Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI có vị trí đặc biệt quan trọng trong 13 kỳ đại hội của Đảng. Trong đêm đen của khủng hoảng kinh tế-xã hội, Đại hội mang lại ánh sáng cho cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18/12/1986. Dự Đại hội có 1129 đại biểu thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng và 35 đoàn đại biểu quốc tế [1].
Thực hiện mệnh lệnh từ cuộc sống, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc- đổi mới toàn diện đất nước.
”Sự thật” - từ được nhắc đi nhắc lại tại Đại hội VI
Với phương châm ”nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Báo cáo chính trị tại Đại hội khẳng định: ”Chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu do Đại hội lần thứ V đề ra là về cơ bản ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của nhân dân” [2].
Đảng chỉ rõ nguyên nhân khách quan, đặc biệt nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan, nêu rõ những sai lầm, khuyết điểm trong hoạt động của Đảng và Nhà nước trong đánh giá tình hình, xác định mục tiêu, trong bước đi về xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế; về bố trí cơ cấu kinh tế; về cải tạo xã hội chủ nghĩa, sử dụng các thành phần kinh tế; chậm đổi mới cơ chế và bộ máy quản lý, điều hành thiếu nhạy bén...
Một số cá nhân và tổ chức đã lợi dụng những sơ hở của cơ chế quản lý để mưu lợi ích cá nhân và lợi ích cục bộ; lĩnh vực phân phối, lưu thông luôn luôn căng thẳng và rối ren; Nhiều khuyết điểm trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, quản lý kinh tế, xã hội, đấu tranh tư tưởng, văn hoá và trong việc chống lại những âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù. Chưa sử dụng đầy đủ sức mạnh tổng hợp của chuyên chính vô sản để thiết lập và giữ vững trật tự xã hội chủ nghĩa trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội, đã để cho pháp luật và kỷ cương của Nhà nước bị vi phạm ngày càng phổ biến [3].
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tại Đại hội VI của Đảng (Ảnh; TTXVN)
Quán triệt tinh thần ”nói rõ sự thật”, Đại hội VI khẳng định: Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân [4].
Trong lĩnh vực tư tưởng, Đảng đã bộc lộ sự lạc hậu về nhận thức lý luận và vận dụng các quy luật đang hoạt động trong thời kỳ quá độ; đã mắc bệnh duy ý chí, giản đơn hoá, muốn nhanh chóng đạt được nhiều mục tiêu của chủ nghĩa xã hội trong điều kiện nước ta mới ở chặng đường đầu tiên…
Trong công tác tổ chức, khuyết điểm lớn nhất là sự trì trệ, chậm đổi mới công tác cán bộ, đã để cho bộ máy nhà nước, bộ máy của Đảng và các đoàn thể phình ra quá lớn, chồng chéo và phân tán [5].
Từ thực tiễn cách mạng 10 năm (1975-1985), Đại hội tổng kết 4 bài học kinh nghiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng:
Một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.
Hai là, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan.
Ba là, phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới.
Bốn là, phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Những bài học kinh nghiệm này không chỉ có giá trị trước mắt mà có giá trị lâu dài trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. [6]
Quyết tâm đổi mới
Đại hội VI nhấn mạnh: “Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”.
Đảng nhấn mạnh, đổi mới tư duy là nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng. Muốn đổi mới tư duy, Đảng phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, rút ra những kết luận đúng đắn, khắc phục những quan niệm sai lầm hoặc lỗi thời. Đổi mới đội ngũ cán bộ, kiện toàn các cơ quan lãnh đạo và quản lý. Đổi mới phong cách làm việc, giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của đảng.
Đại hội VI nêu rõ quan điểm mới, coi thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình lâu dài, gồm nhiều chặng đường kế tiếp nhau, mỗi chặng đường có mục tiêu, bước đi, quy mô, biện pháp khác nhau, từ thấp lên cao, không được nôn nóng duy ý chí đốt cháy giai đoạn. Đại hội xác định nước ta đang ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ.
Mục tiêu, nhiệm vụ của chặng đường đầu tiên là ổn định tình hình kinh tế-xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo.
Mục tiêu cụ thể là: Sản xuất đủ tiêu dùng và có tích lũy; bước đầu tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm phát triển sản xuất; xây dựng, hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất; tạo ra chuyển biến tốt về mặt xã hội; bảo đảm nhu cầu củng cố quốc phòng và an ninh.
Đổi mới toàn diện
Đại hội VI chủ trương đổi mới toàn diện nền kinh tế, chính trị, văn hoá, đối ngoại nhưng chủ yếu là kinh tế, tập trung đổi mới kinh tế trên cơ sở đó mà từng bước đổi mới về chính trị và các lĩnh vực khác.
Tư tưởng chỉ đạo là giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của đất nước và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới toàn diện nền kinh tế, trước hết là đổi mới về cơ cấu kinh tế, có chính sách xây dựng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế bao gồm: kinh tế xã hội chủ nghĩa (bao gồm khu vực quốc doanh và khu vực tập thể, cùng với bộ phận kinh tế gia đình gắn liền với thành phần đó), các thành phần kinh tế khác kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá (thợ thủ công, nông dân cá thể, những người buôn bán và kinh doanh dịch vụ cá thể), kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức, mà hình thức cao là công tư hợp doanh; kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và các vùng núi cao khác [7].
Bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư, tập trung thực hiện cho được ba chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đi đôi với bố trí lại cơ cấu kinh tế. Cơ chế quản lý với hai đặc trưng cơ bản là tính kế hoạch và vận hành đúng đắn quan hệ hàng hóa – tiền tệ, sản xuất phải gắn với thị trường. Phải vận dụng các quy luật của sản xuất hàng hoá, đặc biệt là quy luật giá trị, quan hệ cung cầu. Phải sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kinh tế. Nền kinh tế phải dược quản lý bằng các phương pháp kinh tế là chủ yếu. Kết hợp hài hoà lợi ích của toàn xã hội, lợi ích tập thể và lợi ích riêng của người lao động [8].
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh sau 35 năm đổi mới
Cải cách bộ máy nhà nước với việc phân biệt rõ chức năng quản lý hành chính kinh tế với chức năng quản lý sản xuất- kinh doanh, kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ. Nhà nước thể chế hoá đường lối, chủ trương cuả Đảng thành pháp luật, chính sách cụ thể. Xây dựng chiến lược kinh tế - xã hôị và cụ thể hóa chiến lược đó thành những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Quản lý hành chính - xã hội và hành chính - kinh tế; điều hành các họat động kinh tế- xã hội trong toàn xã hội theo kế hoạch, giữ vững pháp luật, kỷ cương nhà nước và trật tự xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh. Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của Nhà nước, pháp hiện những mất cân đối và đề ra những biện pháp để khắc phục. Thực hiện quy chế làm việc khoa học có hiệu suất cao. Xây dựng bộ máy gọn nhẹ, có chất lượng cao, với đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị và có năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Nhà nước quản lý đất nước bằng pháp luật. “Tăng cường hiệu lực quản lí cuả nhà nước và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động trên thực tế là một thể thống nhất. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tất cả đều là của dân và vì dân, có thật do dân mới thực sự vì dân một cách đầy đủ. Nguyên lý cơ bản đó được thực hiện từng bước vững chắc là điều kiện quyết định cho mọi thắng lợi của cách mạng”.[9]
Những nội dung đổi mới của Đại hội VI là sự kết tinh trí tuệ cuả toàn Đảng, toàn dân và cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Đảng trước đất nước và dân tộc.
Đường lối do Đại hội đề ra thể hiện sự phát triển tư duy lý luận, khả năng tổng kết và tổ chức thực tiễn Đảng, mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Hà Thúy
[1] Báo Nhân dân, ngày 15 và ngày 24/12/1986.
[2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nguồn https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-vi/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-v-trinh-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-vi-cua-1491. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, nguồn: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-vi/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-vi-cua-dang-1493