Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dân tộc Việt Nam phải đương đầu với kẻ thù có ưu thế tuyệt đối về không quân. Với tinh thần chủ động, sáng tạo và ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, quân và dân miền Bắc đã hạ bệ uy thế không lực Hoa Kỳ, đánh bại chiến tranh phá hoại, làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy
Chủ động, quyết tâm đánh bại hành động leo thang chiến tranh ra miền Bắc lần thứ hai
Sau những thất bại liên tiếp về quân sự trên chiến trường miền Nam, Mỹ chuyển hướng cuộc chiến tranh xâm lược bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Tuy nhiên, trước khi rút quân, Mỹ vẫn âm mưu “Mỹ hóa” trở lại một phần cuộc chiến bằng việc huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân ồ ạt tham chiến trở lại chiến trường miền Nam và đánh phá miền Bắc Việt Nam lần thứ hai.
Trước những âm mưu và hành động của Mỹ, Trung ương Đảng sớm nhận định Mỹ có thể có những hành động chiến tranh mới đối với miền Bắc bằng việc dùng không quân bắn phá, tập kích, biệt kích, thâm chí mở cuộc tấn công hạn chế ra miền Bắc. Với nhận định đó, Trung ương Đảng đã dự liệu và chỉ đạo các cấp ủy địa phương chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tăng cường công tác phòng chống biệt kích, tập kích ở nội địa và ven biển, tăng cường công tác phòng không… Đặc biệt đối với các địa phương Khu 4 phải sẵn sàng đối phó với hành động leo thang của địch.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của miền Bắc vẫn phải bảo đảm chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam, đồng thời là chuẩn bị mọi mặt, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, đập tan mọi hành động leo thang quân sự.
Ngày 6-4-1972, bằng chiến dịch Linebaker I, Mỹ sử dụng ồ ạt không quân và hải quân, bắn phá các thành phố, phong tỏa các cửa sông, cửa biển trên toàn miền Bắc.
Với kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, miền Bắc được chỉ đạo nhanh chóng chuyển trạng thái từ hoạt động thời bình sang thời chiến. Các lực lượng vũ trang được tăng cường theo yêu cầu nhiệm vụ và quy mô của cuộc chiến đấu. Lực lượng phòng không được bổ sung trang bị pháo cao xạ, tên lửa và nhiều khí tài mới… Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng vũ trang miền Bắc đã phát triển lên 530.000 người (tăng 10 lần so với 1968), bộ đội chủ lực Quân khu 4 tăng gấp 5 lần. Lực lượng dân quân, tự vệ ở các cơ quan, địa phương cũng được vũ trang mạnh. Tổng số dân quân tự vệ toàn miền Bắc năm 1972 có 414 đội với 1.441 khẩu pháo súng các loại.
Thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, quân và dân miền Bắc kiên quyết đánh bại những hành động leo thang bắn phá miền Bắc của Mỹ. Các lực lượng vũ trang vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, tăng cường nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, phân tích quy luật hoạt động của địch, áp dụng phương pháp tác chiến mới… Nhờ đó, hiệu suất chiến đấu của quân và dân miền Bắc không ngừng được nâng cao. Chỉ trong vòng 6 tháng chiến đấu, quân và dân miền Bắc đã bắng rơi 561 máy bay Mỹ, các lực lượng pháo binh bờ biển bắn cháy, bắn chìm khoảng 60 tàu chiến Mỹ. Công tác rà phá bom mìn, đảm bảo an toàn cho các tuyến đường vận tải được coi là nhiệm vụ trọng yếu. Lực lượng rà phá đã phá nổ, tháo gỡ an toàn hàng nghìn quả thủy lôi của Mỹ, thông luồng cho các tàu vận tải, đảm bảo chi viện đầy đủ cho các chiến trường.
Bộ đội tên lửa, lực lượng quyết định thắng lợi trong chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" (Ảnh tư liệu)
Sau những trận ồ ạt tấn công phá hoại bằng không quân và hải quân vào miền Bắc Việt Nam không đạt được mục đích, ngày 22-10-1972, Tổng thống Mỹ tuyên bố ngừng ném bom bắn phá từ vĩ tuyến 20 trở ra.
Đánh thắng đòn quyết định, lập nên chiến công “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy
Mặc dù liên tiếp thất bại trong các lần đánh phá miền Bắc Việt Nam nhưng Mỹ vẫn hy vọng vào một đòn tiến công quân sự mạnh mẽ giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh trên thế mạnh, tạo thuận lợi trên bàn đàm phán. Vì thế, Mỹ vẫn âm mưu đánh phá trở lại miền Bắc một lần nữa.
Việc Mỹ trì hoãn kí kết Hiệp định Paris phần nào đã bộc lộ rõ âm mưu, Trung ương Đảng nhận định: Mỹ có thể sẽ đánh phá trở lại miền Bắc một lần nữa với quy mô, cường độ cao, đặc biệt Mỹ có thể sử dụng liên tục máy bay ném bom B.52 đánh phá các thành phố Hà Nội, Hải Phong. Việc dự tính khả năng Mỹ sử dụng máy bay ném bom B.52 bắn phá Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tính từ năm 1968, “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”. Nhận định và dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã định hướng cho các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Bắc nâng cao cảnh giác, chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ đầu năm 1971, trên toàn miền Bắc, công tác chuẩn bị diễn ra hết sức khẩn trương, đặc việt là các khu vực tác chiến trọng yếu Hà Nội, Hải Phòng. Lực lượng phòng không, không quân tập trung mọi khả năng, nghiên cứu, phân tích, tìm ra phương án đánh B.52.
Đúng như dự kiến, ngay sau khi cuộc bầu cử Tổng thống kết thúc, Mỹ ráo riết chuẩn bị cho một cuộc phiêu lưu quân sự mới, bằng việc tập trung một lực lượng lớn không quân đến mức cao nhất tiếp tục đánh phá miền Bắc Việt Nam. Ngày 14-12-1972, chiến dịch Linebacker II – cuộc tập kích chiến lược đường không với quy mô lớn nhất vào miền Bắc Việt Nam chính thức được phê chuẩn. Ngày 18-12-1972 chiến dịch Linebaker II bắt đầu, các mục tiêu đánh phá là Hà Nội, Hải Phòng và các trọng điểm Bắc vĩ tuyến 20.
Xác B.52 bị bắn rơi trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" (Ảnh Tư liệu)
Với tần suất, mật độ đánh phá dày đặc của không quân Mỹ đã gây cho miền Bắc Việt Nam nhiều tổn thất nặng nề. Chỉ trong 12 ngày đêm (từ 18-12 đến ngày 29-12-1972), không quân Mỹ đã xuất kích 729 lần máy bay B.52, 1.900 lần máy bay chiến thuật, liên tục đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa điểm khác ở miền Bắc. Đặc biệt, Mỹ tập trung 444 lần máy bay B.52 và hơn 1.000 lần máy bay cường kích đánh phá ác liệt thủ đô Hà Nội. Chỉ riêng trong ngày 26-12-1972, Mỹ huy động tới 105 lần máy bay B.52 đánh phá Hà Nội, hơn 100 điểm trúng bom làm hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương. Những hành động quân sự của Mỹ đã gây phẫn nộ cả thế giới, chính trong các nước đồng minh của Mỹ cũng lên án mạnh mẽ hành động này.
Do được chuẩn bị chu đáo về tư tưởng, tổ chức và lực lượng, quân và dân miền Bắc đã kiên quyết đánh trả có hiệu quả cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn chưa từng có của không quân Mỹ. Trong 12 ngày đêm chiến đấu quân và dân miền Bắc đã bắn cháy 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B.52, 5 máy bay F.111, 43 phi công bị bắt, trong đó có 33 phi công B.52, hàng trăm phi công Mỹ bị chết. Thất bại nặng nề đó buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom, bắn phá miền Bắc.
Có thể nói, 12 ngày đêm cuối năm 1972 là một chiến dịch phòng không đạt hiệu suất cao nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc. Đồng thời, đây cũng là thất bại nặng nề nhất của không quân Mỹ tính tới thời điểm năm 1972. Chiến thắng lịch sử này đã tạo thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.
Chưa đầy một tháng sau, Hiệp định Paris được ký kết.
Phương Đỗ