Trong những năm 1955-1957, thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng bộ Nam Bộ chuyển sang lãnh đạo nhiệm vụ đấu tranh chính trị, đòi chính quyền miền Nam thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Geneva. Trong bối cảnh đó, công tác xây dựng Đảng cũng chuyển hướng, cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng diễn ra quyết liệt
Tháng 10/1954, Trung ương Cục miền Nam giải tán, Xứ ủy Nam Bộ được tái lập, trực tiếp lãnh đạo công tác xây dựng Đảng tại địa bàn Nam Bộ.
Xứ ủy đã ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo công tác chuyển hướng xây dựng Đảng bộ trong tình hình mới, nhiệm vụ mới.
Trong quá trình chuyển hướng tổ chức, các địa phương tiến hành phân loại đảng viên. Đảng viên được chia làm ba loại: A, B, C.
Loại A: đúng tiêu chuẩn, tập hợp vào chi bộ bí mật (gồm các đồng chí có lập trường tư tưởng vững vàng, tích cực, nghiêm chỉnh chấp hành nhiệm vụ ).
Loại B: kém hơn, phải tiếp tục giáo dục, bố trí cho sinh hoạt đơn tuyến, khi cần thì móc nối, giao nhiệm vụ vừa sức.
Loại C: không đủ tiêu chuẩn, coi như không công nhận là đảng viên, cho tự lực xây dựng cơ sở cách mạng, tạo thế hợp pháp, sau này sẽ móc nối trở lại (gồm những đảng viên có lập trường thiếu kiên định, tư tưởng không vững vàng, công tác yếu kém ...).
Việc phân loại đảng viên A, B, C được thực hiện trong khoảng từ cuối năm 1954 đến tháng 7/1955. Nhưng thực tế thấy không hợp lý vì trong một chi bộ không thể có hai loại đảng viên, ảnh hưởng đến việc xây dựng, củng cố chi bộ nên từ tháng 7/1955, Xứ ủy quyết định chỉ phân ra hai loại đảng viên. Không còn đảng viên loại B, nghĩa là đối với đảng viên loại B, số nào tiến bộ thì đưa lên loại A, số nào không tiến bộ thì đưa ra.
Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ những năm 1954-1957
Sau khi phân loại, các Đảng bộ tiến hành xây dựng chi bộ.
Chi bộ A bao gồm những đảng viên chưa bị lộ, và những đồng chí tuy đã lộ mặt nhưng có nhiều kinh nghiệm hoạt động bí mật và đang kiên cường bám trụ trong nhân dân.
Chi bộ B bao gồm những đảng viên có nhiều kinh nghiệm hoạt động công khai, tiếp xúc được với địch.
Hai chi bộ A và B đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của huyện uỷ.
Chi bộ lãnh đạo quần chúng thông qua các loại cơ sở: nòng cốt, tích cực, cảm tình.
Nòng cốt là người trung thành với cách mạng, có quan hệ với quần chúng và biết tuyên truyền quần chúng.
Tích cực là người tán thành cách mạng, hoạt động cho cách mạng.
Cảm tình là quần chúng tốt có cảm tình với cách mạng.
Hệ thống lãnh đạo quần chúng theo hình thức “bắt rễ xâu chuỗi”, hoạt động bí mật, sinh hoạt đơn tuyến. “Bắt rễ xâu chuỗi” có thể theo hình thức “tam tam chế” (tức là một người nắm ba người, ba người này không biết nhau) theo trật tự là mỗi đảng viên nắm 3 nòng cốt, mỗi nòng cốt nắm 3 tích cực, mỗi tích cực nắm 3 cảm tình. Sinh hoạt của nòng cốt, tích cực, cảm tình theo đơn tuyến. Đảng viên phải liên lạc vơi từng nòng cốt, nòng cốt nắm tích cực và tích cực nắm cảm tình cũng theo cách đó. “Bắt rễ xâu chuỗi” hướng vào ý thức giai cấp và giới, chẳng hạn như nòng cốt lao động nắm lao động, nòng cốt thanh niên nắm thanh niên, nòng cốt phụ nữ nắm phụ nữ…
Còn Thanh niên Lao động là một tổ chức quần chúng trung kiên, đội hậu bị của Đảng, hoạt động dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhưng có tổ chức và hoạt động độc lập. chi bộ lãnh đạo Thanh niên lao động bằng cách chi ủy lãnh đạo lãnh đạo Ban chấp hành chi đoàn Thanh niên Lao động, hoặc tổ Đảng lãnh đạo phân đoàn Thanh niên Lao động. Thanh niên Lao động dựa theo những nhiệm vụ do chi bộ giao mà hoạt động, thường là được giao công tác binh vận, thanh vận, phụ trách thiếu nhi…Giữa chi bộ và chi đoàn có sự ngăn cách, không ảnh hưởng đến tính chất độc lập của Đoàn Thanh niên Lao động và tránh lộ bí mật của chi bộ.
Xứ ủy chủ trương hết sức bảo vệ các đảng viên bị lộ vì đó cũng chính là bảo vệ tổ chức Đảng. Có hai cách, một là rút bớt công tác cho các đảng viên đó và cách ly khỏi chi bộ; hai là điều các đảng viên đó đi nơi khác. Việc điều động do tổ chức quyết định, nhưng dựa trên cơ sở tự nguyện của mỗi đồng chí. Nếu để các đồng chí chạy lung tung thì xáo trộn tổ chức. Nhưng nếu điều đi mà đảng viên đó chưa tự nguyện, sẽ gây vướng mắc về tư tưởng. Các đảng viên được điều động đi nơi khác vẫn được tính tuổi Đảng trong thời gian chưa chính thức bắt liên lạc với tổ chức Đảng. Các đảng viên đó phải thực hiện những điều sau:
“ - Nằm im trong một thời gian.
- Gây cảm tình với quần chúng.
- Không được liên hệ với gia đình.
- Thái độ phải bình tĩnh, hợp pháp hóa.
- Đến đâu thì quyết bám ở đấy, không ngại khó khăn và chập chờn chạy về cơ sở cũ”1 .
Nhân dân Sài Gòn đấu tranh đòi chính quyền miền Nam thi hành Hiệp định Geneva
Khoảng giữa năm 1956, Xứ ủy Nam Bộ ra Chỉ thị 4HBC chủ trương điều, lắng cán bộ. Nội dung chủ trương này là chấn chỉnh tổ chức Đảng, sắp xếp lại cán bộ, đảng viên để có thể tồn tại và đấu tranh trong hoàn cảnh mới. Cán bộ, đảng viên phải hòa vào dân, giữ thế công khai, hợp pháp, những đồng chí lộ mặt phải chuyển vùng, tiếp tục hoạt động hợp pháp.
Chấp hành chủ trương đó, các Liên tỉnh ủy và tỉnh ủy thực hiện chủ trương “dâm”, “ điều” và “ lắng” cán bộ, đảng viên.
“Dâm” là cấy cán bộ vào nơi ta có yêu cầu, thường là vào các cơ quan của địch, các địa bàn quan trọng, khi nào tạo được điều kiện sẽ chỉ đạo hoạt động.
“ Điều” là điều động những cán bộ, đảng viên đã bị lộ từ nơi này sang nơi khác, thường là trong tỉnh, nhưng cũng có nhiều trường hợp chuyển sang hẳn tỉnh, thành khác.
“Lắng” là giảm bớt hoạt động hoặc ngừng hẳn công tác, nằm im chờ thời cơ, chờ tổ chức móc nối trở lại.
“Lắng” được áp dụng với cả số cán bộ đảng viên bị lộ và chưa bị lộ, thường áp dụng với những đồng chí chưa bị lộ, còn những đồng chí bị lộ không thể “lắng” được, phải điều đi nơi khác.
Mỗi địa phương thường có vùng căn cứ kháng chiến cũ tương đối an toàn, một số đồng chí bị địch truy lùng gắt gao, không thể “ điều” “lắng” được phải chạy lánh vào các căn cứ này, tiếp tục hoạt động chờ thời cơ.
Tuy nhiên, chủ trương điều lắng thực hiện không mang lại hiệu quả. Hàng loạt cán bộ tiếp tục bị bắt, một số đồng chí bỏ công tác. Đảng bộ miền Đông Nam Bộ, sau năm 1954 có 14.365 đảng viên, đến cuối 1956 còn 1950 đảng viên, sau "điều lắng chỉ còn 500 đồng chí 1.
Mặc dù đã tích cực và nhanh chóng sắp xếp lại hệ thống tổ chức, chuyển hướng hoạt động nhưng sau hơn 2 năm từ tháng 7/1954 đến tháng 2/1957, tổ chức Đảng ở Nam Bộ bị tổn thất nặng: 18 tỉnh uỷ viên, 100 huyện uỷ viên bị bắt hoặc bị giết. Số chi ủy viên bị địch bắt và giết hại rất lớn, chưa tổng kết được. Chỉ tính từ tháng 7/1955 đến tháng 2/1956, địch đã giam và giết hại 93.362 cán bộ, đảng viên và người yêu nước. Tổng số đảng viên ở Nam Bộ sụt giảm nhanh chóng, từ 60.000 đảng viên cuối năm 1954 còn 17.000 đảng viên đầu năm 1957. Một số địa phương thiệt hại nặng nề như Thủ Dầu Một bố trí ở lại 1.647 đảng viên, đến cuối năm 1956 chỉ còn 260 đồng chí. Tỉnh Gia Định, số đảng viên giảm từ 3.000 xuống còn 350 đồng chí. Tuy vậy, toàn Nam Bộ vẫn còn 1.100 xã /1200 xã còn chi bộ. Chỉ tính đảng viên loại A, xã ít có từ 10 đến 20 đồng chí, xã nhiều có từ 35 đến 40 đồng chí.1
Đầu năm 1957, số cán bộ lãnh đạo cấp Xứ tới Liên tỉnh và Khu ở Nam Bộ còn có: 5 đồng chí thường vụ Xứ uỷ, Liên tỉnh uỷ miền Đông: 4 đồng chí, miền Trung: 3 đồng chí, miền Tây: 5 đồng chí, Khu Sài Gòn - Chợ Lớn: 11 đồng chí.
Mặc dù bị thiệt hại lớn như vậy, nhưng những khó khăn, thử thách khốc liệt nhất mà Đảng bộ Nam Bộ phải đối mặt vẫn chưa tới.
Bình Nguyễn
1 . Xứ ủy Nam Bộ: Báo cáo một số kinh nghiệm của Nam Bộ về công tác đấu tranh chống khủng bố, xây dựng lực lượng võ trang tuyên truyền và xây dựng Đảng, lưu trự tại Viện Lịch sử Đảng, tr. 44.
1 . Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử miền Đông Nam Bộ: Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 241.
1 . Ban Thống nhất Trung ương: Báo cáo tình hình miền Nam năm 1957, lưu trự tại Viện Lịch sử Đảng, tr. 35.