Một trong những nhiệm vụ miền Bắc phải tiến hành trong những năm 1954- 1956 là đấu tranh chống Pháp, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào miền Nam
Âm mưu, thủ đoạn của Pháp, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm
Sau Hiệp định Geneva, ở vùng sắp giải phóng và một số vùng tự do của miền Bắc, nhân dân ta còn phải tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống âm mưu của Hoa Kỳ và Pháp dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam.
Ngay từ khi vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương còn đang đàm phán, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã lớn tiếng hô hào: nếu hội nghị Geneva đi đến ký kết, sẽ tổ chức một cuộc di cư có kế hoạch người Việt Nam từ Bắc vào Nam.
Trước khi hội nghị Geneva kết thúc, Mỹ đã cử Hồng y giáo chủ Spellman, Giám mục Harlet cùng với E. Lansdale, trùm CIA ở Sài Gòn phối hợp với các phần tử phản động đội lốt tôn giáo tổ chức chiến dịch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam.
Mỹ đã cung cấp 55 triệu dollars, Pháp cung cấp 66 tỷ frank cho việc thực hiện kế hoạch này. Hoa Kỳ đã sử dụng 41 tàu và đài thọ toàn bộ chi phí chuyên chở người từ miền Bắc vào miền Nam, trong đó có cả tàu sân bay. Các chuyến tàu của Hoa Kỳ với những biểu ngữ Hành trình tới tự do, Chuyến đi về với tự do đã đưa hàng trăm nghìn người vào miền Nam.
Tại Hải Phòng, nơi tập kết đồng bào di cư miền Bắc, các phần tử trùm sỏ của Mỹ và Quốc gia Việt Nam đều có mặt để bày mưu tính kế và kiểm tra, đôn đốc công việc di cư.
Tháng 8/1954, Thủ tướng chính quyền Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm tới kiểm tra trại di cư Trường Ngô Quyền. Ngày 15/01/1955, Đại sứ Mỹ J.Collins đến kinh lý các trại An Tử, An Lạc, Xi Măng. Ngày 23/01/1955 Hồng y Spellman thăm các trại tập trung người di cư, phát đường, sữa, gạo, vải… cho giáo dân di cư.
Để gây hoang mang và cưỡng ép đồng bào bỏ nhà cửa, ruộng vườn, tài sản di cư vào Nam, Mỹ và Pháp tung ra các tin bịa đặt như: chính phủ Việt Minh sẽ cấm đạo, Chúa đã vào Nam, Pháp rút rồi Mỹ sẽ ném bom nguyên tử ở miền Bắc, giáo dân ở lại miền Bắc sẽ bị “rút phép thông công”, ở lại với cộng sản sẽ bị mất linh hồn, hững người ở lại sẽ bị Việt Minh tịch thu hết tài sản và đày đọa trong tù.
Nham hiểm hơn, Mỹ, Pháp và Quốc gia Việt Nam lợi dụng sai lầm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cải cách ruộng đất để nói rằng: ai ở lại miền Bắc, những người đã hợp tác với đối phương sẽ bị trả thù. Chúng đưa ra chứng cứ những người bị đấu tố trong cải cách ruộng đất, trong đó có một số địa chủ làm tay sai cho đế quốc để minh chứng điều đó.
Chúng lợi dụng triệt để điểm c Điều 14 của Hiệp định Geneva không được trả thù những người đã hợp tác với đối phương và điểm d của Điều 14 về việc cho phép những người muốn chuyển vùng.
Điểm c Điều 14 Hiệp định Geneva quy định: mỗi bên cam kết không dùng cách trả thù hay phân biệt đối xử nào đối với những cá nhân hoặc tổ chức, vì lý do hoạt động của họ trong lúc chiến tranh, và cam kết bảo đảm những quyền tự do dân chủ của họ.
Điểm d Điều 14 quy định: trong thời gian kể từ khi Hiệp Định này bắt đầu có hiệu lực đến ngày hoàn thành việc chuyển quân, nếu có những thường dân ở một khu vực thuộc quyền kiểm soát của bên này mà muốn sang ở vùng giao cho bên kia, thì nhà chức trách của khu trên phải cho phép và giúp đỡ sự di chuyển ấy.
Đồng bào miền Bắc trên một chuyến tàu di cư vào Nam (Ảnh tư liệu)
Ngoài việc mua chuộc, dụ dỗ, lừa bịp bằng thần quyền, bằng vật chất, các phần tử phản động ở nhiều địa phương còn trắng trợn đe dọa dùng vũ lực ép buộc đồng bào di cư. Ở phía Nam tỉnh Quảng Bình và phía Bắc tỉnh Quảng Trị, chúng đốt hàng nghìn nóc nhà để đồng bào không có nơi ăn, chốn ở, buộc phải ra đi. Chúng trắng trợn bắt cả người lớn và trẻ em đưa lên xe. Chỉ tính đến tháng 10/1954, chúng đã gây ra 436 cuộc vây ráp, bắt hàng chục nghìn người vào Nam.
Chúng ngang nhiên lập các trại tập trung dân ở Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... Chúng liều lĩnh chống lại chính quyền nhân dân gây ra những vụ bạo loạn ở Phát Diệm (Ninh Bình), Ba Làng (Thanh Hóa), Diễn Tiến (Nghệ An)...
Thực hiện chiến dịch dụ dỗ cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai có nhiều mưu đồ.
Đối với thế giới, chúng gây dư luận xấu về chế độ xã hội ở miền Bắc, hòng ngăn chặn ảnh hưởng của cách mạng Việt Nam ở vùng Đông Nam Á.
Đối với Việt Nam, chúng hi vọng rút một số lượng người có trinhf độ khoa học, kỹ thuật vào Nam, giảm bớt lao động, phá hoại sản xuất, làm cho miền Bắc không ổn định, lòng người ly tán, nội bộ lục đục, tạo ra những xáo động lớn.
Ở miền Nam, chúng tạo chỗ dựa xã hội cho chế độ Ngô Đình Diệm tăng thêm nhân lực để xây dựng ngụy quân, củng cố ngụy quyền, hy vọng giảm bớt sự chênh lệch giữa dân số miền Bắc và miền Nam, có thể tạo điều kiện cho chính quyền quốc gia Việt Nam giành thêm nhiều phiếu cử tri trong cuộc bầu cử nước Việt Nam thống nhất, nếu được tổ chức vào tháng 7 năm 1956.
Chủ trương và hành động của ta
Ngày 05/9/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị Về việc đấu tranh chống Pháp và bọn Ngô Đình Diệm dụ dỗ và bắt ép một số đồng bào ta vào miền Nam. Tiếp theo đó Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ra nhiều chỉ thị đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống dịch dụ dỗ và cưỡng ép di cư. Có thể kể đến các chỉ thị như Chỉ thị của Ban Bí thư ngày 06/11/1954 Về việc đối phó với âm mưu của địch lừa phỉnh và áp bức đồng bào Công giáo di cư và Nam; Chỉ thị của Bộ Chính trị ngày 16/02/1955 Về đẩy mạnh đấu tranh phá âm mưu mới của địch trong việc dụ dỗ và cưỡng ép giáo dân di cư vào miền Nam; Chỉ thị của Ban Bí thư ngày 23/8/1956 Về việc đẩy mạnh công tác vận động quần chúng đề phòng bọn phản động gây lại tình trạng cưỡng ép di cư vào Nam hoặc gây ra những vụ khiêu khích, phá hoại.
Ngoài ra, Ban Bí thư cũng điện gửi Xứ ủy Nam Bộ, Liên Khu ủy V, Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, Khu ủy Trị Thiên-Huế về phối hợp đấu tranh chống cưỡng ép di cư vào Nam, gây một phòng trào đòi trở về quê cũ của những đồng bào bị địch ép buộc đã phải vào miền Nam.
Một lực lượng cán bộ, bộ đội và nhân dân được huy động vào công tác tuyên truyền giải thích cho đồng bào hiểu rõ chính sách đúng đắn của ta và vạch trần những luận điệu xảo trá của địch. Những chính sách cụ thể của Đảng và Nhà nước như chính sách đối với những người trước đây đã tham gia ngụy binh, chính sách đối với giáo dân, chính sách đối với công chức, giáo viên và những người trí thức, chính sách đối với những nhà công thương nghiệp… được ban hành và được nhiều người hoan nghênh.
Hàng vạn người chuẩn bị ra đi sau, khi nghe rõ cán bộ ta giải thích, tuyên truyền, đã tự nguyện ở lại. Nhiều gia đình bị đưa đến các nơi tập trung đã tố cáo âm mưu và hành động dã man của chúng, kiên quyết đấu tranh đòi trở về nhà. Quần chúng còn giúp ta bắt những phần tử gián điệp phản động đội lốt thầy tu, một số điểm tập trung hàng vạn giáo dân bị lừa gạt ở Phát Diệm, Hải Hậu, Tăng Điền bị giải tán.
Lính Mỹ với khẩu hiệu chào đón người di cư "Chuyến đi về phía tự do"(Ảnh tư liệu)
Ta còn đưa ra xét xử công khai một số vụ cưỡng ép giáo dân di cư vi phạm luật pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Dù vậy, do ta chậm phát hiện và chưa thấy hết âm mưu thâm độc của địch, do ta chưa nắm sát tâm lý đồng bào theo Đạo Thiên chúa và tình hình biến động lúc bấy giờ, do công tác tổ chức chống địch thiếu cụ thể, chưa kịp thời và cũng do công tác vận động đồng bào theo Đạo Thiên chúa của ta trước đây còn sơ hở, nên địch đã đưa một số lượng lớn đồng bào miền Bắc di cư vào Nam.
Con số người miền Bắc di cư vào Nam được tập trung chủ yếu ở miền Đông Nam Bộ và thành phố Sài Gòn. Trên thực tế, đây là lực lượng hậu thuẫn rất quan trọng cho những chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm trong những năm đầu xây dựng nền Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam.
Con số người di cư miền Bắc vào Nam được các dữ liệu ghi lại có khác nhau, dao động từ 800.000 cho đến khoảng 1.200.000 người.
Tuy nhiên, chúng ta có thể lấy một con số, căn cứ phát biểu của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm tại Quốc hội Hoa Kỳ trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 1957, rằng đã bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt cho 860.000 người miền Bắc di cư vào Nam.
Có thể nói, đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam là một cuộc đấu tranh quyết liệt trong quá trình thi hành Hiệp định Geneva. Những cố gắng của quân và dân miền Bắc trong cuộc đấu tranh này đã làm thất bại một phần kế hoạch của đối phương thực hiện việc dư cư ồ ạt hàng triệu người vào miền Nam trong giai đoạn chuyển tiếp của cách mạng Việt Nam.
Lê Minh