Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, không chỉ nổi tiếng với phong trào “Thi đua với Đại Phong” trong xây dựng kinh tế miền Bắc, mà còn là nhà chính trị, quân sự xuất sắc của quân đội nhân dân Việt Nam. Khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cử vào chiến trường miền Nam phụ trách Trung ương Cục miền Nam, lãnh đạo quân và dân miền Nam trực tiếp đối đầu với quân chiến đấu Mỹ, Đại tướng đã có nhiều câu nói nổi tiếng trên lĩnh vực tư tưởng, góp phần xây dựng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Cuối tháng 9 năm 1964, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở phân tích tình hình mọi mặt, Bộ Chính trị chủ trương: “Ở miền Nam, trên quan điểm trường kỳ, cần động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tập trung mọi khả năng, lực lượng để giành một thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn”.
Tại Hội nghị Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Ta phải đánh lâu dài 10 năm đến 20 năm, phải đề phòng địch có hành động điên cuồng dù chúng bị cô lập, phải có kết hoạch phòng khi đột biến. Miền Nam phải mở rộng chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng chủ lực thành quả đấm mạnh, gọn, nhanh. Hai năm qua chưa tăng cường Ủy viên Bộ Chính trị cho miền Nam, nay tình hình cấp bách, không đi không được”.
Bộ Chính trị cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương lên đường vào chiến trường miền Nam. Khi đoàn cán bộ tăng cường cho cách mạng miền Nam do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dẫn đầu lên đường vào miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đánh Pháp đã khó, đánh Mỹ còn khó hơn. Đảng và Chính phủ giao cho các chú vào trong đó cùng với đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ được thắng lợi”.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào miền Nam, phụ trách Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sau khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào miền Nam, quân giải phóng mở chiến dịch Bình Giã (tháng 12/1964 đến tháng 1/1965) đánh “gãy xương sống” quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cơ hội giải phóng miền Nam trong năm 1965 mở ra. Đúng lúc đó, để cứu nguy cho chế độ Sài Gòn, tháng 3/1965, Hoa Kỳ chính thức đổ quân vào xâm lược miền Nam Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960 (Ảnh tư liệu)
Trước đội quân viễn chinh Mỹ "được trang bị đến tận răng", có hỏa lực rất mạnh, tâm lý ngại Mỹ, sợ Mỹ tồn tại trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng. Tại Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ nhất, tháng 9/1965, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã xác định quyết tâm đánh Mỹ: “Cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh Mỹ”.
Những chiến thắng trước quân Mỹ đầu tiên tại Núi Thành, Vạn Tường, Plây Me… tạo thêm cơ sở thực tiễn để quân và dân Việt Nam quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn nhấn mạnh ý chí quyết tâm, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng. Trong bài Kinh nghiệm của công tác tư tưởng với chiến thắng mùa khô 1965- 1966, đồng chí khẳng định một chân lý giản đơn: “Muốn đánh giặc, thắng giặc, thì trước hết gan phải to, chí phải quyết, lòng phải bền”. Trong bài Vì sao quân và dân miền Nam thắng lớn mùa khô 1965-1966, đồng chí tiếp tục khẳng định: “Không có lập trường cách mạng triệt để thì không dám đánh, không có sự phân tích khoa học lực lượng ta địch, thì không tin thắng. Không xác định được phương hướng hành động đúng, không tìm được cách đánh tốt nhất”. “Có vũ khí tư tưởng sắc bén mới có vũ khí bằng sắt thép sắc bén để chiến thắng quân thù”.
Nhờ làm tốt công tác tư tưởng cho quân và dân miền Nam khi phải đối đầu với quân viễn chinh Mỹ, từ chỗ ngại Mỹ, nhất là hỏa lực của Mỹ, quân và dân miền Nam đã xác định quyết tâm, tìm ra cách đánh Mỹ, sau này được Trung ương Cục miền Nam và đồng chí Nguyễn Chí Thanh tổng kết thành phương châm “Nắm lấy thắt lưng Mỹ mà đánh”. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Chí Thanh phụ trách, quân và dân ta ở miền Nam đã đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, tạo niểm tin và cơ sở vững chắc cho việc xây dựng kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu thân 1968.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam ngày 5/7/1967 (Ảnh tư liệu)
Vị tướng tài ba, lỗi lạc, gắn liền với những chiến thắng to lớn của quân và dân Việt Nam trong những năm đầu tiên cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ. Chỉ tiếc là, trong chuyến ra miền Bắc báo cáo tình hình và xây dựng kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968, đồng chí lâm bệnh rồi mất ngày 6/7/1967.
Tên tuổi của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gắn với những câu nói nổi tiếng trên lĩnh vực công tác tư tưởng, chính trị, không chỉ có ý nghĩa trong những ngày đánh Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay, công tác chính trị, tư tưởng vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện, tiến lên chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng đánh thắng bất kỳ kẻ thù nào.
Bình Thi