Những yếu kém của nền sản xuất nông nghiệp trong những năm 1975-1980 đặt ra vấn đề sống còn phải đổi mới cơ chế quản lý sản xuất nông nghiệp. Từ thực tiễn "làm chui" tại các địa phương, Trung ương Đảng đã tổng kết, rút kinh nghiệm và ban hành những chỉ thị đầu tiên, "cởi trói" cho sản xuất bung ra
Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV)
Đứng trước những khó khăn to lớn về kinh tế, lại cộng thêm khó khăn mới do chiến tranh biên giới, do thiên tai nặng nề trên nhiều vùng, làm cho tình hình càng thêm phức tạp. Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV) nhận định: "Thắng lợi cách mạng nước ta thật là to lớn, đồng thời những khó khăn mà ta phải vượt qua cũng rất to lớn".
"Điều đặc biệt quan trọng là người lao động thiếu hăng hái sản xuất" cả trong các đơn vị quốc doanh, hợp tác xã trong nông nghiệp và công nghiệp.
Hội nghị Trung ương cũng nhận định rằng, nhiều chủ trương vừa qua đưa ra còn mang tính chủ quan nóng vội, thiếu căn cứ thực tiễn, do đó, Trung ương đề ra ba nhiệm vụ cấp bách: đẩy mạnh sản xuất để ổn định đời sống; tăng cường quốc phòng; đấu tranh chống tiêu cực nhất là tệ ăn cắp hối lộ ức hiếp quần chúng.
Về kinh tế, nhằm tạo điều kiện cho sản xuất bung ra (giải phóng sức sản xuất), Trung ương đề ra một loạt giải pháp như: thừa nhận sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần, cho các hộ xã viên mượn đất nhằm khắc phục tình trạng bỏ hoang, ổn định nghĩa vụ lương thực, sửa biểu thuế, điều chỉnh giá mua nông sản, thực hiện mua theo giá thỏa thuận, bãi bỏ việc phân phối định suất, thực hiện việc phân phối theo lao động, hạn chế mức trích lập các quỹ tập thể, nhằm tăng thu nhập cho xã viên; thừa nhận kinh tế gia đình và coi kinh tế gia đình là bộ phận hợp thành nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Ở vào thời điểm này, mô hình hợp tác xã tập thể hóa tư liệu sản xuất và sức lao động, quản lý tập trung phân phối thống nhất bộc lộ rõ những khuyết tật của nó, quần chúng nhiều nơi lại làm chui khoán hộ. Ban đầu là Đoàn Xá (Hải Phòng), rồi đến Thổ Tang (Vĩnh Phú), Nghi Lộc, Yên Thành (Nghệ Tĩnh) rồi lan dần ra một số vùng ở nông thôn miền Bắc.
Khoán hộ là tự phát từ cơ sở, nhưng trong thực tiễn, các hợp tác xã đều có chỉ đạo tiến hành từng bước thận trọng. Trước hết là khoản vụ đông, khoán làm màu, khoán ruộng xa, ruộng xấu, khoán được diễn ra từng mức độ 10%, 20%, 50% diện tích, rồi mở rộng ra; khoán vụ mùa sản xuất bập bênh rồi mới khoán cả hai vụ trong năm; khoán ở hợp tác xã yếu kém, hợp tác xã trung bình, rồi đến hợp tác xã làm ăn khá.
Trên cơ sở hiệu quả kinh tế xã hội đem lại và kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn, Thành ủy Hải Phòng ra nghị quyết khoán trên phạm vi toàn thành phố.
Vào lúc này, sự nhận thức thực tiễn và lý luận bộc lộ khả gay gắt, thậm chí đối lập nhau. Một bộ phận cán bộ phân vân, lo ngại khoán sẽ làm xói mòn quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đã xây dựng trên 20 năm ở miền Bắc và bày tỏ quan điểm lên Ban Bí thư, Bộ Chính trị.
Trước tình hình kinh tế cấp bách đặt ra, ngày 21/10/1980, Ban bí thư ra Thông báo số 22 ghi nhận cho các địa phương làm thử.
Sau hơn 3 tháng khoán hộ diễn ra phổ biến, trên cơ sở khảo sát thực tiễn, nghe ý kiến địa phương, cơ sở, các ngành, các cơ quan khoa học, nhiều đồng chí Trung ương các đồng chí trong Bộ Chính trị đã đi kiểm tra tình hình cơ sở.
Đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, người đã có những đóng góp tích cực đối với việc phát triển sản xuất nông nghiệp Việt Nam thăm quê hương lúa Thái Bình (Ảnh tư liệu)
Sự ra đời Chỉ thị 100
Sau khi phân tích, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 100 Về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động ngày 13/01/1981. Nông dân khắp nơi hào hứng phấn khởi đón nhận Chỉ thị số 100. Có thể nói rằng, Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư cùng với Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV) là khởi đầu sự đổi mới tư duy kinh tế của Đảng ta.
Nhằm thống nhất nhận thức, thúc đẩy việc thực hiện chế độ khoán sản phẩm, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã khẳng định Chỉ thị số 100 và nêu rõ phải hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm trở thành cơ chế quản lý trong sản xuất nông nghiệp.
Theo tinh thần đó, Ban Bí thư khóa V đã tiến hành tổng kết thực tiễn và ban hành một hệ thống chỉ thị đối với nông nghiệp, bao gồm:
Chỉ thị số 19 về cải tạo nông nghiệp Nam Bộ.
Chỉ thị số 29 về giao đất giao rừng.
Chỉ thị số 35 về khuyến khích phát triển kinh tế gia đình.
Chỉ thị số 50 về kiện toàn các đơn vị kinh tế quốc doanh trong sản xuất nông nghiệp.
Chỉ thị số 56 về quan hệ sản xuất miền núi.
Chỉ thị số 65 về quan hệ sản xuất miền biển.
Chỉ thị số 67 về hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động.
Chỉ thị số 100 và các chỉ thị tiếp theo của Ban Bí thư đã được các địa phương tích cực thực hiện, vận dụng sáng tạo, nhiều điển hình tốt xuất hiện, sản xuất nông nghiệp có tiến bộ đáng kể.
So với thời kỳ 1976 1980, năng suất tăng 23,8%, sản lượng lương thực tăng 27%, diện tích cây công nghiệp tăng 62,1%, đàn bò tăng 33% đàn lợn tăng 22,1%.
Bình quân lương thực đầu người năm sau cao hơn năm trước: năm 1981 273 kg, năm 1985 lên 304 kg, Nhà nước giảm nhập khẩu lương thực.
Mặc dầu kinh tế nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc điều chỉnh giá lương năm 1981 và tổng điều chỉnh giá -lương -tiền năm 1985 phạm phải sai lầm để lại hậu quả nặng nề, hầu hết các hợp tác xã đều bị mất vốn do chính sách đổi tiền của nhà nước, ngân sách đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp chỉ bằng 41,5%, vật tư cung ứng chỉ bằng 58% so với giai đoạn 1976-1980, nhưng nhờ động lực khoán, nông dân bỏ vốn tự đầu tư 4,9 tỷ đồng xây dựng trạm bơm điện, thủy lợi nội đồng, mua sắm trâu bò, công cụ, tận dụng đất đai, ra sức thâm canh để vượt khoán.
Tuy nhiên, Chỉ thị số 100 còn có những mặt hạn chế: cơ chế quản lý tập trung quan liêu chưa được tháo gỡ; cơ chế quản lý nội bộ hợp tác xã còn nhiều mặt bất hợp lý; các quỹ đóng góp không ngừng tăng lên; mức khoán không ổn định; tệ nạn rong công phóng điểm ngày càng tăng; bộ máy quản lý hợp tác xã cồng kềnh, kém hiệu lực; tổng mức huy động Nhà nước tăng làm cho động lực dần dần bị triệt tiêu.
Trong hoàn cảnh đó, người nông dân phải chịu toàn bộ gánh nặng kinh tế tập thể kinh tế Nhà nước trên vai mình. Họ đã biểu thị thái độ trả bớt ruộng khoán, không đầu tư vượt khoán, không nộp đủ sản phẩm, gây khê đọng sản phẩm. Hợp tác xã đứng trước nguy cơ mới, sản xuất lương thực năm 1987 giảm gần 1 triệu tấn so với năm 1986, một phần do thiên tai nặng nề, Nhà nước huy động giảm 40 vạn tấn lương thực, nạn đói xảy ra trên một số vùng trong hai năm (tháng 3/1987 và tháng 3/1988).
Thực trạng trên đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế quản lý hợp tác xã và cơ chế quản lý nhà nước đối với nông nghiệp.
Thái Trần