Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, trong đó, đường lối tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai chiến lược cách mạng ở hai miền Nam, Bắc, tạo thành sức mạnh chung của cách mạng cả nước, là nhân tố quyết định
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) xác định: "Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại có hai nhiệm vụ chiến lược: Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. Hai nhiệm vụ chiến lược ấy có quan hệ mật thiết với nhau và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau"1.
Đảng ta cũng chỉ rõ vai trò của từng chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam giữ vai trò quyết định trực tiếp đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc giữ vai trò quyết định nhất với toàn bộ sự nghiệp cách mạng cả nước.
Đường lối đó được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thắng lợi trong thực tiễn.
Giai đoạn 1954 - 1960
Miền Nam đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm, củng cố hoà bình, tiến tới cuộc "Đồng khởi". "Đồng khởi" thắng lợi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công.
Miền Bắc tiến hành khôi phục kinh tế, hoàn thành những nhiệm vụ còn lại của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Những thắng lợi của cách mạng hai miền đã tác động, hỗ trợ lẫn nhau trong hoàn thành nhiệm vụ chung của cách mạng cả nước. Miền Bắc đã bước đầu mở đường bộ (5/1959), đường biển (7/1959) chuẩn bị chi viện tiền tuyến miền Nam. Mặt khác, những thành tích đã đạt được của miền Bắc cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của đồng bào ta ở miền Nam. Miền Nam trực tiếp đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm, góp phần quan trọng làm thất bại những âm mưu của Hoa Kỳ tại Việt Nam và Đông Dương.
Giai đoạn 1961-1965
Đảng lãnh đạo đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt" của Hoa Kỳ tại Miền Nam. Với thắng lợi này, ta vừa giữ được quyền chủ động, vừa tạo ra thế trận mới cho cách mạng miền Nam; vừa làm phá sản một hình thức chiến tranh; đẩy Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn vào thế bị động chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
Ở miền Bắc, Đảng lãnh đạo thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), đưa đến kết quả, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Hội nghị Bộ Chính trị đặc biệt (3/1964): “Trong mười năm qua, miền Bắc đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc, đất nước, xã hội và con người đều đổi mới”.
Những thắng lợi của cách mạng hai miền đã tác động, hỗ trợ lẫn nhau trong hoàn thành nhiệm vụ chung của cách mạng cả nước. Thắng lợi của cách mạng miền Nam tiếp tục góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủn nghĩa. Thắng lợi của cách mạng miền Bắc, tiếp tục có sức cổ vũ to lớn, tạo điều kiện vật chất chi viện quân và dân miền Nam tiến lên.
Miền Bắc hậu phương lớn chi viện miền Nam ruột thịt (Ảnh tư liệu)
Giai đoạn 1965-1968
Đảng lãnh đạo đánh thắng chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Hoa Kỳ tại miền Nam, đỉnh cao là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đã tạo ra bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự phá sản của chiến lược "Chiến tranh cục bộ", làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược và buộc Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đàm phán hoàn bình tại Hội nghị Paris.
Trong khi đó, ở miền Bắc, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân ta, tiến hành chuyển hướng xây dựng kinh tế, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cả nước có chiến tranh; đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Hoa Kỳ.
Những thắng lợi của cách mạng hai miền đã tác động, hỗ trợ lẫn nhau trong hoàn thành nhiệm vụ chung của cách mạng cả nước. Thắng lợi ở miền Bắc đã góp phần quan trọng bảo vệ miền Bắc, tăng cường chi viện miền Nam, làm tròn vai trò to lớn của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Thắng lợi to lớn trên chiến trường miền Nam, không những trực tiếp làm phá sản một hình thức chiến tranh điển hình của Hoa Kỳ, mà còn góp phần quan trọng đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh ra cả nước.
Giai đoạn 1969 -1973
Đảng lãnh đạo đánh thắng một bước chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" và "Đông Dương hoá chiến tranh” của Hoa Kỳ.
Trong hai năm 1970-1971, quân dân ta ở miền Nam cùng với quân dân hai nước Lào và Campuchia đã giành những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trên mặt trận quân sự, chính trị và cuộc tiến công chiến lược Xuân-Hè 1972 tiếp tục giáng đòn mạnh mẽ vào chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh".
Cũng trong giai đoạn này, Đảng lãnh đạo quân và dân miền Bắc thực hiện những nhiệm vụ chính trị quan trọng: Khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội; đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, đặc biệt là đánh bại cuộc tập kích bằng chiến lược đường không bằng máy bay B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 của Hoa Kỳ và Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành miền Bắc.
Những thắng lợi của cách mạng hai miền đã tác động, hỗ trợ lẫn nhau trong hoàn thành nhiệm vụ chung của cách mạng cả nước. Thắng lợi trên chiến trường miền Nam và Đông Dương đã góp phần quan trọng chia lửa với đồng bào miền Bắc chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai. Thắng lợi của cách mạng miền Bắc đã góp phần quan trọng cùng với đồng bào ta ở miền Nam đánh thắng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" và "Đông Dương hoá chiến tranh". Thắng lợi của cách mạng hai miền trong giai đoạn này đã góp phần quan trọng tạo ra thế trận có lợi cho chúng ta trên bàn ngoại giao, buộc Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, kí kết Hiệp định Paris về "chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam", mở đường tới thắng lợi cuối cùng.
Nhân dân Sài Gòn chào đón Quân giải phóng miền Nam (Ảnh tư liệu)
Giai đoạn 1973-30/4/1975
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, cách mạng hai miền tập trung thực hiện nhiệm vụ chiến lược: Tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ và tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Để làm được điều đó, quân và dân ta ở miền Nam tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chính trị đòi Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn thi hành hiệp định Paris, xây dựng lực lượng, phản công những cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” của chính quyền Sài Gòn; sau đó, đánh một số trận có tính chất thăm dò và hoàn thành thế trận cho trận đánh cuối cùng của ta.
Trong lúc đó, quân và dân ta ở miền Bắc tiếp tục hăng hái thi đua sản xuất, tăng cường chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Đầu năm 1975, thời cơ chiến lược đến, sau quá trình chuẩn bị, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã diễn ra qua ba chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên (10/3/ 24/3/1975), Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (21/3-29/3/1975) và giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26/4-30/4/1975).
Đại hội IV (năm 1976) của Đảng khẳng định: "Nhân tố quyết định thắng lợi quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng ta với đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo. Đó là đường lối giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng quan hệ chặt chẽ với nhau: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhằm mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, hoàn thành thống nhất nước nhà, tạo điều kiện để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Với đường lối ấy, Đảng ta đã động viên được đến mức cao nhất lực lượng nhân dân hùng hậu cả nước, kết hợp tiền tuyến lớn với hậu phương lớn, kết hợp sức mạnh nhân dân ta với sức mạnh ba dòng thác cách mạng của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh Mỹ và thắng Mỹ"2.
Có thế khẳng định: nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là: Đường lối tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai chiến lược mạng (cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc), hay đường lối: “giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của Đảng.
Chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sức mạnh đoàn kết và truyền thống từ những chiến thắng hào hùng của dân tộc nói chung, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 nói riêng, sẽ tiếp tục được phát huy cao độ trong thời đại mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục làm nên những mùa Xuân đại thắng trong thời đại mới.
Văn Minh
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.21, tr. 916.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr. 981.