Lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang đủ mạnh sẵn sàng khởi nghĩa
Sau Hội nghị của Xứ ủy Nam Kỳ họp tháng 3/1940 phát hành bản “Đề cương chuẩn bị bạo động”, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Mỹ Tho, vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang được diễn ra một cách mau lẹ, chu đáo trong trong toàn tỉnh.
Về mặt vũ khí, trên tinh thần chỉ đạo tự trang bị là chính, một cuộc vận động quyên góp sắt thép, tiền bạc cho lò rèn sản xuất vũ khí diễn ra khẩn trương, đặc biệt là trong khu căn cứ địa Mạc Xây, là cơ sở sản xuất vũ khí của cuộc khởi nghĩa trên địa bàn tỉnh.
Về tài liệu học tập lúc bấy giờ chủ yếu là tài liệu về “Chiến lược và chiến thuật du kích chiến tranh” của Mao Trach Đông, được giao cho đồng chí Lê Quang Sô dịch. Sau hơn 1 tháng tích cực làm việc, đồng chí Lê Quang Sô đã hoàn thành bản dịch, tài liệu được in phát hành rộng rãi ở các cơ sở đào tạo quân sự của tỉnh[1].
Về tập luyện võ nghệ, Tỉnh ủy chủ trương vận động những người giỏi võ nghệ mở các lò dạy võ thuật thu hút đông đảo lực lượng thanh niên tham gia. Hàng loạt các làng xã ở Mỹ Tho lúc bấy giờ ra đời các lò võ thu hút các hàng ngàn thanh niên đến học. Đây là lực lượng đông đảo trở thành lực lượng du kích, cảm tử quân của các xã.
Đình Long Hưng, nơi Tỉnh ủy Mỹ Tho đóng trong khởi nghĩa Nam Kỳ (Ảnh tư liệu)
Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, từ tháng 4 đến tháng 10/1940, hầu hết các xã đều tổ chức được ít nhất một tiểu đội du kích, nhiều nhất 1 đại đội tự vệ du kích. Tính chung toàn tỉnh lúc bấy giờ có gần 3.000 đội du kích và tự vệ[2].
Trong không khí khẩn trương đó, tháng 8/1940, Ủy Ban quân sự Mỹ Tho được thành lập để lãnh đạo khởi nghĩa theo Nghị quyết Hội nghị mở rộng xúc tiến việc tổ chức lực lượng vũ trang, mua sắm vũ khí, chế tạo vũ khí, dự trữ lương thực, thuốc men, in tài liệu học tập, luyện tập chờ ngày khởi nghĩa. Ban quân sự tỉnh được thành lập gồm 6 đồng chí do đồng chí Nguyễn Hữu Thường làm chỉ huy trưởng. Sau Hội nghị, một không khí sục sôi chờ ngày khởi nghĩa.
Lãnh đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng, làm chỗ dựa vững chắc cho quá trình tiến hành khởi nghĩa
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Muốn khởi nghĩa phải có căn cứ địa, muốn kháng chiến phải có hậu phương”[3].
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng nhận định: “Nói đến đấu tranh vũ trang đến xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng thì không thể không nói đến vấn đề căn cứ địa cách mạng, vấn đề hậu phương tại chỗ, hậu phương trực tiếp của chiến tranh cách mạng. Căn cứ địa cách mạng là những vùng giải phóng xuất hiện trong vòng vây của địch, cách mạng dựa vào đó để tích lũy và phát triển lực lượng của mình về mọi mặt, tạo thành những trận địa vững chắc về: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa; lấy đó làm nơi xuất phát để lớn mạnh, giải phóng hoàn toàn đất nước. Căn cứ địa là chỗ đứng chân của cách mạng; đồng thời là chỗ dựa để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang cách mạng; trên ý nghĩa đó, nó cũng là hậu phương của chiến tranh cách mạng”[4].
Như vậy, vấn đề xây dựng căn cứ địa khởi nghĩa ở Mỹ Tho thể hiện một tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược của Đảng bộ và nhân dân Mỹ Tho.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập trong một lần về thăm lại Tiền Giang, cùng đồng bào, đồng chí ôn lại những kỷ niệm về khởi nghĩa Nam Kỳ ở Mỹ Tho (Ảnh tư liệu)
Sau Hội nghị tháng 8/1940, Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định chọn rừng U Ba là nơi làm căn cứ địa cách mạng của khởi nghĩa. Đây là nơi có vị trí địa lý thuận lợi, giáp ranh 3 xã Long Định, Tam Hiệp, Tân Lý Đông, kế cận vùng Đồng Tháp rộng mênh mông, kênh rạch chằng chịt và măng lác um tùm là nơi đảm bảo an toàn cho cán bộ các nơi về đây báo cáo tình hình và nhận chỉ thị cấp trên[5].
Căn cứ U Ba được tổ chức quy mô và chặt chẽ, chia làm ba khu, mỗi khu có chức năng, nhiệm vụ khác nhau: Khu Mạcxây là nơi sản xuất vũ khí; Khu Paris là khu hậu cần, lương thực, may cờ, in ấn tài liệu; Khu Đà Lạt là nơi để tiếp đón các đồng chí ở địa phương khác đến.
Điều đặc biệt trong quá trình tiến hành xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Mỹ Tho là Đảng bộ Mỹ Tho không những chỉ dừng lại ở xây dựng căn cứ địa chung cho cả tỉnh, mà nét độc đáo sáng tạo được thể hiện trong việc mỗi huyện cũng có tổ chức căn cứ riêng, như căn cứ Bắc Châu Thành, Bắc Cai Lậy, Bắc Cái bè… với một cơ cấu tổ chức hợp lý, gần với khu căn cứ trung tâm của Tỉnh và đều sát với vùng Đồng Tháp Mười. Với hình thức tổ chức chặt chẽ như vậy, cả tỉnh trở thành một hệ thống căn cứ địa cách mạng vững chắc.
Rõ ràng nếu như trong cách mạng Tháng Tám, căn cứ địa cách mạng đầu tiên là căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai, được duy trì xây dựng sau khi Khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại tháng 9/1940, thì việc tiến hành công tác xây dựng căn cứ địa cách mạng được Tỉnh ủy Mỹ Tho tiến hành ngay sau hội nghị tháng 8/1940, nó thể hiện một tư duy vượt trội, một tinh thần cách mạng chắc chắn, không nao núng, quật khởi với mục tiêu cuối cùng là giành chính quyền về tay nhân dân.
Lãnh đạo xây dựng hệ thống giao thông, liên lạc bảo đảm thông suốt cho cuộc khởi nghĩa
Trong quá trình tiến hành chuẩn bị khởi nghĩa, nhờ nắm chắc chủ trương của Trung ương, Xứ ủy và triển khai một cách quyết liệt nghiêm túc, Đảng bộ Mỹ Tho đã thiết lập cho mình một mạng lưới giao thông liên lạc thông suốt để đảm bảo cho việc chỉ huy được kịp thời, hiệu quả.
Cầu đúc Trung Lương (nay thuộc xã Trung An, Thành phố Mỹ Tho), được chọn làm trạm giao liên của Tỉnh ủy. Ở các huyện, các khu vực liên xã, các xã đều có trạm liên lạc, được trực thường xuyên 24/24 giờ. Từ Trạm giao liên Cầu đúc Trung Lương được chọn làm cơ sở trung tâm, mọi thông tin liên lạc, vận chuyển tài liệu, đi lại của cán bộ đảng viên, lệnh khởi nghĩa… giữa Tỉnh ủy và Xứ ủy, giữa tỉnh ủy và Liên tỉnh ủy, giữa tỉnh ủy với các huyện và cơ sở trực tiếp được đều diễn ra khá thuận lợi nhanh chóng và kịp thời. Phương tiện giao liên được sử dụng linh hoạt dưới nhiều hình thức khác nhau như: đi bộ, đường thủy, đường sắt, đường ô tô…
Nhờ vậy, trong quá trình khởi nghĩa vấn đề giao thông, liên lạc trở thành một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Mỹ Tho diễn ra đồng loạt, thống nhất được hành động và tư tưởng từ cấp tỉnh xuống cơ sở mà đặc biệt là sự linh hoạt trong quá trình chỉ đạo thực tiễn.
Đó là chỉ sau một ngày khởi nghĩa, tình hình diễn ra bất lợi, Tỉnh ủy đã quyết định chuyển hướng, tập trung lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền làm chủ ở nông thôn. Kết quả 75/114 xã ở Mỹ Tho lúc bấy giờ giành được quyền làm chủ[6].
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nói chung và Mỹ Tho nói riêng diễn ra thất bại. Nếu như nói đến bài học lớn của sự thất bại của Khởi nghĩa Nam Kỳ là vấn đề thời cơ cách mạng, thì có thể nói rằng bài học lớn cho những thành công nhất định trong cuộc khởi nghĩa là nhờ công tác tích cực chuẩn bị lực lượng cách mạng, mà sự lãnh đạo công tác chuẩn bị khởi nghĩa của Đảng bộ và nhân dân Mỹ Tho là một ví dụ điển hình nhất. Nó để lại ý nghĩa lịch sử sâu sắc không những đối với quá trình đấu tranh cách mạng chống lại kẻ thù xâm lược mà còn trong công cuộc đổi mới quê hương, đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng ngày hôm nay.
Kim Dung
[1] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang: Mỹ Tho - Gò Công trong khởi nghĩa Nam Kỳ 23 tháng 11 năm 1940, Sđd, tr 42.
[2] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang: Mỹ Tho - Gò Công trong khởi nghĩa Nam Kỳ 23 tháng 11 năm 1940, Sđd, tr 54.
[3] Bộ Quốc phòng và Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân Hà Nội, 2002, tr. 360.
[4] Võ Nguyên Giáp: Mấy vấn đề về đường lối quân sự của Đảng ta, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 89-90
[5] Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang: Lịch sử kháng chiến quân dân Tiền Giang (1940-1975), Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.22.
[6] Tỉnh ủy Tiền Giang - Viện Lịch sử Đảng: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Mỹ Tho: Từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tr.112.