Nhiều người đã biết đến làng gốm cổ ở xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đăk Lăk. Song đây không phải là làng gốm như bao làng gốm khác, mà nó có những điều đặc biệt của người M’nông Rlăm không thể trộn lẫn với làng gốm nào của các dân tộc. Từ đó cũng đặt ra vấn đề cần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của gốm cổ Yang Tao.
Nghệ nhân làm gốm M'nông. Ảnh: baodaklak.vn
Yang Tao là một xã của huyện Lắk, tỉnh Đăk Lăk, gồm 11 buôn, có trên 94% dân số là người đồng bào dân tộc M’Nông. Nghề gốm cổ sơ của người M’nông Rlăm có mặt ở cả 11 buôn này. Gốm của các làng ở Việt Nam không ít, song điều đáng nói là gốm cổ Yang Tao vẫn có một vị trí nguyên bản không thể không nhắc đến bởi nhiều điều đặc biệt.
Đặc biệt ở nguyên liệu làm gốm
Yang Tao ở cuối nguồn con sông Mẹ - sông Krông Ana phía đông bắc, trước khi hợp lưu cùng sông Cha - sông Krông Nô thành dòng Sêrêpốk hùng vĩ đổ ngược về phía tây. Nơi đây đất đai khá trù phú nhưng quan trọng là dọc sâu các bãi bồi luôn có các vỉa đất sét dẻo mịn. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để người M’nông Rlăm (các amí) dùng làm gốm.
Đặc biệt ở quy trình làm gốm
Đất sét được người M’nông Rlăm đem về dùng chày giã cho đến khi các thớ đất trộn đều, kết dính vào nhau. Tiếp đến, khối đất sét sau khi giã được kéo đều thành từng sợi thuôn dài như sợi chão, đường kính to nhỏ tùy theo sản phẩm định làm. Những “sợi chão đất” đó sẽ được cuộn hoặc xếp lại từ thấp lên cao theo hình dạng sản phẩm. Tiếp nữa, không dùng đến bàn xoay, các amí người M’nông Rlăm chỉ dùng tay hoặc mảnh vải ướt đi vòng quanh, vừa đi vừa miết để tạo hình, miết đều mặt ngoài, mặt trong cho đến khi sản phẩm định hình thì đem phơi. Đến đây coi như “xương gốm” đã hoàn thành, tùy vào thời tiết, phơi đến khi sản phẩm se lại vừa đủ thì vẽ hoạ tiết rồi sau đó đem nung. Muốn tạo màu trước khi nung, các amí chỉ tạo màu khói đen bằng tro mịn đốt ra từ vỏ trấu. Gốm ở Yang Tao nung lộ thiên, chất củi hoặc rơm lên đốt, chỉ tầm 1 - 2 giờ là sản phẩm ra lò.
Có thể nói, đây là cách thức làm gốm đơn giản nhất. Đơn giản trong nguyên liệu (chỉ có đất sét), trong phương tiện (không dùng cả bàn xoay), trong màu sắc (màu khói đen duy nhất) và cách thức nung (không dùng lò, nung bằng tất cả những nguyên liệu cháy được).
Đặc biệt ở sản phẩm nổi tiếng
Nghề gốm ở Yang Tao đã nổi tiếng từ khi đồ gốm hiện đại chưa thịnh hành. Các vật dụng được làm ra là: nồi, chảo, bát, đĩa, ấm, chén, ché, chum, bình, thau, chậu, lọ hoa, hồ lô..., có khi cả những con vật như: voi, trâu, bò, hổ, báo, rùa, hươu, nai… nói chung là tất cả những gì mà người làm gốm nhìn thấy và hữu ích cho họ cả về mặt vật chất và tinh thần mà họ có thể làm được.
Sản phẩm làm ra không chỉ đồng bào Mnông ở tỉnh Đắk Lắk mua để sử dụng mà còn được bà con các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung tìm mua.
Đặc biệt ở chiều sâu triết lý
Việc làm gốm rất nhẹ nhàng, không nhọc công với ý nghĩa: sản phẩm gốm trong hình hài “cát bụi” rồi sẽ trở về “cát bụi” thì đâu phải quá vất vả đổ mồ hôi công sức.
Làm gốm không dùng bàn xoay: người M’nông Rlăm di chuyển vòng quanh như mô phỏng của những vòng xoang nhịp nhàng trong các lễ hội của đồng bào Tây Nguyên. Các nghệ nhân làm gốm ở Yang Tao trong một lần tham quan làng gốm Thanh Hà (Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã được những người thợ gốm ở đây ngỏ ý tặng chiếc bàn xoay nhưng họ đã từ chối. Điều quan trọng với các nghệ nhân Yang Tao không phải là gốm mà là quá trình làm ra gốm.
Cách làm gốm ở Yang Tao thể hiện triết lý: nghệ thuật nhiều khi chẳng cần cao siêu. Người M’nông Rlăm vẽ hoạ tiết trên xương gốm chủ yếu dùng cành cây vót nhọn để khắc chạm các đường kỷ hà, các môtip hoa văn đơn giản. Nếu cần hình tròn họ dùng các đồng xu hoặc vòng đeo tay. Có khi dùng cả vỏ sò, chiếc muỗng... để tạo hoa văn, nghĩa là bất cứ vật dụng nào có dạng hình học cần dùng là dùng, không câu nệ. Màu sắc cũng “tối giản”, chỉ có 2 màu: nâu nhạt của đất nung và khói đen của tro trấu, gần với nguyên lý nghệ thuật trong tranh thủy mặc của người Trung Hoa.
Bảo tồn và phát huy gốm cổ Yang Tao
Khi đồ gốm sứ sản xuất công nghiệp ngày một tinh xảo, giá thành lại thấp khiến sản phẩm gốm Yang Tao khó tiêu thụ, người biết làm gốm ở Yang Tao theo đó cũng ngày một ít dần đi, và ít đến mức báo hiệu gốm Yang Tao sẽ biến mất trong nay mai. Việc khôi phục nghề truyền thống, quảng bá thương hiệu, xây dựng chuỗi cung ứng... cho dòng gốm Yang Tao là việc của nhiều cơ quan, ban, ngành chức năng và không phải là câu chuyện một sớm một chiều.
Nhiều nhà Tây Nguyên học còn cho rằng, tuy gốm Yang Tao đơn giản nhưng nó là nơi cất giấu những bí ẩn của dòng chảy văn hóa thời quá vãng. Tiến sĩ Lương Thanh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết: Người M’nông Rlăm nói và hiểu được ít nhiều các ngôn ngữ của dân tộc anh em khác như Êđê, Chu Ru, J’rai... Nghĩa là, trong một giai đoạn nào đó, gốm Yang Tao đã được các thương nhân, chủ nhân của dòng gốm này đi giao lưu, mua bán nhiều nơi trên đất Tây Nguyên.
Chừng đó, để chúng ta nhìn ra gốm Yang Tao có một “căn cước” riêng, độc đáo trong đại gia đình gốm Việt. Và làm thế nào để chung tay giữ cho được vẻ đẹp nguyên bản của cái nghề được xếp vào truyền thống cổ sơ nhất của loài người là vấn đề cần được quan tâm và tìm ra những giải pháp kịp thời.
Triều Nguyễn