Sự kiện Hòa Kỳ tuyên bố chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc từ ngày 1/11/1968 là kết quả cuộc đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, đặc biệt là cuộc đấu trí trên bàn hội nghị Paris từ tháng 5 đến tháng 11/1968, trong đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với quan điểm đúng đắn đã buộc Hoa Kỳ phải chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom, bắn phá miền Bắc
Ba tháng sau cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968 của Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Johnson phải tuyên bố chấm dứt ném bom hạn chế miền Bắc Việt Nam. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) tuyên bố sẵn sàng tiếp xúc với Mỹ nhằm xác định việc chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để bắt đầu cuộc nói chuyện. Tuyên bố của Việt Nam được dư luận thế giới, dư luận nước Mỹ, trong đó có cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ, hoan nghênh. Sau một thời gian đấu tranh lựa chọn địa điểm họp, hai bên đồng ý họp tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp.
Ngày 13/5/1968, phiên khai mạc của hội nghị diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế của Bộ Ngoại giao Pháp, Đại lộ Kleber, Thủ đô Paris.
Nhiệm vụ đấu tranh của đoàn Việt Nam là đòi Hoa Kỳ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc không điều kiện và thăm dò ý đồ của chính quyền Washington về một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. Bộ trưởng Xuân Thủy, Bí thư Trung ương Đảng làm Trưởng đoàn đàm phán. Uỷ viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ tham gia đoàn đàm phán với danh nghĩa là Cố vấn đặc biệt của đoàn.
Đấu tranh ngoại giao của Việt Nam tại Hội nghị Pari trong giai đoạn này diễn biến theo bốn bước:
Bước thứ nhất (từ ngày 13/5 đến ngày 12/6/1968), hai bên tranh luận trong các phiên họp công khai. Đoàn Việt Nam tập trung lên án Hoa Kỳ gây chiến tranh xâm lược Việt Nam, phá hoại Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương, xây dựng miền Nam Việt Nam thành một quốc gia riêng, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới. Lập trường để giải quyết vấn đề Việt Nam là 4 điểm của Chính phủ VNDCCH và 5 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN). Phía Hoa Kỳ cho rằng Bắc Việt Nam xâm lược miền Nam, vi phạm quy chế khu phi quân sự. Họ khẳng định Hoa Kỳ không có hy vọng gì ở Đông Dương, không muốn mở rộng chiến tranh nhưng sẽ tiếp tục bảo vệ tự do, có hành động thích đáng và cần thiết trước sự xâm lược của kẻ khác. Chính quền Jhonson đòi có đi có lại, hứa sẽ chấm dứt ném bom hoàn toàn miền Bắc với điều kiện VNDCCH không tăng cường chiến sự; không bắn phá vào các thành phố lớn ở miền Nam Việt Nam; lập lại khu phi quân sự; VNDCCH và Hoa Kỳ cùng rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Các máy bay của Hải quân Hoa Kỳ ném bom miền Bắc (Ảnh tư liệu)
Cuối tháng 5/1968, Chính phủ VNDCCH tuyên bố tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá III rằng trên đất nước Việt Nam, “bất kỳ nơi nào có địch thì mọi người Việt Nam ta đều có quyền đến đó để đánh địch: đó là quyền tự vệ thiêng liêng của nhân dân ta”.
Sau gần một tháng đấu tranh, đoàn Việt Nam đạt được một số kết quả trong công tác tuyên truyền nhưng vẫn chưa tìm hiểu được ý đồ của Hoa Kỳ. Ngày 15/6/1968, Bộ Chính trị điện cho đoàn: chủ trương tiếp xúc riêng để thăm dò.
Bước thứ hai (từ ngày 17/6 đến ngày 7/9/1968), bên cạnh đấu tranh ở diễn đàn công khai để tiếp tục tranh thủ dư luận, Việt Nam có những cuộc tiếp xúc riêng với phía Hoa Kỳ ở cấp phó trưởng đoàn.
Hoa Kỳ vẫn tập trung vào vấn đề chấm dứt ném bom miền Bắc. Để tránh bị lên án, Hoa Kỳ không dùng khái niệm «có đi có lại » mà đề nghị hai bên sẽ thoả thuận về “hoàn cảnh” sẽ được thực hiện sau khi chấm dứt ném bom, hoặc họ cần biết rõ điều gì sẽ xảy ra sau khi chấm dứt ném bom. Các cách nói này thực chất vẫn là đặt điều kiện cho việc ngừng ném bom nên bị phía Việt Nam kiên quyết bác bỏ.
Ngày 31/7/1968, Johnson nói ông tin rằng quân địch đang chuẩn bị mở một cuộc tổng tấn công ở miền Nam và ông có thể chấm dứt ném bom hạn chế miền Bắc Việt Nam hiện nay.
Ngày 3/8/1968, Bộ Chính trị nhận định chính phủ Johnson đang tìm cách thúc ép Việt Nam để tạo ra các điều kiện có lợi về dư luận cho cuộc tranh cử tổng thống. Trước mắt Việt Nam cần tiếp tục đòi Mỹ chấm dứt ném bom hoàn toàn và rút quân. Đoàn Việt Nam cần tiếp tục đấu tranh công khai ở Paris, dần dần đi vào thăm dò địch hơn nữa. Cần phê phán Mỹ trên những vấn đề cơ bản, tránh sa vào những vấn đề lắt léo họ đưa ra để làm lu mờ những vấn đề cơ bản.
Bước thứ ba (từ ngày 8/9 đến ngày 20/9/1968), Việt Nam và Hoa Kỳ có những cuộc gặp riêng cấp cao.
Ở ba cuộc gặp đầu, phía Hoa Kỳ vẫn đề nghị về “hoàn cảnh” để chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện và vấn đề đại diện của Chính phủ VNCH tham gia đàm phán sau khi chấm dứt ném bom. “Hoàn cảnh” ở đây, theo phía Hoa Kỳ, là hai bên cùng rút quân, nhưng vì quân quân đội Hoa Kỳ đông hơn, nhiều trang bị nên sẽ rút hết chậm hơn sau 6 tháng so với quân đội miền Bắc. Mọi hoạt động quân sự ở bên trong hoặc xuyên qua khu phi quân sự và tập trung quân ở phía Bắc khu phi quân sự phải chấm dứt. Về chính trị, phía Hoa Kỳ chính thức yêu cầu có đại diện Chính phủ VNCH cũng như họ chấp nhận có đại diện của MTDTGPMNVN tham gia bất cứ cuộc thảo luận nào liên quan đến tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam. Quan điểm của phía VNDCCH là việc chấm dứt ném bom phải không có điều kiện. Vấn đề quân đội nước ngoài rút khỏi miền Nam cũng như vấn đề đại diện của Chính phủ VNCH sau khi chấm dứt ném bom hai bên sẽ thảo luận. Đến cuộc gặp ngày 20/9/1968, phía Hoa Kỳ không nhắc đến “hoàn cảnh” để chấm dứt ném bom, mà chỉ nhấn mạnh vấn đề đại diện của VNCH. Hoa Kỳ muốn thúc đẩy nhanh tiến độ đàm phán.
Hội nghị Paris, nơi đấu trí căng thẳng giữa VNDCCH và Hoa Kỳ xung quanh vấn đề Hoa kỳ phải ngừng hoàn toàn việc ném bom, bắn phá miền Bắc (Ảnh tư liệu)
Bước thứ tư (từ 21/9 đến 31/10/1968): Sau cuộc gặp ngày 20/9, đoàn VNDCCH ở Paris báo cáo về Bộ Chính trị, nhận định: Mỹ đã «ngả bài » , ta cần đi vào “mặc cả” để tiến tới thoả thuận việc chấm dứt ném bom và họp bốn bên.
Thời gian này hoạt động quân sự của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Ngày 30/9/1968, quân và dân miền Nam kết thúc đợt ba tổng tiến công và nổi dậy. Sau ba đợt tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng Quân giải phóng bị tổn thất nặng, chưa kịp bổ sung và đang đứng trước những khó khăn lớn do thiếu thốn vật chất, quân số. Trong khi đó, dù bị thiệt hại nhưng quân đội và chính quyền Sài Gòn vẫn tương đối vững, liên tiếp phản kích, đẩy chủ lực Quân giải phóng ra xa các đô thị và căn cứ quân sự. Do dồn lực lượng tiến công các đô thị trong một thời gian dài nên Quân giải phóng đã để hở vùng nông thôn, đồng bằng và rừng núi. Quân đội Sài Gòn lợi dụng tình hình này tiến hành càn quét, “bình định cấp tốc”, giành lại được hầu hết các vùng đã mất trong các đợt tiến công và nổi dậy. Vùng giải phóng bị thu hẹp. Trên miền Bắc, Hoa Kỳ tập trung lực lượng không quân, hải quân đánh phá ác liệt hệ thống giao thông từ vĩ tuyến 20 trở vào để ngăn chặn tối đa sự chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đang ở vào thời kỳ khó khăn.
Trong hai ngày 1 và 2/10/1968, Bộ Chính trị họp bàn về đấu tranh ngoại giao tại Paris và quyết định nếu Hoa Kỳ chấm dứt ném bom và hành động chiến tranh khác trên toàn bộ lãnh thổ nước VNDCCH thì phía Việt Nam sẽ: 1) Chấm dứt đợt pháo kích qua khu phi quân sự, vẫn tôn trọng Hiệp nghị Geneva 1954 về khu phi quân sự; 2) Hoa Kỳ phải bàn với MTDTGPMNVN về việc chính quyền Sài Gòn tham gia hội nghị bốn bên; 3) Phía VNDCCH sẽ bàn với phía Hoa Kỳ về các vấn đề có liên quan đến hai bên.
Ngày 26/10/1968, hai bên thoả thuận được một biên bản chung trong đó ghi nhận Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi cuộc oanh tạc bằng không quân, hải quân, pháo binh và mọi hành động khác liên quan tới việc dùng vũ lực trên toàn bộ lãnh thổ VNDCCH và một cuộc họp để tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Việt Nam sẽ được tiến hành ở Paris. Biên bản không ghi chữ “không điều kiện” về việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, không dùng chữ “bốn bên” cho cuộc họp giai đoạn hai mà ghi: cuộc họp sẽ gồm có VNDCCH, MTDTGPMNVN, Hoa Kỳ và VNCH.
Ngày 31/10/1968, Tổng thống Hoa Kỳ Johnson đọc diễn văn về chấm dứt ném bom hoàn toàn miền Bắc Việt Nam:
"Bây giờ, do kết quả của tất cả những tiến triển này, tôi đã ra lệnh dừng tất cả các cuộc bắn phá của không quân, hải quân và pháo binh vào miền Bắc Việt Nam kể từ 8 giờ sáng thứ Sáu, giờ Washington. Tôi đã đi đến quyết định này trên cơ sở các diễn biến của cuộc đàm phán Paris. Và tôi đã đạt được điều đó với niềm tin rằng hành động này có thể dẫn đến tiến trình giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Việt Nam.
Tôi đã thông báo cho ba ứng cử viên Tổng thống, cũng như các nhà lãnh đạo Quốc hội của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ về lý do Chính phủ đưa ra quyết định này.
Quyết định này tuân thủ rất chặt chẽ với các tuyên bố tôi từng đưa ra trước đây liên quan đến việc ngừng ném bom".
Tuyên bố không đưa ra điều kiện nào cho việc dừng ném bom, nên phía Việt Nam khẳng định Hoa Kỳ chấm dứt ném bom không điều kiện.
Sau sáu tháng đấu tranh ngoại giao của Việt Nam, từ chỗ phải tuyên bố ném bom hạn chế, Hoa Kỳ đã phải phải tuyên bố chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc từ ngày 1/11/1968 mà không kèm theo điều kiện nào và ngồi vào đàm phán trong hội nghị bốn bên có đại diện của MTDTGPMNVN tham gia. Đây là thắng lợi quan trọng của quân và dân Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc.
LVS