Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các cương lĩnh của Đảng trong hơn 90 năm qua. Tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được được Chính cương Đảng Lao động Việt Nam khẳng định, trở thành mục tiêu và động lực tiếp tục đưa cách mang Việt Nam tiến lên
Ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên (2-1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ mục tiêu đấu tranh của cách mạng và dân tộc Việt Nam là làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập để đi tới xã hội cộng sản[1].
Trong công cuộc đấu tranh giành chính quyền, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không chỉ là lý tưởng, mục tiêu mà còn trở thành động lực mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam. Khát vọng độc lập cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân có ý nghĩa to lớn trong việc tập hợp, đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp và thành phần trong dân tộc, tạo nên lực lượng cách mạng rộng lớn và sức mạnh to lớn, tiến tới Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.
Đáp ứng yêu cầu tình hình mới của cách mạng, từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng được tổ chức tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang[2]. Tại Đại hội, Đảng tiếp tục khẳng định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Vấn đề này được đồng chí Trường Chinh trình bày trong Luận cương cách mạng Việt Nam: Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội.[3] Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội cũng nêu rõ: “Về mục đích trước mắt, Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn; tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội”[4].
Nơi tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại địa điểm tổ chức
Đại hội II của Đảng
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng đề ra chủ trương vừa kháng chiến vừa xây dựng chế độ dân chủ mới - chế độ nhân dân làm chủ. Nhiệm vụ xoá bỏ quan hệ sản xuất phong kiến chỉ được đặt ra với yêu cầu thu hẹp bóc lột của giai cấp địa chủ, từng bước thực hiện chính sách ruộng đất. Cuộc vận động địa chủ hiến điền, giải tán phe giáp, chia lại công điền công thổ, xóa thuế đinh, giảm thuế điền, đã mang lại một số ruộng đất và quyền lợi cho nông dân. Khi cuộc kháng chiến sắp kết thúc, do nhu cầu bồi dưỡng sức dân, đặc biệt là nông dân, Đảng tiến hành cải cách ruộng đất. Tư tưởng chỉ đạo của Đảng là làm sao cải cách ruộng đất vừa củng cố khối liên minh công nông vừa giữ vững, củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất.
Trong những năm kháng chiến trường kỳ, nhiều tiền đề của chủ nghĩa xã hội được tạo dựng: Công cuộc xây dựng chính quyền mới, chính quyền của dân, do dân, vì dân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Những yếu tố cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đã được xác lập. Mọi công dân được tự do phát triển sản xuất kinh doanh theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh là người giàu thì giàu thêm, người khá trở nên giàu, người nghèo trở nên khá. Đảng xây dựng một số xí nghiệp, doanh nghiệp quốc doanh. Tuy còn nhỏ, song thành phần kinh tế này đã góp phần bình ổn vật giá. Lĩnh vực văn hóa đạt nhiều thành tựu nổi bật. Xoá nạn mù chữ trở thành phong trào quần chúng rộng lớn và có ý nghĩa lâu dài.
Nhờ có động lực của mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trong kháng chiến, nhân dân chịu đựng mọi gian khổ nhưng vẫn sống lạc quan, tin tưởng ở Đảng, ở kháng chiến nhất định thắng lợi, đời sống tinh thần phát triển tốt đẹp. Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính đã thực sự đi vào cuộc sống và trở thành nguyên nhân của mọi thắng lợi. Khối đại đoàn kết toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ngày càng rộng lớn và vững chắc, vừa dựa trên nền tảng phát huy lòng yêu nước của toàn dân, vừa dựa trên những thành tựu ban đầu của chế độ mới. Chế độ dân chủ mới là thành quả quan trọng của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, là một động lực đưa cuộc kháng chiến đến thành công, đồng thời là tiền đề trực tiếp cho chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ tiếp theo.
Giai đoạn 1954-1975, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội thể hiện ở đường lối của Đảng khi tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Đặc điểm này của cách mạng Việt Nam chưa có tiền lệ trong lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam.
Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc không còn là định hướng mà trở thành mục tiêu trực tiếp. Để đưa miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc chi viện tiền tuyến miền Nam, Đảng đã chỉ đạo tiếp tục tiến hành cải cách ruộng đất và giảm tô. Cải tạo xã hội chủ nghĩa, thiết lập quan hệ sản xuất mới, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh thời đại, tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Những thành tựu kinh tế của miền Bắc góp phần đảm bảo trước hết yêu cầu chi viện cao nhất cho tiền tuyến, đồng thời bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã tổ chức quản lý nền kinh tế bằng kế hoạch với chế độ tập trung cao độ và bao cấp ở mức độ thích hợp, để có thể trên cơ sở sức người, sức của có hạn, đáp ứng yêu cầu của chiến đấu, sản xuất, đời sống và làm nghĩa vụ quốc tế. Tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, "Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược", "Xây dựng chủ nghĩa xã hội lúc này cũng là để đánh thắng Mỹ" đã khơi dậy lòng yêu nước, động viên toàn dân vừa sản xuất vừa chiến đấu.
Điều kiện tiên quyết để có được thành công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam là kết quả của quá trình phát huy cao độ mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy sức mạnh của chế độ mới được khơi dậy trên nền tảng của tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Nhân dân hai miền Nam – Bắc cùng chung sức, phối hợp đánh thắng đế quốc Mỹ trên cả hai miền đất nước. Miền Nam đã thể hiện đầy đủ nhất, xuất sắc nhất vai trò trực tiếp đánh đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam, đánh đổ chế độ thân Mỹ. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa đóng vai trò quyết định cho thắng lợi cuối cùng của công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước ra từ cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ, dân tộc Việt Nam đã giành lại trọn vẹn nền độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, mở ra chặng đường mới của lịch sử dân tộc – chặng đường cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Những giá trị của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được thể hiện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh mới, những tiềm năng, lợi thế của cả hai miền đất nước được huy động, tập trung cho sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng nền độc lập dân tộc chưa được củng cố, vẫn tồn tại nhiều nguy cơ xâm phạm đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đất nước còn lạc hậu về kinh tế. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Các thế lực thù địch thường xuyên chống phá bằng âm mưu "diễn biến hoà bình", kết hợp với răn đe quân sự và bạo loạn chính trị. Bởi vậy, trong mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội đặt ở vị trí ưu tiên. Không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp của quốc gia và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, là yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa quyết định để củng cố nền độc lập dân tộc.
Lựa chọn và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời đòi hỏi Đảng phải đưa ra được các giải pháp, bước đi, cách làm thực sự khoa học nhằm thực hiện bằng được mục tiêu đó. Năm 1986, để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội một cách trầm trọng, Đảng đã quyết định đổi mới toàn diện đường lối xây dựng và phát triển đất nước, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, nhưng Đảng vẫn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đảm bảo nguyên tắc lấy chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động.
Một góc xã Kim Bình ngày nay
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) và bổ sung, phát triển tại Đại hội XI (năm 2011), Đảng xác định rõ: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Những đặc trưng về xã hội xã hội chủ nghĩa đồng thời hàm chứa những giá trị của độc lập dân tộc.
35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, toàn Đảng, toàn dân đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu đó chẳng những hiện thực hóa từng bước giá trị của chủ nghĩa xã hội mà còn nâng cao vị thế đất nước, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, củng cố nền độc lập dân tộc.
70 năm nhìn lại Đại hội II của Đảng (1951-2021), xét trên góc độ lựa chọn và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, qua các chặng đường lịch sử nhận thấy rõ hơn: Thực tiễn lịch sử đã khách quan lựa chọn con đường cách mạng vô sản là con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Đi theo quỹ đạo cách mạng vô sản đã đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam đi đến thành công, nhân dân đã giành lại và củng cố nền độc lập dân tộc, tạo cơ sở vững chắc để phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong công cuộc đổi mới, các giá trị của dân tộc Việt Nam đã được phát huy cao độ; đồng thời, vị thế quốc gia và sức mạnh tổng hợp quốc gia được nâng lên một bước quan trọng, là điều kiện quan trọng để mở rộng quan hệ quốc tế, củng cố độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam chưa bao giờ có được vị thế, cơ đồ và uy tín quốc tế như ngày hôm nay là do kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Vui Thảo
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.2,3.
[2] Nay là xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.12, tr.40.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.37.