Mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm” không phải là đơn giản. Sự lọc lõi của nền ngoại giao Hoa Kỳ cuối cùng đã thất bại trước ý chí và tính chất chính nghĩa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, và cuối cùng, với tư thế của người chủ động, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã buộc Hoa Kỳ phải ngồi vào đàm phán hòa bình Paris
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, vừa leo thang quân sự, Hoa Kỳ vừa đưa tra các đề nghị về đàm phán, chấm dứt chiến tranh. Ước tính đã có gần 40 “sáng kiến hòa bình” được phía Hoa Kỳ đưa ra.
Lập trường của Hoa Kỳ là nếu Hoa Kỳ chấm dứt ném bom miền Bắc, Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải chấm dứt đưa người và vũ khí vào miền Nam; hai bên cùng rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Nếu Việt Nam từ chối thương lượng, sức ép dư luận sẽ hướng cả về phía Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục leo thang chiến tranh. Nếu đồng ý, Việt Nam sẽ mất ưu thế phải chịu những điều khoản thiệt thòi trong các cuộc thương lượng.
Trước ý đồ của Hoa Kỳ, Việt Nam kiên quyết bác bỏ những “sáng kiến hòa bình” của chính quyền Johnson.
Ngày 8/4/1965, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố lập trường 4 điểm làm cơ sở giải quyết vấn đề Việt Nam với nội dung cơ bản là:
1) Xác nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam: hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, đình chỉ các hoạt động chiến tranh đối với miền Bắc;
2) Trong lúc chờ đợi hòa bình thống nhất Việt Nam, hai miền không có liên minh quân sự với nước ngoài, không có căn cứ quân sự, quân đội nước ngoài trên đất mình;
3) Công việc của miền Nam do nhân dân miền Nam tự giải quyết theo Cương lĩnh của MTDTGPMNVN;
4) Việc hòa bình thống nhất Việt Nam do nhân dân Việt Nam tự giải quyết không có sự can thiệp của nước ngoài.
Trên thế giới, dư luận đòi Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh ngày càng mạnh mẽ, nhưng cũng không ít ý kiến khuyên Việt Nam nên đi vào thương lượng.
Cho đến cuối năm 1966, tại các tuyên bố công khai cũng như tiếp xúc qua trung gian, Việt Nam nhấn mạnh quyết tâm đánh thắng chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Mỹ đến Việt Nam như thế nào thì cứ việc rút ra như thế ấy. Chúng tôi sẵn sàng hoan tống họ”, và lúc này “chưa phải lúc thăm dò thương lượng. Điều kiện chưa chín muồi” và “bọn cướp chưa yếu lắm. Nó còn có súng lục trong tay. Thời cơ chưa tới” [1].
Cuối tháng 1/1967, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp, nhận định đấu tranh ngoại giao “giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”. Tình hình hiện tại đã thuận lợi cho Việt Nam vận dụng sách lược “vừa đánh vừa đàm”. Trước mắt đấu tranh ngoại giao cần cần tập trung vào khẩu hiệu đòi Hoa Kỳ phải chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 2/1/1967, trong buổi tiếp H. Salisbury, Trợ lý Tổng biên tập tờ New York Times, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói lập trường 4 điểm của Việt Nam “là cơ sở để giải quyết vấn đề chiến tranh. Không nên coi đó là điều kiện”.
Tiếp đó, ngày 5/1/1967, khi trả lời câu hỏi của các nhà báo trong Hội Báo chí ngoại giao, Tổng đại diện của Chính phủ Việt Nam tại Paris Mai Văn Bộ tuyên bố: nếu Hoa Kỳ chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom bắn phá miền Bắc thì sự kiện đó sẽ được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa "xem xét” và nếu Hoa Kỳ đề nghị tiếp xúc với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì đề nghị đó “sẽ được nghiên cứu”.
Đặng Quang Minh, Đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng cũng nói: "khả năng thắng lợi quân sự đã trở thành một thực tế cuộc sống đối với chúng tôi"[2].
Báo "The New York Times" ngày 1/4/1968 đăng phát biểu của Tổng thống Mỹ L. Johnson tối 31/3/1968 về việc ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và không tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo
Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Úc Wilfred Burchett, được báo Nhân Dân đăng ngày 28/1/1967, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: "Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện được".
Với tuyên bố trên, Việt Nam đã chủ động và công khai trước dư luận thế giới khả năng đàm phán với Mỹ.
Cho đến cuối năm 1967, lập trường của Hoa Kỳ vẫn là chỉ chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngừng chi viện miền Nam.
Từ tháng 5/1967, Bộ Chính trị chủ trương “đẩy mạnh những cố gắng chủ quan của ta đến mức cao nhất, nhằm giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn”. Công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã được triển khai.
Đầu tháng 12/1967, Bộ Chính trị họp, ra nghị quyết động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng lên một bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.
Để dồn sức ép của dư luận về phía Mỹ, ngày 29/12/1967, tại buổi chiêu đãi đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Mông Cổ sang thăm Việt Nam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: "Nếu Chính phủ Mỹ thực sự muốn nói chuyện thì, như bản tuyên bố ngày 28 tháng Giêng năm 1967 của chúng tôi đã nói rõ, trước hết Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẽ nói chuyện về những vấn đề có liên quan".
Hoa Kỳ đã không có bình luận chính thức nào về tuyên bố của Nguyễn Duy Trinh. L Johnson chỉ nói trong một cuộc trò chuyện ngày 29/12/1967 (giờ Hoa Kỳ) “như chúng tôi đã nói đi nói lại với Hà Nội rằng tâm điểm thực sự của vấn đề là thế này: Mỹ sẽ ngừng ném bom, bắn phá miền Bắc khi điều này dẫn đến ngay lập tức các cuộc thảo luận có kết quả. Chúng tôi, tất nhiên khẳng định rằng trong khi các cuộc thảo luận diễn ra, Bắc Việt Nam không lợi dụng việc ngừng hay hạn chế ném bom."[3]
Đêm 29 rạng ngày 30 và 31/1/1968, cả miền Nam rung chuyển bởi đòn tiến công quân sự mãnh liệt, bất ngờ của quân giải phóng trong Tết Mậu Thân. Người dân Hoa Kỳ thấy rõ trên vô tuyến truyền hình, mà vào thời điểm đó cả nước Mỹ có tới 100 triệu chiếc với lượng khán giả chiếm 96% dân số, cảnh con em mình bị chết một cách vô ích ở miền Nam Việt Nam.
Ngày 8/2/1968, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh trả lời phỏng vấn phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP, rằng: “Cuộc nói chuyện sẽ bắt đầu sau khi Hoa Kỳ chứng minh là thực sự chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Tại Hoa Kỳ, phong trào phản chiến dâng cao. Quốc hội phản đối ý định tăng quân cho tướng W. Westmoreland. “Các nhà thông thái” Mỹ họp và tán thành chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam, giảm dần lực lượng Hoa Kỳ và chuyển giao trách nhiệm chiến tranh cho chính quyền Sài Gòn.
Hội nghị Paris khai mạc ngày 13/5/1968 (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Bị sức ép từ nhiều phía, ngày 31/3/1968, Tổng thống L. Johnson tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra, sẵn sàng đàm phán hòa bình với Bắc Việt Nam và không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ kế tiếp.
Trước tình hình đó, Việt Nam tiếp tục đòi Mỹ chấm dứt ném bom hoàn toàn, không điều kiện. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nhận định rằng do thua nên Hoa Kỳ “muốn tìm lối ra dễ chịu nhất” và Việt Nam cần nắm vững lấy dịp này để buộc Hoa Kỳ "đi vào kế hoạch của ta”.
Ngày 3/4/1968, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố: “Về phía mình, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện” [4].
Nhiều chính phủ trên thế giới, các tổ chức quốc tế, các nhân vật nổi tiếng hoan nghênh tuyên bố trên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dư luận đổ dồn và đòi Hoa Kỳ phải thực hiện tuyên bố của mình sau những đáp ứng thiện chí của Việt Nam.
Nhận nói chuyện khi Hoa Kỳ mới chỉ hạn chế ném bom và vẫn giữ nguyên đòi hỏi Hoa Kỳ phải chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc là thể hiện sách lược mềm dẻo của Việt Nam nhằm sớm đi vào cục diện vừa đánh vừa đàm.
Không thể khước từ nói chuyện, Hoa Kỳ dùng vấn đề địa điểm để kéo dài thời gian, cải thiện tình hình chiến trường, tình hình nội bộ, tạo lợi thế trước khi bước vào tiếp xúc. Cuộc chiến công hàm kéo dài 6 tuần, dư luận thế giới chỉ trích L. Johnson thiếu thiện chí.
Ngày 3/5/1968, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố đề nghị lấy Paris làm địa điểm đàm phán và cuộc đàm phán sẽ bắt đầu từ ngày 10/5/1968 hoặc vài ngày sau đó.
Phía Hoa Kỳ chấp nhận ngay địa điểm và thời gian tiếp xúc do Việt Nam đưa ra. Trong hai ngày 10 và 11/5/1968, chuyên viên hai đoàn gặp nhau, thoả thuận về thủ tục của cuộc nói chuyện chính thức giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ.
Ngày 13/5/1968, Hội nghị Paris khai mạc, cục diện “vừa đánh vừa đàm” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chính thức được mở ra.
LVS
[1] Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ, Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước Hội nghị Pari, Viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội, 1990, tr. 136.
[2] Rechard E. Money, Hanoi envoy hints end to bombings could spur talks, The New York Times, Friday, January 6, 1967, p 1.
[3] The New York Times, December 31, 1967, p. 2.
[4] Báo Nhân Dân, ngày 4/4/1968