Cuộc đấu tranh giữ gìn lực lượng ở miền Nam trong giai đoạn 1954-1959 diễn ra vô cùng quyết liệt. Chủ trương đấu tranh thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình của Trung ương Đảng và sự thiếu chủ động, linh hoạt của các đảng bộ tại miền Nam đã làm cho phong trào đấu tranh ngày càng đi vào khó khăn với những thiệt hại to lớn về lực lượng cách mạng. Tìm ra con đường phù hợp cho cách mạng miền Nam thoát khỏi bế tắc và tiến lên trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết
Bối cảnh lịch sử và yêu cầu cấp thiết
Mục tiêu của cách mạng Việt Nam ở miền Nam trong những năm 1954-1960 là đấu tranh giữ gìn lực lượng, đòi đối phương thi hành Hiệp định Geneva. Đối mặt với những khó khăn trong nước và quốc tế lúc đó, Đảng Lao động Việt Nam chưa thể có ngay một đường lối có hiệu quả thực hiện mục tiêu thống nhất đất nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng, các Đảng bộ miền Nam đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, đòi chính quyền miền Nam tôn trọng tính pháp lý của Hiệp định Geneva, thực hiện hiệp thương tuyển cử thống nhất đất nước.
Về tư tưởng, xây dựng cho cán bộ đảng viên tư tưởng trường kỳ đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, vững tin đường lối của Trung ương Đảng. Về tổ chức đã thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức Đảng trên toàn miền Nam cho phù hợp với tình hình mới. Tại Nam Bộ từ cuối năm 1954, Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo đưa 60.000 đảng viên vào hoạt động bí mật, củng cố tổ chức bằng các hình thức dâm, điều, lắng đảng viên. Tại Liên khu V, hơn 25.000 đảng viên rút vào hoạt động bí mật, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài.
Tuy nhiên, do sự đánh phá khốc liệt của kẻ thù, đến cuối năm 1958, đầu năm 1959, phong trào cách mạng miền Nam bị thiệt hại nặng nề. Đảng bộ Nam Bộ từ 60.000 đảng viên chỉ còn 5.000 đảng viên. Đảng bộ Liên khu V từ 25.000 đảng viên rút vào hoạt động bí mật chỏ còn 4.500 đồng chí. Đồng chí Lê Duẩn đã tổng kết, lúc đó cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng ở miền Nam đã thiệt hại đến bảy, tám phần mười. Cơ sở cách mạng trung kiên tại Điện Bàn, Quảng Nam phải thốt lên “Tình hình khó khăn gấp mười lần lúc kháng chiến”.
Luật 10/59 Ngô Đình Diệm ban hành để đàn áp
người yêu nước miền Nam (Ảnh Tư liệu)
Tình hình đó buộc các Đảng bộ miền Nam, nhất là tổ chức Đảng ở cơ sở phải tìm tòi con đường để tự bảo vệ mình. Từ đầu cuối năm 1958, đầu năm 1959, các hoạt động vũ trang dưới hình thức “diệt ác phá kìm” ngày càng mạnh mẽ. Tại một số địa phương như Cà Mau, cán bộ, đảng viên và quần chúng vào rừng tự tổ chức thành các “làng rừng” để tránh khủng bố, bảo vệ cơ sở cách mạng. Một số cán bộ, đảng viên ở cơ sở còn tuyên bố sẵn sàng chịu kỷ luật của Đảng để đấu tranh vũ trang. Thực tế đó đòi hỏi Trung ương Đảng phải nhanh chóng xác định đường lối phù hợp cho cách mạng miền Nam.
Hội nghị lần thứ 15 bàn về đường lối cách mạng miền Nam
Trước yêu cầu cấp thiết của thực tiễn cách mạng miền Nam, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng được tiến hành, nhằm nhanh chóng tìm ra con đường phù hợp đưa cách mạng miền Nam thoát khỏi tình thế khó khăn và tiến lên. Hội nghị được tổ chức thành hai đợt: đợt 1, tháng 1 – 1959 hội nghị mở rộng; đợt 2, tháng 7-1959, chỉ có các đồng chí Ủy viên Trung ương dự.
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất ý kiến, từ năm 1954 đến năm 1958, các Đảng bộ miền Nam đã lãnh đạo nhân dân duy trì phong trào đấu tranh cách mạng liên tục. Hệ thống tổ chức Đảng vẫn tồn tại và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Tuy nhiên, trong bước chuyển biến quan trọng của cách mạng Việt Nam và trong bối cảnh phức tạp mới của tình hình thế giới cũng như trong nước, nhận thức về tình hình cách mạng Việt Nam trong Đảng có lúc, có nơi chưa thật đúng, gây nên những sai lầm về mặt này hay mặt khác, ở miền Bắc cũng như ở miền Nam, đã hạn chế thắng lợi chung của toàn quốc.
Ban Chấp hành Trung ương thừa nhận một số khuyết điểm chính trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam như sau:
1. Nhận thức về kẻ thù: đánh giá chưa hết âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, đánh giá không đúng vai trò lệ thuộc Mỹ của thực dân Pháp, quá nhấn mạnh về mâu thuẫn giữa Pháp-Mỹ và xem Hiệp định Giơnevơ có thể giải quyết được vấn đề cách mạng ở miền Nam. Điều đó còn ảnh hưởng đến các mặt nhận thức sai lệch khác trong công cuộc củng cố miền Bắc và đấu tranh cách mạng ở miền Nam.
2. Chưa xác định rõ và cụ thể mối quan hệ khăng khít chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược của hai miền, có lúc còn quá nhấn mạnh và tập trung cho công cuộc xây dựng ở miền Bắc, coi miền Bắc là cơ sở chính của toàn quốc trong sự nghiệp đấu tranh cho hoà bình và thống nhất nước Việt Nam. Những chính sách lớn của miền Bắc nhằm phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội như cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá đều phạm sai lầm phiến diện không quán triệt nhiệm vụ cách mạng miền Nam của Đảng.
3. Về cách mạng dân tộc dân chủ phản đế, phản phong Ở miền Nam, chúng ta cũng có sai lầm là: trong thời gian khá dài (7-1954 đến 12-1956), các Đảng bộ ở miền Nam có xu hướng nặng về ý thức tổ chức quần chúng làm áp lực với chính quyền Mỹ-Diệm, coi nhẹ việc xây dựng lực lượng để đi đến đánh đổ chính quyền Mỹ-Diệm. Việc giáo dục tư tưởng cách mạng trường kỳ gian khổ, quyết tâm đánh đổ Mỹ-Diệm dù có làm nhưng chưa đến nơi đến chốn. Những lúc phong trào khó khăn có biểu hiện dao động, trong đấu tranh không thấy hết bản chất tàn ác của chính quyền phát xít độc tài và cũng không thấy hết chỗ yếu của địch..
4. Về tổ chức thực hiện: trước tình hình đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, chia cắt lãnh thổ, Đảng ta chưa đề ra một cương lĩnh chính trị và chính thức công bố cương lĩnh đó để hướng dẫn phong trào toàn quốc. Đó là một thiếu sót quan trọng về lãnh đạo của Đảng. Mặt khác, về tổ chức thực hiện cũng phạm nhiều lệch lạc như: sau đình chiến, chúng ta quá nhấn mạnh về tính pháp lý của Hiệp định Giơnevơ. Trong việc tập kết chuyển quân đã rút nhiều cán bộ cần phải để lại cho cơ sở, quan tâm quá nhiều đến tập kết, xem thường nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở và chuyển hướng tổ chức. Xứ uỷ Nam Bộ, cơ quan thay mặt Trung ương lãnh đạo cách mạng miền Nam không được tăng cường mà lại rút đi và phân làm hai cấp uỷ lãnh đạo hai vùng: Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ, có tính chất tạm thời đối phó với đối phương.
Trong khi bàn về phương pháp tiến hành chiến tranh cách mạng ở miền Nam, có nhiều ý kiến nêu trong Hội nghị:
- Loại ý kiến thứ nhất đề nghị vũ trang và tiến hành chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa.
- Loại ý kiến thứ hai không đồng ý tiến hành đấu tranh vũ trang mà phải dựa vào pháp lý Hiệp định Giơnevơ, đấu tranh bằng phương pháp hoà bình.
- Loại ý kiến thứ ba cho rằng phải khởi nghĩa nhưng làm từng bước.
Sau 10 ngày thảo luận, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương chưa thống nhất về nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng giải phóng miền Nam. Hội nghị đợt một kết thúc để Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục nghiên cứu và kết luận vào đợt hai của Hội nghị.
Chỉ đạo của Bác Hồ đối với lãnh đạo Đảng bộ Nam Bộ
Tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương (l-1959), các đồng chí Phan Văn Đáng và Phạm Văn Xô thay mặt Xứ uỷ Nam Bộ dự các phiên họp và trình bày báo cáo về tình hình phong trào cách mạng Nam Bộ trong 4 năm 1954-1958.
Báo cáo của Xứ ủy Nam Bộ nêu rõ: mặc dù bị địch đàn áp khốc liệt, nhưng phong trào từ nông thôn đến thành thị ngày càng phát triển rộng rãi và vững chắc, dù có lúc phong trào bị thu hẹp, có lúc ở thế giằng co với địch nhưng nhìn chung phong trào phát triển liên tục và diễn ra với nhiều hình thức đấu tranh phong phú.
Báo cáo của Xứ uỷ cũng phân tích rõ một số sai lầm, khuyết điểm về chỉ đạo phong trào như sau: một trong những khuyết điểm căn bản là phong trào còn ở mức độ thế thủ nhiều hơn là đẩy mạnh đấu tranh đưa địch vào thế bị động, nhất là ở đô thị. Trong chỉ đạo, ta đặt giá trị pháp lý của Hiệp định Giơnevơ hơi cao.
Xứ uỷ xác định: cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam còn lâu dài, gian khổ, khó khăn và phức tạp, Đảng bộ miền Nam tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng miền Nam nhất định sẽ thắng lợi, hoà bình độc lập, dân chủ, thống nhất đất nước sẽ được thực hiện.
Sau khi dự Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (đợt 1), đồng chí Phan Văn Đáng và Phạm Văn Xô nóng lòng, xin trở lại miền Nam. Tháng 3/1959, trước khi trở vào Nam Bộ, các đồng chí đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người căn dặn: “Các chú về báo cáo với Xứ uỷ: Nhất định không để cho địch tiêu diệt lực lượng cách mạng ở miền Nam. Một cấp uỷ phải vừa có trách nhiệm với cấp trên; vừa phải có trách nhiệm với bên dưới mới đúng, thường người ta chỉ nhấn mạnh trách nhiệm với trên là không đúng. Trung ương ở xa, Xứ uỷ vừa có trách nhiệm với Trung ương, vừa phải có trách nhiệm với Đảng bộ và nhân dân miền Nam”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Tháng 7-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp đợt 2, chính thức thông qua Nghị quyết.
Nghị quyết xác định: cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo và có hai nhiệm vụ chiến lược song song tiến hành là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ đó tuy tính chất khác nhau nhưng có quan hệ hữu cơ với nhau, cùng tác động, ảnh hưởng và hỗ trợ lẫn nhau. Nghị quyết nhấn mạnh: hai miền tiến hành hai nhiệm vụ khác nhau nhưng đánh đổ chế độ thống trị Mỹ-Diệm, giải phóng miền Nam là nhiệm vụ chung, vì lợi ích và yêu cầu chung của nhân dân cả nước.
Về đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam, Nghị quyết Hội nghị nhận định rằng: nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng không phải là pháp lý của Hiệp định Giơnevơ mà là lực lượng của nhân dân ta trong cả nước, tuy Hiệp định đó vẫn còn tác dụng nhất định.
Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ của cách mạng miền Nam như sau: “nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh... Nhiệm vụ trước mắt là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống của nhân dân, giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới”.
Xuất phát từ nhận định về tính chất thực dân và nửa phong kiến của xã hội miền Nam và bản chất độc tài, hiếu chiến của chính quyền Ngô Đình Diệm, Hội nghị khẳng định: “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân” và “theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.
Nghị quyết Hội nghị chỉ rõ rằng để tạo điều kiện cho cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, cách mạng miền Nam phải trải qua một quá trình phấn đấu lâu dài, gian khổ để xây dựng, củng cố và phát triển phong trào cách mạng của quần chúng, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh từ nhỏ đến lớn, đẩy lùi địch từng bước, tiến lên làm lay chuyển toàn bộ chế độ của chúng, trên cơ sở đó sẽ phát động quần chúng giành chính quyền khi có thời cơ thuận lợi.
Con đường tổng khởi nghĩa giành chính quyền là con đường có lợi nhất đối với nhân dân ta nhưng vì bản chất của đế quốc Mỹ là hiếu chiến, chúng có thể can thiệp bằng quân sự để cứu vãn chính quyền tay sai ở miền Nam. Trong điều kiện đó, cuộc khởi nghĩa sẽ chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Chúng ta cần chuẩn bị chu đáo để có thể chủ động trong mọi tình thế.
Sau khi được thông qua, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục được tu chỉnh. Đến ngày 14/11/1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng điện toàn văn Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 cho Xứ uỷ Nam Bộ và Liên khu ủy V.
Nhân dân miền Nam vùng lên đồng khởi chống chính quyền Ngô Đình Diệm
(Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Ý nghĩa to lớn của Nghị quyết 15
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đã chỉ ra nhiệm vụ và phương hướng phát triển phù hợp với yêu cầu cấp bách của cách mạng miền Nam.
Vấn đề cốt lõi trong đường lối cách mạng miền Nam là vấn đề đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để bảo vệ lực lượng ta, lật đổ chính quyền địch đã không được nêu ra đúng lúc. Do đó, trước những khó khăn do địch gây ra, các Đảng bộ tại miền Nam không tìm ra hướng giải quyết, chỉ loay hoay củng cố tổ chức. Bởi đó không phải là cốt lõi của vấn đề nên dù có củng cố đi, củng cố lại tổ chức Đảng, ta vẫn không tránh khỏi bị thiệt hại. Cuối cùng, những trăn trở về đường lối cách mạng giải phóng miền Nam của Trung ương Đảng đã bắt gặp tâm tư, nguyện vọng cháy bỏng của cán bộ, đảng viên và nhân dân miền Nam. Ý Đảng đã hòa quyện với lòng dân. Nghị quyết 15 đến với Đảng bộ và nhân dân miền Nam không phải với những gì rườm rà thường thấy trong những văn bản nghị quyết mà chỉ ngắn gọn trong bốn từ “Đảng cho đánh rồi”. Chỉ bốn từ ngắn gọn đó đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng đang âm ỉ cháy trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân yêu nước miền Nam.
Với đường lối cách mạng đúng đắn, chỉ còn một số ít đảng viên, Đảng bộ miền Nam đã lãnh đạo nhân dân vùng dậy, làm nên cao trào Đồng khởi long trời, lở đất, chuyển thế phong trào cách mạng. Thực tế đó cho thấy, khi đường lối đúng, khi những vướng mắc về đường lối được tháo gỡ, Đảng sẽ động viên được sức mạnh to lớn của quần chúng.
Sự ra đời Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương chính là sự tổng kết thực tế đấu tranh đau thương và anh dũng của nhân dân miền Nam trong giai đoạn 1954-1959. Bài học đúc kết là Đảng phải xuất phát từ tình hình thực tế khách quan, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, của cán bộ, đảng viên cơ sở từ đó xây dựng chủ trương, đường lối, phương pháp cách mạng cho phù hợp.
Quỳnh Chi