Đắk Nông là một trong những địa phương có bề dày truyền thống cách mạng với nhiều địa danh gắn với những sự kiện lịch sử, những chiến công lừng lẫy suốt chiều dài 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược
Vùng đất lịch sử
Do vị trí địa chiến lược quan trọng, Tây Nguyên từng là những căn cứ địa trong các cuộc khởi nghĩa, các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bất khuất, một lòng theo cách mạng. Bởi vậy, Tây Nguyên là vùng đất có mật độ khá dày các di tích lịch sử, kháng chiến và phân bố đều khắp ở các địa phương.
Tỉnh Đắk Nông là cái nôi của kháng chiến, nơi ghi lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử đấu tranh hào hùng của đồng bào các dân tộc. Chính vì vậy, các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(1).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 14 di tích, danh thắng; trong đó có 4 di tích cấp tỉnh, 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 9 di tích danh thắng cấp quốc gia. Đây được xem là những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng cho đồng bào các dân tộc nơi đây và thu hút khách du lịch tham quan.
Những di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu
Khu di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’Nông do N’Trang Lơng lãnh đạo.
Đây là chứng tích ghi dấu sự đấu tranh kiên cường của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên M’nông trong gần 1/4 thế kỷ (1911 – 1935).
Trong trận giao chiến ngày 23/5/1935, N’Trang Lơng bị trọng thương, bị bắt và hy sinh. Phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp của nghĩa quân tiếp tục diễn ra đến năm 1936 mới hoàn toàn kết thúc.
Tuy thất bại, nhưng ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết các dân tộc trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung của N’Trang Lơng và nghĩa quân đã khích lệ các thế hệ người M’Nông, Stiêng, Ê đê, Mạ, Chàm, Kinh, K’ho ở Đắk Nông, Krông Nô, Đắk Mil… kế tiếp nhau đứng lên chống kẻ thù xâm lược và tay sai.
Tượng đài N’Trang Lơng tại Quảng trường thành phố Gia Nghĩa, Đăk Nông
Để ghi nhớ công lao và những chiến tích của vị thủ lĩnh người M’nông, tỉnh Đắk Nông xây dựng Tượng đài anh hùng dân tộc N’Trang Lơng tại quảng trường thành phố Gia Nghĩa; phục dựng di tích các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’Nông do N’Trang Lơng lãnh đạo tại xã Đắk R’tih và xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức.
Khu di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia theo quyết định số 04/2007/QĐ-BVHTTDL, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điểm lưu niệm N’Trang Gưh tại thôn Buôn Choáh, xã Buôn Choáh (huyện Krông Nô)
N’Trang Gưh, tên thật là Y Gưh H’Đớk, sinh khoảng năm 1845, tại buôn Choáh Kplang – một buôn làng của người Bih (một nhóm địa phương của dân tộc Êđê). Ông là thủ lĩnh tài ba của người Bih cũng như của các dân tộc tại chỗ khác trên cao nguyên M’nông, trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương.
Thủ lĩnh N’Trang Gưh lãnh đạo chống quân Xiêm năm 1884 - 1887 và thực dân Pháp năm 1900 – 1914. Dưới sự lãnh đạo của N’Trang Gưh, cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp kéo dài hơn một thập kỷ, giành được nhiều chiến công vẻ vang, gây chấn động toàn Đông Dương và giới cầm quyền Pháp.
Địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh là niềm tự hào, về tinh thần yêu nước, đấu tranh kiên cường bất khuất chống quân xâm lược, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, cho các thể hệ trẻ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Để ghi nhớ địa điểm từng để lại nhiều dấu ấn lẫy lừng của người tù trưởng buôn làng Ê Đê, người anh hùng của các dân tộc Tây Nguyên, ngày 2-8-2011, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2366/QĐ-BVHTTDL xếp hạng địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Du khách tham quan di tích Ngục Đăk Mil
Di tích lịch sử Ngục Đăk Mil
Ngục Đăk Mil do thực dân Pháp xây dựng đầu năm 1940 - là một “biệt giam” thuộc Nhà đày Buôn Ma Thuột (nay thuộc thôn 9, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) với mục đích là giam giữ, đày ải những chiến sĩ cách mạng cốt cán, không thu phục được. Di tích không chỉ mang giá trị lịch sử to lớn và có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết Kinh - Thượng trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 17/5/2005, Ngục Đắk Mil được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia theo quyết định số 11/2005/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV
Di tích thuộc địa bàn thôn 2, bon Ja Rah, xã Nâm Nung (Krông Nô), Khu căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giữ vai trò vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương, là nơi xây dựng lực lượng cách mạng và tham gia sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, cho các vùng khác để cứu đói. Đồng thời, Căn cứ kháng chiến B4 cũng là nơi tổ chức các trận đánh lớn ngay trên địa bàn căn cứ, làm tiêu hao sinh lực địch, khai thông đường hành lang chiến lược, phục vụ đắc lực cho chiến trường miền Nam. Với những chiến tích lịch sử oai hùng đó, ngày 17/3/2005, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV là di tích cấp Quốc gia.
Địa điểm Đồi 722 - Đắk Sắk
Nơi đấy ghi dấu nhiều trận đánh ác liệt của lực lượng bộ đội chủ lực ta và quân, dân địa phương trong suốt chặng đường lịch sử từ năm 1968 đến 1975 nhằm tiêu hao sinh lực địch, đánh phá hệ thống đồn bốt đang án ngữ phá hoại đường Hồ Chí Minh trên chiến trường Nam Tây Nguyên. Hiện nay, di tích Đồi 722 – Đắk Sắk vẫn còn lưu giữ, bảo quản một số di vật, quân trang, quân dụng như giày, mũ, vỏ đạn,... Ngày 24/10/2012, di tích Đồi 722 – Đắk Sắk được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Di tích lịch sử cách mạng chính là “địa chỉ đỏ”, có sức lay động, nhân lên niềm tự hào đối với mỗi người; là điểm tựa, là cội rễ góp phần tạo nên sức mạnh cho dân tộc, và quan trọng hơn đó là nền tảng để tạo nên bản sắc văn hóa và hệ giá trị của văn hóa dân tộc.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Khơi dậy tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên. Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử văn hóa” (2).
Việc bảo vệ, giữ gìn các di tích lịch sử cách mạng không chỉ có ý nghĩa trong xây dựng nền văn hóa mới “đậm đà bản sắc dân tộc” mà còn trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và cả nước hiện nay.
Trường Sơn
___________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.1, tr 137.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.2, 135.