Sau khi chiến dịch Bình Giã diễn ra với thắng lợi thuộc về Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn nhận định rằng: “Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta được, đến trận Bình Giã thì Mỹ sẽ thua ta trong Chiến tranh đặc biệt”
Thắng lợi vang dội của chiến dịch tiến công đầu tiên
Chiến thắng Bình Giã minh chứng cho tính đúng đắn đường lối cách mạng miền Nam của Đảng.
Đó là đường lối chuyển hướng từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và ngày càng coi trọng đấu tranh vũ trang. Trên cơ sở đó, Trung ương Cục miền Nam tập trung lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng giải phóng miền Nam tới cấp tiểu đoàn.
Năm 1962, quân chủ lực giải phóng miền Nam có 42.500 người, dân quân du kích lên tới 120.000 người. Đến cuối năm 1964, Quân giải phóng đã đủ sức đánh bại Quân đội Sài Gòn trong những chiến dịch lớn.
Chính trên cơ sở đó, Trung ương Cục và Quân ủy Miền chủ trương mở chiến dịch Bình Giã, một chiến dịch quy mô lớn dài ngày đầu tiên thuộc loại hình chiến dịch tiến công và thu được thắng lợi giòn giã.
Chiến thắng Bình Giã chứng tỏ sự trưởng thành của Quân giải phóng về chiến thuật chiến dịch và nghệ thuật chỉ đạo tác chiến.
Chiến dịch kéo dài hơn 1 tháng, từ ngày 2/12/1964 đến ngày 3/01/1965, được ghi nhận là chiến dịch dài ngày nhất từ khi Đảng chủ trương đấu tranh vũ trang tại miền Nam.
Số thương vong của Hoa Kỳ và Chính quyền Sài Gòn lên tới hơn 2.000 quân. Hàng chục cố vấn Hoa Kỳ thiệt mạng và bị bắt. Số máy bay bị thiệt hại nhiều nhất 56 chiếc, 45 xe quân sự, trong đó có nhiều xe tăng, xe bọc thép bị phá hủy.
Có những trận đánh tiêu diệt gọn như trận đánh ngày 9/12/1964 tiêu diệt 14 xe bọc thép M.113 trên đường số 2, trận tiêu diệt Tiểu đoàn biệt động 33 Quân đội Sài Gòn ngày 28/12/1964, trận đánh tiêu diệt Tiểu đoàn thủy quân lục chiến số 4 ngày 31/12/1964 và trận đánh tiêu diệt 16 xe quân sự, trong đó có 2 xe tăng, 2 xe M.113 ngày 3/1/1965.
Kỹ thuật tác chiến đánh xe bọc thép, bắn máy bay của Quân giải phóng rất có hiệu quả khiến cho những phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ và Việt Nam cộng hòa mất đi uy lực vốn có của nó.
Chiến thắng Bình Giã đưa đến sự thay đổi lực lượng so sánh có lợi cho cách mạng miền Nam.
Những nội dung cơ bản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” là xây dựng Quân đội Sài Gòn mạnh, xây dựng hệ thống ấp chiến lược dày đặc, vững chãi đều thất bại trong chiến thắng Bình Giã. Hai xương sống của “Chiến tranh đặc biệt” đều bị bẻ gãy. Các chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận đánh dấu sự kém hiệu quả sau trận Ấp Bắc (Mỹ Tho) ngày 2/01/1963 đã đổ bể hoàn toàn trong trận Bình Giã. Chỉ 2 tháng sau thất bại tại Bình Giã, Hoa Kỳ đã phải trực tiếp đổ quân vào tiến hành chiến tranh xâm lược tại miền Nam Việt Nam.
Hỏa lực súng máy phòng không của bộ đội ta trong chiến dịch Bình Giã (Ảnh tư liệu)
Hãng AP bình luận: “Việt cộng đã muốn làm gì thì làm ở vùng Bình Giã trong suốt tháng 12 năm 1964”, cả miền Nam Việt Nam không còn nơi nào là hậu cứ an toàn cho Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa cả.
Chiến thắng Bình Giã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bài học về đánh giá đúng tình hình mọi mặt, đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch để hạ quyết tâm chiến lược.
Bài học về kết hợp sức mạnh ba thứ quân, kết hợp lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, kết hợp 3 mũi giáp công chính trị, vũ trang, binh vận.
Bài học về giáo dục tư tưởng kháng chiến lâu dài dựa vào sức mình là chính đồng thời biết tạo ra những trận đánh có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chiến tranh.
Bài học về mối quan hệ chặt chẽ giữa hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam, giữa hậu cần tài chỗ với hậu cần chi viện từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Chiến thắng Bình Giã có sự đóng góp lớn của tuyến vận tải chiến lược trên biển, đã kịp thời đưa 44 tấn vũ khí hiện đại vào đúng lúc Quân giải phóng cần nhất.
Thất bại lớn nhất của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn trong “chiến tranh đặc biệt”
Đối với Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn, Chiến dịch Bình Giã đặt dấu chấm hết cho “Chiến tranh đặc biệt” buộc Hoa Kỳ phải đưa quân tham chiến, chuyển sang tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ngày càng sa lầy vào Việt Nam.
Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn phải cay đắng thừa nhận thảm bại tại Bình Giã.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chua chát thú nhận “Mối thất vọng của Oasinhtơn đối với tình hình quân sự càng tăng lên khi quân đội Sài Gòn bị một cú thất bại trông thấy trong trận đánh ác liệt tại Bình Giã …Mọi bằng chứng chỉ rõ tình hình sụp đổ cuối cùng của Chính phủ Việt Nam là có thể xảy ra và rõ ràng là có khả năng Việt cộng củng cố một cách thắng lợi quyền lực của họ”. Một quân đội được Hoa Kỳ trang bị, huấn luyện, xây dựng và tuyên truyền rằng Quân đội Việt Nam cộng hòa có đủ sức mạnh không chỉ có thể tiêu diệt quân phiến loạn Việt cộng mà còn có khả năng “lấp sông bến Hải” tiến ra miền Bắc đã thất bạ thảm hại.
Hãng tin AP ngày 28/12/1964 mô tả: Quân giải phóng “từ các hào giao thông thình lình xuất hiện, đánh tan các đơn vị biệt kích của chính phủ, giết chết, làm bị thương, bắt sống gần hết quân số đó, mang đi 2 cố vấn Hoa Kỳ”. “Quân biệt động đang cố tiến vào ấp thì sa vào lưới đạn bắn chéo cánh sẻ cùng với súng cối, súng liên thanh, súng không giật, cả tiểu đoàn nằm chết dí tại chỗ, để Việt cộng bao vây và tiêu diệt”.
Máy bay trực thăng địch bị tiêu diệt trong chiến dịch Bình Giã (Ảnh tư liệu)
Trong trận đánh ngày 31/12/1964, hãng này còn thừa nhận “Việt cộng đã dùng xác chiếc máy bay lên thẳng làm mồi để thu hút lính thủy đánh bộ và phục kích họ”.
Trận đánh ngày 3/01/1965, hãng AP cho biết: “Cuộc giao chiến lại nổ ra ác liệt khi du kích không biết ở đâu ra bất thần phục kích một tiểu đoàn biệt động, diệt phân nửa tiểu đoàn này và giết thêm một số cố vấn Hoa Kỳ… Trong khi đó, 3.000 quân chính phủ ở Bình Giã đang lùng sục Việt cộng, mà không thấy họ”.
Thấy được thất bại, lập trường của tướng Westmoreland thay đổi 180 độ. Lúc đầu, ông ta chủ trương giữ tình hình chiến trường trong phạm vi “Chiến tranh đặc biệt”, nhưng từ giữa năm 1964, Westmoreland đã yêu cầu đưa quân chiến đấu Hoa Kỳ vào, và yêu cầu này của Westmoreland được đáp ứng vào tháng 3/1965. Westmoreland còn nói trắng ra rằng “chẳng tin gì” ở ARVN, tức quân đội Việt Nam cộng hòa cả.
Sau chiến dịch Bình Giã, Hoa Kỳ phải trực tiếp đưa quân tham chiến, mở đầu chiến lược “Chiến tranh cục bộ” từ giữa năm 1965.
Báo Dân Tộc của Pháp và báo Diễn đàn New York của Hoa Kỳ đã có sự so sánh Bình Giã với Điện Biên Phủ, chỉ ra rằng, sau Điện Biên Phủ, người Pháp rút đi, còn sau trận Bình Giã người Mỹ lại đưa quân vào và càng ngày càng lún sâu hơn vào chiến tranh Việt Nam.
Hệ quả tất yếu của việc Hoa Kỳ phải đưa quân vào miền Nam là phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ bắt đầu bùng nổ
Mở đầu là ngày 24 /3 /1965, hơn 3.000 sinh viên trường đại học Michigan hội thảo về cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Tháng 4 /1965, hơn 20.000 sinh viên thuộc tổ chức “Sinh viên về một xã hội dân chủ” đã biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam
Tháng 10/1965, trên 100.000 người thuộc 33 tổ chức khác nhau tập hợp trong “Ủy ban phối hợp toàn quốc nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam” đã biểu tình chống chiến tranh ở 60 thành phố.
Vậy là ngay trong những tháng đầu năm 1965, khi Hoa Kỳ đưa quân vào Việt Nam, họ cũng khởi động cho một cuộc chiến ngay trên đất nước mình, ngày càng ác liệt. Thất bại ở Bình Giã và việc đưa quân chiến đấu Hoa Kỳ vào miền Nam Việt Nam đã trở thành nguồn gốc đầu tiên của sự chia rẽ nội bộ, bắt đầu "cơn biến động trong lòng Hoa Kỳ" như Kisssinger thú nhận sau này.
Lê Minh