Festival mì Quảng lần thứ nhất diễn ra từ ngày 20 đến 31/7/2022 tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đây là hoạt động hết sức đặc sắc nhằm kỷ niệm 420 năm thành lập dinh trấn Thanh Chiêm, là điểm nhấn trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực xứ Quảng và cũng là hoạt động thiết thực trong tổng thể 192 sự kiện, hoạt động thuộc chương trình Năm Du lịch quốc gia tại Quảng Nam.
Mì Quảng niêu của nghệ nhân Lê Cảnh ở rừng dừa Bảy Mẫu, Hội An. Ảnh: Internet
Năm 2022, Quảng Nam là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”. Địa phương này có sự trưởng thành và phát triển vượt bậc ở lĩnh vực du lịch, đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trong top 5 tỉnh trọng điểm về du lịch của cả nước. Đặc biệt, du lịch Hội An, du lịch Quảng Nam đã tạo nên sức hấp dẫn với du khách quốc tế, đã được rất nhiều danh hiệu và thứ hạng cao do các tạp chí lĩnh vực du lịch danh tiếng trên thế giới bình chọn và vinh danh. Để đạt được những kết quả quan trọng đó là nhờ những chủ trương, chính sách phù hợp của lãnh đạo địa phương, sự đồng thuận và nỗ lực của các cơ quan chức năng và nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp không khói, ẩm thực là loại di sản có nhiều tiềm năng phát triển, một mặt có thể gìn giữ, bảo tồn di sản, mặt khác có thể phát huy đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Quảng Nam, một địa phương đã và đang khai thác tốt tiềm năng văn hóa trong phát triển du lịch, mà phát huy giá trị văn hóa ẩm thực nói chung, mì Quảng nói riêng là một bộ phận không tách rời.
Mì Quảng là một món ăn rất đặc trưng và tiêu biểu của quê hương Quảng Nam, vì vậy, món ăn này đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất xứ Quảng. Món ăn này phổ biến khắp mọi vùng miền xứ Quảng, từ trên rừng, dưới biển đến phố xá hay thôn quê. Món ăn vừa mộc mạc, dân dã, lại vừa được dùng trong những dịp như giỗ, cưới, lễ, tết, tiếp khách. Vậy nên phần lớn người Quảng Nam đều biết nấu món ăn này. Cùng một cách chế biến song mì Quảng lại dễ dàng chấp nhận tất cả các nguyên liệu, sản vật của mỗi vùng miền như tôm, cua, cá, thịt (gà, heo, bò)… Về các loại gia vị, rau, đậu phộng, ớt hay bánh tráng kèm theo đều rất linh hoạt, tùy khẩu vị mỗi người mà thêm bớt. Khi xa quê, người Quảng rất nhớ và thèm món ăn này, vậy nên người Quảng đi đến đâu là có quán mì Quảng mọc lên đến đó.
Về nguồn gốc món mì Quảng, có giả thiết cho rằng là sản phẩm giao lưu văn hóa Việt Hoa tại Hội An từ thế kỷ XVII. Song cũng có tương truyền mì Quảng có gốc gác từ người Chăm. Nói về món mì, ở Việt Nam chỉ duy nhất có một món mì là mì Quảng. Món ăn mì Quảng tiêu biểu của quê hương hiện nay đã phát triển trở thành mặt hàng có tính thương mại cao, đã mở rộng thị trường khắp nơi, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Theo học giả Nguyễn Văn Xuân, món ăn này ban đầu chỉ có tên là mì, đến nay, nhiều người tại địa phương vẫn chỉ gọi là mì. Song trên con đường phát triển thương mại, bắt đầu từ năm 1954 ở Sài Gòn, món mì được gắn với tên Quảng để không bị lẫn lộn với món ăn của các địa phương khác. Từ đó, “mì Quảng” trở thành tên gọi phổ biến.
Món ăn này không chỉ phục vụ cho người địa phương, mà cũng chinh phục cả thực khách ở mọi miền Tổ quốc, thậm chí cả du khách quốc tế. Thực vậy, mì Quảng đã được Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là một trong những món ăn Việt nam đạt giá trị ẩm thực Châu Á. Năm 2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong lần tham dự Hội nghị APEC 2017 đã thưởng thức và ngợi khen mì Quảng ở Hội An. Đó là cơ sở để món mì Quảng được giới thiệu trên tờ Nikkei-tờ báo kinh tế lớn hàng đầu nước Nhật và nhận được phản hồi tốt. Năm 2018, trong một sự kiện ngoại giao, bốn nghệ nhân cùng dụng cụ nấu mì Quảng cổ đã qua Nhật nấu phục vụ quan khách ngoại giao, các nhà báo, đã được ghi nhận tích cực. Tại nhiều quốc gia có người Quảng sinh sống, đều có các quán mì Quảng được mở ra. Thậm chí, đầu tháng 6/2022, Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng ở tiểu bang Texas (Mỹ) có sáng kiến tổ chức một “Festival Mi Quang” do các nhóm gia đình làm rồi mang tới liên hoan ở công viên George Bush, TP. Houston với hơn 1.000 người tham dự…
Trong bối cảnh đời sống đương đại, mì Quảng muốn phát huy giá trị, nhất là giá trị thương mại, nên đã có những biến đổi nhất định. Điều này được Á quân Vua đầu bếp Việt Nam - Tuyết Phạm (quê Điện Bàn, Quảng Nam) chia sẻ, cô đã nghiên cứu và chế biến thành rất nhiều loại mì khác nhau với những hương vị vừa quen vừa lạ. Đó là những hương hồi, vị quế ở tô mì bò, vị nghệ tươi ở mì cá, vị nén thơm ở mì gà… Theo Tuyết Phạm, vẫn là mì Quảng đó nhưng đã được cách tân, mang một tinh thần mới nhằm kích thích vị giác của người Quảng và còn để chinh phục thực khách những vùng miền khác và khách quốc tế. Thậm chí, Nguyễn Kiều Bảo Hân (quê Đại Lộc, Quảng Nam) đã thành lập Công ty TNHH Hapinut, sản xuất mì Quảng khô và nhiều sản phẩm ẩm thực truyền thống xứ Quảng khác. Nhiều dòng sản phẩm của Hapinut đã “phủ sóng” hầu hết trên các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam, được chào hàng và dự kiến xuất khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc…
Cùng với sự nỗ lực của các cá nhân, doanh nghiệp, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chủ trương tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy giá trị di sản mì Quảng. Đầu năm 2019, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cấp phép hoạt động Bảo tàng ẩm thực xứ Quảng và dinh trấn mì Quảng để tôn vinh văn hóa ẩm thực xứ Quảng. Bảo tàng ở vị trí cạnh quốc lộ 1A đoạn qua xã Điện Minh, Điện Bàn, Quảng Nam, do Công ty CP Nhà Việt Nam Vinahouse tổ chức và sở hữu. Bảo tàng đã tổ chức tìm kiếm, sưu tầm nhiều tài liệu, hiện vật quý liên quan đến lịch sử hình thành, quá trình ra đời và phát triển của các món ăn xứ Quảng, tiêu biểu nhất là mì Quảng. Hiện bảo tàng đang lưu giữ trên 5.000 hiện vật, tài liệu; một số nghệ nhân nấu mì Quảng nổi tiếng được mời về làm việc tại đây.
Dụng cụ nấu mì Quảng cổ được đưa qua Nhật trình diễn nấu mì Quảng tháng 11-2018. Ảnh: Internet
Như vậy, có thể thấy, hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản mì Quảng đã có sự đồng thuận, sự nỗ lực từ lãnh đạo địa phương đến các cơ quan chức năng và nhân dân xứ Quảng. Chính điều này đã và đang góp phần để ẩm thực xứ Quảng nói chung, mì Quảng nói riêng ngày càng vươn xa hơn nữa. Đây là thời cơ thuận lợi để mì Quảng bứt phá, đồng hành cùng văn hóa ẩm thực Việt Nam để vươn tầm thế giới, qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản mì Quảng trong phát triển du lịch, đem lại lợi ích cho nhân dân.
Anh Vũ