Không phải ngẫu nhiên chúng ta gọi chiến thắng trận tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 của Hoa Kỳ đối với miền Bắc là “Điện Biên Phủ trên không”. Mặc dù là hai sự kiện diễn ra cách nhau đến 18 năm, nhưng Điện Biên Phủ và “Điện Biên Phủ trên không” có nhiều nét tương đồng trên nhiều phương diện, đặc biệt là về ý nghĩa của chiến thắng
Đều là những nỗ lực cao nhất của đối phương trong giai đoạn cuối của cuộc chiến
Chiến dịch Điện Biên Phủ, được thực dân Pháp mở trong tình thế bế tắc về tìm lối thoát danh dự ra khỏi cuộc chiến tranh, thể hiện qua đánh giá của Tướng Navarre- Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương: trên chiến trường Bắc Bộ đã gần tới đỉnh cao của sự “ruỗng nát”, ở hậu phương Paris thì “Đối với phần lớn dư luận chung, chiến tranh Đông Dương đã là một cuộc “chiến tranh bẩn thỉu”, đối với Chính phủ, là một cuộc “chiến tranh đáng xấu hổ và nhục nhã”. “Đối với tất cả các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự, cuộc chiến Đông Dương bây giờ chỉ còn là một việc phải thanh toán đi cho rồi. Người ta muốn “thoát ra”, nhưng người ta lại bất đồng với nhau cả về đường lối chính trị, cả về chiến lược cần phải áp dụng”[1].
Tháng 10/1953, Điện Biên Phủ chưa nằm trong Kế hoạch Navarre[2], nhưng giữa tháng 11/1953, khi Pháp phát hiện có sự di chuyển quân của Việt Nam lên Tây Bắc, ngay lập tức Navarre đưa quân dù lên chốt chặn ở Điện Biên Phủ để ngăn chủ lực Việt Minh tiến lên Lai Châu, đặc biệt là sang Lào.
Ngày 3/12/1953, Điện Biên Phủ chính thức được Pháp chọn làm địa bàn diễn ra trận quyết chiến với Việt Nam, hy vọng giành thắng lợi quân sự quyết định, tìm được lối thoát danh dự ra khỏi chiến tranh. Đây được coi là sự chuyển hướng có tính chất chiến lược của kế hoạch Navarre, nỗ lực chiến tranh cao nhất của Pháp - Mỹ.
Tính đến 26/01/1954, Pháp có 12 tiểu đoàn, 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội 10 chiếc xe tăng M24, 1 đại đội vận tải khoảng 200 ô tô và 1 phi đội 12 máy bay thường trực ngay tại sân bay Điện Biên Phủ, tổng binh lực là 16.000[3]. Ngoài ra, quân Pháp còn có lực lượng dự bị về quân sự và hậu cần sẵn sàng chi viện cho Biên Phủ bằng máy bay.
Tính đến tháng 12/1972, Hoa Kỳ đã hơn 7 năm đưa quân trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” đứng trước nguy cơ phá sản và Nixơn đang trong thời điểm tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai. Chính quyền Mỹ chịu sức ép phải giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam từ nhiều phía. Nước Mỹ đối diện với những khó khăn mọi mặt, nhất là sự chia rẽ nội bộ sâu sắc ngay trong lòng nước Mỹ[4]. Dư luận quốc tế cũng lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Mỹ cần tìm kiếm một giải pháp rút ra khỏi cuộc chiến trên thế mạnh, có lợi cho Mỹ. Vì thế, Mỹ vừa chủ động tìm cách bắt tay với Trung Quốc, Liên Xô[5], chia rẽ sự đoàn kết của các nước xã hội chủ nghĩa; vừa đàm phán, thương lượng với Việt Nam; vừa mở cuộc tiến công đánh phá miền Bắc lần thứ hai (4/1972)…
Tuy nhiên, khi có những thăm dò dư luận cho thấy khả năng chắc chắc sẽ tái đắc cử Tổng thống, Mỹ đã thay đổi quan điểm, thái độ trong đàm phán.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954) (Ảnh tư liệu)Cuối cùng, khi tái đắc cử Tổng thống, ngày 14/12/1972, Nixon đã phê chuẩn kế hoạch mở cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng (chiến dịch Linebacker II) nhằm giành thế mạnh cả về quân sự, ngoại giao, ép Việt Nam phải chấp nhận các điều kiện có lợi cho Mỹ tại Hội nghị Paris. Tham gia chiến dịch là Tập đoàn Không quân chiến lược 8 với 193 máy bay B52; 2 đại đội máy bay F.11A (48 chiếc), 999 máy bay chiến đấu các loại; 6 tàu sân bay ở Biển Đông. Lực lượng Hải quân ở Vịnh Bắc Bộ được tăng cường từ 18 tàu chiến lên 66 tàu. Một hình thức chiến tranh điện tử hiện đại bậc nhất lúc đó, cũng là những hành động, thủ đoạn tàn bạo nhất của cuộc chiến tranh.
Đều là những trận quyết chiến có tính chất bước ngoặt đối với các bên tham chiến
Với Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ và “Điện Biên Phủ trên không” thắng lợi là bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến tranh cách mạng, đánh bại nỗ lực và hình thức chiến tranh cao nhất, hiện đại nhất, đánh sụp ý chí tiếp tục chiến tranh của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo lợi thế cho Việt Nam tại Hội nghị Geneva, tiến tới kết thúc hoàn toàn 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Còn thắng lợi của “Điện Biên Phủ trên không”, Việt Nam đã buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Paris, chấp nhận ký kết Hiệp định và rút hết quân Mỹ về nước, hoàn thành việc đánh cho “Mỹ cút”, tạo điều kiện thuận lợi tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đó là những thất bại nặng nề, thảm hại nhất, chấm dứt mọi nỗ lực cố gắng quân sự cao nhất, hiện đại nhất. Pháp, Mỹ nhận ra không thể thắng được Việt Nam bằng quân sự cũng như không thể thắng được cuộc chiến tranh ở Việt Nam, buộc phải từ bỏ ý đồ tiếp tục xâm lược Việt Nam và đi đến giải pháp rút quân, kết thúc cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam bằng các Hiệp định hoà bình.
“Điện Biên Phủ trên không” đã cho Mỹ nhận thấy sức mạnh quân sự hạn chế của Mỹ, pháo đài bay B52 không phải là “bất khả chiến bại”. Đó là sự thất bại khó tưởng tượng của một siêu cường với đủ mọi thủ đoạn chiến tranh tàn bạo nhất cũng không đem lại thắng lợi. Đúng như John Negroponte, chuyên viên của Kitssinger về Việt Nam cay đắng thừa nhận: “Chúng ta ném bom Bắc Việt Nam để rồi chính chúng ta lại chấp nhận nhượng bộ”[6].
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" góp phần mở ra thắng lợi của 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975 (Ảnh tư liệu)
Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế
Chiến dịch Điên Biên Phủ năm 1954, Việt Nam nhận được sự giúp đỡ nhân, vật lực to lớn từ bạn bè quốc tế: Trung Quốc giúp 1.700 tấn gạo, bằng 6,8% tổng số gạo huy động cho chiến dịch[7], chi viện đạn pháo 105 ly, trang bị cho một tiểu đoàn DKZ 75 ly và một tiểu đoàn hoả tiễn (cachiusa) 6 nòng[8]. Các bạn Lào giúp 310 tấn gạo và 400 viên đạn[9]. Bên cạnh đó, trước năm 1954, Liên Xô cũng đã viện trợ cho Việt Nam nhiều vũ khí, thiết bị hiện đại, trong đó có 12/14 dàn hoả tiễn H6 tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ…
Mười tám năm sau, trong trận chiến chống lại chiến lược tập kích đường không chiến lược của Mỹ bằng B52, Việt Nam tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Cùng với việc viện trợ vũ khí, trang thiết bị hiện đại, nhiều cán bộ chuyên gia Liên Xô đã cùng Việt Nam nghiên cứu, cải tiến tính năng, tác dụng của các loại vũ khí, phương tiện như tên lửa đất đối không SAM-2, pháo cao xạ, thiết bị ra-đa, thiết bị vô tuyến điện tử, bệ phóng tên lửa… để tăng cường hiệu quả chống lại B52 và các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh khác của Mỹ.
Nhờ đó, Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng hình thức chiến tranh điện tử hiện đại bậc nhất của Mỹ, lần đầu tiên trên thế giới diễn ra một cuộc phản công của một nước “nhỏ bé” chống lại hình thức chiến tranh hiện đại nhất của một siêu cường giành thắng lợi.
Chiến thắng Điện Biên Phủ (5/1954) và “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972) của Việt Nam diễn ra ở hai thời điểm khác nhau với các lực lượng kẻ thù khác nhau và đều mạnh hơn Việt Nam nhiều lần. Song Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng. Đó là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp, trí tuệ, bản lĩnh, sự kiên cường của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi Đện Biên Phủ và “Điện Biên Phủ trên không” đều mang dấu ấn thời đại sâu sắc, thể hiện sức mạnh của hình thái chiến tranh nhân dân, của chính nghĩa đối với cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, phi nghĩa, cuối cùng nhất định thất bại trước tinh thần đoàn kết, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của quân và dan Việt Nam.
Nam Trang
[1] Nava: Thời điểm của những sự thật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.49-50
[2] Bản kế hoạch tổng thể về chính trị, quân sự gồm hai bước: Bước một, từ Thu Đông 1953 đến Xuân Hè 1954 thực hiện phòng ngự chiến lược ở Bắc Bộ, tránh giao chiến lớn, tiến công chiến lược ở Trung Bộ và Nam Đông Dương; Bước hai, Thu Đông 1954, chuyển lực lượng ra Bắc, mở các đợt tiến công chiến lược ở Bắc Bộ nhằm giành thắng lợi quân sự quyết định để có thể đi đến một giải pháp hợp lý kết thúc chiến tranh.
[3] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập II, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội,1995, tr.334.
[4] Phong trào phản đối Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Riêng 3 tháng 5,6,7/1972, Quốc hội Mỹ đã 19 lần biểu quyết đòi chấm dứt chiến tranh, đòi hạn chế quyền của Tổng thống tiến hành chiến tranh.
[5] Nixon thăm Trung Quốc tháng 2/1972 và Liên Xô tháng 5/1972.
[6] Dẫn theo Nguyễn Tiến Hưng và Jerold L.Scheten: Từ toà Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1990, tr.214..
[7] Trần Trọng Trung: Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp (Phần II), báo Quân đội nhân dân, ngày 2/5/2009.
[8] Tổng cục Hậu cần: Công tác đảm bảo hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.309.
[9] Bộ Quốc Phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử hậu cần kỹ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội,.2004, tr.298.