Văn học, nghệ thuật đã và đang đồng hành cùng lịch sử dân tộc, phát huy sứ mệnh nuôi dưỡng, bồi đắp những tư tưởng, tình cảm nhân văn, trong sáng, cổ vũ, tập hợp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, văn học, nghệ thuật cũng là “mảnh đất” thường bị các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm gieo rắc những tư tưởng phản động, chống phá Đảng và chế độ ta. Do đó, nhận diện để đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật là việc làm rất cần thiết hiện nay.
“Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà"... (trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh "Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ")
Văn học, nghệ thuật trong đời sống chính trị - xã hội
Bàn về vai trò của văn học, nghệ thuật, Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng đã khẳng định, nghệ thuật là một thành tố đặc biệt của văn hóa mà Đảng cần phải lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng để tập hợp sức mạnh của quần chúng: “Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa”(1). Đảng tiên phong phải lãnh đạo văn hóa tiên phong. “Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”(2).
Nhờ đường lối lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, Đảng đã phát huy được sức mạnh, sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Bằng tài năng nghệ thuật, tình yêu quê hương, đất nước và trách nhiệm của người nghệ sĩ - công dân, họ đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị, góp phần làm nên thắng lợi của công cuộc kháng chiến và kiến quốc, bảo vệ và giữ vững nền độc lập của dân tộc. Trong Thư gửi anh em họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(3); đồng thời, Người nhấn mạnh: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(4). Như vậy, văn hóa, văn nghệ có vai trò, sứ mệnh to lớn, là một mặt trận quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tạo động lực, niềm tin giúp con người vượt qua mưa bom bão đạn, rèn giũa tinh thần, ý chí, nghị lực, quyết tâm đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, giải phóng con người.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ văn nghệ sĩ đã đồng lòng, quyết tâm, nguyện đứng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, đồng hành cùng nhân dân bằng những tác phẩm nghệ thuật để truyền tải hơi thở và tinh thần thời đại, phản ánh một cách chân thực, sinh động công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh của tình quân dân, ngợi ca tinh thần lạc quan cách mạng... Bằng những trải nghiệm thực tiễn trong những đợt hành quân, trong những trận chiến đấu, nhiều văn nghệ sĩ - chiến sĩ đã viết nên những tác phẩm bằng cả tinh thần, trái tim quả cảm, bằng mồ hôi, xương máu của mình để ghi lại những phút giây, những con người lịch sử.
Từ khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới (năm 1986) đến nay, lực lượng sáng tác văn học, nghệ thuật ở nước ta ngày càng trưởng thành, được bổ sung nguồn sáng tác dồi dào từ những người viết trẻ thuộc nhiều thế hệ. Họ được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh cách mạng, ý thức rõ về tâm thế, trách nhiệm của người cầm bút. Đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ văn nghệ sĩ được cải thiện, nâng cao với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về nhuận bút; biên chế, môi trường, điều kiện làm việc được quan tâm; nhiều chính sách về bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ được ban hành; văn nghệ sĩ có nhiều cơ hội để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có nền văn học, nghệ thuật phong phú. Số lượng, chất lượng các tác phẩm nghệ thuật ngày càng được nâng cao, đa dạng về chủng loại, loại hình, mẫu mã, hình thức bởi công nghệ in ấn, xuất bản, phát hành ngày càng hiện đại, nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp công chúng.
Để khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ cũng như vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật trong tình hình mới, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008, “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Nghị quyết khẳng định những thành tựu to lớn mà văn học, nghệ thuật dân tộc đã đạt được trong giai đoạn từ 1998 - 2008, như nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống, lao động sáng tạo của nhân dân, thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước. Nhiều tác phẩm có chất lượng đã xuất hiện trong tất cả các loại hình nghệ thuật từ văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật đến nhiếp ảnh, múa, kiến trúc.... Chủ nghĩa nhân văn, giá trị nhân đạo được phát huy và đề cao thông qua việc phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống và đạo đức của một bộ phận người dân trong xã hội.
Như vậy, cùng với những thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao, lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, trong đó có văn học, nghệ thuật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo nền tảng tinh thần phong phú, vững chắc góp phần bồi đắp tư tưởng, tình cảm, lối sống tốt đẹp cho con người, tạo động lực, niềm tin để đất nước vững bước trong công cuộc đổi mới.
Một số quan điểm, hiện tượng sai trái trong đời sống văn học, nghệ thuật
Bên cạnh những thành tựu đạt được, văn học, nghệ thuật những năm qua cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động trái chiều của bối cảnh, tình hình phức tạp trong và ngoài nước, nhất là khi các thế lực thù địch, phản động lợi dụng văn học, nghệ thuật để xuyên tạc, chống phá, đả kích về Đảng và chế độ. Đây được xem là một trong những nguy cơ lớn cần được nhận diện và xử lý để làm lành mạnh, trong sạch đời sống văn hóa, văn nghệ ở nước ta hiện nay.
Trong lịch sử văn hóa, văn nghệ nước nhà, từng có những văn nghệ sĩ có quan điểm, lập trường, nhận thức phiến diện, cực đoan, sai lầm, lệch lạc... tác động xấu đến đời sống chính trị - xã hội. Do thiếu bản lĩnh chính trị, không được rèn giũa, trải nghiệm thực tiễn, bị những thế lực phản động dụ dỗ, mua chuộc, một số văn nghệ sĩ, trí thức đã hiểu sai về bản chất của cách mạng, về đường lối, chủ trương của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Họ lợi dụng chiêu bài “tự do dân chủ”, “tự do ngôn luận”, nấp sau những hình tượng ẩn dụ của văn học, nghệ thuật để xây dựng hình tượng nhân vật mang màu sắc chống đối, đả kích Đảng, chế độ và hoài nghi các anh hùng dân tộc và thành tựu cách mạng, gieo rắc những tư tưởng bi quan, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, không ít hiện tượng văn học, nghệ thuật tiêu cực nảy sinh, chạy theo một số chiều hướng, như phủ nhận thành tựu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kích động sự thù hằn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; gieo rắc tư tưởng bi quan, hoài nghi, dao động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; “hạ bệ thần tượng”, “giải thiêng” và đi sâu khai thác những câu chuyện đời tư của các anh hùng dân tộc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước theo hướng thêu dệt, thổi phồng, bóp méo. Hầu hết các tác phẩm này được in ấn, xuất bản ở nước ngoài với sự tài trợ của các nhóm, thế lực công khai chống đối Đảng, Nhà nước ta. Bằng những chiêu thức quảng bá mang tính giật gân, câu khách, những tác phẩm này đã kích thích sự tò mò, chú ý của nhiều bạn đọc, tạo những nhận thức sai lệch về cuộc chiến tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Không chỉ trong phạm vi văn chương mà trong các loại hình nghệ thuật khác, như âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, một số ca sĩ, nghệ sĩ cũng bị chi phối bởi cái nhìn lệch lạc, bị giật dây bởi các thế lực thù địch trong và ngoài nước, từ đó viết những ca khúc đi ngược lại giá trị chân - thiện - mỹ, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, thậm chí mang tư tưởng phản động. Trong bối cảnh công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội phát triển như hiện nay, trên không gian mạng xuất hiện không ít sản phẩm mang tính đồi trụy, phản động.
Phương thức, thủ đoạn dùng văn học, nghệ thuật để cổ súy cho những tư tưởng phản động, sai trái không chỉ diễn ra ở trong nước mà bằng sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông hiện đại, truyền thông đa phương tiện ở nước ngoài, các thế lực thù địch đã mở nhiều chuyên trang về văn học, nghệ thuật gieo rắc những tư tưởng, quan điểm lầm lạc, gây những hệ lụy xấu trong nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống dân tộc, về lãnh tụ của đất nước. Theo thống kê của Bộ Công an, hiện ở nước ngoài có 52 đài phát thanh và truyền hình có chương trình Việt ngữ, mạng Internet, 429 báo, tạp chí, trên 40 nhà xuất bản tập trung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta. Hằng năm, có hơn 3.000 tài liệu chiến tranh tâm lý phá hoại tư tưởng, 28.000 thư ân xá quốc tế xâm nhập, tán phát qua con đường bưu điện quốc tế dưới dạng quà cáp, khoảng 11.000 ấn phẩm được đưa vào bằng nhiều con đường khác nhau.
Gần đây, đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà cũng phải đối diện với những hiện tượng mới nảy sinh, như trường hợp một số văn nghệ sĩ, trí thức có uy tín, từng công tác, đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật muốn vận động, thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập”. Tổ chức này đã mạo danh chấn hưng nền văn học để thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối thông qua các hoạt động bất hợp pháp, chống phá Đảng và chế độ ta. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng không ít văn nghệ sĩ tận dụng những lợi thế của những trang mạng cá nhân, các blog, tài khoản zalo, trang mạng xã hội facebook để bình luận những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước bằng ngôn ngữ của văn chương, nghệ thuật với cái nhìn một chiều, cực đoan. Cảm xúc nhất thời theo những trào lưu, khuynh hướng trên mạng của một số văn nghệ sĩ này đã gây hiểu lầm nhất định cho công chúng, ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, xã hội. Trên trang facebook cá nhân, một số văn nghệ sĩ, trí thức cũng đã đăng tải những trạng thái, những bài thơ, đoạn trích văn xuôi, bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân trước một số vụ việc trong nước theo hướng phê phán, lên án chính quyền, tạo cớ để các thế lực thù địch có dịp chống phá Đảng và chế độ ta.
Đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái và thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật
Các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, nhất là người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công tác lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật phải luôn kiên định với lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ vững nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về văn học, nghệ thuật. Việc quán triệt tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ các cấp cần được triển khai một cách nhất quán, theo các nội dung, chủ đề, chủ điểm phù hợp với chuyên môn, chuyên ngành, với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Tránh làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, hình thức, qua loa, chiếu lệ, bởi nếu đội ngũ văn nghệ sĩ hiểu sai, hiểu chưa thấu đáo quan điểm, tinh thần chỉ đạo thì rất dễ lầm lạc trong hành động, trong cách viết, dễ có những phản ứng nhất thời, thái quá. Tạo mọi điều kiện để phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và hướng ngòi bút của văn nghệ sĩ vào phục vụ lợi ích nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Đồng thời, việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật phải tuân thủ nghiêm ngặt quy luật khách quan, khoa học trên cơ sở mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa văn học, nghệ thuật với đời sống chính trị - xã hội. Văn học, nghệ thuật phải bám sát thực tiễn, hướng về Đảng, về nhân dân, đất nước, phụng sự sự nghiệp đổi mới, kiến thiết đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội; ngợi ca con người, bảo vệ chân lý và những giá trị tốt đẹp; phê phán, lên án cái ác, cái bất công; hướng con người vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Khi xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách phải coi trọng tổng kết thực tiễn; lắng nghe, tôn trọng ý kiến, quan điểm và cá tính sáng tạo, phong cách cá nhân của đội ngũ văn nghệ sĩ; không can thiệp một cách máy móc vào đời sống văn học, nghệ thuật. Tránh những đánh giá mang thiên kiến chủ quan, áp đặt cá nhân, quy chụp, nhất là với một số hiện tượng văn học, nghệ thuật mới nảy sinh. Trước những vấn đề mới, phức tạp, cần tranh thủ ý kiến thẩm bình, đánh giá của các cơ quan chuyên môn, những nhà nghiên cứu, phê bình có uy tín và nhất là ý kiến của công chúng, bạn đọc để đưa ra kết luận chính xác. Bảo đảm tự do sáng tác, khuyến khích những ý tưởng mới, những cách làm hay, sáng tạo, đẩy lùi những tư tưởng cực đoan, phiến diện, sai lầm, ngăn chặn những hiện tượng, quan điểm sai trái, thù địch len lỏi vào đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chủ động xây dựng, ban hành những chính sách, quy định phù hợp đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ nói chung và các loại hình văn học, nghệ thuật cụ thể (như văn chương, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, điêu khắc, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, múa), trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của lực lượng sáng tác để đội ngũ văn nghệ sĩ yên tâm sinh hoạt, cống hiến. Trong bối cảnh, tình hình mới với sự xuất hiện của các loại hình truyền thông đa phương tiện, sự bùng nổ, phát triển của mạng xã hội, Internet, những tác động trái chiều của quá trình hội nhập quốc tế, bên cạnh việc tuân thủ những quy định về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ chung của công dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, thì mỗi văn nghệ sĩ cần ý thức rõ về trách nhiệm, tuân thủ chặt chẽ những quy định về phát ngôn, phát tán thông tin, đưa tác phẩm lên mạng xã hội; thực hiện tốt Luật An ninh mạng (2018) khi tương tác, bình luận về các sự kiện, vấn đề nóng, liên quan mật thiết đến tình hình an ninh chính trị của đất nước.
Hơn nữa, lãnh đạo ngành văn hóa phải nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của văn nghệ sĩ. Kiểm soát tốt các khâu công bố, xuất bản, phát hành, công chiếu các tác phẩm văn học, nghệ thuật; thẩm định chặt chẽ nội dung thông qua hội đồng chuyên ngành để sàng lọc, loại bỏ những sản phẩm độc hại, phản giá trị. Kiên quyết thu hồi và xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình lợi dụng kẽ hở của không gian mạng, kết nối với các tổ chức phản động, lưu vong ở nước ngoài để viết, in ấn, phát tán những tác phẩm có nội dung thiếu lành mạnh, vi phạm thuần phong mỹ tục, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc.
Ngoài ra, văn học, nghệ thuật cần đề cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của những người đứng đầu các cấp hội văn học, nghệ thuật trên cả nước trong việc tập hợp đội ngũ; trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị, định hướng sáng tác. Người đứng đầu các cấp hội văn học, nghệ thuật, ngoài năng lực quản lý còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đời sống văn học, nghệ thuật, hiểu tâm lý văn nghệ sĩ, có uy tín, bản lĩnh nghề nghiệp, có đạo đức, tư cách đúng mực, trong sáng, tạo được niềm tin đối với hội viên và nhân dân. Tăng cường kết nối, phối hợp giữa các cấp hội từ Trung ương đến địa phương (cấp tỉnh) và giữa các hội chuyên ngành của các địa phương; trao đổi thông tin giữa các vùng, miền, nhất là những nơi thường có các vụ, việc nhạy cảm, phức tạp, vùng biên giới... để kịp thời nhận diện âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch và quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận văn nghệ sĩ./.
----------------------------------------------------------------
(1), (2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 316
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 246
Phong Nguyên