Đền thờ Công chúa Bàn Tranh hay còn được người dân trên đảo gọi là đền thờ Bà Chúa Xứ, là ngôi đền cổ do người Chăm xây dựng từ cuối thế kỷ XVI. Đền thờ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 227/QĐ-BVHTTDL ngày 28/01/2015.
Cổng chính đền thờ công chúa Bàn Tranh. Ảnh tác giả cung cấp.
Phú Quý là một huyện đảo của tỉnh Bình Thuận nằm cách trung tâm thành phố biển Phan Thiết khoảng 104 km về phía Đông Nam. Mặc dù là một đảo nhỏ, nhưng Phú Quý lại có 28 cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, trong đó có nhiều di tích lịch sử-văn hóa, thắng cảnh cấp quốc gia như Vạn An Thạnh đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1996, Chùa Linh Quang đã được xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia năm 1996 và đặc biệt là Đền thờ công chúa Bàn Tranh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2015. Du khách đến tham quan, du lịch đảo Phú Quý sẽ rất thiếu sót nếu không thăm viếng và tìm hiểu về Đền thờ công chúa Bàn Tranh.
Theo truyền thuyết và tư liệu của Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, công chúa Bàn Tranh tên thật là Po Sah Ina là con gái vương quốc Chămpa. Vua Po Kathit, còn có tên Po Dam (người Việt gọi là Bàn La Trà Duyệt) làm vua từ 1458 đến 1460. Công chúa bị cho là mang tội bất kính với vua cha nên phải chịu hình phạt lưu đày ra hoang vĩnh viễn không được trở về đất liền. Khi lên đảo, công chúa cùng những tuỳ tùng đã khai khẩn, mở đất lập làng tạo dựng cuộc sống mới trên hòn đảo này. Sau khi mất, xác Bà đã được an táng tại đây. Khoảng đầu thế kỷ XVII ngôi đền được người Việt tiếp quản, gìn giữ và thờ phụng cho đến ngày nay.
Đền thờ công chúa Bàn Tranh tọa lạc tại xã Long Hải, huyện Phú Quý có hướng chính quay về phía Nam; cách núi Cao Cát khoảng 500m về phía Tây. Đền thờ công chúa Bàn Tranh thể hiện bước kế thừa, tiếp biến và dung hợp văn hóa của cộng đồng người Việt khi đến tiếp quản và xây dựng cuộc sống trên đảo Phú Quý. Điều đặc biệt ở đây là tín ngưỡng thờ công chúa Bàn Tranh đã trở thành tín ngưỡng chung và thiêng liêng nhất của người dân trên toàn đảo; việc trông coi, thờ phụng và cúng tế hằng năm được diễn ra luân phiên giữa các làng trên đảo, mỗi làng được lưu giữ sắc phong, phụng thờ và cúng tế trong thời gian 1 năm, qua năm sau sẽ luân chuyển sang làng khác và cứ thế luân chuyển khắp các làng trên đảo theo trình tự.
Từ khi tạo lập đến nay, đền thờ công chúa Bàn Tranh đã trải qua gần 400 năm tồn tại, do tác động của môi trường biển đảo khắc nghiệt nên ngôi đền đã được các thế hệ người Chăm và người Việt tiếp nối tu bổ, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên được hướng của ngôi đền và phần mộ của công chúa Bàn Tranh trong đền thờ, thể hiện lối kiến trúc mang đậm dấu ấn giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Chăm trong lịch sử. Trong đó, đợt trùng tu năm 2009 đã làm cho diện mạo đền thờ trở nên bề thế và trang nghiêm với các hạng mục: Cổng chính, Cột cờ, Bình phong, Võ ca và Chính điện được phân bố trên một trục thẳng; ở về phía bên hữu hơi lệch về phía sau theo hướng nhìn từ trước vào là nhà Khói, bao bọc di tích là hệ thống tường thành kiên cố.
Đền thờ công chúa Bàn Tranh còn lưu giữ 3 bia Kut thờ công chúa Bàn Tranh được tạc từ đá hoa cương màu xám xanh có niên đại khoảng 400 năm. Các di vật là hoành phi, câu đối, chiêng, trống, chuông, chân đèn, đỉnh đồng, lư hương và 5 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn phong tặng cho công chúa Bàn Tranh. Ngoài ra, còn có 3 sắc phong chung cho cả công chúa Bàn Tranh và thầy Sài Nại. Thầy Sài Nại là thương gia sống vào thế kỷ XVI, thường theo các thương thuyền vượt đại dương đến nhiều nước để buôn bán và bên cạnh nghề buôn ông còn là một thầy thuốc giỏi. Trong một chuyến hải trình, thuyền bị bão tố đẩy dạt vào đảo Phú Quý và lúc này trên đảo đã có công chúa Bàn Tranh; Thầy Sài Nại đã kết nghĩa chị em với công chúa, ở lại đảo sinh sống, hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu giúp dân nghèo. Sau khi qua đời, ông đã được người dân an táng, lập đền thờ trên đảo.
Chính điện và cảnh quan đền thờ công chúa Bàn Tranh. Ảnh tác giả cung cấp.
Lễ hội đền thờ công chúa Bàn Tranh diễn ra vào ngày mùng 3 tháng giêng hàng năm và đây cũng là ngày giỗ Bà. Vào dịp lễ hội, Ban Quản lý đền thờ tổ chức nghi lễ thỉnh rước sắc phong của công chúa Bàn Tranh tại làng đang lưu giữ, thờ phụng sắc về đền thực hiện tế lễ. Đoàn lễ khởi hành nghinh rước sắc phong tại làng đang giữ sắc rồi đi qua các ngõ đường trong làng, sau đó thẳng tiến về đền thờ công chúa Bàn Tranh. Khung cảnh rước sắc phong diễn ra trang nghiêm, thành kính; nhưng cũng không kém phần đông vui, nhộn nhịp hòa với âm thanh rộn rã của nhạc lễ nổi lên liên tục trên đường đi. Âm sắc của lễ hội hòa vào giữa những dòng người trực tiếp tham gia đoàn lễ với những dòng người từ khắp các làng quê trên đảo cùng tề tựu hai bên đường và đi theo đoàn lễ. Đây là nét đẹp riêng biệt thể hiện sắc thái văn hóa độc đáo mang tính đặc thù gắn với đời sống tín ngưỡng, tâm linh thiêng liêng của người dân xứ đảo từ bao đời nay, khó có thể tìm thấy ở trên đất liền hay các hòn đảo khác ở Việt Nam. Trong lễ hội, còn diễn ra nhiều loại hình diễn xướng văn hóa dân gian như chèo Bả trạo, hát Bội, múa Tứ linh… là những loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của người dân đảo Phú Quý.
Tìm hiểu, nghiên cứu về di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ công chúa Bàn Tranh giúp chúng ta hiểu biết thêm về Bàn Tranh công chúa, về lịch sử đảo Phú Quý, quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng người Việt trên đảo Phú Quý.
Trung Quân