Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có lẽ hình ảnh để lại nhiều ấn tượng nhất đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận địa trong Chiến dịch Biên Giới tháng 9 năm 1950. Mới đó mà đã bảy mươi năm, chúng ta như vẫn thấy hình bóng Người “chống gậy lên non xem trận địa” năm nào
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đến giữa năm 1950, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng. Nhằm đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước mới, tháng 6 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở Chiến dịch Biên Giới. Nhiệm vụ của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng vùng biên giới phía Bắc Việt Nam, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tiến tới giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta chủ động mở cuộc tiến công lớn. Ngoài lực lượng dân quân, du kích, khoảng 30.000 bộ đội được huy động tham gia chiến dịch.
Về chỉ đạo chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đã chọn đúng địa bàn để mở chiến dịch tiến công đầu tiên. Trong chiến dịch Biên Giới, bộ đội chủ lực đóng vai trò chủ công. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, đã được chứng minh tính hiệu quả trong những năm trước. Đồng thời, Người cùng Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương phát động cuộc chiến đấu ở các chiến trường trong cả nước, phát động mạnh mẽ cuộc chiến tranh du kích ở vùng tạm chiếm để hỗ trợ Chiến dịch Biên giới.
Trong Lời kêu gọi về chiến dịch Cao -Bắc -Lạng (tức chiến dịch Biên Giới), Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên: “Vệ quốc đoàn, bộ đội địa phương, dân quân du kích.. quyết đánh thắng trận này. Thắng lợi ở Cao -Bắc- Lạng là thắng ở chung của các chiến sĩ toàn quốc”.
Trong chiến dịch Biên Giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải tổng động viên, trước mắt là động viên nhân lực và lương thực, với khẩu hiệu “Tất cả cho chiến dịch được toàn thắng !”.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng nghìn thanh niên đã hăng hái tòng quân, các tầng lớp nhân dân mà chủ yếu là thanh niên đã đi dân công phục vụ chiến dịch. Riêng liên khu Việt Bắc huy động hơn 121.000 dân công tham gia phục vụ chiến dịch.
Gần 4.000 tấn lương thực, vũ khí đã được vận chuyển từ xa đến tiền tuyến bảo đảm cho 30.000 bộ đội chiến đấu.
Về chỉ đạo chiến dịch, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận để cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ đạo mọi công tác.
Phút nghỉ chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
trên đường lên Mặt trận Biên Giới năm 1950 (Ảnh: Vũ Năng An)
Người xem xét lại kế hoạch tác chiến, kiểm tra công tác chuẩn bị, theo dõi kịp thời diễn biến của chiến dịch, góp thêm những ý kiến chỉ đạo, đến thăm động viên cán bộ, bộ đội, thương binh, dân công ,viết nhiều lời kêu gọi, thư khen điện thăm hỏi trước, trong, và sau chiến dịch.
Chiều ngày 10 tháng 9 năm 1950, tại Sở Chỉ huy chiến dịch, Người trực tiếp phê chuẩn quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Chiều ngày 11 tháng 9, Người dự Hội nghị phổ biến kế hoạch chiến dịch cho cán bộ chỉ huy từ cấp trung đoàn trở lên. Người chỉ thị : “Chưa đánh thắng thì chưa được coi là đã chuẩn bị xong, quân sự thì phải chuẩn bị mãi, thắng xong chiến dịch này cũng mới chỉ là chuẩn bị xong một đợt”.
Lúc đầu, ta dự kiến mở màn chiến dịch đánh vào thị xã Cao Bằng. Sau đó được sự góp ý của cố vấn Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chọn Đông Khê làm trận mở màn chiến dịch, quán triệt tư tưởng đánh chắc thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đông Khê là nơi địch yếu, nhưng lại là vị trí rất quan trọng, nếu mất Đông Khê, địch phải đem quân đến ứng cứu tạo điều kiện cho chúng ta tiêu diệt chúng trong vận động.
Trước ngày 16 tháng 9 năm 1950, ngày nổ súng mở màn chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn triệu tập đồng chí Hoàng Cầm, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn chủ công đánh chiếm Phủ Thiện (khu hành chính của huyện Đông Khê) đến báo cáo tình hình. Người chỉ thị “chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại”.
Chiến dịch Biên Giới đã diễn ra cơ bản đúng với dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Chiến Thắng Đông Khê đã tiếp nối truyền thống “đánh thắng trận đầu” của quân đội ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị bộ đội tham gia chiến dịch (Ảnh tư liệu)
Việc vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc không ngại khó khăn, nguy hiểm ra tận mặt trận để cùng Bộ Chỉ huy chỉ đạo cuộc chiến đấu là nguồn động viên to lớn, làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ, dân công ra sức thi đua giết giặc lập công, đưa chiến dịch đến toàn thắng. Đặc biệt, trong vỏ bọc “Cố vấn chính trị của quân đội nhân dân Việt Nam”, Người trực tiếp tham gia hỏi cung những chỉ huy của hai binh đoàn quân Pháp bị bắt làm tù binh và không quên tuyên truyền về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, cũng giống như cuộc kháng chiến của người Pháp yêu nước chống phát xít Đức trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai. Hẳn những chỉ huy quân đội Pháp không thể ngờ và không bao giờ quên một cụ già thông thạo tiếng Pháp, thái độ hiền từ, cử chỉ thân thiện đến bất ngờ với tù binh lại là lãnh tụ tối cao của dân tộc Việt Nam.
Chiến dịch Biên Giới toàn thắng, mở ra một cục diện mới, quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính đã thuộc về ta, biên giới được khai thông căn cứ địa Việt Bắc được củng cố và mở rộng, từ đây cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới.
Trong niềm vui chiến thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ và nhân dân không được chủ quan khinh địch vì đây mới là thắng lợi bước đầu, phải tiếp tục cố gắng, phải thắng nhiều trận gay go hơn nữa để đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong Thư gửi đồng bào Cao-Bắc-Lạng nhân dịp chiến thắng, ngày 14 tháng 10 năm 1950, Lời kêu gọi vào khuyên nhủ các chiến sĩ, cuối tháng 10 năm 1950, Bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Lê Hồng Phong 2 (chiến dịch Biên Giới), người đều dặn dò: “Chớ vì thắng lợi mà chủ quan khinh địch”, “chớ vì thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan, khinh địch”, “thắng không kiêu, bại không nản, luôn luôn nỗ lực, cố gắng vượt mọi khó khăn, gian khổ, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng”.
Lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa tổng kết chiến dịch Biên Giới mà còn có ý nghĩa tổng kết các chiến dịch về sau của Quân đội nhân dân Việt Nam, trở thành bài học thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này.
Bình Thi