Trong các bài viết, bài phát biểu của mình, V.I.Lênin không trực tiếp trình bày khái niệm di sản văn hóa nhưng toàn bộ tư tưởng của ông về vấn đề này được thể hiện rất sâu sắc thông qua hệ thống các quan điểm về xây dựng và phát triển nền văn hóa vô sản. Theo đó, di sản văn hóa được hiểu là những sản phẩm hết sức quý báu về tinh thần và vật chất của các thế hệ trước truyền lại, được tiếp thu và cải tạo bởi các thế hệ sau. Đó là những “sản phẩm khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật...”, là “nhân lực và vật lực”, “tất cả những gì là quý báu trong hơn hai nghìn năm phát triển của tư tưởng và văn hóa nhân loại”[1].
Theo cách tiếp cận này, khái niệm di sản văn hóa của Lênin khá tương đồng với quan điểm của UNESCO hiện nay. Theo UNESCO, di sản văn hóa là những tài sản văn hóa tồn tại ở dạng vật thể và phi vật thể của một nhóm hay xã hội được kế thừa từ các thế hệ trước, đã duy trì đến hiện nay và dành cho các thế hệ mai sau[2]. Như vậy, di sản văn hóa chính là bộ phận quan trọng nhất, tinh túy nhất của một nền văn hóa đã được chắt lọc, thẩm định sau một thời gian lịch sử lâu dài.
V.I. Lênin. Ảnh tư liệu
Di sản văn hóa có vai trò gì?
Từ cách hiểu về di sản văn hóa trên đây, Lênin đã đánh giá cao vai trò, vị trí của di sản văn hóa đối với nền văn hóa vô sản nói riêng và với sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa nói chung.
Có thể thấy, di sản văn hóa của quá khứ là nền tảng quan trọng để xây dựng và phát triển nền văn hóa mới. Lênin cho rằng, sự nghiệp xây dựng văn hóa vô sản không phải là nghĩ ra một thứ văn hóa hoàn toàn mới, mà phải trên cơ sở kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nghĩa là phải “phát triển những kiểu mẫu ưu tú, những truyền thống ưu tú, những kết quả tốt nhất của nền văn hóa hiện tồn"[3]. Bởi lẽ, di sản văn hóa là những tài sản văn hóa quý báu đã được thử thách qua thời gian, được lựa chọn, thẩm định qua nhiều thế hệ có thể tạo nền móng vững chắc để phát triển một nền văn hóa mới. Không khởi tạo từ những di sản của quá khứ, chưa đủ sự trải nghiệm lịch sử thì các sản phẩm văn hóa đương đại khó khẳng định được giá trị và sự lâu bền của nó. Do vậy, di sản văn hóa – những lớp sản phẩm văn hóa tinh túy nhất, không những mang đến vẻ đẹp, sự phong phú mà còn là mạch nối tạo nên sức sống bền bỉ của một nền văn hóa.
Bên cạnh đó, di sản văn hóa là cơ sở, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội. Trong các tác phẩm của mình, Lênin và các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác chưa sử dụng thuật ngữ động lực để bàn về vai trò của di sản văn hóa nhưng qua việc đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ cụ thể để xây dựng nước Nga sau cách mạng tháng Mười, Lênin đã khẳng định sứ mạng quan trọng của di sản văn hóa đối với sự phát triển và tiến bộ xã hội: "Phải tiếp thu toàn bộ nền văn hoá do chủ nghĩa tư bản để lại và dùng nền văn hoá đó để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải tiếp thu toàn bộ khoa học, kỹ thuật, tất cả những kiến thức, tất cả nghệ thuật. Không có cái đó chúng ta không thể xây dựng cuộc sống của xã hội cộng sản được"[4]. Lênin nhận thức rõ rằng, để xây dựng chủ nghĩa xã hội cần tận dụng nền khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật..., tất cả những thành tựu của nước Nga tư bản để lại. Và với thực tiễn của nước Nga – Xô viết đương thời, việc tiếp thu, cải tạo những di sản văn hóa hiện có là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và bức thiết. Di sản văn hóa là nguồn lực trực tiếp tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, thực sự là nguồn tài nguyên dồi dào để nhân dân khai thác, xây dựng một xã hội như mong ước. Không chỉ thế, với tư cách là “những kiểu mẫu ưu tú, những truyền thống ưu tú, những kết quả tốt nhất của nền văn hóa hiện tồn”, di sản văn hóa còn có tác dụng khai phóng tư tưởng, thúc đẩy con người vượt qua giới hạn bản thân, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo, hình thành những nhân cách tích cực nhằm xây dựng xã hội phát triển, tiến bộ.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
Theo Lênin, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là một nhiệm vụ cần thiết và quan trọng trong xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội. Bởi lẽ, việc xây dựng, phát triển một nền văn hóa mới, một xã hội mới tất yếu “phải xuất phát từ những vật liệu mà xã hội cũ đã để lại cho chúng ta”, không gìn giữ, nuôi dưỡng các giá trị di sản văn hóa sẽ làm mất đi nguồn lực quan trọng để phát triển xã hội. Lênin khẳng định, việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản nói chung và văn hóa vô sản nói riêng, phải dựa trên cơ sở những kiến thức, các tổ chức, thiết chế, nhân lực và vật lực mà xã hội cũ để lại, đồng thời cắt giũa, chắt lọc những gì thực sự cần thiết cho sự nghiệp này. Những đóng góp quan trọng vào lịch sử tư tưởng nhân loại của chủ nghĩa Mác là một ví dụ nổi bật: "Chủ nghĩa Mác không những đã không vứt bỏ những thành tựu hết sức quý báu của thời đại tư sản, mà trái lại, còn tiếp thu và cải tạo tất cả những gì là quý báu trong hơn hai nghìn năm phát triển của tư tưởng và văn hóa nhân loại”[5]. Như vậy, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa có nghĩa là tiếp thu, phát triển một cách sáng tạo giá trị di sản văn hóa vào thực tiễn phát triển xã hội của cộng đồng, dân tộc.
Di sản văn hóa là động lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Ảnh: Ngọ Môn (Kinh thành Huế), Thừa Thiên - Huế. Nguồn: Internet
Nhận thức rõ tầm quan trọng của di sản văn hóa và nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, Lênin đã đề ra những cách thức cụ thể để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Trước hết, phải có nhận thức và thái độ đúng đắn đối với di sản văn hóa. Nghĩa là, trên cơ sở khoa học và thực tiễn phải hiểu rõ vai trò quan trọng của di sản văn hóa, có thái độ tôn trọng đối với di sản văn hóa, từ đây mới có những đóng góp cụ thể, thiết thực vào việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Trong thực tế, Lênin đã tích cực đấu tranh chống lại những quan điểm sai lầm và phê phán thái độ cực đoan của một số người đối với di sản văn hóa. Đó là những người theo phái Prolekult, với thái độ hư vô chủ nghĩa, kiêu ngạo cộng sản, họ muốn phủ nhận sạch trơn di sản văn hóa quá khứ của nước Nga và ảnh hưởng của văn hóa các quốc gia khác đối với văn hóa Nga để xây dựng một nền văn hóa của riêng mình. Lênin khẳng định, "nếu không hiểu rằng chỉ có sự hiểu biết chính xác về nền văn hóa được sáng tạo ra trong toàn bộ quá trình phát triển của loài người và việc cải tạo nền văn hóa đó mới có thể xây dựng được nền văn hóa vô sản thì chúng ta sẽ không giải quyết được vấn đề. Văn hóa vô sản không phải bỗng nhiên mà có, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hóa vô sản phát minh ra. Văn hóa vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật của tổng số kiến thức mà loài người đã tích luỹ được dưới ách thống trị của xã hội tư bản, xã hội của bọn địa chủ và xã hội của bọn quan liêu"[6].
Đồng thời, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phải dựa trên những nhận xét, đánh giá khách quan, dân chủ, khoa học. Điều đó được thể hiện rõ nét ở thái độ của giai cấp vô sản trong việc đánh giá, phê phán và kế thừa di sản văn hóa dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng con người mới, xã hội mới cần phải có sự kết hợp những tri thức truyền thống với tri thức hiện đại mới có thể giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra: "Những kiến thức đó (kiến thức cũ) các đồng chí không nên hấp thụ một cách giản đơn; các đồng chí phải hấp thụ một cách phê phán, để cho đầu óc các đồng chí không phải chất đống một mớ hổ lốn vô ích, mà là để làm giầu trí óc bằng sự am hiểu mọi việc thực tế "[7]. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là: "Làm thế nào kết hợp được cách mạng vô sản thắng lợi với văn hoá tư sản, với khoa học và kỹ thuật tư sản trước đây thuộc đặc quyền của một số ít người?"[8]. Làm thế nào để kết hợp hài hòa giá trị di sản văn hóa quá khứ và hiện tại để phát triển là trăn trở không chỉ của Lênin mà cũng là vấn đề đặt ra của các nền văn hóa hiện nay.
Vì vậy, để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, bền vững phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển nền văn hóa mới, xã hội mới. Di sản văn hóa là bộ phận quan trọng, tinh túy nhất của một nền văn hóa nhưng không có nghĩa là nó đóng khung, bất biến. Tất cả di sản của thế hệ này, xã hội này không phải đều là di sản của thế hệ khác, xã hội khác. Sức sống của di sản văn hóa thể hiện ở cách con người gìn giữ, sàng lọc, cải tạo, bổ sung, làm mới nó trong đời sống thực tiễn của mình.
[1] V.I. Lênin: tập 41, tr.400, NXB Tiến bộ, Mát-xcơ- va, 1977.
[2] http://www.unesco.org/culture/ich/index.php?pg=00002
[3] V.I. Lênin: Sđd, tập 41, tr.548.
[4] V.I. Lênin: Sđd, tập 38, tr.67.
[5] V.I. Lênin: Sđd, tập 41, tr.400.
[6] V.I. Lênin: Sđd, tập 41, tr.361.
[7] V.I. Lênin: Sđd, tập 41, tr.363.
[8] V.I. Lênin: Sđd, tập 38, tr.72.
Lương An