Ngày 2/4/1972, một chiếc máy bay tác chiến điện tử EB-66 của Hoa Kỳ bị tên lửa đất đối không SAM 2 bắn rơi trên bầu trời Quảng Trị. Thành viên phi hành đoàn duy nhất sống sót là Trung tá Không quân Hoa Kỳ Iceal Hambleton. Không ai biết lúc đó Hambleton đã nhảy dù đúng nơi cuộc tiến công mạnh mẽ nhất của quân giải phóng trong chiến dịch Xuân-Hè 1972. Cuộc giải cứu viên phi công bắt đầu
Năm 1972 là năm cuối cùng quân đội Hoa Kỳ dự tính rút khỏi miền Nam Việt Nam. Trong khi năm 1968, Hoa Kỳ có hơn nửa triệu quân thì đến năm 1972, quân đội Hoa Kỳ dự kiến sẽ chỉ còn 24.200 quân tại Việt Nam, lực lượng này chủ yếu là cố vấn và lực lượng hỗ trợ kỹ thuật quân sự.
Thời điểm này, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hỗ trợ quân lực Việt Nam Cộng hòa trên không nhưng không còn tham gia các hoạt động trên bộ nữa. Vấn đề tác chiến được coi là trách nhiệm của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Thử thách đầu tiên là cuộc tiến công Xuân-Hè 1972, mở đầu ngày 30/3/1972, phía Việt Nam Cộng hòa gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa, Hoa Kỳ gọi là cuộc “Cuộc tiến công Phục Sinh”.
Cuộc tiến công này khác biệt đáng kể cả về quy mô và thành phần tham gia, lực lượng và vũ khí, quân giải phóng được trang bị các xe tăng hạng nặng, các pháo tầm xa cỡ lớn, các thiết bị phòng không hiện đại.
Cuộc tiến công được phát động theo 3 hướng chính, từ lãnh thổ Campuchia về Sài Gòn, từ Lào về đồng bằng miền Trung và cuộc tấn công qua khu phi quân sự, hướng được coi là quan trọng nhất từ phía Bắc.
Trên một diện tích nhỏ của tỉnh Quảng Trị, 30.000 bộ đội miền Bắc cùng 150 xe tăng, 75 khẩu đội pháo phòng không và 47 khẩu pháo mặt đất hạng nặng 130mm. Miền Bắc đã bí mật đưa những tổ hợp tên lửa SAM 2 vượt qua giới tuyến, điều mà không quân Hoa Kỳ không ngờ đến.
Khi nhận được tin tức về cuộc tấn công của quân giải phóng tại Quảng Trị, không quân Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ quân đội Việt Nam Cộng hòa bằng các cuộc không kích mạnh với máy bay B52.
Máy bay EB-66 được sử dụng bay thấp ở độ cao dưới 10km với thiết bị gây nhiễu điện tử để hạn chế sự chính xác của lực lượng phòng không đối phương, nhất là tên lửa đất đối không SAM 2. EB.66 đã hơn 100 lần đánh lừa được tên lửa SAM khi nó thu hút tên lửa về phía ,mình, sau đó thực hiện việc bứt phá về tốc độ để tránh tên lửa đó.
Ngày 2/4/1972, B52 lại xuất kích kèm theo những chiếc EB.66 gây nhiễu điện tử đi theo bảo vệ.
Iceal Hambleton là phi công đã có kinh nghiệm chiến đấu 63 lần tại Việt Nam và đã nhiều lần áp chế thành công tên lửa SAM 2 của miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, lần này, chính chiếc EB-66 trúng tên lửa phòng không của lực lượng mặt đất.
Sở dĩ chiếc B-66 bị trúng đạn bởi những tên lửa SAM-2 này đã được bí mật đưa qua giới tuyến vào chiến trường Quảng Trị. Ngoài ra, bộ đội Việt Nam đã đợi tên lửa bay được nửa chặng đường mới kích hoạt rada tìm kiếm mục tiêu, nên máy bay Mỹ không kịp trở tay, trong khi đó Hambleton chủ quan, sử dụng một chiếc EB.66 phiên bản cũ.
Kết quả, chiếc EB-66 bảo vệ máy bay B52 đã trúng tên lửa. Phi hành đoàn được lệnh nhảy dù, nhưng chỉ có một người sống sót là Trung tá Không quân Hoa Kỳ Iceal Hambleton và chiếc EB-66 mang mật danh BAT-21 nổ tung trên không.
Một chiếc trực thăng HH-53 tham gia phi vụ giải cứu (Ảnh tư liệu)
Với những kí hiệu và trang bị đặc biệt, khi phi công Mỹ buộc lòng phải nhảy dù, dễ dàng liên lạc với các đơn vị cứu hộ cứu nạn.
Trung tá Không quân Hoa Kỳ Iceal Hambleton là người duy nhất sống sót, lúc này đã 53 tuổi, chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ hưu. Hambleton đã từng chiến đấu trong chiến tranh thế giới thứ hai, rồi trong chiến tranh Triều Tiên, hoàn thành nhiều phi vụ đặc biệt.
Điều thú vị là vài ngày trước, Hambleton đã nhận được vé đi nghỉ tại Bangkok với vợ. Đúng ngày 2/4, vợ Hambleton đã đến Thái Lan nhận phòng khách sạn và ngay lập tức được thông báo chồng cô ấy đã bị bắn rơi tại Việt Nam, đang được giải cứu.
Hambleton được coi là một trong những chuyên gia máy bay trinh sát điện tử giỏi và giàu kinh nghiệm nhất của không lực Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ lo ngại, nếu bị bắt, Hambleton có thể bị đưa ra miền Bắc, thậm chí đưa sang Trung Quốc hoặc Liên Xô để khai thác. Đó sẽ là đòn giáng mạnh vào uy tín không lực Hoa Kỳ và những bí mật quân sự của họ.
Kinh nghiệm giải cứu của không quân Mỹ là phi công phải được cứu trong vòng 4 giờ đầu sau khi nhảy dù, khi các lực lượng mặt đất của kẻ thù còn đang xác định tọa độ và tìm kiếm một cách thiếu tập trung vào vị trí phi công Mỹ nhảy dù.
Ngay lập tức các máy bay chiến đấu A1 được điều đến khu vực chiếc EB-66 bị bắn rơi. Các máy bay Mỹ đã tiến công vào lực lượng mặt đất của quân giải phóng nằm gần khu vực Hambleton đang ẩn náu. Các máy bay trực thăng vũ trang được điều đến.
Tại đây, lực lượng phòng không của quân giải phóng rất mạnh. Hai trực thăng chiến đấu đều bị bắn hư hỏng nặng, một máy bay trực thăng Cobra rơi ngay tại chỗ, 3 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Để bảo vệ tính mạng hai Hambleton, Hoa Kỳ đã thiết lập một vùng cấm bắn phá xung quanh khu vực viên phi công đang ẩn náu. Điều đó vô tình tạo điều kiện cho cuộc tiến công của quân giải phóng trong điều kiện quân đội Việt Nam Cộng hòa không được yểm trợ bằng phi pháo, do đó, hàng trăm binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đã thiệt mạng trong khu vực chiến sự ác liệt bởi vùng cấm phi pháo của Mỹ.
Trong ngày 2/4/1972, để giải cứu viên phi công Hambleton, Hoa Kỳ đã mất 2 trực thăng và 4 thành viên phi hành đoàn, hai máy bay ném bom A1 bị bắn hỏng.
Các máy bay khác tiếp tục được đưa vào cuộc giải cứu, nhất là loại trực thăng HH-53 là loại trực thăng lớn và hiện đại của Hoa Kỳ lúc này.
Bước sang ngày thứ hai, Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường ném bom xung quanh khu vực viên phi công ẩn náu. Sau đó hai chiếc HH-53 được các máy bay ném bom hộ tống đến khu vực tìm kiếm. Nhưng ngay lập tức một máy bay HH-53 bị bắn hỏng và phải quay về căn cứ. Chiếc trực thăng thứ hai đã đến gần được khu vực phi công ẩn náu nhưng bị hỏa lực phòng không mạnh mẽ từ mặt đất tiến công nên cũng đành phải quay lại căn cứ.
Ngay sau đó tên lửa SAM-2 lại bắn cháy một chiếc máy bay tiến công hạng nhẹ OV 10. Phi công của chiếc OV-10 đã nhảy dù và ẩn nấp ngay gần với phi công của chiếc B-66.
Ngày 5/4, thời tiết xấu, mây mù che phủ đã ngăn cản việc giải cứu.
Ngày 6/4 cuộc giải cứu lại tiếp tục.
Máy bay trực thăng HH-53 đến khu vực phi công đang ẩn náu, ra tín hiệu cho anh ta thông báo vị trí của mình bằng lựu đạn khói. Tuy nhiên, hỏa lực từ mặt đất bắn lên dữ dội làm chiếc trực thăng nổ tung, khiến 6 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Sau khi 4 máy bay và 9 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng trong nỗ lực giải cứu, Hoa Kỳ đã chủ trương dừng cuộc giải cứu từ trên không.
Quân đội Mỹ thấy dường như quân giải phóng đã lợi dụng viên phi công dưới mặt đất, tạo ra một cái bẫy chết người đối với không lực Hoa Kỳ.
Trung tá Hambleton được giải cứu, nhưng Hoa Kỳ mất 5 máy bay, 11 phi công và thành viên phi hành đoàn tử nạn, 2 phi công khác mất tích (Ảnh tư liệu)
Thêm một chiếc OV-10 bị bắn rơi trong khu vực viên phi công đang ẩn náu, khiến một phi công bị bắt, một người khác lại rơi vào tình thế cần được giải cứu.
Ba phi công bị bắn rơi được yêu cầu ẩn nấp kỹ để đợi giải cứu bằng một phương thức khác: Sử dụng lực lượng biệt kích.
Trung úy Thomas R Norris, biệt kích hải quân Hoa Kỳ SEAL được giao chỉ huy đơn vị mặt đất giải cứu phi công. Khi ấy, Norriss chỉ là một trong ba sĩ quan SEAL còn lại có mặt tại Việt Nam.
Norris triệu tập 5 biệt kích Nam Việt Nam tham gia toán giải cứu.
Các phi công được thông báo họ phải đến được dòng sông trong khu vực, sau đó tìm cách xuôi dòng để gặp được lực lượng biệt kích.
Norris đã dẫn toán biệt kích len lỏi tiến sâu vào vùng của quân giải phóng đang kiểm soát, hết sức tránh đụng độ để tìm kiếm những phi công, đôi khi, lực lượng biệt kích chỉ cách những người lính giải phóng vài mét.
Sau những nỗ lực tìm kiếm, toán biệt kích đã tìm thấy viên phi công đầu tiên của chiếc OV-10.
Nhưng đối với Trung tá Hambleton thì phức tạp hơn, ông ấy đã 53 tuổi, bị thương trong quá trình nhảy dù và phải mất hơn 10 km mới tới được dòng sông, nơi toán biệt kích sẽ đón ông ấy.
Sau hơn 1 ngày, Hambleton cuối cùng đã đến được dòng sông. Tuy nhiên, viên phi công đã kiệt sức. Các cuộc điện đàm với lực lượng biệt kích cứu hộ bị ngắt quãng. Norris không muốn chờ đợi và muốn tiến hành chủ động tìm kiếm, nhưng những lính biệt kích Nam Việt Nam lo sợ sẽ gặp phải kẻ thù nên muốn quay lại. Norris phải thuyết phục những biệt kích Nam Việt Nam này để họ tiếp tục công việc. Nhưng cuối cùng, chỉ có một biệt kích Việt Nam Cộng hòa là Nguyễn Văn Kiệt tham gia tiếp tục giải cứu. Bốn người khác trở về căn cứ.
Hai lính biệt kích dùng một chiếc thuyền nhỏ chèo dọc con sông và cuối cùng đã tìm thấy viên phi công Hambleton trong tình trạng tiều tụy và kiệt sức vài ngày sau đó. Họ chèo thuyền dọc sông, được máy bay vũ trang bảo vệ và về được đến căn cứ trong tình trạng viên phi công bị thương, đói khát, đã phải ở trong rừng 12 ngày sụt đến 45 kg.
Trong lúc đó, viên phi công thứ ba đã bị quân giải phóng phát hiện và thiệt mạng trong cuộc chạm súng.
Chiến dịch giải cứu Hambleton đã kéo dài 12 ngày và là chiến dịch giải cứu khốc liệt nhất của không quân Hoa Kỳ với 90 phi vụ mỗi ngày, 5 máy bay bị mất trong chiến dịch giải cứu, và hàng chục máy bay khác bị hư hỏng nặng, 11 quân nhân khác tử nạn, ngoài ra, hàng nghìn binh lính Việt Nam Cộng hòa cũng tử nạn và bị thương vì không có hỏa lực Hoa Kỳ hỗ trợ khi tham chiến trong vùng giải cứu.
Năm 1975, chiến dịch giải cứu được giải mật một phần, đã gây ra những ý kiến tranh cãi gay gắt, rằng có phải tốn quá nhiều mạng người chỉ để cứu một người hay không.
Từ sau cuộc giải cứu này, không lực Hoa Kỳ đã có nhiều thay đổi trong việc lập kế hoạch giải cứu các phi công trong vùng chiến sự.
Hai tháng sau cuộc giải cứu này, một máy bay “Con ma” F4 bị bắn rơi ở miền Bắc, cách Hà Nội 60 km, không quân Hoa Kỳ cũng đã tiến hành cuộc giải cứu thành công, sau 23 ngày ẩn nấp trong rừng rậm, viên phi công Roger Locher cũng đã được cứu thoát. Lực lượng tham gia giải cứu lần này gồm 120 máy bay các loại, trong đó có cả máy bay chiến đấu, nhưng do lập kế hoạch kỹ càng, viên phi công ẩn nấp ở vùng rừng núi thưa dân, không có hỏa lực mạnh, nên cuộc giải cứu tại miền Bắc Việt Nam đã không bị tổn thất.
Trong toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam, lực lượng cứu hộ của Mỹ đã cứu được 3.883 người với thiệt hại khá nhỏ, chỉ mất 45 máy bay và 71 người.
Do đó cuộc giải cứu Hambleton thiệt hại 5 máy bay và 11 người, 2 người mất tích, trở thành cuộc giải cứu đắt giá nhất của không lực Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Cuối những năm 1990, khi quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ được bình thường hóa, hài cốt của những phi công tử nạn trong cuộc giải cứu Trung tá Iceal Hambleton, cuối cùng đã được tìm thấy tại Quảng Trị.
Bình Nguyễn