Nằm ẩn mình bên những dãy núi và các vách đá cheo leo, bản làng của người Kháng tại bản Nà Đắng, xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên hiện ra như một bức tranh đầy màu sắc. Bản Nà Đắng với tổng diện tích tự nhiên gần 800 ha, đây là nơi quần tụ của 119 hộ, 743 nhân khẩu người Kháng sinh sống qua nhiều đời, hoạt động kinh tế chủ yếu là làm nương rẫy, chăn nuôi, săn bắn, hái lượm và một số nghề tiểu thủ công như đan lát, làm trang phục...
Trang phục của thiếu nữ dân tộc Kháng. Ảnh: dantocmiennui.vn
Khi xã hội ngày càng phát triển, sự giao thoa văn hoá giữa các tộc người dẫn đến các nét văn hoá truyền thống như phong tục, tập quán, các nghề thủ công truyền thống dần bị mai một, đặc biệt là nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Kháng. Vì vậy, để bảo tồn, phát triển nghề may trang phục truyền thống, Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã tổ chức lớp tập huấn truyền dạy cho cộng đồng dân tộc Kháng tại bản Nà Đắng, xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo về kỹ năng, kỹ thuật, quy trình tạo ra các bộ trang phục truyền thống. Qua đó góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc nói chung, nghề thủ công và tri thức dân gian về trang phục truyền thống của dân tộc Kháng nói riêng.
Lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Kháng. Ảnh: vietnam.vn
Trong cộng đồng dân tộc Kháng, việc khâu vá, thêu thùa đã hình thành từ rất lâu đời và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Trước đây người phụ nữ dân tộc Kháng đến tuổi trưởng thành đều biết khâu vá, thêu, trang trí trang phục, đó là một trong những tiêu chí để đánh giá sự chăm chỉ, khéo léo và phẩm hạnh của người phụ nữ. Chính vì vậy những người phụ nữ Kháng tranh thủ thời gian nông nhàn mua vải về tự tay đo, cắt vải, khâu; chắp, ghép, can vải màu trên trang phục; thêu; làm cúc, khuyết áo… và hoàn thiện bộ trang phục.
Vải để khâu, may các bộ trang phục là vải bông nhuộm chàm được đo, cắt bằng thước và kéo. Kỹ thuật đo, cắt đều dựa theo kinh nghiệm của các thế hệ trước truyền dạy lại cho thế hệ sau. Để tô thêm vẻ đẹp, tạo điểm nhấn cho bộ trang phục, người Kháng dùng kỹ thuật can ghép, can vải màu sặc sỡ như màu xanh, màu đỏ, hình quả trám, hình con công, hình hoa lá... tạo thành các đường viền cho cổ tay áo, 2 bên vai, 2 bên vạt áo làm cho các vị trí này rực rỡ, nổi bật trong tổng thể bộ trang phục màu chàm đen.
Ngoài ra cũng giống như các dân tộc khác, người phụ nữ Kháng đội khăn, các hoạ tiết trên khăn được thêu rất khéo léo, tinh tế, qua các đường nét hoa văn thể hiện tính kiên trì và khả năng sáng tạo của người phụ nữ. Hoa văn trên khăn của người phụ nữ được thêu bắt đầu từ mảng hoa văn chủ đạo ở giữa rồi mới thêu dần ra xung quanh, từ đơn giản đến phức tạp như hoa văn hình núi, hình cây, hình hoa lá... Các hình thêu trang trí đó đều gắn với các sự vật xoay quanh cuộc sống thường ngày của người Kháng.
Nghệ nhân thực hành truyền dạy nghề làm trang phục dân tộc Kháng tại Lớp tập huấn. Ảnh: baodantoc.vn
Đối với áo của phụ nữ dân tộc Kháng (tiếng dân tộc Kháng gọi là sưởi són) có phần cầu vai được khâu, may thành các nhúm nhỏ, phần cổ áo và vạt áo được may trang trí bằng 2 đường viền vải màu sắc sặc sỡ. Trên viền vải được đính các đôi cúc bướm. Từ vai xuống ngực được trang trí bằng 2 dải vải màu đỏ hoặc vàng, xanh, trên dải vải trang trí các hình tròn bằng nhôm và các đồng xu. Phần cổ tay áo có điểm nhấn là 2 khổ màu sắc sặc sỡ: xanh, đỏ, vàng. Cúc và khuy cài áo nữ thường được làm bằng kim loại (nhôm, đồng, bạc…) và được chế tạo hình con bướm, con ve khâu vào 2 bên vạt áo để cài.
Phụ nữ Kháng mặc váy dài đến mắt cá chân (tiếng dân tộc Kháng gọi váy là phưn un): Váy được làm từ 4 khổ vải bông màu chàm, không trang trí hoa văn, lớp trong của cạp váy và gấu váy được can ghép bằng dải vải bông màu trắng. Váy được mặc trong các dịp lễ tết và sinh hoạt hàng ngày.
Khác với trang phục nữ, trang phục truyền thống của nam giới dân tộc Kháng được làm rất đơn giản thể hiện sự khỏe khoắn, mạnh mẽ, giản dị với màu sắc trầm, chủ yếu là gam màu đen. Bộ trang phục nam giới gồm: áo, quần, thắt lưng và khăn đội đầu.
Áo nam (tiếng dân tộc Kháng gọi là phưn sửa): Áo của nam giới Kháng cơ bản đều giống với áo của nam giới các dân tộc khác, đều một màu chàm, không trang trí hoa văn, cổ cao, tay dài, có hàng cúc vải ở giữa, áo ngắn đến ngang hông, phía trước áo có 2 túi hình chữ nhật. Cúc và khuyết cài đều được làm từ mảnh vải vụn, tận dụng trong quá trình cắt vải để khâu trang phục.
Quần (phưn xuộng) cũng được làm khá đơn giản, không hoa văn, không hoạ tiết, được khâu bằng vải bông nhuộm chàm.
Theo quan niệm của đồng bào nam giới đội khăn thể hiện sự uy quyền, nam tính và thể hiện tính trang nghiêm nên nam giới thường đội khăn vào các dịp lễ, tết, cưới hỏi. Khi đội khăn (hay còn gọi là phưn khăn) được gấp đôi theo chiều dọc và vấn thành nếp quấn quanh đầu.
Trang phục của phụ nữ dân tộc Kháng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Điện Biên cung cấp
Trang phục truyền thống của dân tộc Kháng không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử của tộc người. Xuất phát từ nhu cầu của đời sống thường ngày, trong quá trình phát triển của mình, người Kháng đã tạo dựng nên những bộ trang phục mang nét riêng, độc đáo, chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống, thế giới quan, nhân sinh quan, lối sống của tộc người.
Hiện nay, chỉ còn một số người lớn tuổi giữ được các bộ trang phục và mặc trong các dịp lễ tết, tuy nhiên các bộ trang phục không giữ được tính nguyên gốc mà bị ảnh hưởng do sự giao thoa văn hoá, còn lại đồng bào thường sử dụng các bộ trang phục được may sẵn ngoài thị trường để mặc trong sinh hoạt hàng ngày và không nắm giữ được cách làm các bộ trang phục. Tại xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đồng bào chỉ mua các bộ trang phục của dân tộc Thái và các bộ trang phục may sẵn ngoài thị trường về mặc, chỉ một số người lớn tuổi còn nắm giữ được cách khâu, may và trang trí các bộ trang phục truyền thống của dân tộc Kháng và biết cách truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Việc tổ chức lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá đã trở nên cấp thiết. Vì vậy, việc Bảo tàng tỉnh Điện Biên lựa chọn bản Nà Đắng, xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo làm địa điểm mở lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Kháng tạo cơ hội, môi trường thuận lợi cho trang phục truyền thống có được sức sống trong cộng đồng, để cộng đồng gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hoá tốt đẹp được cha ông trao truyền.
Lớp tập huấn thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Ảnh: baodantoc.vn
Để bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc Kháng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên và Đề án bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, qua đó triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và cộng đồng người Kháng trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị trang phục. Việc tôn vinh, khuyến khích nghệ nhân, người am hiểu về nghề làm trang phục tham gia đào tạo, truyền nghề là rất cần thiết, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nghề, đồng thời khích lệ tinh thần dạy và học cho thế hệ trẻ. Công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc Kháng tại tỉnh Điện Biên, giúp họ thấy được giá trị văn hóa đặc sắc của trang phục truyền thống, nhất là thế hệ trẻ. Ngoài ra, cần tổ chức mở lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống cho đồng bào dân tộc Kháng sinh sống trên địa bàn tỉnh. Cuối cùng, cần tạo điều kiện để người Kháng tham gia các sự kiện, chương trình, hội thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với các lễ hội, ngày hội do Trung ương, tỉnh và địa phương tổ chức.
Huyền My