Đường lối đổi mới đã mang đến sức bật cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam, với sự ra đời Nghị quyết 10 năm 1988, chấm dứt thời kỳ hợp tác hóa sản xuất nông nghiệp theo mô hình cũ. Tuy nhiên, mô hình hợp tác xã nông nghiệp trong những năm 1958-1988 cũng có vai trò lịch sử nhất định của nó
Những chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp sau Đại hội VI
Quán triệt Quan điểm đổi mới của Đại hội VI, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của nông nghiệp thời kỳ 1981 – 1985, sự đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp được tiến hành trên hai mặt: đổi mới cơ chế quản lý hợp tác xã, đổi mới một bước cơ chế quản lý vĩ mô của nhà nước đối với nông nghiệp, nhằm giải phóng sức sản xuất, tạo tiền đề đưa nông nghiệp chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Theo tinh thần đó, Hội nghị Trưởng Ban Nông nghiệp toàn quốc tại Đồng Nai tháng 8/1987 đã thảo luận dự thảo Đề án đổi mới quản lý nông nghiệp với các nội dung chủ yếu: tổ chức lại sản xuất; hợp tác xã là đơn vị kinh tế tự chủ, tự quản; điều chỉnh và đổi mới một bước các quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất, quan hệ quản lý, quan hệ phân phối trong nội bộ hợp tác xã khoán gọn đến hộ và nhóm hộ, bảo đảm cho người lao động được hưởng trên dưới 40% sản lượng khoán; phát huy và sử dụng các thành phần kinh tế trong nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.
Dự thảo đề án đã được các địa phương, cơ sở thảo luận sôi nổi, nghiêm túc, bổ sung ý kiến, biểu thị sự nhất trí. Sau hội nghị, nhiều tỉnh miền Bắc tiến hành vận dụng thử, trước hết là việc điều chỉnh lại sở hữu về tư liệu sản xuất, thực hiện khoán ổn định ruộng đất cho hộ xã viên, hóa giá trâu bò, máy móc, tư liệu sản xuất khác cho xã viên. Sửa đổi quan hệ quản lý, quan hệ phân phối, xóa bỏ chế độ quản lý công điểm gây ra tệ rong công phóng điểm đẻ ra nhiều tiêu cực đã tồn tại gần ba thập kỷ trong các hợp tác xã.
Tư tưởng cơ bản của đề án là “lấy dân làm gốc” đã tạo ra cơ chế để xã viên thực hiện quyền làm chủ trong kinh tế. Khi bước vào làm thử đã có những ý kiến phân vân, sợ làm xói mòn chủ nghĩa xã hội, tan rã hợp tác xã, dẫn đến khoán trắng. Thực tiễn sau một vụ khoán gọn cho thấy sức sản xuất trong nông thôn được giải phóng, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, năng suất và sản lượng đều tăng, đời sống nông dân có tiến bộ, nông dân gắn bó hơn với ruộng đồng, bỏ vốn đầu tư vào sản xuất.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tháng 4/ 1988, Bộ Chính trị ban hành chính thức Nghị quyết về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, gọi tắt là Nghị quyết 10.
Nghị quyết 10 ra đời, được đông đảo nông dân cả nước, các ngành, các cấp đồng tình, hưởng ứng và vận dụng sáng tạo.
Cùng với Nghị quyết 10, Nghị quyết Trung ương lần thứ hai và lần thứ sáu (khóa VI) đã đề ra nhiều chính sách về đổi mới cơ chế quản lý, trong đó có chủ trương thực hiện chính sách một giá, thương mại hóa vật tư, người nông dân chỉ còn một nghĩa vụ nộp thuế, được tự do lưu thông sản phẩm của mình sau khi làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước và các quỹ của hợp tác xã.
Đó là những giải pháp quan trọng chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
Từ những kết quả đạt được về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp trên cơ sở tổng kết thực tiễn Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa 6 đã nêu lên những quan điểm mới về hợp tác xã "gia đình xã viên là đơn vị kinh tế tự chủ""Kinh tế hợp tác xã có nhiều hình thức từ thấp đến cao mọi tổ chức sản xuất kinh doanh do người lao động tự nguyện góp vốn góp sức được quản lý theo nguyên tắc dân chủ không phân biệt quy mô và trình độ kỹ thuật mức độ tập thể hóa tư liệu sản xuất đều là hợp tác xã"
Khoán 10 đã mang lại động lực mới cho sản xuất nông nghiệp (Ảnh tư liệu)
Sự đổi mới cơ chế quản lý hợp tác xã (vi mô), cơ chế quản lý Nhà nước đối với hợp tác xã (vĩ mô) đã tạo cho phong trào hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới.
Sản xuất lương thực, cây công nghiệp, chăn nuôi, nghề nuôi thủy sản, trồng rừng đều có bước phát triển quan trọng, lương thực đã bảo đảm đủ ăn cho nhân dân, có dự trữ quốc gia và xuất khẩu.
Tiềm năng nông nghiệp trên một số vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long xuyên một số vùng trồng cây công nghiệp ở Tây Nguyên, các vùng nuôi tôm ven biển được phát huy.
Nông dân và các thành phần kinh tế mạnh dạn bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất, thâm canh, xây dựng kết cấu hạ tầng, mở mang ngành nghề, tạo thêm công ăn việc làm.
Nhiều nhân tố mới xuất hiện, đặc biệt nhiều hình thức hợp tác mới dưới dạng hợp tác dịch vụ, cung ứng, tiêu thụ, hợp tác giữa các đơn vị quốc doanh với nông dân với các thành phần kinh tế, hợp tác dưới dạng các hội nghề nghiệp ra đời phong phú, đa dạng.
Bên cạnh mặt đạt được là cơ bản, việc thực hiện Nghị quyết 10 do sự phát triển của thực tiễn, đặc biệt do đổi mới cơ chế quản lý đã xuất hiện những vấn đề như tranh chấp ruộng đất trong nội bộ nông dân, chính sách xã hội nông thôn, chính sách quản lý vĩ mô còn nhiều vướng mắc, đồng thời càng bộc lộ rõ những mặt yếu kém, những khuyết tật của mô hình hợp tác xã kiểu cũ, làm cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất ở nhiều nơi chỉ còn là hình thức hoặc đã tan rã do nhiều nguyên nhân.
Tình hình đó đặt ra đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới hình thức, tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của hợp tác xã, đổi mới cơ chế quản lý vĩ mô của Nhà nước để góp phần đưa nền nông nghiệp nước ta phát triển mạnh hơn trong những năm tiếp theo.
Đánh giá 30 năm hợp tác hóa nông nghiệp (1958-1988)
Quá trình diễn biến và thực trạng phong trào hợp tác hóa của nước ta 30 năm (1958-1988) đã trải qua những bước thăng trầm khác nhau. Ở mỗi địa phương, mỗi vùng, mỗi hợp tác xã cũng có những bước phát triển khác nhau. Tuy nhiên đánh giá một phong trào trên bình diện cả nước không thể dựa trên những hiện tượng cá biệt, điển hình cá biệt, mà phải xem xét xu thế chung, kết quả chung.
Xét từ kết quả thực tế phong trào hợp tác hóa ở nước ta trong thời kỳ 1958-1988, chia làm hai giai đoạn khác nhau về chất.
Giai đoạn thứ nhất (1958 – 1980) là giai đoạn áp dụng thống nhất trong cả nước một kiểu hợp tác xã tập thể hóa triệt để tư liệu sản xuất và sức lao động của nông dân mà kết quả đưa lại là sự sa sút nghiêm trọng của nền nông nghiệp (1979-1980).
Giai đoạn thứ hai từ (1981 -1990) là giai đoạn những tư duy kinh tế mới của Đảng từng bước đi vào cuộc sống, làm nảy sinh những hình thức kinh tế mới đa dạng, phong phú, có hiệu quả hơn. Đây cũng là giai đoạn đấu tranh gay gắt giữa cơ chế quản lý kinh tế cũ với cơ chế quản lý kinh tế mới.
Miền Bắc đã đóng góp sức người, sức của to lớn cho sự nghiệp thống nhất đất nước (Ảnh tư liệu)
Nhìn chung cả thời kỳ 1958-1988, có những mặt được và chưa được sau đây:
Trước hết, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là khai hoang, phục hóa, xây dựng thủy lợi, cải tạo đồng ruộng.
Sản xuất trong các hợp tác xã tuy có thăng trầm qua nhiều giai đoạn, nhưng nhìn tổng thể, nền nông nghiệp đã đạt được những bước phát triển nhất định: sản lượng lương thực tăng do thâm canh tăng vụ, khai hoang phục hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật như giống mới, đổi mới cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, chế độ canh tác, mở ra nhiều vùng cây công nghiệp khai thác lâm sản, hải sản.
Đặc biệt đã đóng góp rất quan trọng sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm nghĩa vụ quốc tế, đánh trả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc. Chế độ phân phối bình quân bao cấp ở thời điểm cụ thể cần thiết của hợp tác xã trong thời chiến đã tạo ra sự ổn định ở nông thôn. Hiệu quả của chính sách hậu phương quân đội, sự đoàn kết tương trợ tình làng nghĩa nước, đã thực sự cổ vũ động viên cán bộ chiến sĩ chiến đấu trên các chiến trường.
Bộ mặt nông thôn có những tiến bộ về nhà ở, trường học, cơ sở y tế và một số cơ sở phúc lợi khác. Giao thông nông thôn được mở mang, cảnh quan nông thôn nhiều vùng có biến đổi.
Thông qua phong trào hợp tác khóa với những bài học thành công, thất bại của nó, một đội ngũ cán bộ cơ sở được hình thành, bao gồm cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ, cán bộ khoa học kỹ thuật được đào tạo bồi dưỡng. Từ khi có Chỉ thị số 100, nhất là từ sau khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội VI, bộ máy quản lý hợp tác xã được gọn nhẹ một bước. Một bộ phận cán bộ cơ sở bám sát thực tiễn, có tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, là những hạt nhân tích cực thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ở nông thôn.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều mặt chưa được, hay nói đúng ra là những sai lầm, hạn chế.
Ruộng đất, mặt nước, đồi rừng, mặt biển là tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất của nông nghiệp quản lý tập trung trong các hợp tác xã sử dụng kém hiệu quả; đất đai canh tác bị thu hẹp, bị lấn chiếm, có thời kỳ bị hoang hóa, nông dân không gắn bó với ruộng đồng, việc sử dụng đất đồi rừng, mặt nước, bãi cát ven biển lãng phí nghiêm trọng, một số vùng tài nguyên cạn kiệt, môi trường sinh thái bị phá hủy.
Các mặt về tổ chức, quản lý, sử dụng lao động, quản lý tài sản, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nguồn vốn của hợp tác xã kéo dài tình trạng kém hiệu quả. Biểu hiện chung là cơ sở vật chất, tài sản cố định bị hư hao, thất thoát nhiều, sử dụng không hết công suất, vốn vay tín dụng dài hạn không có khả năng trả nợ, Nhà nước phải xóa nợ, không huy động được nguồn vốn của xã viên, lao động nông thôn dư thừa, năng suất lao động thấp, sử dụng lao động lãng phí. Trạng thái bao trùm là sức sản xuất trong các hợp tác xã không được giải phóng.
Sản xuất chậm phát triển, kéo dài tình trạng thuần nông, độc canh, tự cấp, tự túc, sản xuất không đủ trang trải nhu cầu ăn trong nước, nhiều năm Nhà nước phải nhập khẩu lương thực, các tiềm năng nông nghiệp nhiệt đới không được phát huy, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thiếu, xuất khẩu còn hạn chế, giá cả không ổn định, thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó khăn.
Thu nhập của xã viên từ kinh tế tập thể ngày càng giảm sút, giá trị ngày công thấp, nhiều hợp tác xã giá trị ngày công quá thấp hoặc công âm. Cơ cấu chi tiêu của đời sống xã viên thấp kém (65 % đến 78% cho ăn, 6 % đến 7% cho mặc, chi tiêu về văn hóa, giáo dục của gia đình xã viên không vượt quá 2%...). Trước thực trạng này. nhiều hợp tác xã, tập đoàn sản xuất chỉ tồn tại một cách hình thức, nhiều nơi tan rã hẳn. Những động lực kinh tế gắn bó người xã viên và hợp tác xã, tập đoàn sản xuất bị suy yếu, thậm chí bị triệt tiêu, bộ máy quản lý hợp tác xã quá cồng kềnh, quan liêu, kém hiệu lực.
Thái Trần