Có nhiều nguyên nhân làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng 8 năm 1945, trong đó có vai trò quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với dấu ấn trong hoạch định đường lối chiến lược đến những hoạt động mang tính sách lược trong tìm kiếm đồng minh, thêm bạn bớt thù, chớp thời cơ tổng khởi nghĩa
Nhận định tình hình, cùng Đảng hoạch định chiến lược cách mạng
Ngay khi phát xít Đức tấn công nước Pháp (20/6/1940) và Pháp đầu hàng, Nguyễn Ái Quốc đã nhận định đó là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Vì thế, Người tìm mọi cách trở về nước “để tranh thủ thời cơ, chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Trong Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản đề ngày 12/7/1940, Nguyễn Ái Quốc khẳng định con đường giành độc lập của Việt Nam “có hy vọng thành công”[1]và đề nghị sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản.
Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc chủ động chuẩn bị mọi điều kiện, triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương tháng 5/1941. Hội nghị nhận định: “… cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công[2]. Vì thế, “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc.”[3]. Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định đúng tình hình, “khẳng định dứt khoát chủ trương thay đổi chiến lược”[4], đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tạo cơ sở nền móng đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.
Đến đầu năm 1944, trong Bài nói tại Lễ Bế mạc lớp huấn luyện cán bộ Việt Nam ở Liễu Châu, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “… đại chiến thế giới sắp kết thúc. Dù thực dân Pháp hung ác, xảo quyệt đến đâu cũng không thể ngăn cản được chúng ta tiến lên. Chúng ta nhất định sẽ thắng lợi, nước Việt Nam nhất định sẽ được độc lập, đó là dòng thác lịch sử không gì ngăn cản nổi”[5].
Tham dự Đại hội quốc dân diễn ra tại Tân Trào, Tuyên Quang (16/8/1945), Hồ Chí Minh có những phát biểu quan trọng về việc Việt Nam ứng xử với quân Đồng minh khi họ vào nước ta giải giáp phát xít Nhật… đồng thời nhấn mạnh phải khởi nghĩa, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào và tiếp đón Đồng minh với tư cách của những người làm chủ… Đặc biệt, dù đang ốm rất nặng, nhưng khi Võ Nguyên Giáp vào thăm, Người khẳng định như một mệnh lệnh rõ ràng, dứt khoát, một quyết tâm sắt đá: Bây giờ thời cơ thuận lợi đang tới, dù phải hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập. Đó là quyết tâm, tầm nhìn vượt trội của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, ngày 22/12/1944 (Ảnh tư liệu dựng lại)
Chỉ đạo xây dựng thực lực cách mạng
Xây dựng lực lượng chính trị, tại Hội nghị Trung ương tháng 5/1941, theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) vào ngày 19/5/1941 để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Ngày 25/10/1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ khẳng định rõ mục tiêu, tôn chỉ hoạt động quyết tâm vì sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh chính là sự chuẩn bị lực lượng chính trị to lớn nhất cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.
Xây dựng lực lượng vũ trang, từ chủ trương “Cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”[6]. Lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội quân Giải phóng và trực tiếp giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thực hiện nhiệm vụ nhưng đặc biệt căn dặn: Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Thực hiện Chỉ thị của Người, 17h ngày 22/12/1944, tại khu rừng đại ngàn của núi Dền Sinh, dãy Khâu Giáng, nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập.
Xây dựng căn cứ địa cách mạng, với tầm nhìn chiến lược, Nguyễn Ái Quốc sau nhiều lần nghiên cứu, trao đổi, bàn bạc với các đồng chí cán bộ cốt cán[7], đã quyết định chọn Pắc Bó, Hà Quảng, Cao Bằng làm nơi đứng chân đầu tiên để gây dựng cơ sở, phát triển phong trào. Sau đó, Người tiếp tục chỉ đạo và giao đồng chí Võ Nguyên Giáp mở một “con đường quần chúng” xuống các tỉnh phía Nam[8] để nối thông Cao Bằng với các tỉnh đồng bằng miền xuôi.
Ngày 4/5/1945, Hồ Chí Minh quyết định chuyển địa bàn đứng chân từ Cao Bằng về Tuyên Quang[9]. Theo chỉ thị của Người, ngày 04/6/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ quyết định chính thức thành lập Khu giải phóng Việt Bắc[10]. Từ đây, Khu giải phóng Việt Bắc cùng với hệ thống các chiến khu trong cả nước tạo thành hậu phương và bàn đạp đưa Tổng khởi nghĩa tháng Tám giành thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu)
Chủ động tìm kiếm sự hợp tác, giúp đỡ của Đồng minh
Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế là một chủ trương đúng đắn của Đảng, trong đó lãnh tụ Hồ Chí Minh là người có vai trò quyết định quan trọng và hiện thực hoá chủ trương đó. Từ trung tuần tháng 8/1942, Hồ Chí Minh đã quyết định sang Trung Quốc[11] tìm kiếm cơ hội hợp tác với Đồng minh nhưng không đạt kết quả do Người bị quân Trung Hoa Dân quốc bắt [12].
Đến cuối năm 1944, Hồ Chí Minh lại tiếp tục đi Côn Minh, Trung Quốc để tìm kiếm sự hợp tác với lực lượng Đồng minh[13]. Trong chuyến đi này, Hồ Chí Minh thể hiện thiện chí Việt Nam muốn hợp tác, đứng về phía Đồng minh chống phát xít Nhật… và đã đạt được những kết quả nhất định. Mỹ đồng ý cung cấp một số vũ khí nhẹ, thuốc men, thiết bị ra-đi-ô, kỹ thuật viên… Đến trung tuần tháng 7/1945, một lực lượng quân Mỹ - đội Con Nai nhảy dù xuống Tân Trào, phối hợp cùng Việt Minh đánh phát xít Nhật và giúp huấn luyện một số môn kỹ thuật cho Việt Nam Giải phóng quân[14]. Thời gian hợp tác Việt Nam - Mỹ tuy không dài (chỉ khoảng 4 tháng) nhưng lại có ý nghĩa, vai trò quan trọng đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm1945. Điều thú vị là nhờ các phương tiện điện đài Mỹ viện trợ cho Việt Minh[15] đã góp phần giúp Hồ Chí Minh kịp thời nắm bắt được các tin tức quan trọng của chiến tranh thế giới thứ hai, nhất là liên quan đến quá trình Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng minh… để có những chỉ đạo kịp thời, sát thực tiễn.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã thay đổi vận mệnh đất nước, con người Việt Nam, là khởi nguồn cho một Việt Nam hôm nay độc lập, tự do, phần vinh và hạnh phúc. Thắng lợi đó mang đậm dấu ấn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – người đã cùng Đảng nhận định, hoạch định đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn và kiên quyết lãnh đạo nhân dân chớp thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi.
Nam Trang
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 3, tr.204
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.100
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr.113
[4] Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, Quyển I (1930-1945), tr.523
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr. 495
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr.129
[7] Đó là các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Cao Hồng Lĩnh, Trịnh Đông Hải…
[8] Trong những năm 1942-1944, từ Cao Bằng đã có 18 đội xung phong Nam tiến lên đường làm nhiệm vụ với ba hướng chính là Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang.
[9] 21/5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí cùng đi đã về đến xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
[10] Gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và một số vùng thuộc ngoại vi tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái
[11] Thời điểm này Trung Quốc trở thành một lực lượng của phe Đồng minh chống phát xít và đang trong thời kỳ “Hợp tác Quốc - Cộng” lần thứ hai (1937-1945) để chống phát xít Nhật, thành phố Trùng Khánh - tây nam Trung Quốc có đại sứ quán của nhiều nước (Anh, Pháp, Mỹ, Bỉ, Đức…), còn Côn Minh tỉnh Vân Nam có căn cứ của Không đoàn số 14 Không quân Mỹ, cơ sở của cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS.
[12] Ngày 28/8/1942, Hồ Chí Minh bị tuần cảnh của chính quyền Quốc dân Đảng kiểm tra và bắt giữ tại huyện Đức Bảo, Quảng Tây, Trung Quốc với lý do các giấy tờ không hợp pháp và bị tình nghi là gián điệp. Ngày 10/9/1943, chính quyền Tưởng Giới Thạch trả tự do cho Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh đã ở lại Quảng Tây, hoạt động trong Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách) vừa để đáp ứng điều kiện của Tưởng Giới Thạch trả tự do cho Người, vừa để tìm cách hạn chế tác hại của tổ chức này đối với cách mạng Việt Nam. Đến ngày 20/9/1944, Hồ Chí Minh về đến Pắc Pó, Cao Bằng, kết thúc chuyến đi tìm kiếm sự giúp đỡ quốc tế đầu tiên cho cách mạng Việt Nam.
[13] Đó là quân Mỹ. Trong chuyến đi này, Hồ Chí Minh đã dẫn theo trung tá Wiliam Shaw- phi công Mỹ được ta cứu giúp để trao trả lại cho cơ quan cứu trợ Không quân trên mặt đất (AGAS – Air ground Aid Sectinons) của Hoa Kỳ
[14] Thành lập được một đại đội hỗn hợp Việt - Mỹ khoảng 200 người do đồng chí Đàm Quang Trung làm Đại đội trưởng, Thiếu tá Thomas – Trưởng toán “Con Nai” làm Tham mưu trưởng Đại đội. Ngày 16/8/1945, đại đội đã làm lễ xuất quân tại Tân Trào rồi tiến xuống giải phóng thị xã Thái Nguyên, sau đó cùng tiến về Hà Nội, đến ngày 9/9/1945, thiếu tá Thomas và các thành viên được lệnh rút quân về nước, kết thúc quá trình phối hợp của Mỹ với Việt Minh.
[15] Sau khi từ Côn Minh trở về cùng một số nhân viên kĩ thuật và điện đài được Mỹ viện trợ, Hồ Chí Minh cho xây dựng tại Tân Trào, Tuyên Quang một lán cho lực lượng của Mỹ làm việc, sinh hoạt, gọi là “lán Đồng minh” ngay cạnh nơi làm việc của Người. Ngày ngày, sau mỗi buổi làm việc, Người thường sang lán Đồng minh vừa trò chuyện gần gũi, thăm hỏi họ, nhưng chủ yếu là để theo dõi, nghe tin tức từ các phương tiện của họ. Vì thế, Người biết được cụ thể được thời gian Nhật đầu hàng Đồng minh và quân Đồng minh, những lực lượng nào sẽ vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật.