Khu du lịch Rừng Sác thuộc huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh hiện nay mỗi năm thu hút hàng chục ngàn khách du lịch. Du khách đến đây, ngoài việc được thả mình vào thiên nhiên hoang dã, còn có thể tìm hiểu về cuộc sống, chiến đấu của các chiến sĩ đặc công Rừng Sác hơn 45 năm về trước. Du khách có thể tham quan lán trại công binh xưởng, nơi ăn ở, sinh hoạt của những chiến sĩ đặc công năm xưa, nhưng tất cả đó mới chỉ là một phần của sự thực
Thành lập và nhiệm vụ
Đầu năm 1966, Quân ủy Trung ương chủ trương thành lập một đặc khu quân sự ở phía đông nam Sài Gòn để khống chế con đường thủy huyết mạch của địch là sông Lòng Tàu.
Ngày 15/04/1966, Đặc khu quân sự Rừng Sác được thành lập (lấy mật danh là T 10, sau đổi thành Đoàn 10 Rừng Sác), là một khu vực rộng 60.000 ha, phía đông giáp đường 15, phía Tây giáp sông Soài Rạp, phía bắc giáp đường 19, phía nam giáp biển. Đây là tập hợp 10 xã thuộc nhiều tỉnh khác nhau như Biên Hòa, Bà Rịa, Gia Định.
Đặc khu quân sự Rừng Sác có nhiệm vụ:
- Xây dựng thành một khu căn cứ vững chắc, bàn đạp tiến công, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang đứng vững và sàng tiến công địch trong mọi tình huống.
- Tiến công địch trên các dòng sông, bến cảng, chủ yếu là sông Lòng Tàu, tiêu diệt lực sinh lực địch và phá hủy phương tiện chiến tranh của chúng.
- Kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng Đảng, công tác vận động nhân dân, xây dựng lực lượng du kích và phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích trong toàn đặc khu.
- Bảo vệ an toàn hành lang vận chuyển hàng chiến lược của Trung ương và Miền theo đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.
Trong những năm sau đó, nhiệm vụ của Đặc khu được điều chỉnh và bổ sung theo yêu cầu của chiến trường và sự phát triển của cách mạng, cụ thể là:
- Đảm nhiệm một hướng tiến công vào cơ quan đầu não, sào huyệt của địch.
- Tiến công liên tục vào các mục tiêu bến cảng, tàu quân sự neo đậu ở các cảng Rạch Dừa, Nhà Bè, Cát Lái, Thành Tuy Hạ, phá hủy phương tiện chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
- Tiến công các kho tàng hậu cần có tính chất chiến lược của địch như Rạch Dừa, Nhà Bè, Cát Lái, Thành Tuy Hạ, Long Bình, chủ yếu là kho xăng và kho bom đạn.
- Tiến công các phương tiện vận tải đường thủy của địch đi lại trên sông Lòng Tàu, chủ yếu là các phương tiện vận chuyển xăng dầu, bom đạn và phương tiện chiến tranh của địch.
- Tích cực hỗ trợ phong trào cách mạng địa phương, diệt ác phá kèm, giành quyền làm chủ, xây dựng lực lượng bán vũ trang ở xã ấp.
- Xây dựng bàn đạp, hành lang, tạo thế đứng chân vững chắc để trong mọi điều kiện có thể sẵn sàng tiến công địch, đồng thời chống càn bảo vệ căn cứ.
Trong tất cả các nhiệm vụ trên, nhiệm vụ đánh chìm tàu trên sông, tại cảng và tiến công các kho tàng lớn của địch là nhiệm vụ chính.
Theo quyết định của Bộ Chỉ huy Miền, cơ quan chỉ huy đầu tiên của Đặc Khu Rừng Sác gồm các đồng chí: Lương Văn Nho, Đặc khu trưởng kiêm Chính ủy; Nguyễn Văn Mây, Chỉ huy phó; Đặng Văn Điệt (Sáu Tâm), Phó chính uỷ; Nguyễn Việt Hoa (Mười Thà), Chỉ huy phó; Trần Văn Phú (Trần Mân), Tham mưu trưởng; Nguyễn Văn phòng (Năm Phòng), Chủ nhiệm chính trị; Lê Công Trinh (Ba Trinh), Chủ nhiệm hậu cần.
Lực lượng của Đặc khu lúc đầu gồm 4 đội chiến đấu, 2 đội vận tải chiến lược, 3 cơ quan Đặc khu, Xưởng quân giới…Địa bàn hoạt động của đặc khu trải rộng 10 xã, chia làm hai khu: khu A đông sông Lòng Tàu và khu B tây sông Lòng Tàu. Các xã trong Đặc khu đều xây dựng được đội du kích và chi bộ Đảng.
Đến cuối năm 1966, Đặc khu Rừng Sác có 13 chi bộ của Đoàn 10 với 256 đảng viên trong tổng số 614 cán bộ chiến sĩ, 10 chi bộ xã với 67 đảng viên trong tổng số trên 20.000 dân.
Từ khi Mỹ đổ quân trực tiếp xâm lược miền Nam Việt Nam, tình hình chiến trường ngày càng ác liệt. Đặc khu quân sự Rừng Sác cũng không nằm ngoài bối cảnh đó. Những tháng ngày địch phản kích sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 là những tháng ngày ác liệt nhất.
Mô hình mô phỏng hoạt động của các chiến sĩ đặc công Rừng Sác (Ảnh Vietnam Journey)
Chiến trường ác liệt, hiểm nguy rình rập
Địa bàn Rừng Sác sình lầy ngập mặn quanh năm, sông rạch chằng chịt, từ sông Soài Rạp vắt ngang qua Quốc lộ 15, từ Nhà Bè theo sông Lòng Tàu chảy ra cửa biển Vũng Tàu, diện tích hơn nghìn cây số vuông, toàn là rừng đước, chà là, bần, mắm.
Tuy có khoảng 20.000 dân trên địa bàn 10 xã của Đặc khu, nhưng hầu hết phải sống trong các ấp chiến lược do địch kiểm soát, chỉ có một số ít dân hằng ngày ra ngoài làm ăn, việc tiếp tế cho cách mạng rất khó khăn.
Địa bàn đặc biệt của Rừng Sác được tướng Mỹ Westmoreland mô tả trong cuốn Tường trình của một quân nhân là “một chiến trường kỳ lạ, một cuộc chiến đấu kỳ lạ trong một cuộc chiến tranh kỳ lạ” và cứ 3 lính Mỹ mới có thể chọn được một lính Mỹ thiện chiến có khả năng trên đấu trong Rừng Sác.
Địa bàn Rừng Sác, ngoài các ấp chiến lược, là vùng tự do bắn phá, bất kỳ lúc nào bom pháo của Mỹ cũng có thể trút xuống.
Trong các đợt tiến công năm 1968, Mỹ đã sử dụng nhiều phi đội B52 oanh tạc Đặc khu Rừng Sác, dư chấn những trận bom có thể được nghe thấy tại Sài Gòn. Máy bay, tàu chiến của Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa quần đảo, oanh kích suốt ngày đêm trên địa bàn Đặc khu. Bất cứ một vệt khói bốc lên hay một vết trắng của bọt nước cho thấy dấu hiệu của ghe máy đi qua thì lập tức hàng tấn bom đạn trút xuống khu vực. Các loại máy bay trực thăng, máy bay trinh sát OV6, OV10 thường xuyên quần đảo sát mặt đất, phát hiện những dấu hiêu nhỏ nhất của cuộc sống trong Rừng Sác để gọi phi pháo oanh tạc hay đổ quân càn quét.
Mỗi khi thủy triều lên, tàu trọng tải lớn của Mỹ vận chuyển vũ khí và phương tiện chiến tranh từ biển vào sông Lòng Tàu, địch thường sử dụng các loại tàu rà, tàu quét, chạy sát hai bờ để phá hủy những vũ khí của đặc công Rừng Sác mai phục, bắn phá ác liệt vào các khu vực nghi lực lượng ta trú đóng, đổ quân trấn giữ các cửa sông, các các con đường đi lại trong Rừng Sác.
Quân đội Mỹ còn sử dụng người nhái, biệt kích, các loại tàu sắt thả trôi trước ở các cửa sông để ngăn chặn đặc công Rừng Sác tiếp cận mục tiêu.
Không những thế, để lực lượng cách mạng không còn chỗ trú ẩn, Mỹ đã tiến hành rải chất độc làm trụi lá cây vào căn cứ Rừng Sác, khiến cho nhiều thời điểm, cây cối chết khô, gây khó khăn cho hoạt động của đặc công Đoàn 10 Rừng Sác. Các chiến sĩ đặc công đã phải đắp hầm nổi ngụy trang bằng màu cây khô để trú ẩn, đợi rừng mọc trở lại.
Ngoài bom đạn ác liệt và chất độc hóa học, cá sấu Rừng Sác đã trở thành một mối nguy hiểm thực sự. Qua nhiều trận đánh, cá sấu Rừng Sác đã quen với mùi thịt sống, nên hễ thấy có đụng độ ở khu vực nào là lao vào tìm mồi. Vì thế, ngoài việc đánh địch, đặc công Rừng Sác còn phải tổ chức những trận đánh tiêu diệt cá sấu.
Ngoài bom đạn, biệt kích, cá sấu, đặc công Rừng Sác còn phải đối mặt với những khó khăn trong sinh hoạt ăn ở. Gạo, nước ngọt là những thứ vô cùng thiếu thốn, bởi dân trong các ấp chiến lược bị kiểm soát chặt chẽ không thể cung cấp cho cách mạng. Các chuyến đi lấy gạo, lấy nước ngọt nhiều khi phải đổi bằng máu của nhiều chiến sĩ. Trong hoàn cảnh bị bao vây, đặc công Rừng Sác đã sáng tạo ra cách đun sôi nước mặn ngưng tụ lại để lấy nước ngọt sinh hoạt.
Việc vận chuyển và trang bị vũ khí cho chiến sĩ đặc công Rừng Sác cũng rất khó khăn. Chính vì thế, ngoài những vũ khí được trang bị, các công binh xưởng trong Đặc khu Rừng Sác đã chế tạo vũ khí tại chỗ từ các trái bom lép của địch để cung cấp cho các chiến sĩ trong đặc khu. Lấy vũ khí địch đánh trả địch là một phương thức quan trọng trong chiến đấu của đặc công Rừng Sác.
Những chiến công huyền thoại
Quán triệt những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi thành lập lực lượng đặc công: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt... Bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt... Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được...”, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác có khẩu hiệu “Có lệnh là đi, hoàn cảnh nào cũng đánh, đã đánh là thắng, dù còn một khẩu súng. một khẩu súng, một viên đạn cũng tiến công”.
Qua 10 năm bám trụ tại Đặc khu Rừng Sác trong điều kiện vô cùng ác liệt Đoàn 10 đặc công đã đánh cháy và đánh chìm hơn 500 tàu chiến các loại của hải quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, đánh chìm, đánh cháy gần 200 tàu vận tải quân sự từ 6.000 tấn đến hàng vạn tấn trên sông Lòng Tàu và tại các bến cảng, bắn rơi hàng chục máy bay trực thăng. Đơn vị pháo đặc công đã tiến công nhiều trận vào nội đô Sài Gòn - Gia Định, trong đó đáng kể là trận tiến công phá Lễ Quốc khánh Việt Nam Cộng hòa ngày 01/11/1966.
Tám chiến sĩ đặc công Rừng Sác tuyên thệ trước trận đánh kho xăng Nhà Bè
(Ảnh tư liệu)
Trong những chiến công đó, nổi bật lên chiến công phá hủy 80% kho bom Thành Tuy Hạ với trên 60.000 trái bom, hơn 100.000 quả đạn pháo và toàn bộ kho bom CBU chứa trong căn cứ vào ngày 5 tháng 12 năm 1972, tiêu hủy kho xăng Nhà Bè gây thiệt hại 250 triệu lít xăng ngày 3 tháng 12 năm 1973.
Báo chí Sài Gòn đưa tin là kho xăng Nhà Bè bị Việt cộng pháo kích 49 quả đạn, không biết từ hướng nào, để che giấu đi thất bại ê chề và sự bất lực đối với đặc công Rừng Sác.
Với những chiến công to lớn, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác nhận được những phần thưởng cao quý. Ngày 23/09/1973, Trung đoàn 10 được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại đội 5 hai lần được tuyên dương anh hùng, 6 cán bộ chiến sĩ trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng hơn 200 Huân chương Quân công, chiến công các loại.
Hy sinh to lớn
Chiến công nào không đi liên với sự hy sinh. 10 năm bám trụ, sống chiến đấu ngay cạnh sào huyệt của kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội, các chiến sĩ đặc công Rừng Sác cũng phải chịu những thiệt hại vô cùng to lớn. Đã có trên 860 cán bộ, chiến sĩ đặc công Đoàn 10 Rừng Sác hi sinh, trong số đó hơn 500 người không tìm được xác, thân thể, hài cốt các anh đã chìm sâu dưới lòng sông hoặc trôi ra biển cả.
Trong số 860 liệt sĩ của Đặc khu Rừng Sác, có 621 cán bộ chiến sĩ của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác, trên 200 cán bộ chiến sĩ còn lại là con em của đồng bào địa phương 10 xã trong vùng căn cứ.
Trong số 621 cán bộ chiến sĩ của Đoàn 10 Rừng Sác hy sinh, có 319 chiến sĩ đặc công miền Bắc vào hoạt động trong Đặc khu Rừng Sác, còn lại là các chiến sĩ đặc công quê ở các tỉnh miền Nam.
Ngoài việc hy sinh vì bom đạn của kẻ thù, hàng chục chiến sĩ đã bị thương và hy sinh do cá sấu rừng Sác. Chiến sĩ Nguyễn Đức Chương, chiến sĩ Lương Đình Mướt, chiến sĩ vệ binh Mười Mót là những người đã phải đối mặt và thoát khỏi hàm răng cá sấu. Nhưng có những chiến sĩ đặc công như Trung đội trưởng Khét, Trung đội trưởng Nghĩa, đã vượt qua bao nhiêu trận đánh khốc liệt, thoát khỏi bàn tay địch trong "đường tơ kẽ tóc", nhưng cuối cùng đã bất ngờ hy sinh do sấu dữ tấn công.
Rừng Sác hiện nay là một điểm tham quan cho du khách yêu thích thiên nhiên
và muốn tìm hiểu lịch sử (Ảnh tác giả chụp)
Chiến tranh đã qua đi 45 năm, những chiến công của các chiến sỹ Đoàn 10 Rừng Sác đã trở thành huyền thoại.Các anh xứng đáng với 16 chữ vàng truyền thống Quốc hội trao tặng Binh chủng đặc công “Đặc biệt tinh nhuệ; Anh dũng tuyệt vời; Mưu trí táo bạo; Đánh hiểm thắng lớn”. Sự hy sinh vô bờ bến của các anh đã góp phần vào thắng lợi rực rỡ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Bình Nguyễn