Khi những cơn gió hanh hao cùng cái lạnh se sắt của mùa đông lướt qua vùng đất Tây Bắc thì cũng là lúc những vạt dã quỳ bung nở khoe sắc. Cả thung sâu, cả những triền đồi hay những con đường chợt miên man trong màu vàng đầy ma mị dã quỳ. Mùa đông là một đặc ân để dã quỳ khẳng định sự tồn tại với thiên nhiên, đất trời, để neo đậu những cảm xúc rất riêng trong lòng mỗi người.
Sắc vàng giản dị của hoa mỗi khi đông về đã điểm tô cho núi rừng Tây Bắc một vẻ đẹp rất đặc trưng. Dã quỳ vắt mình qua những thung lũng nhấp nhô, trải dài những cung đường dẫu đi cả ngày vẫn khát khao một bóng người, một xóm núi hay phủ kín vàng rực một lối đi miên man, ảo diệu trong nắng đông, thơ mộng trong hoang hoải đất trời. Đó dường như chỉ là những vạt hoa hồn nhiên đấu tranh với thiên nhiên, với bao nhiêu loại cỏ, nằm im lìm suốt năm rồi bắt đầu búng những lá non xanh lên, bắt đầu tỏa từng nụ, rồi từng chùm hoa, kéo theo không gian đất trời một màu vàng da diết. Kỳ lạ thay, tất cả những gì thuộc về loài hoa ấy dường như đều được đẩy đến đỉnh điểm, chẳng chút nửa vời. Trong màu xanh thăm thẳm của núi rừng, màu lá thẫm của dã quỳ chẳng thể lẫn với bất cứ loài cỏ cây, hoa núi nào. Hay sắc vàng của loài hoa dân dã ấy cũng phải rực rỡ, chói lọi, mê mải đến kiệt cùng như gom hết những sợi nắng vàng vương xuống cõi trần ngày đông. Mùi hương không thoang thoảng, dịu nhẹ, sang chảnh thành thị mà hăng hắc, đậm đà và đăng đắng bởi sự kết tinh, dồn tụ, hòa quyện giữa đất núi, với gió ngàn, và sương mai. Nhưng ẩn sâu trong những cánh hoa mong manh ấy là sức sống mãnh liệt như thể những con người miền núi nơi đây. Đâu đó có bụi cây đã héo khô, đổ rạp như một dải lúa đồng gập mình sau cơn bão, nhưng sắc hoa vẫn chen lên thắp vàng mê mải. Loài hoa ấy được ví như mặt trời của núi. Những mặt trời nhỏ bé tô điểm cho bức tranh Tây Bắc mùa đông, làm bừng sáng những khuôn mặt người khi nắng chiều đã tắt. Những chàng trai, cô gái miền núi rừng hồn hậu, hòa nhập với thiên nhiên như cỏ cây, hoa lá trong màu vàng bất tận dã quỳ. Những đứa trẻ chân trần trong veo đôi mắt, nụ cười hồn nhiên, tinh nghịch đuổi bắt theo những triền dã quỳ đang chao mình trước gió. Những bậu dã quỳ được con người trồng bên bờ rào đá khiến cho mảnh nương, mảnh vườn chỉ sau một đêm bỗng rực rỡ, sáng bừng như tác phẩm nghệ thuật giữa núi đồi, cỏ cây.
Nhưng ở một cung bậc cảm xúc khác, dã quỳ là loài hoa tượng trưng cho hoài niệm, nỗi buồn và sự đơn côi. Đôi khi, nỗi buồn và hoài niệm là những cảm xúc rất đẹp của con người trong cuộc đời, bởi kí ức chính là thứ tài sản quý giá hun đúc thành giá trị tâm hồn của mỗi người trong hiện tại. Màu vàng da diết đến nao lòng trong tiết trời đông giá lạnh đã khiến cho tâm hồn con người chênh chao trong miền hoài niệm của tình yêu một thưở hay đơn giản chỉ là thứ cảm giác lưng chừng mà con người không dễ mấy khi có được giữa cuộc sống bộn bề lo toan. Khi lạc vào thung lũng hoa, bước chân người lữ khách lại phiêu du theo hoang dại núi đồi, hòa mình vào chất thơ và mộng. Dù trong khoảnh khắc thôi nhưng loài hoa dại, đơn sơ ấy có thể khiến con người chạm tới những cảm xúc rất thật của chính mình. Có lẽ vì thế, mỗi độ đông về, những bạn trẻ thường tìm về với đại ngàn, với hoang sơ để được thưởng một chút nắng vàng, một suối hoa nở ngạo nghễ giữa thung sâu và để được sống tận cùng với những phiêu lãng đất trời Tây Bắc.
Có lẽ bởi không sang chảnh, không hương nên hoa chạnh lòng, mượn đất cao nguyên mà vươn lên phô sắc, mượn gió cao nguyên mà ngả nghiêng, dập dềnh những thảm hoa trong đôi mắt người thiếu nữ, trong nắng lạnh vùng cao. Thứ màu vàng bất tận, mê man và ám ảnh ấy đã làm nên một Tây Bắc thật thơ, thật trữ tình, khiến bất cứ ai từng đặt chân đến cũng đều phải lòng một Tây Bắc với dã quỳ vàng nắng mùa đông.
Nguyễn Hồng