Trong cuộc đời làm sân khấu của mình suốt trên nửa thế kỷ qua, tôi đã tham dự rất nhiều các cuộc Liên hoan, Hội diễn, Cuộc thi… Sân khấu toàn quốc, nhưng một trong những Hội diễn đã để lại nhiều ấn tượng nhất trong tôi, chính là Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quân năm 1984 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 30 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-1984)…
Nhớ lại ngày ấy, Đoàn Nghệ thuật Quân khu II đã tham dự Hội diễn vở Hoa khôi trên núi (tác giả Tất Đạt, đạo diễn Xuân Đàm, họa sĩ Lê Huy Quang) - Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp Toàn quân. Một vở diễn mở hết không gian với phong cách ước lệ, tượng trưng của sân khấu truyền thống, kết hợp với phong cách hiện đại. Rừng núi, đồi đất, cây lá, sông suối của không gian Tây Bắc, Việt Bắc được cách điệu hoá; với những khối bục tam giác, vừa là cầu thang nhà sàn, vừa là ruộng bậc thang, vừa là hòn đá ven suối, để hai nhân vật chính là cô gái và chàng trai yêu nhau, chống lại những thế lực phong kiến, thực dân đã định cướp đi tình yêu trong trắng và hạnh phúc mới đơm hoa kết trái của họ. Đạo diễn và họa sĩ đã thả hồn sáng tạo trong việc tạo dựng không gian của vở diễn, dàn dựng các mảng miếng một cách hiệu quả nhất, sân khấu luôn luôn là một sân khấu động- đầy ắp những không gian truyền thống, kết hợp một cách nhuần nhuyễn với các thủ pháp hiện đại… Đó là hình tượng người lính già, người sĩ quan cựu chiến binh tóc bạc phơ trên biên giới mùa xuân hoa đào, hoa ban xòe nở, khi gặp gỡ những tân binh rất trẻ đã nhớ lại những kỷ niệm xưa với bao nhiêu hy sinh, gian khổ mà họ đã vượt qua tất cả, còn lại chính là tình yêu của người lính. Tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu giữa con người và con người, tình yêu bình dị, đẹp đẽ giúp họ vượt qua mọi khó khăn và chiến thắng mọi kẻ thù tàn bạo. Chính tình yêu đó của người lính chắp cánh cho họ bay lên, các thế hệ cựu chiến binh và tân binh, cha và anh, già và trẻ, tiếp sức cho nhau trong suốt chặng đường dài nửa thế kỷ, cùng cả dân tộc Việt Nam đi về phía trước.
Một vở diễn cũng đã để lại nhiều ấn tượng về nghệ thuật, đó là vở kịch nói Điểm tựa không tên của Đoàn Nghệ thuật Quân khu I (tác giả Hồng Phi, đạo diễn Xuân Huyền, họa sĩ Lê Huy Quang), vở đã đạt Huy chương Bạc của Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quân năm đó!
Tháng 2/1979, sau một tuần lễ đi thực tế tại biên giới phía Bắc, nhà văn, nhà viết kịch Hồng Phi đã sáng tác vở Những chàng lính trẻ nghịch ngợm (sau này, khi dàn dựng, anh đổi tên là Điểm tựa không tên). Vở diễn kể về những chàng lính trẻ trên tuyến đầu chống quân Trung Quốc xâm lược. Họ vô cùng dũng cảm trong chiến đấu, nhưng lại rất đỗi tươi trẻ, hồn nhiên, thậm chí là quá tinh nghịch trong đời sống thường nhật, làm cho không ít các vị chỉ huy phải bực mình, đề nghị xử lý kỷ luật những chàng lính trẻ này… Qua bàn tay dàn dựng của đạo diễn, với xử lý không gian thoáng mở, chỉ với ba cái bục di động trên sân khấu, nhưng hình tượng những chàng lính trẻ đó đã thực sự cuốn hút khán giả, nhất là những người lính trẻ khán giả của đêm diễn. Phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ thời hiện đại trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, đã thực sự làm xúc động đông đảo bà con dân tộc… Vở diễn đã tái tạo hình ảnh những người lính trẻ hôm nay, vui nhộn, nghịch ngợm trong đời sống, trong tình bạn và cả tình yêu, cũng có khi họ tự do, vô kỷ luật trong sinh hoạt thường nhật, nhưng cuối cùng, chính đức tính thông minh, lòng dũng cảm và phẩm chất cao quí của người chiến sĩ đã giúp họ vượt lên tất cả. Tình yêu lại đến với họ. Cuộc sống lại mỉm cười với họ bằng tất cả những gì là độ lượng và tốt đẹp, thủy chung và cao cả!
Đó là ấn tượng về hai vở diễn độc đáo từ năm 1984. Nhưng trước thời gian đó, cũng như sau này, nhất là từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, chúng ta đã có rất nhiều tác phẩm viết về người lính - anh Bộ đội Cụ Hồ. Cùng với cả dân tộc, hình ảnh người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành một biểu tượng tiêu biểu cho ý chí “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Thời gian vẫn cứ trôi qua, bình thản, tự nhiên và lặng lẽ. Suốt nửa thế kỷ gắn bó với đề tài các lực lượng vũ trang cách mạng, qua mỗi tác phẩm của mình, càng ngày tôi càng hiểu hơn về người lính, hiểu hơn về những người cha, người anh thế hệ chống Pháp, những bè bạn của mình cùng thế hệ chống Mỹ, và nhất là những người lính trẻ thời @ hôm nay, hiểu hơn về cái sống và cái chết, cái anh hùng, cao thượng và thấp hèn, cả những ước mơ thầm kín, bé nhỏ, giản dị và cuộc đời thường nhật của không biết bao nhiêu người lính giữa một đời sống “hiện đại” ồn ã, xô bồ, náo nhiệt của thời buổi “kinh tế thị trường”. Tôi đã cảm nhận rõ ràng hơn về phẩm chất người lính thông qua những vở diễn mà mình đã cộng tác. Từ Đoàn kịch nói quân đội với Cuộc đời và năm tháng, Hẹn đến ngày mai, Người đàn bà mộng du, Khát vọng đến Đoàn kịch nói Quân khu I với Điểm tựa không tên, Đoàn kịch nói Quân khu II với Suối Mơ, Hoa khôi trên núi, Đợi đến mùa xuân. Từ những kịch múa, thơ múa của Nhà hát Ca múa Quân đội, Đoàn nghệ thuật quân khu I, Quân khu II, Quân khu V đến hình ảnh những chiến sĩ không quân, hải quân và bộ đội biên phòng trong các tổ khúc và điệu múa của Đoàn ca múa Không quân, Đoàn ca múa Hải quân và Đoàn nghệ thuật bộ đội Biên phòng. Tất cả những hình tượng về người lính đầy ắp cảm xúc là những bài học cho tôi hiểu hơn những gì là mất mát hy sinh của cả dân tộc mình, trong đó là các chiến sĩ có danh và vô danh, cả những người sống và những người chết trong hai cuộc kháng chiến, và nhất là những người lính trẻ trên trận tuyến mới hôm nay. Từ vở diễn Cuộc đời và năm tháng (kịch bản và đạo diễn Tạ Xuyên - Đoàn Kịch nói quân đội), tôi đã ghi sâu và cảm nhận về người lính – bình dị, dũng cảm trong chiến tranh, cao thượng trong đời sống và tình cảm riêng tư. Sau ngày giải phóng miền Nam, cũng chính những người lính bình thường ấy lại lặng lẽ góp phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc dựng xây đất nước. Họ gạt qua tất cả nước mắt, máu, đắng cay, gian khổ, nguy nan một cách bình thản đến kỳ lạ, bởi hiểu rằng cuộc sống bao giờ cũng là đi lên phía trước. Nếu trong vở Hẹn đến ngày mai (kịch bản và đạo diễn Vũ Minh), tác giả thể hiện hình ảnh những chiến sĩ - những anh lính trẻ hôm nay - như em mình, như con cháu mình, họ yêu đương và hờn giận thật hồn nhiên và tươi trẻ, nhưng giáp mặt với kẻ thù, họ lại dũng cảm hơn bao giờ hết, thì trong vở Người đàn bà mộng du (kịch bản Hà Đình Cẩn, đạo diễn Khánh Vinh), người lính và những cánh rừng Trường Sơn đầy bom đạn và chất độc da cam hiện ra thật rõ ràng, cụ thể và sinh động. Bom đạn không khuất phục được họ. Chất độc da cam không thể tiêu diệt được sự sống. Và những nữ bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý đến cả những cô gái thanh niên xung phong hy sinh thầm lặng cho cuộc chiến tranh bằng tất cả những phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam thật đáng nâng niu và trân trọng đến nhường nào.
*
Suốt 66 năm qua, tính từ ngày Giải phóng Điện Biên Phủ (7/5/1954-2020) và 45 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975-2020), tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, cũng như toàn quân, không ít các đoàn nghệ thuật ngoài quân đội cũng dàn dựng nhiều tác phẩm về người lính, có cả thành công và thất bại. Rõ ràng sân khấu với mảng đề tài người lính đã và đang đòi hỏi không ít sự đầu tư công sức, thì mới phản ánh được những gì là chân thực về người lính. Tuy nhiên, thời gian qua, các vở diễn về đề tài người lính đã dần thưa vắng trên lĩnh vực sân khấu, và thi thoảng nếu có, chúng ta cũng chỉ thấy xuất hiện một cách sơ lược, khô khan hình tượng người lính - chỉ có chiến đấu, chiến thắng, hy sinh. Hình như chúng ta đã quên mất rằng người lính cũng chỉ là một người lính bình thường, và rõ ràng họ càng bình thường bao nhiêu, khi trở thành anh hùng, họ càng được kính trọng bấy nhiêu. Và tất nhiên, chẳng lẽ tất cả mọi người lính đều phải trở thành anh hùng, chẳng lẽ họ không thể là một người bình thường được sao? Cũng vì quá tuyệt đối hóa người lính, cho nên hình tượng về họ trên sân khấu không hấp dẫn, khán giả, ngay cả người lính, cũng không chấp nhận, huống gì là những khán giả ngoài quân đội, cho dù trong trái tim họ, hình ảnh người lính, anh bộ đội Cụ Hồ, bao giờ cũng hiện lên đẹp đẽ, thân thiết, đáng yêu.
Bởi, nghĩ cho cùng, đề tài chỉ là cái cớ. Muôn thuở, nghệ thuật phải nói về con người và vì con người, mà với riêng tôi, hình tượng người lính bao giờ cũng là một bài ca tuyệt vời nhất!
Nguồn Văn nghệ