Đến nay đã có khá nhiều công trình, bài viết, cũng như các ý kiến tương đồng, khác biệt của các học giả, nhà nghiên cứu… đối với các nội dung xoay quanh sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Bài viết dưới đây đề cập tới một số điểm đặc biệt của sự kiện trên
Ý tưởng mở một cuộc tổng tiến công với mục tiêu chủ yếu nhằm vào đô thị để giành thắng lợi quyết định được Đảng Lao động Việt Nam đặt ra từ năm 1961, sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi năm 1960. Đầu năm 1965, khi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đứng trước nguy cơ bị phá sản hoàn toàn, quân chiến đấu Mỹ nhanh chóng được đưa vào miền Nam Việt Nam với số lượng lớn nên thời cơ để mở cuộc tổng tiến công, giành thắng lợi quyết định không còn thuận lợi.
Hội nghị Bộ Chính trị ngày 28/12/1967 thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968, nhiệm vụ của quân, dân ta và hạ quyết tâm chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định… Chủ trương bất ngờ đánh thẳng vào các mục tiêu mạnh nhất, kiên cố nhất của đối phương ở các thành phố, thị xã như Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh Sài Gòn, căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay, bến cảng… nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho Việt Nam và để Mỹ hiểu không thể thắng được Việt Nam bằng quân sự, cần phải tìm giải pháp khác để kết thúc chiến tranh.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 (TTC&ND) của Việt Nam được mở ra trên cơ sở lực lượng, thế trận của cách mạng miền Nam đã có bước phát triển; nhận thức của Đảng về những thuận lợi, khó khăn của tình hình quốc tế và điểm mạnh, điểm yếu của đối phương; kinh nghiệm Đảng lãnh đạo chiến đấu ở các đô thị trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Bên cạnh đó, Đảng nhận định năm 1968 là năm diễn ra sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ, trong đó việc giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam như thế nào có ảnh hưởng lớn đến kết quả cuộc bầu cử… Cuộc TTC&ND nổ ra đúng 0h ngày 30/01/1968 với một số nét đặc biệt:
Quân giải phóng xuất quân tiến về các thành phố, thị xã (Ảnh tư liệu)
Sự kiện có tính bí mật, bất ngờ nhất
Sự bí mật, bất ngờ của TTC&ND thể hiện ở quy mô, thời gian chuẩn bị và không gian diễn ra chiến sự. Để chuẩn bị cho một cuộc tổng tiến công lớn như Mậu Thân 1968, việc bảo đảm bí mật là vấn đề hết sức khó khăn và có ý nghĩa quyết định quan trọng. Điều bất ngờ thể hiện ở việc quân và dân miền Nam “đã mở được cùng một lúc nhiều trận tiến công mãnh liệt đến như thế”[1].
Điều ngạc nhiên thú vị là ngay cả các quan chức Mỹ, Việt Nam Cộng hoà dù đã ít nhiều có sự nghi ngờ nhưng đều không thể tin nổi lại có thể xảy ra cuộc TTC&ND của Việt Nam. Một sĩ quan tình báo của Westmoreland cho biết “đã biết chính xác điều gì sẽ xảy ra nhưng nó vô lý đến mức tôi không thể báo cho bất kỳ ai”[2]. Đại tướng Mỹ Maxwell Taylor cho biết chính ông đã từng khẳng định Việt Nam không đủ khả năng giải quyết nổi những khó khăn về hậu cần. Còn Westmoreland trước lúc giao thừa vẫn đinh ninh đòn tiến công chủ yếu của đối phương sẽ tập trung tại Khe Sanh, nhưng mọi nhận định của ông được chứng minh là hoàn toàn sai lầm[3].
Dư luận chính giới Mỹ xác nhận “trong cuộc chiến tranh đó tạo ra quá nhiều sự bất ngờ, không có sự bất ngờ nào làm cho mọi người sửng sốt nhiều hơn cuộc tiến công Tết, đặc biệt là cuộc tiến công tiêu biểu nhằm vào Đại sứ quán Hoa Kỳ, một cơ quan đã từng tuyên bố nhiều lần tình hình tồi tệ nhất đã qua rồi”[4]
Yếu tố bí mật, bất ngờ của TTC&ND vừa chứng tỏ bản lĩnh quyết đoán, táo bạo, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh xuất sắc, sáng tạo của Đảng, vừa phản ánh sự thất bại của Mỹ trong chương trình bình định. Mỹ, Việt Nam Cộng hoà không chiếm được trái tim, khối óc của người dân. Mỹ thừa nhận “… không bẻ gãy được tinh thần và hiệu lực chính trị của đối phương. Chính quyền Nam Việt Nam dường như cũng chẳng ổn định hơn trước, bình định thì không tiến mà còn thụt lùi…”[5]
Các đô thị miền Nam trở thành chiến trường khốc liệt (Ảnh tư liệu)
Cố gắng quân sự lớn nhất của Việt Nam kể từ đầu cuộc chiến tranh với quyết tâm cao nhất để giành thắng lợi quyết định
Những năm 1965-1968, mật độ quân Mỹ, quân Đồng minh của Mỹ và quân Sài Gòn trên diện tích 1km2 trong cuộc chiến tranh Việt Nam là mật độ cao nhất chưa có cuộc chiến tranh nào trước đó đạt tới”[6].
Đảng nhận định, Mỹ tăng cường lực lượng trong bối cảnh chiến lược chiến tranh đặc biệt đang có nguy cơ bị phá sản hoàn toàn và để cứu nguy cho chính quyền và quân đội Sài Gòn đang có nguy cơ sụp đổ. Điều này chứng tỏ Mỹ đang ở thế thua, thế bị động nên so sánh lực lượng trên chiến trường cơ bản không có sự thay đổi lớn. Đồng thời, thắng lợi ở Núi Thành, Quảng Nam (26/5/1965), Vạn Tường, Quảng Ngãi (18/8/1965)… đến chiến dịch Plây me (cuối tháng 10 đến cuối tháng 11/1965)… giúp Việt Nam tìm được cách đánh phù hợp, củng cố quyết tâm “động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”[7]. Từ đó quyết tâm tập trung toàn bộ lực lượng[8] bất ngờ mở cuộc tấn công có quy mô lớn nhất, có lực lượng tham gia đông nhất, đánh vào nhiều mục tiêu mạnh nhất của đối phương và trên phạm vi rộng lớn nhất.
Giáo sư sử học của Trường đại học Kentucky (Mỹ) George C.Herring nhận xét: “Trong 24 giờ sau khi Tết bắt đầu, ngày 30/01/1968, Việt cộng mở hàng loạt cuộc tấn công từ khu phi quân sự đến mũi Cà Mau. Họ đánh 36 trong số 44 tỉnh lỵ, 5 trong 6 thành phố lớn, 64 huyện lỵ và 50 ấp. Ngoài trận đánh táo bạo vào Toà đại sứ, các đơn vị Việt cộng đã đánh sân bay Tân Sơn Nhất, dinh Tổng thống và trụ sở Bộ Tổng Tham mưu. Ở Huế, 7.500 quân giải phóng đã đánh như vũ bão và cuối cùng chiếm được thành cổ, nội đô”[9].
Đây là một trong những sự kiện hiện còn nhiều tranh luận nhất của chiến tranh Việt Nam
Chỉ xét riêng việc đánh giá kết quả, tầm ảnh hưởng của TTC &ND cũng có nhiều ý khác nhau.
Henri Kissinger cho rằng “Cuộc Tổng tấn công dịp Tết Mậu Thân năm 1968 của Việt Cộng đã bị đánh bại, nhưng đã phá hại sự ủng hộ của dân chúng Mỹ đối với cuộc chiến ở Việt Nam”[10].
Còn Jeff Stein và Marc Leepson khẳng định: “Mặc dù Cộng sản bị thiệt hại về mặt quân sự và chịu tổn thất to lớn, nhưng đó là sự tuyên cáo của lịch sử là họ đã giành được thắng lợi chiến lược có ý nghĩa quyết định. Người Mỹ đã bị mất niềm tin vào những dự đoán tốt đẹp của chính quyền Giônxơn và đi đến kết cục là cuộc chiến sẽ phải kéo dài trong nhiều năm nữa”[11].
Đại tướng Văn Tiến Dũng nhận định phía Mỹ không những “không thắng” được mà đang thực sự “bị thua”[12].
Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khẳng định: “Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy dịp Tết Mậu Thân, ta đã thắng rất to, địch đã thua rất nặng. Rõ ràng trận này đã mở ra một bước ngoặt chiến lược đánh dấu thời kỳ Mỹ phải xuống thang chiến tranh do bị thất bại trong chiến lược chiến tranh cục bộ”[13].
Nam Trang
[1]Đại tướng Văn Tiến Dũng: Tuyển tập, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.378
[2]George C.Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1998, tr.243-244
[3]Clark Dougan – Stephen Weiss, The Vietnam Experience: Nineteen Sixty Eight, Boston Publishing, 1983, p.12
[4]Michael Maclear, “Vietnam: The ten thousand day war” (Việt Nam: Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày), Thames Mathuen, New York, 1981, p.427
[5]George C.Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1998, tr.226
[6] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), tập V, Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.14
[7] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc Phòng, phông Trung ương Đảng, hồ sơ số 400
[8]Vào thời điểm năm 1967, tại miền Nam Việt Nam, tổng số Quân giải phóng của Việt Nam là 220.000 bộ đội chủ lực và 57.000 bộ đội địa phương (không kể dân quân, du kích, tự vệ).
[9]George C.Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb Chính trị quốc gia, H,1998, tr.243
[10]Henri Kissinger: Kết thúc chiến trannh Việt Nam (Tài liệu tham khảo đặc biệt), tập 1, Nxb. Thông tấn xã Việt Nam, tr.68
[11]Jeff Stein - Marc Leepson: Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.80-81
[12]Đại tướng Văn Tiến Dũng Tuyển tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 377
[13]Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.214