Với người dân tỉnh Quảng Bình, đua thuyền truyền thống là nét văn hóa dân gian có từ lâu đời, đã ăn sâu vào tiềm thức, là hoạt động thể thao thể hiện sự đoàn kết, khát vọng chinh phục sông nước của người dân ven sông, ven biển. Lễ hội đua thuyền truyền thống ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang huyện Lệ Thủy. Ảnh: Internet
Theo những người lớn tuổi kể lại, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và Nhật Lệ của người dân huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã có từ xa xưa, xuất phát từ hội bơi, đua của làng, xã với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời thi thố sức trai, sức gái để chuẩn bị vật lộn với mùa mưa bão, chế ngự thiên nhiên. Về sau, cứ mỗi dịp Quốc khánh 2.9, bà con huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy nô nức tổ chức lễ hội để mừng Tết Độc lập và trở thành ngày hội lớn nhất trong năm.
Dùng thuyền gỗ để thi đấu chính là nét đặc sắc của lễ hội đua thuyền huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Thuyền đua được đầu tư bài bản và được “bắt” (đóng) bởi những yêu cầu nghiêm ngặt về kích thước và cả mức độ công phu, thẩm mỹ. Cách đóng thuyền của mỗi làng, xã mỗi khác có bí quyết riêng và không ai giống ai. Thợ đóng thuyền trong vùng chỉ có một vài người, thường được mời về đóng riêng cho từng làng, xã. Nhưng không hẳn đóng xong là đã xong, bởi còn đoạn “nêm đò”. Giữa đò bơi có một cây tre đặt dọc, nối các chỗ ngồi của trai bơi với đáy thuyền. Thợ giỏi sẽ biết “nêm đò” làm sao để đò đi được hay và “lướt” hơn - đây là việc rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến độ hay, dở của đò bơi. Mỗi làng, xã tham gia giải đều trông coi đò bơi rất cẩn thận, không dễ gì mà người làng khác được đến gần. Đây cũng là yếu tố quan trọng làm nên sự hấp dẫn và thành bại của mỗi hội đua. Kinh phí bơi, đua thường được người dân trong làng, xã cùng nhau quyên góp. Từ việc đóng đò cho đến từng bữa cơm của trai bơi, gái bơi gần như mọi thứ đều đến từ tấm lòng và sự đoàn kết, trách nhiệm của bà con.
Từ giữa tháng 7 các làng, xã có đò bơi đã hạ thủy đò để sửa chữa, có làng còn đầu tư cả đò mới, tuyển chọn trai bơi, gái đua để chuẩn bị cho lễ hội. Trai bơi, gái đua được tuyển chọn là những người khỏe mạnh, có độ bền, dẻo dai của làng, xã. Những ngày tháng 8, dòng Kiến Giang, Nhật Lệ rộn rã bởi đò bơi, đua thay phiên nhau tập luyện trên sông, người dân cũng chộn rộn, bỏ bớt công việc theo cổ vũ đò bơi, đò đua. Dưới sông thuyền bơi, đua tập luyện, trên bờ người dân cổ vũ nhiệt thành.
Các đò bơi, tay bơi đang tranh tài. Ảnh: Internet
Hội đua, bơi trên sông Kiến Giang và Nhật Lệ còn có nét đặc biệt khi tổng đường đua tranh tài lên đến 25 km đối với nam và 15 km đối với nữ. Đò nam gọi là đò bơi, đò nữ gọi là đò đua. Nam ngồi chầm với mái chèo ngắn, còn nữ đứng chèo mái chèo dài. Là trai bơi, gái đua của làng, xã một khi lên đò bơi, tay cầm mái chèo thì luôn quyết tâm, làm hết sức mình để mang vinh quang về cho làng, xã. Ít ra không đạt kết quả cao thì cũng chiến thắng trong lòng dân làng, xã. Trong dàn trai bơi, người chèo lái, người ngồi mũi và người gõ mõ là ba người quan trọng nhất. Trong đó, người chèo lái có nhiệm vụ điều khiển con thuyền, hướng đò đi làm sao lách được qua những đò bơi khác mà không bị va chạm. Người ngồi mũi lại phải làm sao để lúc “trở” thì phải ôm trọn vòng “trở” và phải “trở” sao cho nhanh nhất để lấy lợi thế. Người quan trọng cuối cùng là người gõ mõ. Mõ thường được làm bằng gốc tre già, phơi khô rồi đục cho rỗng ruột, từ đó gõ vào có tiếng vang. Người gõ mõ chính là người cầm nhịp cho đò bơi. Điều khiển độ nhanh, chậm nhịp ra chầm của trai bơi qua tiếng mõ và lời hô. Không phải cứ đò bơi, đua mạnh, được đánh giá cao thì sẽ luôn giành kết quả tốt. Bởi ngoài sức trai, sức gái, đò bơi, đua hay thì còn cần sự tính toán đi như thế nào, kết hợp các bài bơi ra sao. Nhiều đò bơi, đua dù mạnh, nhưng trong lúc tập luyện sẽ không bung hết sức (gọi là giấu bài hay giấu “mực”) để tránh bị các đò bơi, đua khác để ý và “chèn,” gây khó dễ trong cuộc đua chính thức.
Người dân cổ vũ rất nhiệt tình cho các tay bơi, đua. Ảnh: Internet
Khi các đò bơi, đua nhau dưới sông thì trên bờ cũng là lúc các cổ động viên “bơi cạn.” Vào ngày đua chính thức (sau vòng loại) người dân dậy từ rất sớm, cùng ăn sáng, hẹn hò chuẩn bị sẵn xe cộ, tìm địa điểm lý tưởng để chuẩn bị theo dõi đò đua. Người già ra sông tìm điểm đẹp, ngồi bàn tán; trẻ nhỏ mang theo bong bóng, đi cùng bố mẹ; dân trai làng khỏe mạnh chuẩn bị băng rôn, khẩu ngữ, loa, kèn, nồi niêu xoong chảo đi theo cổ vũ đò bơi. Hàng chục vạn người đổ về chật kín hai bờ sông trên đường đua 25 km ấy, có người ngồi ở bến đợi thuyền qua, có người ngồi xe máy, xe đạp chạy theo, hò hét vang trời. Dù ganh đua nhau từng chút một, nhưng có một điều lạ là không phải chỉ đò bơi của làng, xã thì dân làng mới cổ vũ. Bất kỳ đò bơi nào đi qua cũng nhận được sự cổ vũ nhiệt thành từ người xem hai bên bờ sông. Đây cũng là nét đẹp văn hóa làm nên tính nhân văn và trọng võ của người dân nơi đây.
Huyện Quảng Ninh đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia về “Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ - huyện Quảng Ninh”. Ảnh: Internet
Với những giá trị văn hóa độc đáo như vậy, nên vào ngày 27/8/2019, “Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang - huyện Lệ Thủy” và ngày 01/9/2022, “Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ - huyện Quảng Ninh” được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày nay, lễ hội đua thuyền truyền thồng trên sông Nhật Lệ và Kiến Giang không chỉ là ngày hội của người dân huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy mà còn là ngày hội của non sông đất nước, thu hút nhiều người ở mọi vùng quê hội tụ về vùng quê sông nước này, trở thành điểm du lịch hấp dẫn về văn hóa dân gian.
Thành Lê