Có lẽ khi nói tới những làn điệu âm nhạc trữ tình say đắm của làng quê Bắc Bộ, nhiều người trong chúng ta sẽ liên tưởng tới dân ca Quan họ Bắc Ninh, từ bao đời nay vẫn sâu lắng như một nét sinh hoạt tinh thần thuần khiết nhất của xứ Kinh Bắc.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh là loại hình ca hát giao duyên từ lâu đời của người Việt, diễn ra chủ yếu ở trung tâm của xứ Kinh Bắc xưa - tức thành phố Bắc Ninh ngày nay, với 31/49 làng Quan họ gốc, với số lượng bài ca và làn điệu phong phú (hơn 500 bài ca và 213 làn điệu), được thể hiện bằng nghệ thuật ca hát đặc sắc và độc đáo, đạt tới đỉnh cao của thi ca và âm nhạc dân tộc. Dân ca Quan họ đã chính thức được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 30/9/2009 tại kỳ họp lần thứ tư của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá cao về giá trị văn hóa đặc biệt của Quan họ, trên những phương diện tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và phục trang.
Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam, là một loại hình nghệ thuật đạt tới trình độ cao về nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật lời ca và nghệ thuật âm nhạc. Mỗi một bài Quan họ đều có giai điệu riêng, tượng trưng cho vẻ đẹp hiện hữu, được kết tinh từ những nét đẹp ngàn đời của quê hương Kinh Bắc. Quan họ là sự kết hợp của lối hát và lối chơi mang tính cộng đồng tao nhã, bao gồm các yếu tố lời hát, âm nhạc, phục trang và được trình diễn trong không gian hội hè, phong tục, tập quán, ứng xử. Sự độc đáo của Quan họ thể hiện ở hình thức sáng tác tập thể linh hoạt từ sự cộng hưởng với cách diễn xướng và lối trình bày.
Càng đi sâu thưởng thức Quan họ, hòa mình vào những câu hát giao duyên đằm thắm mượt mà, chúng ta càng khám phá ra cả một kho tàng tri thức, nghệ thuật dân gian vô cùng phong phú mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử. Quan họ gắn với tập quán “kết chạ” (kết bạn) giữa các làng Quan họ và tồn tại trong môi trường văn hóa riêng, tạo nên hồn cốt cộng đồng trong các dịp hội hè như hội Lim, hội Thổ Hà, hội Bổ Ðà, hội Diềm, Thị Cầu, nơi các “liền anh, liền chị” với khăn xếp, áo the thanh lịch, với tứ thân mớ ba, mớ bẩy cùng nón quai thao duyên dáng, theo nhau từ các làng Quan họ tụ hội về giữa đất trời sông nước, cất lên lời ca tiếng hát thấm đượm tình quê, tình người. Trong không gian êm đềm của hương đồng gió nội, người hát, người nghe như được đắm mình trong nét cổ xưa với những cây đa, bến nước, sân đình, rồi theo từng nhịp chèo trên dòng sông Cầu, bồng bềnh theo ánh trăng như hòa vào từng câu hát đầy ý vị thanh tao…
Quan họ truyền thống thường gắn với hoạt động hát giao lưu, hát xuyên đêm giữa các làng, đến sáng hôm sau mới tàn cuộc hát. Vì vậy, người Quan họ thường có câu: “càng về khuya Quan họ càng bay bổng, càng trầm, càng mặn nồng tình nghĩa” là diễn tả sự thăng hoa, cung bậc cảm xúc lúc sâu lắng, lúc cao trào cho đến cuối cuộc giao duyên. Nếu như Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc, với hình thức tổ chức và những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức, thì Quan họ mới đã có những bước phát triển để phù hợp hơn với thời đại, như có thêm các hình thức biểu diễn (hát) quan họ trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch, nhà hàng... và có thể được trình diễn vào bất kỳ ngày nào trong năm. Quan họ mới thường có sự trao đổi tình cảm với khán thính giả chứ không chỉ giữa bạn hát với nhau. Từ không gian làng xã, Quan họ mới đã vươn ra ở nhiều nơi, đến với nhiều thính giả ở các quốc gia trên thế giới với nhiều hình thức biểu diễn phong phú, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh không chỉ là nét đặc sắc riêng của một miền quê cụ thể, mà đó còn là niềm tự hào của con người Việt Nam. Qua thời gian, dù có những biến đổi nhất định, nhưng Quan họ vẫn bảo lưu được những giá trị căn cốt nhất, bởi đó trước sau vẫn là tiếng hát tâm tình của nhân dân, thể hiện khát vọng về cái đẹp, tình cảm thủy chung, son sắt, là sự ngợi ca tình yêu đôi lứa, nghĩa tình làng xã, bằng hữu, anh em. Tiếng hát lời ca Quan họ Bắc Ninh như nguồn dinh dưỡng tinh thần ngọt ngào bồi đắp và gắn kết mỗi con người trong cộng đồng, hướng họ vươn tới những giá trị thẩm mỹ và nhân văn vượt thời gian.
Chính những giá trị đó đã lôi cuốn mọi người dân Việt Nam chúng ta, đồng thời thu hút sự quan tâm chú ý của cả nhân loại. Việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh sẽ là lời khẳng định sâu sắc cho ý thức dân tộc, để di sản của cha ông sẽ tiếp tục tỏa sáng, trở thành động lực tinh thần quan trọng nhất trong mỗi bước đường tiến lên của đất nước.
Minh Vũ