Năm 2023 này, Thừa Thiên Huế sẽ kỷ niệm 30 năm ngày Quần thể di tích cố đô được UNESCO vinh danh, đồng thời cũng kỷ niệm 20 năm ngày Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam trở thành Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng chính là cơ hội để Huế chứng tỏ vị thế hàng đầu cùng vai trò tiên phong của mình trong việc gìn giữ, bảo vệ và tôn vinh các di sản văn hóa và thiên nhiên của đất nước. Thành công trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua đã khẳng định quan điểm phát triển bền vững, bảo đảm an ninh văn hóa, an sinh xã hội của các cấp chính quyền và cộng đồng với nỗ lực không ngừng nghỉ để di sản văn hóa Huế trở thành động lực quan trọng tạo đà phát triển.
Quần thể di tích Cố đô Huế. Ảnh: Internet
Nằm ở vùng duyên hải miền Trung, Thừa Thiên Huế là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc cùng với bề dày lịch sử, truyền thống. Huế không chỉ nổi tiếng là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà còn là Cố đô duy nhất ở Việt Nam bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu..., cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm từ xưa để lại. Đặc biệt, Huế là địa phương duy nhất trên cả nước có tới 7 di sản được UNESCO vinh danh (1). Giá trị di sản Huế còn được hun đúc bởi con người Huế, văn hóa Huế rất riêng có, rất đặc trưng.
Di sản văn hóa phải được gắn với con người, cộng đồng cư dân địa phương (với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu tài sản văn hóa) và coi việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh của đông đảo công chúng trong xã hội là mục tiêu hoạt động. Như vậy, việc nhận thức đúng đắn của chính quyền và người dân Thừa Thiên Huế về vị trí, vai trò to lớn của di sản văn hóa đối với sự phát triển xã hội có một ý nghĩa thực tiễn trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa ở địa phương. Nói như Nguyễn Chí Bền: việc tu bổ, tôn tạo, giữ gìn và phát huy di sản đòi hỏi trước hết là ở ý thức cộng đồng. Bởi cho dù chúng ta có một di sản văn hóa đồ sộ đến đâu, Luật Di sản có chặt chẽ đến thế nào thì cũng thật khó mà giữ gìn và phát huy, nếu ý thức của người dân nằm ngoài các dự án, hoặc nói cách khác, dự án bảo tồn được xây dựng nằm ngoài đời sống của người dân (2).
Trong tâm thức người dân Thừa Thiên Huế, di sản văn hóa ở địa phương đã ghi lại dấu tích của một giai đoạn lịch sử với sự tồn tại của 13 triều đại vua chúa và giữ lại được một quần thể di tích đền đài, cung điện, thành quách, lăng tẩm rất đồ sộ với công sức, xương máu của rất nhiều người dân. Do vậy, người dân Huế xem đây là tài sản vật chất quý giá cần được lưu truyền và giáo dục lịch sử dân tộc cho các thế hệ mai sau. Đặc biệt, ở Thừa Thiên Huế còn một bộ phận không nhỏ trong dân cư là dòng dõi, hậu duệ của vua chúa, vì thế họ ý thức rất lớn việc giữ gìn di sản văn hóa của thế hệ trước để lại. Họ xem đó là trách nhiệm, là trọng trách để bảo vệ một khối tài sản có giá trị của cha ông họ để lại và nó gắn liền với quá trình phát triển lịch sử của dòng tộc. Việc góp sức cả về vật chất và tinh thần để giữ gìn di sản văn hóa chính là điểm tựa tinh thần đồng thời là niềm tự hào của họ về lịch sử của thế hệ cha ông đi trước.
Đối với các hoạt động lễ hội, người dân Huế xem đó như nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh được người Huế tham gia với tấm lòng thành kính. Như lễ tế Nam Giao, lễ cúng âm hồn 23 tháng 5 âm lịch (để tưởng nhớ đến biến cố thất thủ kinh đô vào năm Ất Dậu 1885); lễ hội điện Hòn Chén (hay còn gọi là lễ rước sắc nữ thần Thiên Y A Na theo tín ngưỡng của người Chămpa xưa), lễ hội tưởng niệm các vị khai sinh các ngành nghề truyền thống, lễ hội tưởng nhớ các vị khai canh thành lập làng...
Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế. Ảnh: Internet
Thành công trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua cho thấy có một sự gắn bó ngày càng mật thiết giữa chính quyền, cộng đồng nhân dân địa phương với các di sản văn hóa và tự nhiên ở vùng đất này. Và chính sự gắn bó, chia sẻ ấy đã giúp cho việc giải quyết các mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển trở nên mềm mại và dễ dàng hơn, đảm bảo được vấn đề phát triển xã hội bền vững (3). Từ hơn chục năm trở lại đây, người dân Huế được hưởng nhiều quyền lợi hơn từ di sản. Họ ý thức được rằng: di sản văn hóa không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của nhân dân, khẳng định niềm tự hào dân tộc mà còn là nguồn lực để tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, những năm gần đây, khi ngành du lịch phát triển thì các làng nghề truyền thống như: đúc đồng, làm gốm, chằm nón... đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho cộng đồng và đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều gia đình làm nghề truyền thống ở Thừa Thiên Huế. Thông qua việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thống, chính di sản văn hóa còn là cơ sở để gắn kết cộng đồng, là nền tảng để sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới, là tiền đề để mở rộng giao lưu văn hóa với các dân tộc khác trên thế giới.
Cùng với an sinh xã hội, chính quyền địa phương còn đảm bảo cho người dân các chính sách ưu đãi thiết thực khác như được tuyển dụng để đào tạo và làm việc tại các công trường tu bổ di tích, khai thác các dịch vụ gắn liền với khu di sản, miễn giảm vé vào thăm quan di tích, bảo tàng; quảng bá, giáo dục về di sản, đưa di sản vào học đường, tạo nhiều điều kiện để giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên tiếp cận với di sản bằng các hình thức tham quan, trải nghiệm thực tế, tham gia các cuộc thi tìm hiểu về di sản và lịch sử, tham gia vào các hoạt động lễ hội và sự kiện được tổ chức quanh năm theo đề án festival bốn mùa… Nhờ đó mà di sản ngày càng trở nên gần gũi, gắn bó hơn với cộng đồng, nhất là với giới trẻ, thế hệ chủ nhân của tương lai.
Như vậy, nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong suốt 30 năm qua nhằm bảo tồn di sản văn hóa khẳng định rằng khi xác định di sản là cho muôn đời sau thì chúng ta chỉ là những người chạy tiếp sức để duy trì; và làm sáng mãi ngọn đuốc của những giá trị văn hoá thì đó chính là những tín hiệu lạc quan cho giá trị và sức sống của các di sản. Chính nhận thức này đã giúp cho chính quyền và cộng đồng địa phương Thừa Thiên Huế đảm bảo được quan điểm: tài sản ngày hôm nay không chỉ của mình mà còn là của các đời sau và sự thận trọng sẽ luôn được đề cao, tư duy và ứng xử với di sản sẽ luôn được coi trọng. Di sản văn hóa sẽ là nguồn lực to lớn để Huế phát triển và thăng hoa.
Chú thích:
(1) 7 di sản được UNESCO vinh danh: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017)
(2) https://tuoitre.vn/can-danh-thuc-y-thuc-giu-gin-di-san-110062.htm truy cập ngày 15/6/2023
(3) Từ những cuộc họp, trao đổi và đồng thuận của hàng trăm hộ gia đình di dời ra khỏi vùng lõi Quần thể di tích Cố đô Huế trong “cuộc di dân lịch sử”, tính đến tháng 3/2021, UBND thành phố Huế đã hoàn tất việc di dời cho trên 500 hộ dân khu vực Thượng Thành, cuối tháng 9/2021 di dời hết 3.516 hộ giai đoạn 1; sau đó sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với 1.549 hộ.
Trường Sơn