Trong bối cảnh mới, với sự xuất hiện của quân đội Mỹ và đồng minh, đấu tranh binh vận trên chiến trường miền Nam tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần không nhỏ đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn
Trên địa bàn Tây Nam Bộ
Tại Vĩnh Long, ngày 15/9/1965, Ban Binh vận tỉnh dùng hai nội tuyến đánh mìn hẹn giờ vào kho xăng dầu của Khu chiến thuật 41 của địch tại Phường 4, thị xã Vĩnh Long, phá hủy hàng trăm nghìn lít xăng dầu, làm bị thương hàng chục tên địch. Tính chung trong năm 1965, Đảng bộ Tây Nam Bộ đã vận động binh sĩ ngụy đào rã ngũ 15.000 tên, phát động 6 triệu lượt quần chúng với trên 9.000 cuộc đấu tranh trực diện với địch.
Trong năm 1966, hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng có 10.000 người tham gia, làm 1.287 lính Việt Nam Cộng hòa rã ngũ và 50 cuộc nổi dậy của binh sĩ, phối hợp với phong trào đấu tranh chính trị phá 294 ấp tân sinh và khu tái định cư, giải phóng 20.000 dân. Trên toàn địa bàn, các tỉnh Tây Nam Bộ đã phát động 7 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị, binh vận, làm tan rã 15.700 binh sĩ.
Trong 2 năm 1966-1967, Cà Mau và Bạc Liêu đã huy động 347.542 lượt người tham gia đấu tranh chính trị, xây dựng 237 cơ sở nội tuyến, trong đó có một cán bộ binh vận tỉnh xây dựng được 36 cơ sở nội tuyến làm nội ứng phục vụ đánh địch và binh biến.
Tại tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, Phân Ban Binh vận Khu cùng Ban Binh vận hai tỉnh sử dụng 60 cơ sở nội tuyến trong quân chủ lực và bảo an quân đội Sài Gòn, có sự phối hợp với các huyện, diệt 10 đại đội bảo an, gỡ 31 đồn, phá 40 ấp tân sinh, thu trên 100 khẩu súng.
Trước cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, toàn khu Tây Nam Bộ có 150 cơ sở nội tuyến được móc nối chặt chẽ và hoạt động theo đối tượng của mình với từng đối tượng như chủ lực, bảo an, đồn bót, lực lượng thiết giáp. Mặc dù địch liên tục tăng cường xáo trộn lực lượng nhưng ta cũng nhanh chóng xây dựng lại các cơ sở nội tuyến trong binh sĩ.
Trong tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, quần chúng nổi dậy diệt tề trừ gian, phá ấp tân sinh, bức hàng bức rút 56 đồn, bốt. Hàng chục nghìn quần chúng, trong đó có hàng nghìn gia đình binh sĩ, tràn vào thị trấn, thị tứ đòi chồng, con, làm cho chính quyền địch thêm bị động.
Đêm 20/2/1968, binh vận khu và tỉnh phối hợp với Tiểu đoàn 306 và 308 tiến công trung tâm chỉ huy Trung đoàn 15 quân đội Sài Gòn, chiếm và làm chủ một phần thị xã Sa Đéc, đánh quân chi viện của địch, diệt 500 tên. Chuẩn bị cho đợt 2 tổng tiến công nổi dậy, Ban Binh vận Tây Nam Bộ xây dựng được 292 cơ sở nội ứng.
Về hạn chế của công tác binh vận tại Tây Nam Bộ, binh biến và khởi nghĩa trong binh sĩ quân đội Sài Gòn không xuất hiện như kế hoạch binh vận đã đề ra[1].
Tranh lịch sử mô tả hành động mẹ Võ Thị cào tại Long An cản đầu xe bọc thép của địch (Tranh tư liệu của họa sĩ Lê Lam)
Trên địa bàn Đông Nam Bộ
Khu ủy Đông Nam Bộ chỉ đạo Ban Binh vận phải giáo dục quần chúng vận động binh lính Mỹ và đồng minh, viết các khẩu hiệu bằng tiếng Anh có nội dung “Người Việt Nam không sang nước Mỹ, không giết người Mỹ, tại sao người Mỹ sang Việt Nam, giết người Việt Nam ?”. Với quân đội Việt Nam Cộng hòa thì viết khẩu hiệu “Mỹ thua về nước, ngụy thua đi đâu ?”, “Tại sao người Việt lại giết người Việt?”. Với binh lính Thái Lan, công nhân ở Bình Sơn đã tranh thủ lính không khủng bố công nhân và nhân dân, không xét hỏi khi công nhân mua gạo, mua hàng hóa tiếp tế cho cách mạng. Nhiều binh lính Mỹ đã phản chiến, nhiều binh lính quân đội Sài Gòn đã bỏ súng về nhà.
Trong năm 1965, đấu tranh binh vận tiếp tục tác động mạnh mẽ đến Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tại Sư đoàn 5, Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, đã phải thừa nhận: “Bộ Tổng Tham mưu nhận thấy số đào ngũ tại Sư đoàn 5 bộ binh lên đến 6.404 người (tương đương với 9 tiểu đoàn bộ binh). Riêng trong tháng 12/1965, số đào ngũ là 599, tức tăng 195 người so với tháng 11. Tình trạng đào ngũ trên đây không những làm suy giảm tiềm năng chiến đấu của sư đoàn mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch quân số của toàn thể quân đội”.
Các sư đoàn chủ lực khác như Sư đoàn 13, 18, 21, 25,... tình trạng đào, rã ngũ cũng rất trầm trọng. Nhiều đơn vị quân đội Sài Gòn lúc này thường chỉ có từ 60 đến 70% quân số theo biên chế. Một số đơn vị tan rã gần hết, địch phải xây dựng lại hoàn toàn mới, như Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 33, Sư đoàn 21), Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 43, Sư đoàn 18). Nhiều nơi, lính Sài Gòn đào rã ngũ chạy ra vùng giải phóng quá đông, ta không đủ gạo nuôi, Trung ương Cục phải chỉ đạo vận động số này về quê cũ làm ăn.
Macxell Taylor, đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam lúc đó, báo cáo về Nhà Trắng: “Quân đội Nam Việt Nam mắc căn bệnh trầm trọng là do sự chỉ huy tồi, tệ đào ngũ và trượt nhanh trên con đường sụp đổ”[2].
Trong tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, tại Thị xã Long Khánh, đội dân vệ xã có nội tuyến Hai Đoan đã nổi dậy bắt các phần tử ác ôn, cùng nhân dân bao vây làm tan rã 1 đại đội bảo an. Ở Suối Cát, du kích và nhân dân bao vây bắn tỉa, tiến công binh vận bức rút đồn bót địch, buộc 1 đại đội bảo an rút chạy về Gia Ray.
Vào đợt 3 của cuộc Tổng tiến công và nồi dậy, Ban Binh vận Trung ương Cục trực tiếp chỉ đạo cơ sở nội tuyến Trương Văn Quang là Trung úy, Trại phó trại biệt kích Ba Chúc ở Bảy Núi, An Giang làm binh biến tiêu diệt hoàn toàn trại này, mở thông đường để bộ đội ta qua lại vùng biên giới Việt Nam-Campuchia.
Khi quân đội Mỹ trực tiếp xâm lược và chiến đấu tại miền Nam, ta cũng không bỏ lỡ việc vận động binh sĩ Mỹ. Chủ yếu bằng thái độ, cử chỉ, nhân dân kêu gọi binh sĩ Mỹ lòng nhớ quê hương, gia đình, hạn chế hành động bắn giết tàn bạo của họ. Ta in nhiều truyền đơn kêu gọi họ phản chiến đòi hồi hương, thông tin tình hình nước Mỹ để kết hợp vận động binh sĩ Mỹ ở Việt Nam phản chiến với phong trào phản chiến của nhân dân trong lòng nước Mỹ.
Năm 1967, ở vành đai Rạch Kiến, nhân dân phát hiện một lính Mỹ bị chết chìm dưới hào sâu, đã khiêng xác lính Mỹ này lên, đến đồn tố cáo chỉ huy Mỹ bỏ xác lính ở chiến trường, tác động tinh thần lính Mỹ, đồng thời buộc chúng hứa không bắn pháo, không đốt nhà dân.
Những chiến thắng quân sự trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966- 1967 và hoạt động binh vận đã góp phần làm cho quân Mỹ từ chỗ hung hăng, hiếu chiến, đi đến suy sụp về mọi mặt. Nhiều đơn vị quân Mỹ tinh thần chiến đấu sa sút đến nỗi binh sĩ ngụy còn coi khinh, cho là không bằng chúng. Số đi hành quân thì dè dặt, không dám lùng sục sâu vào rừng núi, vào căn cứ của ta nếu không có phi pháo yểm trợ. Số đóng trong căn cứ thì ở hầm, nằm hầm, ăn hầm, ngủ hầm. Số đóng ở vùng ven thành phố thì mặc áo dân sự để mong được bảo toàn tính mạng. Tình trạng đào ngũ, vắng mặt không xin phép xảy ra ngày càng nhiều. Một số tìm đến ma túy đế giải toả tâm trạng nặng nề, căng thẳng. Ngày 24/4/1966, lính một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 3 Sư đoàn bộ binh số 1 đóng ở Lai Khê bỏ súng, chạy trốn, giằng co với chỉ huy không lên trực thăng đi chiến đấu. Các hình thức lấy chữ ký, đeo băng tang, đeo huy hiệu chống chiến tranh, nhận cờ, truyền đơn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam hoặc tố cáo với báo chí tội ác của binh sĩ Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam xuất hiện ngày một nhiều.
Cuốn sách Giải phẫu một cuộc chiến tranh của tác giả Gabrien Côncô, xuất bản ở Mỹ có đoạn viết: “Tai hại nhất là sự sụp đổ về tinh thần của lính Mỹ lan rộng và ảnh hưởng đến khả năng hành động. Các sĩ quan phàn nàn rằng các đơn vị quân Mỹ luôn luôn tránh đụng độ. Tình hình không tuân lệnh đã xảy ra kể cả trong hải quân và không quân”. Một mục sư tuyên úy trong quân đội Mỹ thừa nhận “Thực tế chiến trường đã phá hoại công trình của các vị tuyên úy trong nhiều năm”. Đó là một phần thực trạng tư tưởng, tinh thần binh sĩ Mỹ trên chiến trường Việt Nam, mà công tác binh vận đã làm được.
Truyền đơn vận động binh sĩ Hoa Kỳ trong giai đoạn chống chiến lược "Chiến tranh cục bộ" (Nguồn: Quân đội nhân dân Việt Nam- Tổng cục Chính trị: Tổng kết công tác binh-địch vận trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 279)
Trên địa bàn Cực Nam Trung Bộ-Nam Tây Nguyên
Giữa năm 1965, nhân dân các vùng giải phóng tiếp tục đấu tranh hạn chế sự đánh phá của địch, giữ được thế hợp pháp giao lưu giữa vùng ta và vùng địch, ổn định cuộc sống, tuyên truyền vận động binh sĩ, nhất là các gia đình có con em đi lính cho địch. Ở Phước Long, có dinh điền 96 người đi lính cho địch thì đã có 91 người bỏ ngũ trở về. Ở Bình Thuận, có ấp 43 người đi lính cho địch thì 31 người đào ngũ trở về. Qua đợt hoạt động hè năm 1965, có 11 trung đội dân vệ, biệt kích nộp súng đầu hàng[3].
Những nơi có quân Mỹ đóng hoặc đi càn quét, đồng bào vẫn mạnh dạn áp sát đấu tranh trực diện với chúng như ngăn chặn xe tăng Mỹ ủi phá hoa màu, chống bắn pháo bừa bãi, chống rải chất độc hóa học. Có cuộc đấu tranh, lính Mỹ phải nhượng bộ xoa dịu hoặc bồi thường. Ở xã Hàm Liêm (Hàm Thuận), trong một cuộc càn của Mỹ, chị em đã trực tiếp đưa truyền đơn, vạch trần tính chất phi nghĩa và tàn bạo của cuộc chiến tranh mà Mỹ đang tiến hành tại Việt Nam, khiến chúng phải suy nghĩ và dừng lại sau khi đọc truyền đơn.
Công tác binh vận cũng tranh thủ được nhiều binh lính Sài Gòn đồng tình với cuộc đấu tranh của nhân dân. Nhiều người tỏ ra chán ghét chiến tranh, bộc lộ tinh thần chống Mỹ, tình trạng dao động, đào ngũ về nhà làm ăn cũng phát triển. Sau trận đánh đồn Ma Lâm của Bình Thuận tháng 10/1966, có hai trung đội tâm lý chiến và 40 lính bảo an đào rã ngũ. Sau trận đánh ngày 29/11/1966 của Tiểu đoàn 186 trên đường 20, có hơn 100 lính bảo an đào, rã ngũ[4].
Nhìn chung, trong giai đoạn 1965-1968, trong bối cảnh mới, công tác binh vận tại miền Nam Việt Nam đã tập trung khơi dậy ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước chống Mỹ trong binh sĩ, ngụy quân, nhân viên ngụy quyền, thúc đẩy hành động binh biến, ly khai, góp phần làm suy yếu và tan rã một bộ phận quân ngụy. Binh vận cũng thức tỉnh lương tri binh sĩ Mỹ, đồng minh Mỹ và nhân dân tiến bộ Mỹ, thúc đẩy hành động chống lại cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa. Quân và dân miền Nam đã kiên cường bám trụ làm công tác binh vận trên các vành đai diệt Mỹ; Dùng làn sóng các đài phát thanh, đưa tiếng nói nhân nghĩa của nhân dân Việt Nam đến binh sĩ Mỹ và Nam Triều Tiên ở trên chiến trường Việt Nam và đến tận nước Mỹ, nêu cao đại nghĩa dân tộc, đối xử văn minh, nhân đạo khoan dung với tù binh Mỹ.
Đồng thời, tiếp tục binh vận đối với quân đội Việt Nam Cộng hòa, tiếp tục làm suy yêu tinh thần chiến đấu cũng như sức mạnh của lực lượng này, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn.
Xuân Nguyễn
[1] Ban Chỉ đạo và Ban Biên tập truyền thống Tây Nam Bộ: Tây Nam Bộ-30 năm kháng chiến (1945-1975), Sđd, tr. 517, 520, 531, 537, 545, 554, 567, 571…
[2] Quân đội nhân dân Việt Nam – Tổng cục Chính trị: Tổng kết công tác binh- địch vận trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Sđd, tr. 105-106
[3] Lịch sử Khu 6 (Cực Nam Trung Bộ - Nam Tây Nguyên) kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 151.
[4] Lịch sử Khu 6 (Cực Nam Trung Bộ - Nam Tây Nguyên) kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 193.