Đà Lạt được người Pháp và sau này là chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây dựng thành khu du lịch và nghỉ dưỡng nổi tiếng, nhưng ít ai biết giữa khu du lịch tươi đẹp, yên bình và mộng mơ đó từng tồn tại một địa ngục trần gian, đó là Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt
Tọa lạc trên một đồi thông yên bình, Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt với vẻ ngoài như một biệt thự hình chữ A bình thường, nhưng thực chất đây chính là nhà lao giam giữ hơn 600 tù nhân thiếu nhi từ 12 đến 17 tuổi có tinh thần yêu nước và cách mạng, được tập trung từ nhiều nhà tù ở miền Nam đến.
Trung tâm đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, được tổ chức chặt chẽ với đội ngũ quản lý dày dạn kinh nghiệm.
Sự ra đời của nhà lao dưới vỏ bọc Trung tâm giáo huấn thiếu nhi nhằm cách ly, thủ tiêu tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sơ đồ các nhà tù, trại giam tại miền Nam Việt Nam và Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt
(Ảnh: Bình Nguyễn)
Sự hình thành Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt
Đầu năm 1971, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt chính thức ra đời với bộ máy tổ chức hoàn chỉnh, gồm có Ban Quản đốc, dưới đó có Ban Cải huấn, Ban Giám thị, Ban An ninh và Ban Hướng nghiệp.
Sau khi ra đời, chính quyền Việt Nam Cộng hòa gấp rút gom tù nhân thiếu nhi từ khắp các nhà tù miền Nam về giam giữ tại đây.
Đợt đầu tiên, ngày 23/04/1971, địch chuyển 126 tù nhân thiếu nhi từ Nhà lao kho đạn Đà Nẵng lên Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Sau đó, địch tiếp tục chuyển tù nhân thiếu nhi từ các nhà lao Hội An Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên lên.
Tháng 4/1971, địch gom tù nhân thiếu nhi tại nhà tù Côn Đảo và các nhà tù khác ở miền Nam về giam tại khám Chí Hòa. Ngày 6/11/1971, địch chuyển toàn bộ tù nhân thiếu nhi tại khám Chí Hòa lên Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt.
Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt là một trong số 14 nhà tù, trại giam tiểu biểu của chế độ Việt Nam cộng hòa. Lúc cao điểm, số lượng tù nhân thiếu nhi lên đến trên 600 người, trong đó có khoảng 200 tù nhân nữ.
Đời sống lao tù khắc nghiệt và chế độ đàn áp tàn bạo
Ẩn sau vẻ yên bình của Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt là một đời sống lao tù khắc nghiệt và chế độ đàn áp tàn bạo của bộ máy cai tù.
Tù nhân thiếu nhi bị giam giữ trong các phòng giam, ở khu nam có 6 phòng và khu nữ có 2 phòng, mỗi phòng rộng khoảng 50 m2, có lúc giam gần 100 người. Đời sống sinh hoạt vô cùng khó khăn thiếu thốn. Tù nhân chống đối bị biệt giam trong ba dãy xà lim, mỗi dãy có 4 xà lim tối tăm, ẩm ướt, lạnh lẽo. Chế độ ăn uống hằng ngày của tù nhân chỉ đủ cầm hơi, mỗi người một nắm cơm nhỏ kèm theo vài hạt muối vào một ca nước nhỏ.
Tù nhân bị còng chéo từng người hoặc còng vòng tròn với nhau, thường xuyên bị cai ngục và trật tự đánh đập bằng dùi cui điện, roi kẽm gai, chịu các hình thức hành hạ như áp bóng điện nóng vào mặt, dội nước lạnh vào người giữa đêm khuya tại các xà lim hoặc bị phơi sương trong các hầm đá.
Hai phòng giam (G và H) giam giữ các nữ tù thiếu nhi, diện tích mỗi phòng chỉ khoảng 50 m2, nhưng có lúc giam giữ đến gần trăm người. Tại đây, các tù nhân nữ thường xuyên chịu đựng cuộc sống gian khổ thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần và cả những trận đòn roi ác nghiệt của cai ngục.
Nhà lao Thiếu nhi Đà lạt còn có khu vực hầm đá, được xây dựng khuất sau hành lang dãy xà lim, là nơi giam cầm, hành hạ những tù nhân mà địch cho là cầm đầu, sừng sỏ, nguy hiểm. Tại đây, địch giam giữ và hành hạ tù nhân nhiều ngày bằng hình thức “tắm sương” vì hầm đá không có mái che. Tù nhân phải chịu đựng cái lạnh thấu xương trong cái giá lạnh của thời tiết Đà Lạt.
Mô hình tái hiện cảnh tù nhân thiếu nhi bị tra tấn, hành hạ tại nhà lao (Ảnh Bình Nguyễn)Dãy xà lim biệt giam dùng để giam những tù nhân phạm trọng tội. Xà lim chật hẹp chưa đầy 2 mét vuông, không gian tối tăm, lạnh lẽo, hôi hám, trong xà lim không thể phân biệt được ngày hay đêm. Ở dãy xà lim biệt giam, địch thường giam từ 4 đế 5 tù nhân chung một buồng. Trong không gian chật hẹp, 4 người bị còng dính vào nhau không thể nằm ngửa hay nằm sấp bình thường, mà phải nằm chéo lên nhau, rất khó ngủ. Ngoài việc bị còng chéo, mỗi ngày, tù nhân bị biệt giam phải chịu nhiều trận đòn roi. Nơi đây thể hiện rõ những thử thách khắc nghiệt, tôi luyện ý chí, tinh thần đấu tranh cách mạng của các chiến sĩ nhỏ tuổi.
Những cuộc đấu tranh nổi tiếng
Giống như các nhà lao ở miền Nam thời bấy giờ, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt cũng bắt buộc tù nhân phải chào cờ vào mỗi sáng đầu tuần. Sân chào cờ là ranh giới thể hiện rõ nhất cuộc đấu tranh giữa hai chiến tuyến.
Những ai chào cờ, hát quốc ca, được xem như thừa nhận chế độ Việt Nam cộng hòa, ngược lại, sẽ bị xếp vào thành phần chống đối và bị đàn áp dã man. Đấu tranh chống chào cờ là hành động thể hiện rõ nhất tinh thần đấu tranh quyết liệt của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi từng trải qua các nhà lao nổi tiếng tại miền Nam. Lực lượng tù nhân thiếu nhi cốt cán đã biết tiếp thu và tiếp tục phát huy tinh thần kinh nghiệm đấu tranh của các thế hệ tù chính trị cha anh. Nhiều hình thức đấu tranh thường xuyên diễn ra từ chống đối tuyệt thực, sẵn sàng chịu biệt giam, hành hạ trong xà lim, đến đỉnh cao là sự kiện tự mổ bụng trên sân cờ vào ngày 21/11/1971, khiến kẻ địch phải khiếp sợ, nhượng bộ.
Một trong những cuộc đấu tranh nổi tiếng là vụ đánh phủ đầu cai ngục Xămpôn. Không khuất phục trước những thủ đoạn lừa mị và nhất là đòn roi của kẻ thù, những chiến sĩ nhỏ tuổi đã kiên cường chống trả âm mưu thủ đoạn của địch. Vụ đánh cai ngục Xămpôn, một cai ngục từng đi lính cho thực dân Pháp, có thâm niên trong việc cai quản và tra tấn tù nhân từ Côn Đảo chuyển về, làm cho ý định “dằn mặt” tù nhân của địch tan vỡ. Nó cho thấy các chiến sĩ nhỏ tuổi hoạt động có tổ chức và không dễ bị đàn áp.
Tổ chức tiêu diệt kẻ phản bội trở thành tay sai tàn ác của địch đánh dấu sự chủ động của tù nhân thiếu nhi ngay tại sào huyệt của địch. Nổi tiếng nhất là vụ diệt trừ phần tử phản bội Nguyễn Cương. Nguyễn Cương, nguyên là một du kích bị địch bắt, đã phản bội cách mạng, trở thành tay sai đắc lực trong việc tra tấn tù nhân thiếu nhi tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Nguyễn Cương thường tra tấn tù nhân bằng những hình thức như: đạp giày đinh vào đầu, lột quần áo, gí bóng đèn vào người cho cháy da thịt, dùng roi da đính móc sắt nhỏ đánh vào người,... Không để Nguyễn Cương lộng hành, lực lượng tù nhân cốt cán đã bàn bạc chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch diệt trừ Nguyễn Cương. Mặc dù may mắn thoát chết nhưng Nguyễn Cương phải trả giá với một mắt bị hỏng, thủng 6 đoạn ruột, phải nằm viện hơn ba tháng với mức thương tật 60%. Vụ diệt ác là đòn giáng trả mạnh mẽ vào âm mưu thâm độc “dùng tù trị tù” của địch, vừa làm cho những kẻ cơ hội, phản bội phải chùn bước, vừa đem lại thắng lợi tinh thần to lớn và khẳng định sự trưởng thành của các tù nhân thiếu nhi.
Sau vụ này, đồng chí Mai Thanh Minh bị địch tra tấn dã man và nhốt vào hầm đá giữa tiết trời lạnh giá. Mặc dù thân thể chằng chịt những vết đòn roi của địch, trên người chỉ mặc độc chiếc quần cụt, hai tay bị còng chéo, đồng chí vẫn kiên gan cắn răng chịu đựng. Sự tàn bạo của nhà lao đã không thể khuất phục ý chí, tinh thần của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi luôn một lòng hướng về ngày toàn thắng.
Ngoài việc đấu tranh chống chế độ lao tù, cũng như bất cứ tại nhà tù nào khác, tù nhân thiếu nhi cũng tổ chức vượt ngục.Vượt ngục là con đường duy nhất để thoát khỏi cảnh lao tù, trở về với cách mạng, tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Trong thời gian tồn tại, đã diễn ra 7 vụ vượt ngục tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Khi có cơ hội thuận lợi, tù nhân thiếu nhi tự phát vượt ngục, nhưng số lượng không nhiều và chưa được tổ chức chặt chẽ. Riêng có đợt vượt ngục lần thứ sáu được chuẩn bị chu đáo, có sự móc nối với cơ sở bên ngoài. Danh sách vượt ngục dự kiến ban đầu lên đến 30 người nhưng về sau, do địch đột xuất di chuyển tù nhân, nên số người tham gia vụ vượt ngục chỉ còn lại 13 người.
Đêm 7/5/1973, 13 tù nhân thiếu nhi tổ chức vượt ngục tại phòng giam C. Sau khi thoát được ra ngoài, 2 người lạc đường bị địch bắt lại, 11 người được nhân dân và cơ sở cách mạng nuôi giấu, sau đó đưa về các đơn vị khác nhau tiếp tục hoạt động cách mạng.
Hoạt động vượt ngục thể hiện khát vọng tự do, mong muốn cháy bỏng được trở về với đồng chí, đồng đội để tiếp tục cuộc đấu tranh cách mạng đến thắng lợi cuối cùng.
Sau khi hiệp định Paris được ký kết 27/01/1973, khí thế cách mạng ở miền Nam dâng cao, phong trào đấu tranh trong các nhà lao cũng phát triển mạnh mẽ, nhất là đấu tranh chống âm mưu biến tù chính trị thành tù thường phạm để tiếp tục giam cầm, đày ải các chiến sỹ cộng sản và người yêu nước.
Bài thơ tác giả Lê Văn Thơm tặng các chiến sĩ anh hùng nhỏ tuổi tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt (Ảnh: Bình Nguyễn)Ngày 22/02/1973, địch tổ chức lăn tay, chụp hình tù nhân nhằm làm sai lệch hồ sơ, biến tù nhân chính trị ở Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt thành tù thường phạm. Nắm được âm mưu của địch, lực lượng nòng cốt đã bàn bạc thống nhất vận động toàn thể tù nhân thiếu nhi vùng lên đấu tranh. Cai ngục huy động lực lượng đàn áp, liên tục nổ súng đe dọa và sử dụng hơi cay để khống chế tù nhân. Tù nhân thiếu nhi phá nhà kho, lấy dao, rựa, cuốc, xẻng, gậy gộc làm vũ khí, dùng gạch đá, nước sôi để phản công, hạ và xé cờ địch, chiếm loa phóng thanh kêu gọi nhân dân quanh vùng ủng hộ. Sau hơn 10 giờ đấu tranh căng thẳng, quyết liệt, địch buộc phải nhân nhượng, chấp nhận yêu sách do tù nhân đưa ra.
Thắng lợi nói trên đánh dấu sự thất bại trong âm mưu đánh tráo tù chính trị và tù thường phạm của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, báo hiệu sự tan rã của Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Trước áp lực dư luận và nhất là cuộc đấu tranh quyết liệt của những tù nhân nhỏ tuổi, địch phải đóng cửa Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt vào tháng 6/1973.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều nhà tù trở thành nơi ghi dấu tội ác của chế độ Việt Nam cộng hòa, đồng thời hun đúc khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt (1971-1973) giam giữ tù nhân thiếu nhi, các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi, nhưng tràn đầy khí phách và tinh thần đấu tranh gan dạ, bất khuất.
Tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt đã diễn ra các phong trào đấu tranh anh dũng thể hiện phẩm chất anh hùng bất khuất của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước
Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tập thể tù chính trị Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 22/6/2009.
Bình Nguyễn