Quá trình chuẩn bị cuộc Tổng tuyển cử chung cả nước
Để thực hiện nhiệm vụ thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, từ ngày 15 đến ngày 21-11-1975, tại thành phố Sài Gòn, đại biểu nhân dân hai miền Nam - Bắc đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị để bàn vấn đề thống nhất nước Việt Nam về mặt Nhà nước. Hội nghị cho rằng: "Cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất"[1].
Tại Hội nghị, hai đoàn đại biểu của hai miền không chỉ đạt được sự nhất trí cao về chủ trương, phương hướng mà còn đề ra được những biện pháp cụ thể để sớm thành lập một nhà nước chung, nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Thành công của Hội nghị Hiệp thương là một thắng lợi lớn trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước.
Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng tiến vào thành phố ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu.
Xác định cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất lần này liên quan trực tiếp đến việc thành lập và củng cố Nhà nước, có tác dụng quyết định đối với việc thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, ngày 3-1-1976, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 228-CT/TW về việc lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cả nước. Trong đó, Bộ Chính trị chỉ rõ: cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung "sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc ấy sẽ được vận dụng vào miền Nam cho thích hợp với điều kiện cụ thể của miền Nam"[2].
Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thống nhất thành lập Hội đồng bầu cử toàn quốc với số đại biểu ngang nhau của mỗi miền. Theo đó, Hội đồng bầu cử toàn quốc gồm 22 đại biểu. Mỗi miền cử 11 đại biểu, trong đó có 1 Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch: Chủ tịch Hội đồng bầu cử là ông Trường Chinh, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử là ông Phạm Hùng.
Để bảo đảm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc bầu cử đại biểu Quốc hội, căn cứ vào điều kiện cụ thể lúc đó, ở mỗi miền đã thành lập Hội đồng bầu cử riêng. Ở miền Bắc, cơ quan chủ trì bầu cử là Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở miền Nam, cơ quan chủ trì bầu cử là Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Hội đồng bầu cử mỗi miền có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc việc thi hành luật lệ bầu cử; xét và giải quyết những khiếu nại về công tác bầu cử; tiếp nhận và kiểm tra biên bản bầu cử do các đơn vị bầu cử gửi đến trước khi gửi lên Hội đồng bầu cử toàn quốc.
Ngay từ tháng 2-1976, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Tổng tuyển cử đã được triển khai trong cả nước.
Đối với các tỉnh, thành phố miền Nam, do công tác bầu cử còn mới mẻ, Ban Tổ chức Chính phủ đã giúp Ban Chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội các tỉnh miền Nam tập huấn nghiệp vụ cho gần 1.000 cán bộ làm công tác bầu cử. Tại các khu vực bầu cử, công tác điều tra dân số, lập danh sách cử tri đã được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm quyền lợi cho cử tri. Tại nhiều địa phương ở miền Nam, chính quyền cách mạng tạo điều kiện cho hơn 95% số người đã từng làm việc trong bộ máy chính quyền Sài Gòn và quân đội cũ (đã được học tập, cải tạo được thực hiện quyền công dân, tham gia bầu cử). Việc làm này vừa thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước, vừa có tác dụng giáo dục đối với những người được khôi phục cũng như những người chưa được khôi phục quyền công dân.
Việc giới thiệu những người đưa ra ứng cử đã được thực hiện dân chủ, theo Pháp lệnh bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 20-2-1976 của Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong đó Mặt trận Dân tộc thống nhất cùng các đoàn thể quần chúng đóng vai trò quan trọng. Danh sách những người ra ứng cử đã được các tổ chức quần chúng ở cơ sở thảo luận để đưa lên Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Ủy ban Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thống nhất hiệp thương và chính thức giới thiệu.
Đối với các tỉnh, thành phố miền Bắc, việc giới thiệu những người ra ứng cử được áp dụng theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 13-1-1960. Những người ra ứng cử đều do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu. Việc niêm yết danh sách cử tri và tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa ứng cử viên đại biểu Quốc hội với cử tri ở các khu vực bầu cử được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai và dân chủ để cử tri trao đổi ý kiến, tự mình lựa chọn bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội.
Tổng số 605 người ra ứng cử trong danh sách đều là những người có nhiều thành tích trong chiến đấu, công tác và sản xuất, bao gồm các nhà hoạt động cách mạng lâu năm, các đại biểu công nhân, nông dân, quân nhân cách mạng, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh, tư sản dân tộc, đại biểu các tộc người, các tôn giáo. Danh sách đó thật sự là hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên cơ sở liên minh công - nông.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 25-4-1976 - cuộc bầu cử thống nhất non sông
Theo quyết định của Hội đồng bầu cử toàn quốc, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức ngày 25-4-1976. Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân Việt Nam. Trong không khí tưng bừng, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.
Tổng Bí thư Lê Duẩn bỏ phiếu bầu Quốc hội thống nhất ngày 25-4-1976 tại khu vực bỏ phiếu số 30, khu Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc 99,36%, miền Nam 98,59%. Có nhiều xã, huyện, thị, đơn vị vũ trang và khu vực bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bầu. Ở miền Bắc, tỉnh đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao nhất là Thái Bình đạt 99,93%, tỉnh đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cử thấp nhất là Hà Tuyên đạt 98,44%. Ở miền Nam, tỉnh đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao nhất là Gia Lai - Kon Tum đạt 98,99%, tỉnh đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cử thấp nhất là Đồng Tháp đạt 96,13%. Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm.
Trong tổng số 492 đại biểu trúng cử: công nhân 16,26%; nông dân 20,33%; thợ thủ công 1,22%; cán bộ chính trị 28,66%; quân nhân cách mạng 10,97%; tri thức 18,50%; nhân sĩ dân chủ và tôn giáo 4,06%; đại biểu nữ 26,21%; đại biểu các dân tộc thiểu số 14,28%.
Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu một bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đây là thành quả vĩ đại của 45 năm nhân dân ta đấu tranh cách mạng không ngừng kể từ khi Đảng ra đời, là thắng lợi của 30 năm Đảng lãnh đạo giành chính quyền và lãnh đạo hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước dẫn đến việc chính thức hóa việc thống nhất Việt Nam. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng sáng tạo của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh mang tầm vóc một học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển với ý chí không gì lay chuyển nổi.
Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, từ 24-6 đến 2-7-1976. Ảnh: Tư liệu.
Ngày 24-6-1976, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự kỳ họp có 482 đại biểu, 10 đại biểu vắng mặt. Quốc hội đã nhất trí thông qua các nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca của nước Việt Nam thống nhất:
1. Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, lấy tên là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Quốc kỳ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
3. Quốc huy nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
4. Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.
5. Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bài Tiến quân ca.
Quốc hội đã thảo luận và thông qua nghị quyết về tên gọi của Quốc hội được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25-4-1976 là Quốc hội khóa VI với ý nghĩa kế tục sự nghiệp của 5 khóa Quốc hội trước. Quốc hội bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Phó Chủ tịch nước. Đồng chí Trường Chinh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng chí Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội quyết định thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
[1]Thông cáo của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc ngày 21-11-1975.
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr.2.
Danh Nguyễn