Đà Nẵng tình người - Đó là tên bài hát nổi tiếng của tác giả Đình Thậm nói lên tấm lòng tha thiết của người con Đà thành dành cho thành phố. Và trong những ngày này, khi Đà Nẵng trở thành tâm dịch, giá trị “tình người” ở Đà Nẵng càng tỏa sáng. Từ tâm điểm Đà Nẵng, mỗi một người dân đang làm tốt trách nhiệm của mình vì sự an toàn của cả cộng đồng. Cả nước đang hướng về “rốn dịch” Đà Nẵng với tất cả tình yêu, niềm tin và lời cầu chúc bình an, chiến thắng.
Kể từ ngày 25-7, khi ca mắc SARS-CoV-2 trong cộng đồng được phát hiện tại Đà Nẵng và tăng dần về số lượng theo từng ngày, cả thành phố gồng mình chống dịch. Chính quyền Thành phố phải phong tỏa những điểm nóng được xem là ổ dịch có khả năng phát tán cao. Từ 0h ngày 28/7/2020, thành phố Đà Nẵng thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cả thành phố bước vào một cuộc chiến mới.
Sức mạnh đồng tâm, những chiến sĩ áo trắng sẵn sàng lao mình vào vùng dịch
Ngay khi mới phát hiện những ca nhiễm đầu tiên, thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Y tế đã rất quyết liệt, Bộ đã cử ngay 3 đoàn công tác đến Đà Nẵng là các chuyên gia đầu ngành, giỏi và có kinh nghiệm trong các lĩnh vực điều trị để trợ giúp Đà Nẵng điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 (trong đó có 03 bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy là những người trực tiếp điều trị thành công cho bệnh nhân 91- nam phi công người Anh). Ngay sau đó, một đoàn y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai cũng đã lên đường đến Đà Nẵng. Đoàn chuyên gia đầu ngành cùng với đội ngũ y bác sĩ Đà Nẵng đã dốc sức, thậm chí chạy đua cùng thời gian 24/24 để đến thời điểm hiện tại, khu điều trị dã chiến cho bệnh nhân mắc Covid-19 ở Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang đã cơ bản hoàn thành. Bệnh viện Trung ương Huế cũng cử những y bác sĩ giỏi vào tăng cường cho Đà Nẵng chống dịch.
Nghẹn lòng hình ảnh y bác sĩ các nơi đến Đà Nẵng. Các y bác sĩ đang sải bước vội vã nhưng đầy quyết tâm trong cuộc chiến chống Covid-19
Xác định đây là trận chiến không khoan nhượng với dịch bệnh, để đóng góp sức lực cho trận chiến này, rất nhiều y bác sĩ đang công tác ở các bệnh viện, các cơ sở y tế ngoài công lập đã tự nguyện xung phong vào khu cách ly để hỗ trợ cho nhân lực ở các bệnh viện Đà Nẵng. Hiện tại đã có hơn 200 y bác sĩ có mặt tại bệnh viện dã chiến để sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân. Những chiến sĩ áo trắng đã có sự chuẩn bị và hoàn toàn sẵn sàng bước vào cuộc chiến, dốc hết sức lực để điều trị cho bệnh nhân.
Tại Trường Đại học Y - Dược Đà Nẵng, các chuyên gia đã hướng dẫn tập huấn cho 400 sinh viên năm cuối của các khoa Y, Điều dưỡng, Xét nghiệm, Y tế công cộng về quy trình chuẩn truy vết cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, hướng dẫn cách lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm cho từng trường hợp nghi ngờ. Những sinh viên này sau khi được tập huấn sẽ được bố trí về các quận huyện trên địa bàn Thành phố để tham gia chống dịch.
Cũng trong đợt này, 800 sinh viên Y khoa tại Đà Nẵng đã đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19. Toàn bộ lực lượng này sẽ tham gia vào việc truy vết người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid trên địa bàn dưới sự chỉ huy của Sở y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành Phố Đà Nẵng.
Trên khắp các trang mạng xã hội, hình ảnh những y bác sĩ chống dịch mệt mỏi bơ phờ, nằm lăn lóc trên bàn ghế thậm chí trên sàn gạch vì phải chạy đua với thời gian để khống chế dịch bệnh, những hình ảnh đó thật sự làm cho mỗi người dân cảm động và trân quý, biết ơn những con người xả thân vì người bệnh, xả thân vì nhiệm vụ phòng chống dịch.
Trao đổi thông tin với phóng viên vào cuối giờ chiều ngày 30/7/2020, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Bộ Y tế đang tập trung toàn lực hỗ trợ, chia sẻ với TP Đà Nẵng trong việc xét nghiệm, truy vết, dập dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19…”. Đây chính là lúc Đà Nẵng cần sự chi viện về tất cả mọi mặt, về chuyên môn, trang thiết bị và nhất là tinh thần cho trận chiến khoanh vùng dập dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19. Toàn thể đội ngũ y bác sĩ trên cả nước đang từng ngày hướng về Đà Nẵng thân yêu với tinh thần sẵn sàng hỗ trợ khi Đà Nẵng cần.
Tình người tỏa sáng trong tâm dịch
Trong tâm dịch, mỗi người dân Đà Nẵng đều cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình vì sự an toàn của cả cộng đồng. Bên cạnh tuân thủ việc cách ly xã hội, tại các khu vực cách ly, phong toả, người dân phần thì động viên nhau vượt qua dịch bệnh đang hoành hành, phần thì kêu gọi nhau góp sức, góp tiền, nhu yếu phẩm, kịp thời viện trợ cho lực lượng tuyến đầu và các khu cách ly tập trung, với tinh thần đoàn kết, tương trợ, tương thân tương ái, không ai bảo ai tất cả đều hành động. Hình ảnh những chuyến xe chở đầy hàng hóa, các nhu yếu phẩm từ nước uống, mì gói, khẩu trang, sữa… đến dây phơi đồ, băng, giấy vệ sinh, tã bỉm, nước súc miệng, nước rửa chén, quần áo bảo hộ y tế, ga nệm, giường xếp… được người dân chất đầy hàng dãy trước khu vực phong tỏa của các bệnh viện lớn tại Đà Nẵng, các trung tâm y tế như những lời cổ vũ, động viên và thể hiện ý chí quyết tâm của tất cả mọi người cùng đồng sức, đồng lòng để vượt qua thử thách này. Có những thùng hàng ghi rõ tên, nhóm người gửi từ Đà Nẵng hay từ nhiều địa phương, tỉnh thành trên cả nước; có những thùng hàng không ghi tên người gửi mà chỉ gửi gắm những lời yêu thương kèm những bó hoa tươi thơm ngát… Đó không chỉ là những món quà có giá trị vật chất, mà còn mang ý nghĩa, giá trị tinh thần rất to lớn.
Hàng hóa được người dân chất trước cổng bệnh viện C Đà Nẵng
Hàng ngày, hàng nghìn suất cơm được nấu bằng tất cả tình thương, trách nhiệm, tâm huyết, để gửi đến đội ngũ y, bác sĩ đang túc trực 24/24 trong bệnh viện. Ông Phạm Lê Vân Long (chủ một nhà hàng ở Đà Nẵng) đăng ký nấu hàng trăm suất cơm nóng mỗi ngày, mong muốn gửi đến các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng bữa ăn ngon, bảo đảm an toàn thực phẩm, ông Long nói: "Chúng tôi mong được hỗ trợ mỗi ngày 800 suất cơm cho đến khi dỡ lệnh cách ly ở bệnh viện. Cơm cho người ở đầu chiến tuyến, không chỉ ngon, mà phải bảo đảm an toàn phòng dịch. Chính anh bếp trưởng cũng đã tình nguyện hạn chế tiếp xúc với mọi người, để bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như an toàn cho từng suất cơm anh ấy nấu"… Đón nhận những tấm lòng sẻ chia, ThS.BS Đặng Văn Trí, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Phó Trưởng khoa Nội A (Bệnh viện C) chia sẻ cảm xúc: “Nơi tuyến đầu, chúng tôi luôn được sống và làm việc trong sự sẻ chia, đùm bọc của cả cộng đồng… Mỗi ngày hàng chục hàng chục tấn hàng nhu yếu phẩm, thuốc men, phương tiện bảo hộ chống dịch được chuyển về khu vực bị phong toả. Tình người trong khó khăn kể làm sao xiết!”
Để chia lửa cho các bệnh viện bị phong tỏa, bác sĩ Trần Hùng, Giám đốc Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng, đã có quyết định táo bạo, xin được tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. Theo bác sĩ Hùng, để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh thông thường cho người dân, bệnh viện này đã phân luồng điều trị, tiếp nhận cả bệnh nhân có dấu hiệu ho, sốt. "Trong khi 3 bệnh viện lớn đều đã bị phong tỏa, dẫu biết tiếp nhận những ca này có nhiều rủi ro, đặc biệt là với một bệnh viện tư nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng tiếp lửa, bởi cốt yếu là làm thế nào cho Đà Nẵng khống chế được dịch bệnh là chúng tôi mừng" - bác sĩ Hùng trải lòng.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ, tương thân tương ái khác cũng được diễn ra trên toàn thành phố: nhiều điểm tập kết hàng hóa từ thiện; quán cơm, điểm ăn từ thiện cho những hoàn cảnh khó khăn; nhiều khách sạn, nhà nghỉ thông báo giá ưu đãi thậm chí miễn phí phòng ở cho du khách bị mắc kẹt lại thành phố, đăng ký làm điểm cho người ở cách ly…
Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên… đã được huy động cho một cuộc chiến đầy cam go với dịch bệnh. TP Đà Nẵng đã có hơn 5.500 thanh niên đăng ký Chương trình “Tình nguyện sẵn sàng ứng phó với tình huống mới của dịch bệnh, hỗ trợ chống dịch Covid-19” do Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức. Các đoàn viên, thanh niên sẽ tham gia hoạt động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh và sẵn sàng hiến máu tình nguyện khi cần thiết…
Người dân nấu cả ngàn suất cơm mỗi ngày tiếp sức các y bác sĩ và bệnh nhân
Đà Nẵng là tâm dịch, nhưng Đà Nẵng không cô đơn
Dân tộc Việt Nam được biết đến là dân tộc của “Con Rồng, cháu Tiên”, mỗi người dân có nguồn gốc cùng sinh ra từ bọc trăm trứng, có lẽ vì thế nên cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào tình đoàn kết, nghĩa đồng bào của dân tộc Việt Nam luôn được phát huy mạnh mẽ. Đặc biệt trong những lúc khó khăn hay hoạn nạn, tình cảm đoàn kết gắn bó, hỗ trợ, tương thân, tương ái lại được nhân rộng và càng tỏa sáng.
Ngay khi Đà Nẵng công bố ca bệnh dương tính với dịch Covid-19 và những ngày sau đó số lượng ca nhiễm tăng lên đáng lo ngại, mỗi người dân Việt Nam trên cả nước và kiều bào nước ngoài đều hướng về Đà Nẵng với tất cả tình yêu, niềm tin và lời cầu chúc bình an, chiến thắng.
Nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay đang diễn biến phức tạp tại thành phố Đà Nẵng, có nguy cơ lây lan và bùng phát mạnh trong cộng đồng. Với mong muốn tiên phong, kêu gọi các thành phần trong xã hội cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, để người dân Đà Nẵng được yên tâm và cũng để góp phần trấn an xã hội, Tập đoàn Vingroup đề nghị tài trợ khẩn cấp cho Đà Nẵng 100 máy thở xâm nhập VFS 510. Bên cạnh đó, Vingroup cũng sẵn sàng cho mượn trang thiết bị y tế và điều động nhân lực y tế từ hệ thống bệnh viện Vinmec của Tập đoàn, hỗ trợ bệnh viện dã chiến đang thành lập tại Đà Nẵng. Các tập đoàn lớn như T&T Group, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội SHB và các doanh nghiệp Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI), Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đã quyết định ủng hộ tổng cộng 6,1 tỷ đồng cho 3 địa phương tại miền Trung (trong đó ủng hộ TP Đà Nẵng 2,9 tỷ đồng; tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, mỗi tỉnh 1,9 tỷ đồng). Tập đoàn Ecopark trao tặng Bệnh viện C Đà Nẵng 3 tỷ đồng… và rất nhiều Tập đoàn, Công ty và các đơn vị trên toàn quốc ủng hộ tinh thần và vật chất để góp sức cùng Đà Nẵng trong trận chiến này.
Trong khó khăn, hoạn nạn tình người càng tỏa sáng và lan tỏa một cách mạnh mẽ. Đằng sau những hàng rào phong tỏa là những tấm lòng vàng từ muôn nơi hướng về Đà Nẵng, tạo nên một làn sóng của “tình đoàn kết, nghĩa đồng bào” rất cao cả và xúc động. Trên khắp các mạng xã hội thời gian gần đây, mọi người dân trên cả nước truyền nhau khẩu hiệu “Đà Nẵng cố lên”, “Đà Nẵng quyết chiến - quyết thắng đại dịch”… Nhiều người đồng loạt thay đổi hình ảnh đại diện trên facebook cá nhân với khung nền mang dòng chữ “Đà Nẵng chung tay chống Covid-19”. Nhiều hình ảnh cảm động như hình ảnh “Có thành phố vượt qua bão tố” (Đà Nẵng được ôm trọn trong vòng tay); hình ảnh Cầu Rồng vươn mình vượt qua sóng dữ… cũng được truyền đi mạnh mẽ. Tất cả cho thấy, người dân cả nước đang hướng về Đà Nẵng với sự quan tâm, chia sẻ, động viên, cổ vũ; chung sức, chung lòng cùng với Đà Nẵng chống lại dịch bệnh.
Đà Nẵng nhận được nhiều lời động viên, cỗ vũ
Tinh thần, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc mỗi lúc nguy nan lại mãnh liệt hơn bao giờ hết, nhân lên niềm tin chiến thắng trong trận chiến “chống dịch như chống giặc”. Tinh thần ấy, sức mạnh ấy, chính là kết tinh của nhân cách Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam mà không phải đất nước nào cũng có được.
Ở đâu có tình yêu, ở đó sẽ tạo ra những điều kỳ diệu. Cầu mong và tin tưởng rằng, “Cơn bão” mang tên Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi. Đà Nẵng sẽ sớm trở lại nhịp sống thường ngày là thành phố thân thiện, thành phố đáng sống. Và thay cho lời kết, có gì hay hơn bằng chính những giai điệu trong lời bài hát Đà Nẵng - tình người: "Đà Nẵng ơi! Tình đời - có qua bao lận đận mới biểt đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu - Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến - Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình - Đà Nẵng ơi duyên nợ - Đà Nẵng ơi, tình người…"
Đào Tùng