng
Cho đến giữa năm 1960, nhân dân nhiều địa phương ở Nam Bộ đã tiến hành đồng khởi thắng lợi. Nhưng trên địa bàn đồng bằng Nam Trung Bộ, địch kìm kẹp chặt chẽ, lực lượng cách mạng bị thiệt hại nặng nề và bị đánh dạt lên rừng núi miền Tây, phát động quần chúng nổi dậy là cực kỳ khó khăn. Đó là lý do chủ yếu khiến cho phong trào nổi dậy của nhân dân nổ ra muộn hơn.
Từ những năm 1958 -1959, nhân dân các tỉnh miền núi Liên khu V và miền Tây các tỉnh duyên hải Trung Bộ đã nổi dậy khởi nghĩa, chống chế độ độc tài tay sai Ngô Đình Diệm. Tiêu biểu là nhân dân Vĩnh Thạnh (Bình Định), Bác Ái (Ninh Thuận), Trà Bồng (Quảng Ngãi)…Nhưng ở địa bàn đồng bằng chưa có điều kiện nổi dậy. Ta chỉ đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở, tiêu diệt một số tên tề ngụy ác ôn, nới lỏng phần nào sự kìm kẹp của địch.
Chính vì thế, Đồng khởi Hòa Thịnh là lá cờ đầu, tiêu biểu cho phong trào đồng khởi trên địa bàn các tỉnh đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ, đánh dấu bước khôi phục và phát triển lực lượng, mở ra một thời kỳ đấu tranh mới của Đảng bộ và nhân dân, thúc đẩy phong trào đồng khởi trong huyện Tuy Hòa I, tỉnh Phú Yên và Liên khu V nói chung.
Sau Đồng khởi Hòa Thịnh, phong trào quần chúng nổi dậy đánh đổ chính quyền tay sai, giành quyền làm chủ lan ra các xã Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Hiệp, Hòa Phong…. quần chúng nổi dậy, diệt ác phá kìm, xóa bỏ chính quyền địch, thành lập ban tự quản xã thôn, tổ chức lực lượng du kích xã và các đoàn thể quần chúng.
Từ Hòa Thịnh, Tuy Hòa, phong trào đồng khởi lan ra các huyện khác trong tỉnh Phú Yên như Tuy Hòa II, Tuy An, Sơn Hòa, Sông Cầu…và đồng bằng Liên khu V. Đến cuối năm 1960, vùng giải phóng của tỉnh Phú Yên mở rộng với trên 20.000 dân.
Thắng lợi của Đồng khởi Hòa Thịnh, Tuy Hòa, Phú Yên được Liên khu ủy V đánh giá cao, góp phần vào chiến công chung của toàn Liên khu. Đầu năm 1961, địa bàn đồng bằng ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, ta đã khôi phục cơ sở cách mạng ở 905 / 3829 thôn, xây dựng lại 102 chi bộ, 705 đảng viên, 600 đoàn viên thanh niên, 5100 quần chúng cốt cán, 300 tự vệ mật.
Đường về Hòa Thịnh ngày nay (Ảnh Website Tuổi trẻ Phú Yên)
Phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang
Ngay đêm 22/12/1960, tại cuộc mít tinh ở trung tâm xã Hòa Thịnh, đã có 64 thanh niên xin thoát ly ra căn cứ vào lực lượng vũ trang tỉnh, huyện. Phong trào thanh niên thoát ly ngày càng đông, chỉ trong vòng 15 ngày đầu tháng 1/1961, toàn huyện Tuy Hòa có tới 700 thanh niên ra căn cứ tham gia lực lượng vũ trang. Đó là vốn quý ban đầu cho lực lượng vũ trang địa phương. Trên cơ sở đó, Huyện Tuy Hòa I đã xây dựng được 1 trung đội vũ trang tập trung và 15 đội công tác có vũ trang.
Ngoài ra, trong và sau đồng khởi, nhân dân có điều kiện thuận lợi, bung ra thoát khỏi sự kìm kẹp của địch, đã đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm cho việc xây dựng và duy trì hoạt động của các lực lượng ta ở căn cứ.
Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động và thắng lợi của đồng khởi, một số lượng vũ khí quý báu thu được góp phần xây dựng lực lượng vũ trang. Điển hình là trận phục kích tại Bàu Sét, thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thịnh ngày 12/01/1961, ta thu 22 súng các loại và 825 viên đạn, trang bị cho lực lượng vũ trang cách mạng.
Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống anh dũng của quê hương
Liên khu V nói chung và Phú Yên, Tuy Hòa nói riêng là địa bàn địch đánh phá từ rất sớm và ác liệt, gây thiệt hại nặng nề cho phong trào cách mạng. Ở Phú Yên, vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh (huyện Tuy An) ngày 7/9/1954, giết chết 64 người, làm bị thương 76 người báo hiệu một thời kỳ khốc liệt mới. Ngoài vụ thảm sát Ngân Sơn- Chí Thạnh, chỉ trong tháng 9/ 1954, địch đã bắt, thủ tiêu 190 cán bộ, tra tấn thành thương tật 505 người, bắt tù đày 589 người khác. Tổ chức Đảng các cấp phải lập đi, lập lại và bổ sung liên tục. đồng chí Lê Đài, Bí thư Tỉnh ủy bị bắt và hy sinh ngày 26/11/1956, Huyện ủy Tuy Hòa, 4 đồng chí Bí thư lần lượt bị bắt, giết, cả Ban huyện ủy Tuy An sa vào tay giặc…
Đứng trước sự tàn bạo của chế độ độc tài, phát xít Ngô Đình Diệm, nhân dân Phú Yên và nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác phải vùng lên chống lại chúng. Đường lối cách mạng đúng đắn và kịp thời của Đảng đã khơi dậy, thổi bùng ngọn lửa căm thù đang âm ỉ cháy trong lòng đồng bào yêu nước, mở đường cho sự vùng lên của hàng triệu quần chúng.
Nhân dân Hòa Thịnh đã vùng lên đồng khởi, đánh đổ chính quyền tay sai phản động, giành quyền làm chủ, tiếp nối truyền thống anh dũng “hồi chín năm” trong cuộc đọ sức với kẻ thù lớn mạnh và tàn bạo hơn rất nhiều.
Đồng khởi Hòa Thịnh nâng cao uy thế của Đảng, của cách mạng, hạ uy thế địch. Kẻ thù thú nhận: “Từ sau vụ bộc khởi quân sự lẫn chính trị của Việt Cộng ở xã Hòa Thịnh rồi tiếp đến nhiều xã trong tỉnh đều có Việt Cộng xuất hiện tuyên truyền quấy rối và sát hại một số cán bộ quốc gia, làm cho cán bộ hạ tầng cơ sở rất hoang mang, sợ sệt, hầu hết cán bộ ở xã ban đêm đều tản cư ra tỉnh hoặc quận ngủ không dám về nhà”1.
Nhiều người lầm đường đã quay súng về với cách mạng, số khác mất tinh thần chiến đấu, bất tuân lệnh chỉ huy, điển hình là vụ nổi dậy của đơn vị dân vệ xã Hòa Hiệp đêm 26/12/1960 và vụ đầu hàng của trung đội biệt kích thuộc tổng đoàn dân vệ Tuy Hòa tại thôn Mỹ Hòa ngày 12/01/1961.
Cùng với cuộc nổi dậy đồng khởi của nhân dân ta trên toàn miền Nam, Đồng khởi Hòa Thịnh mở đầu thời kỳ cách mạng mới, thời kỳ nhân dân Nam Trung Bộ vùng lên, làm chủ vận mệnh của mình.
Bình Nguyễn
1 . Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên: Lịch sử Phú Yên kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản, 1996, tr. 73.