Thực tiễn khốc liệt trong và sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân cho Đảng ta thấy rằng muốn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta phải buộc Hoa Kỳ rút quân hoàn toàn, không điều kiện khỏi miền Nam Việt Nam. Đã diễn ra cuộc đấu tranh căng thẳng, quyết liệt về vấn đề này trong đàm phán tại Hội nghị Paris 1968-1973
Trong những nội dung của đàm phán hòa bình Paris, một nội dung đấu tranh gay gắt nhất là vấn đề quân đội miền Bắc ở miền Nam. Phía Mỹ xoáy sâu trong các cuộc họp, cho rằng, miền Bắc đưa quân vào miền Nam là trái với Hiệp định Geneva, miền Bắc không có quyền để lại quân ở miền Nam khi quân Mỹ rút đi, điều đó là không công bằng… Do đó, hai bên cùng phải rút quân, mọi lực lượng không phải của Nam Việt Nam đều phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Phía Việt Nam bác bỏ luận điệu “miền Bắc xâm lược miền Nam” của phía Mỹ, khẳng định quân giải phóng miền Nam hình thành từ trong phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam. Sau đó, lực lượng này được bổ sung đồng bào, chiến sĩ miền Nam đi tập kết ở miền Bắc, trở về miền Nam chiến đấu.
Cuối cùng, dựa vào chính nghĩa, phía ta khẳng định: Mỹ và các lực lượng đồng minh Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam. Còn quân đội miền Bắc tại miền Nam “với quyền dân tộc tự vệ thiêng liêng, người Việt Nam có quyền chiến đấu trên bất kỳ mảnh đất nào của Việt Nam”.
Trong Thư chúc mừng năm mới năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào,
Bắc – Nam sum họp Xuân nào vui hơn”[1].
Những vần thơ chúc năm mới, như một lời hịch, và sau này hiện thực lịch sử chứng minh đó là một quan điểm có tính nguyên tắc, hết sức đúng đắn, chính xác, mở đường cho thắng lợi cuối cùng. Chỉ có “đánh cho Mỹ cút”, chúng ta mới có điều kiện và có thể “đánh cho ngụy nhào”.
Chính vì thế, nội dung quan trọng nhất, có thể nói là cốt lõi, cơ bản nhất là vấn đề rút quân của hai bên. Lập trường hai bên hoàn toàn đối lập nhau, Mỹ đòi hai bên cùng rút quân, quân đội miền Bắc phải rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam trong khi Việt Nam đòi quân Mỹ phải rút không điều kiện khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt mọi dính líu quân sự đến miền Nam Việt Nam. Không có phiên họp nào Mỹ không đưa ra vấn đề rút quân miền Bắc. Lúc đầu, ta không bác bỏ cũng không công nhận có lực lượng bộ đội miền Bắc đang chiến đấu tại miền Nam.
Ngày 8/5/1969, Phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đưa ra đề nghị hòa bình có tên là Những nguyên tắc và nội dung chủ yếu của một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam gọi tắt là Giải pháp toàn bộ 10 điểm hay còn gọi là Đề nghị hòa bình 10 điểm. Tuy đề cập đến nhiều vấn đề, nhưng có một số điểm cốt lõi là: Hoa kỳ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam mà không được đòi bất cứ điều kiện gì, công việc nội bộ của miền Nam do nhân dân miền Nam tự giải quyết, lập Chính phủ liên hiệp, tổ chức bầu cử tự do. Vấn đề quan trọng nhất là về lực lượng vũ trang Việt Nam. Từ đầu Hội nghị, phía Mỹ luôn đòi miền Bắc rút quân khỏi miền Nam. Mỹ lập luận rằng hai bên đều cùng phải rút quân và quân đội Mỹ và bộ đội miền Bắc đều là những lực lượng từ bên ngoài. Đến thời điểm này, phía ta không thừa nhận nhưng cũng không phủ nhận. Đảng ta tính toán làm thế nào để bác bỏ hẳn đề nghị này của phía Mỹ. Đề nghị hòa bình 10 điểm đưa ra một giải pháp là “vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam sẽ do các bên Việt Nam giải quyết”. Đây là một sách lược ngoại giao khôn khéo và quan trọng. Chúng ta hàm ý không phủ nhận quân đội miền Bắc nhưng khẳng định vấn đề này sẽ do các bên Việt Nam giải quyết, không liên quan đến phía Mỹ.
Hoa Kỳ rút quân khỏi miền nam Việt Nam ngày 29/3/1973 (Ảnh tư liệu)
Ta kiên trì giải pháp này suốt 4 năm 1969 - 1972 và cuối cùng, đến cuối cuộc đàm phán, đưa nó thành một điều khoản của Hiệp định, làm thất bại hoàn toàn yêu cầu của Mỹ đòi rút quân miền Bắc. Điều 13 Hiệp định Paris nêu rõ: “Vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam giải quyết trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không có sự can thiệp của nước ngoài, phù hợp với tình hình sau chiến tranh. Trong số những vấn đề hai bên miền Nam Việt Nam thảo luận có các biện pháp giảm số quân của họ và phục viên số quân đã giảm. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hoàn thành việc đó càng sớm càng tốt”.
Không đòi rút toàn bộ quân miền Bắc được, trong đề nghị tháng 11/1972, Hoa Kỳ lại đòi riêng các đơn vị quân đội miền Bắc mới đưa vào tham gia chiến dịch Xuân- Hè 1972 nhất định phải rút đi.
Sau này, nhìn lại quá trình đàm phán Paris, một số người cho rằng phía Việt Nam cố tình kéo dài, chây ì, thiếu thiện chí, mặc cả từng ly từng tý. Nhưng rõ ràng là, phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa mới là những người như vậy. Khi không đòi được toàn bộ lực lượng vũ trang miền Bắc rút đi, cố vớt vát trong canh bạc cuối, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đưa ra yêu cầu lực lượng bộ đội đưa vào miền Nam tham gia cuộc tiến công chiến lược năm 1972 phải rút đi, nhằm giảm nhẹ đến mức tối thiểu sức ép quân sự lên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Thậm chí, sau này, khi đã ký kết Hiệp định Paris, phía Mỹ vẫn còn đòi bổ sung điều khoản: giảm quân số và phục viên về nguyên quán, có nghĩa là ai quê gốc ở miền Bắc thì phải trở về miền Bắc chứ không được phục viên tại chỗ.
Đầu năm 1969, quân số Mỹ tại miền Nam Việt Nam lên đến gần 550.000 người. Tháng 6/1969, Mỹ công bố đợt đầu tiên rút 25.000 quân Mỹ. Ngoại giao hai miền và hai đoàn đàm phán của ta tại Hội nghị Paris lên tiếng mạnh mẽ, lên án việc rút quân “nhỏ giọt” của Mỹ sẽ là trở ngại cho việc lập lại hòa bình ở Việt Nam, đòi Mỹ rút nhanh, rút toàn bộ quân.
Ngày 20/7/1969, nhân dịp kỷ niệm 15 năm ký Hiệp định Geneva, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi, nhấn mạnh “Nhân dân Việt Nam kiên quyết đòi tất cả quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ phải rút hết sạch, chứ không phải chỉ rút 25.000 hoặc 250.000 hay là 50 vạn, mà phải rút hết, toàn bộ, không điều kiện[2]”.
Đến tháng 7/1970, Mỹ đã rút được 140.000 quân. Ngày 14/9/1970, Phái đoàn ta đưa ra đề nghị hòa bình mới gọi là Tám điểm nói rõ thêm, trong đó yêu cầu Mỹ phải xác định rõ thời hạn rút hết quân Mỹ trước ngày 30/6/1971.
Cuối năm 1970, Mỹ đã rút trên 300.000 quân và vẫn còn hàng trăm nghìn quân hiện diện tại miền Nam Việt Nam.
Ngày 25/6/1971, trong cuộc gặp gỡ riêng giữa Lê Đức Thọ-Xuân Thủy với Henry Kissinger, phía Việt Nam đưa ra Đề nghị hòa bình chín điểm, trong đó, đòi Mỹ rút hết quân trước ngày 31/12/1971. Ta cũng khôn khéo đánh thức dư luận tiến bộ Mỹ với việc nêu thời hạn Mỹ rút hết quân cũng là thời hạn ta thả hết tù binh Mỹ. Hàng chục phi công Mỹ, trong đó có nhiều người thuộc hàng “con ông, cháu cha” của một số nhân vật trong chính giới Mỹ là tù binh chiến tranh, đang mong muốn trở về nhà và dư luận Mỹ cũng đang mong muốn như vậy.
Năm ngày sau, ngày 1/7/1971, đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra Đề nghị hòa bình bảy điểm, nhắc lại việc rút quân Mỹ gắn với việc trao trả hết tù binh Mỹ. Chính vì vậy, dư luận Mỹ và dư luận thế giới rất quan tâm đến đề nghị chín điểm này, và sự quan tâm đó tạo sức ép đối với Chính phủ Mỹ trong việc triệt thoái càng nhanh càng tốt quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam.
Ngày 31/3/1973, Đô đốc hải quân Mỹ John S. McCain Jr (trái) và con trai Trung tá Cmdr. John S. McCain III gặp nhau lần đầu tiên sau khi trở về ở Jacksonville, Florida, Mỹ (Ảnh tư liệu)
Ngày 2/2/1972, Phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời đưa ra Hội nghị bốn bên đề nghị về Hai điểm nói rõ thêm, trong đó điểm thứ nhất là Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ phải đưa ra một thời hạn dứt khoát cho việc rút hết quân. Thời hạn rút hết quân cùng là thời hạn thả hết quân nhân các bên và thường dân bị giam giữ.
Cuối tháng 6, đầu tháng 7/1972, Bộ Chính trị đánh giá tình hình và thời cơ, đề ra mục tiêu của giải pháp là Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân, chấm dứt dính líu quân sự và can thiệp ở miền Nam, công nhận thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai vùng kiểm soát và nhận trách nhiệm đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở miền Bắc. Vấn đề chính quyền ở miền Nam chưa được bàn cụ thể, nhưng ta giữ nguyên tắc là Mỹ phải rút hết quân, ta giữ nguyên lực lượng chính trị và vũ trang ở miền Nam.
Trong quá trình đàm phán, có những lúc, đàm phán đi vào bế tắc. Cuối tháng 9/1972, Bộ Chính trị đánh giá tình hình và chủ trương tập trung giải quyết các vấn đề quân sự như Mỹ phải rút quân, chấm dứt dính líu quân sự vào Việt Nam. Các vấn đề chính trị ở miền Nam chỉ thỏa thuận những nguyên tắc lớn, sau này hai bên ở miền Nam sẽ giải quyết cụ thể.
Tại Hà Nội, Tiểu ban Việt Nam trực thuộc Bộ Chính trị soạn thảo Dự thảo hiệp định về vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam gửi cho đoàn đàm phán ở Paris. Trong dự thảo Hiệp định, nhiều vấn đề lớn về chính trị tại miền Nam đã được gác lại, dự thảo hiệp định tập trung giải quyết các vấn đề quân sự, trong đó có ngừng bắn, Mỹ rút quân, trao trả tù binh, còn về chính trị thì giữ nguyên trạng, sẽ giải quyết sau và đó là công việc nội bộ của người Việt Nam.
Cuối cùng, sau khi hai bên đã thỏa thuận, Điều 13 của Hiệp định Paris là “vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do các bên miền Nam giải quyết…”. Với Hiệp định Paris, Việt Nam giữ nguyên lực lượng miền Bắc tại miền Nam, còn quân Mỹ phải rút hết trong vòng 60 ngày.
Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris được ký kết. Ngày 29/3/1973, những người lính viễn chinh Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Quân Mỹ phải rút hết khỏi miền Nam Việt Nam trong khi lực lượng lực lượng vũ trang cách mạng giải phóng miền Nam ở nguyên tại chỗ đã làm thay đổi căn bản so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo điều kiện tiên quyết cho thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hơn hai năm sau đó.
Quỳnh Chi