Bác Hồ - lãnh tụ kính yêu của Đảng và dân tộc Việt Nam, đã hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng qua những năm tháng vẻ vang, trong đó, có những năm Mão để lại những dấu ấn sâu đậm
Năm Tân Mão (1891), cậu bé Nguyễn Sinh Cung (sau này là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh) bước vào tuổi thứ 2, sống ở làng Hoàng Trù (quê ngoại) trong tình yêu thương và chăm sóc của bố mẹ và ông bà. Ngay từ tuổi nhỏ, Nguyễn Sinh Cung đã bộc lộ tư chất thông minh và ham học hỏi, sớm tiếp thu những kiến thức nho học từ các bậc tiền nhân, giàu lòng yêu nước.
Năm Quý Mão (1903), Nguyễn Sinh Cung theo cha đến ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và tiếp tục học chữ Hán. Nhân dịp gia đình chuyển về quê nội (Kim Liên) sinh sống (1911), thân phụ Ông Nguyễn Sinh Sắc đặt tên mới cho cậu Cung là Nguyễn Tất Thành khi vừa tròn 11 tuổi. Trên mảnh đất giàu lòng yêu nước – quê hương của anh hùng Phan Đà[1], Trần Tấn[2], Nguyễn Tất Thành có cơ hội nghe những câu chuyện thời cuộc từ những lần đàm đạo của cha mình với các thân sĩ vùng Thanh Chương. Điều đó càng giúp chàng thiếu niên Nguyễn Tất Thành hiểu rõ hơn sự trăn trở về con đường cứu nước, cứu dân của các bậc cha anh.
Năm Ất Mão (1915), trên đất nước Anh xa xôi, ngày 16/4/1915, Nguyễn Tất Thành lấy tên Pôn Thành (Paul Thành) viết thư cho Toàn quyền Đông Dương, qua lãnh sự Anh ở Sài Gòn nhờ gửi tới thân sinh của mình là Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy. Toàn quyền Đông Dương giao cho chính quyền địa phương hỏi Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Tất Đạt. Nhưng cả hai người đều không biết tin tức gì về thân sinh của mình kể từ khi ông vào Nam Kỳ. Trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành đã tích lũy được thêm những hiểu biết, nên đã trưởng thành về nhiều mặt, chính trị, tư tưởng, văn hóa, đặc biệt bằng nhãn quan chính trị sắc sảo của mình, anh Nguyễn đã gửi thư cho cụ Phan Châu Trinh ở Pháp, đưa ra những nhận xét về cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra và dự đoán những biến đổi trong thời gian tới. Sau đó, Người sang Pháp và tham gia thành lập Đảng xã hội Pháp, mang tên mới là Nguyễn Ái Quốc.
Năm Đinh Mão (1927), Nguyễn Ái Quốc hoạt động chủ yếu ở Trung Quốc và Liên Xô, Pháp, Bỉ và Đức. Với tư cách là chiến sĩ Cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc tham dự nhiều cuộc họp quan trọng, như cuộc họp Đại hội đồng của Liên đoàn chống đế quốc (12/12/1927 tại Brussels). Viết nhiều bài báo cổ động phong trào cách mạng ở Việt Nam và các nước thuộc địa: "Những tội ác kinh khủng của chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Đông Dương"; "Sự thống trị của đế quốc Pháp ở Đông Dương" với bút danh N. K cùng đăng trên Tập san Inprekorr; Vạch trần âm mưu bẩn thỉu, thủ đoạn tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đối với người bản xứ. Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã soạn và giảng cho lớp huấn luyện chính trị của tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu. Những bài giảng này về sau được tập hợp lại và in thành cuốn "Đường Kách Mệnh". Tác phẩm này thực sự là một di sản văn hóa, đường lối cách mạng có sức sống trường tồn cùng lịch sử dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết đồng bào Xuân Quý Mão 1963 (Ảnh tư liệu)
Năm Kỷ Mão (1939), Đây là thời gian Nguyễn Ái Quốc hoạt động chủ yếu ở Trung Quốc, viết nhiều bài báo dưới tiêu đề "Thư từ Trung Quốc", với chủ đề nói về tai họa xâm lược của quân phiệt Nhật, ca ngợi tinh thần anh dũng của nhân dân Trung Quốc, phản ánh những hoạt động của các phần tử Troskist ở Trung Quốc, qua đó gián tiếp báo động những hoạt động của những phần tử theo chủ nghĩa này ở Việt Nam. Đồng thời, Người gửi thư cho Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, truyền đạt Nghị quyết Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản, vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh dân chủ. Khoảng cuối năm, Người đến Côn Minh để bắt liên lạc với tổ chức Đảng ở Việt Nam, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa tới sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Năm Tân Mão (1951), đây là năm có nhiều sự kiện quan trọng của cách mạng Việt Nam, ghi dấu ấn về thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước hết, Đảng Cộng sản Đông Dương tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ hai (tháng 2/1951), ra hoạt động công khai với tên gọi Đảng lao động Việt Nam. Trong Thư gửi Đại hội Trù bị Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ "Đại hội ta là Đại hội kháng chiến. Nhiệm vụ chính của Đại hội ta là đẩy kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Vậy, việc thảo luận cần đặt trọng tâm vào hai việc đó". Việc đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam, Người giải thích: "Đó là điều cần thiết…, bởi vì có như thế mới tập hợp được tất cả các phần tử tiên tiến trong công nông, trí thức vào Đảng… dễ kêu gọi dân tộc hơn, vì ta đang cần đoàn kết rộng rãi với các tầng lớp"[3]. Thứ hai, tiến hành hợp nhất thành một Mặt trận dân tộc thống nhất, rộng rãi lấy tên là Mặt trận Liên Việt. Cạnh đó, việc thành lập Mặt trận ba nước Đông Dương Việt – Miên - Lào cũng là một thành công to lớn của cách mạng Việt Nam và Đông Dương. Thứ ba, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta bước vào giai đoạn chủ động tiến công và giành được nhiều thắng lợi bước đầu, tạo ra thế và lực mới, tiến lên giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Năm Quý Mão (1963), năm này Bác đã 73 tuổi, không ai có thể ngờ rằng đây lại là năm Mão cuối cùng của cuộc đời Bác. Thông thường, vào độ tuổi "thất thập cổ lai hy" là thời gian được nghỉ ngơi, an nhàn hưởng thụ, dù Bác Hồ - tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, song lòng Bác ngày đêm vẫn trăn trở cho công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và chiến tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam. Người nhắc nhở: "Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh một nước nông nghiệp lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá… Vì vậy, nhân dân ta phải dũng cảm phấn đấu, vượt mọi khó khăn", "chẳng những vì hạnh phúc của đồng bào ta ở miền Bắc mà còn vì cuộc đấu tranh thần thánh của toàn dân ta để hòa bình thống nhất nước nhà"[4]. Đối với cán bộ, đảng viên, Người dạy bảo "Mỗi một đảng viên đều phải gương mẫu. Người nào chưa gương mẫu thì phải cố gắng trở thành gương mẫu để xứng đáng là đảng viên"[5]. Lo lắng cho ngành giáo dục, Người cũng căn dặn: "Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị; phải ra sức đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ"[6].
Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới với tinh thần “ôn cố để tri tân”, chúng ta cùng nhìn lại những năm tháng, chặng đường cách mạng vẻ vang của Bác Hồ, để “lòng ta trong sáng hơn”. Tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả, góp phần vào xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc như tâm nguyện của Bác lúc sinh thời.
Hòa Phạm
[1] Người thanh niên 17 tuổi, đứng ra chiêu tập nghĩa binh, tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi.
[2] Người đứng đầu cuộc khởi nghĩa của Văn thân Nghệ An- Hà Tĩnh chống thực dân Pháp năm 1874.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr. 439.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr. 26-27.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.136.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14,tr. 474.