Chiến tranh cách mạng Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ kéo dài 30 năm (1945-1975) kết thúc với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thắng lợi của chiến tranh cách mạng Việt Nam gắn liền với sự chỉ đạo chiến lược của Đảng. Đặc điểm sự chỉ đạo trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mang tính thần tốc, táo bạo, trở thành chìa khóa thành công trong thắng lợi vĩ đại mùa Xuân năm 1975.
Hiệp định Paris mở ra cơ hội giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 4/1973, theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu thành lập Tổ Trung tâm để xây dựng kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng- Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổ Trung tâm đã soạn thảo kế hoạch giải phóng miền Nam, nhiều lần đưa ra xin ý kiến, bổ sung. Tháng 7/1974, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đã trực tiếp làm việc với đồng chí Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn về kế hoạch giải phóng miền Nam.
Từ ngày 30/9 đến 8/10/1974, Bộ Chính trị họp, đánh giá: Hai mươi tháng sau khi có Hiệp định Pa-ri, ta đã giành được thắng lợi lớn, vững chắc, dần dần đi vào thế chủ động tiến công, địch yếu đi, dần dần đi vào thế bị động phòng ngự…Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Khả năng Mỹ can thiệp trở lại ít có khả năng xảy ra”. Từ nhận định trên, Bộ Chính trị chủ trương: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước cao nhất bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa…giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Hội nghị Bộ Chính trị thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị còn dự kiến kế hoạch thời cơ, chủ trương nếu thời cơ chiến lược xuất hiện thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Tiếp đó, Hội nghị Bộ Chính trị (mở rộng), họp từ ngày 18/12/1974 đến 8/1/1975, trên cơ sở phân tích tình hình trong nước, quốc tế, diễn biến trên chiến trường, đã hạ quyết tâm hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong hai năm 1975-1976: Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở cả hai miền trong thời gian 1975-1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta. Tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành công tác chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện chín muồi tiến hành Tổng công kích-khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã nguỵ quân, đánh đổ nguỵ quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam Việt Nam.
Hội nghị Bộ Chính trị đợt II, từ 18/12/1974 đến 8/1/1975 (Ảnh tư liệu)
Để có thể hạ quyết tâm chiến lược nêu trên, Bộ Chính trị đã căn cứ thực tế diễn biến tình hình trên chiến trường, trong đó quan trọng nhất là tương quan lực lượng giữa ta và địch, thái độ của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến tranh Việt Nam.
Trong thời gian 1973-1974, ta đã xây dựng được các quân đoàn chủ lực lớn mạnh : Quân đoàn 1 thành lập ngày 24/10/1973; Quân đoàn 2 thành lập ngày 17/5/1974; Quân đoàn 4 thành lập ngày 20/7/1974. Đây là lực lượng tinh nhuệ tập trung, là những quả đấm chiến lược của quân đội ta chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Trong khi lực lượng chủ lực của ta được tăng cường thì lực lượng quân đội Sài Gòn giảm về số lượng và vũ khí trang bị. Cuối năm 1973 có 1.044.000 quân, đến cuối 1974 giảm xuống còn 971.354 tên. Tỷ lệ ta-địch là 1/1,7, nhưng chủ lực thì ta 1,03; địch 1. Do viện trợ của Hoa Kỳ cam kết cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng giảm từ 1,026 tỷ USD (tài khoá 1973-1974) xuống còn 701 triệu USD (tài khoá 1974-1975) nên chính Tổng thống Thiệu đã phải kêu gọi quân lính tác chiến theo kiểu “con nhà nghèo”. Trong khi đó, trong hai năm 1973-1974, từ hậu phương lớn miền Bắc, đã có trên 200.000 tấn vật chất được đưa vào tiền tuyến lớn miền Nam. Hệ thống đường vận tải chiến lược, chiến dịch đã được mở rộng và ngày càng vươn sâu xuống phía Nam. Riêng trong năm 1974, ta đã mở mới được 5.500 km đường, nâng tổng chiều dài của tuyến đường Trường Sơn lên 16.790 km. Song hành với nó là tuyến đường ống dẫn xăng dầu từ Lạng Sơn vào tới Bù Gia Mập (Lộc Ninh), dài 1.712 km.
Cũng trong thời gian này, quân ta giải phóng tỉnh lỵ Phước Long (6/1/1975), tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Điều đáng nói là quân đội Sài Gòn đã không tổ chức phản kích hòng chiếm lại. Hơn thế nữa, phía Hoa Kỳ cũng không có phản ứng quyết liệt. Vì thế, có thể nói : Phước Long là đòn trinh sát chiến lược “nắn gân” Hoa Kỳ, cho thấy Washington không có khả năng can thiệp trở lại. Điều này càng củng cố quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công của Đảng ta trên cơ sở chủ động tạo ra và chớp thời cơ lớn sớm xuất hiện.
Đêm mùng 9 rạng sáng ngày 10/3/1975, sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị lực lượng, tổ chức nghi binh lừa địch, quân giải phóng mở cuộc tiến công lớn đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, khiến địch hoàn toàn bị bất ngờ, rơi vào thế bị động chống đỡ và nhanh chóng bị tiêu diệt. Trưa ngày 11/3, thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng. Đòn điểm huyệt chiến lược mở màn chiến dịch Tây Nguyên đã thành công, bước đầu phá vỡ thế bố trí của địch ở Tây Nguyên nói riêng và địa bàn quân khu 2, làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta.
Bị bất ngờ, choáng váng trước đòn tiến công mãnh liệt của quân ta, quân đội Sài Gòn tìm cách phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột song không những không chiếm lại được mà còn bị tổn thất nặng nề. Ngày 14/3, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bay ra Cam Ranh họp bàn, nhận định tình thế, quyết định rút bỏ Tây Nguyên, lui về bám giữ đồng bằng ven biển miền Trung. Quyết định sai lầm mang tính chiến lược của Nguyễn Văn Thiệu đã mở đầu quá trình rút chạy, suy sụp nhanh chóng không thể gượng lại được của quân đội Sài Gòn cho đến ngày bị đánh bại hoàn toàn một tháng rưỡi sau đó. Quyết định này cũng góp phần tạo ra thời cơ lịch sử, là một cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam sớm hơn dự kiến.
Trong khi bộ đội ta đang truy kích quân địch tháo chạy theo các trục đường số 7, số 19 và số 21 xuống đồng bằng ven biển miền Trung, thì ngày 18/3/1975, Hội nghị Bộ Chính trị (mở rộng) họp, nhận định: trước tình hình biến chuyển nhanh chóng, ta có khả năng giành thắng lợi lớn với nhịp độ nhanh hơn dự kiến. Tại hội nghị, đồng chí Lê Duẩn gợi ý : việc quân địch rút lui chiến lược khỏi Tây Nguyên đã mở ra thời cơ chiến lược mới, đề nghị các đồng chí suy nghĩ khả năng chuyển từ kế hoạch hai năm sang kế hoạch giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975 này. Các đồng chí tham dự hội nghị nhất trí cho rằng: Thời cơ đề giành thắng lợi hoàn toàn sớm hơn dự kiến đã xuất hiện, cần nắm lấy để giải phóng miền Nam trong năm 1975 bằng các đòn tiến công mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Kế hoạch chiến lược 2 năm đã được điều chỉnh rút xuống còn một năm.
Bộ Chính trị thống nhất với Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tập trung lực lượng mở hai chiến dịch giải phóng Trị Thiên – Huế và Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất, không để cho địch có thời gian củng cố lực lượng phòng ngự các vị trí chiến lược ở địa bàn Quân khu 1.
Ngày 21/3/1975, quân giải phóng hình thành thế bao vây chiến dịch đối với thành phố Huế do địch ở Quảng Trị đã hoang mang rút chạy và ta đã cắt được đường rút của chúng vào Đà Nẵng, chặn các đường chạy ra cửa biển Thuận An, Tư Hiền. Ngày 25/3/1975, thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên được giải phóng. Hơn 4 vạn quân địch phòng thủ Thừa Thiên – Huế hoàn toàn tan rã, tháo chạy.
Bám sát diễn biến chiến sự từng ngày, một ngày sau khi kết thúc chiến dịch Tây Nguyên và đúng vào ngày quân ta tiến vào làm chủ thành phố Huế, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương mở cuộc họp, nhận định: Trên thực tế, với chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu, những thắng lợi dồn dập của ta từ đó đến nay đã đánh dấu một bước ngoặt trên cục diện quân sự và chính trị ở miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Bộ Chính trị nhất trí cho rằng: Thời cơ chiến lược lớn đã tới, trong suốt 20 năm chống Mỹ cứu nước chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này.
Từ đó, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: Nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng, tập trung lực lượng vào phương hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.
Như vậy, chỉ sau một tuần, trước tình hình chiến sự diễn ra thuận lợi ngoài dự kiến, Đảng ta đã nhanh chóng điều chỉnh quyết tâm chiến lược từ kế hoạch trong năm 1975 rút xuống thời gian hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam trước mùa mưa ( tháng 5-1975). Đây là một quyết định rất kip thời, táo bạo và hoàn toàn có cơ sở hiện thực.
Sau khi Huế thất thủ, toàn bộ quân địch ở phía Bắc Quân khu 1 (quân đội Sài Gòn) rút chạy, dồn về Đà Nẵng. Căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất miền Nam giờ đây dồn chứa tới gần 100.000 sĩ quan, binh lính đang trong tình trạng hoang mang cực độ. Bộ máy chỉ huy, điều hành của quân đội, chính quyền Sài Gòn rối loạn, mất hiệu lực. Trong khi đó, các đơn vị quân ta từ hai phía Bắc và Nam lần lượt tiến công giải phóng các thị xã, tỉnh lỵ và căn cứ quân sự, tiêu diệt, làm tan rã nhiều đơn vị quân đội Sài Gòn xung quanh Đà Nẵng.
Ngày 28/3, các binh đoàn của ta đang bao vây Đà Nẵng đồng loạt tiến công vào thành phố lớn thứ 2 ở miền Nam này. Ngày 29/3, Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng. Như vậy, với đòn tiến công chiến lược thứ hai bằng hai chiến dịch liên tiếp, quy mô lớn, chỉ trong một thời gian rất ngắn, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã quân đoàn 1 và sư đoàn lính thuỷ đánh bộ của quân đội Sài Gòn, giải phóng các tỉnh và thành phố ở Trung Trung Bộ trong đó có hai thành phố lớn, có vị trí đặc biệt quan trọng là Huế và Đà Nẵng. Cục diện chiến tranh đã có sự chuyển biến nhảy vọt, hoàn toàn có lợi cho ta. So sánh lực lượng đã thay đổi hẳn. Quân đội Sài Gòn đi từ thất bại trong phòng ngự chiến lược sang rút chạy chiến lược, rồi đến co cụm chiến lược.
Đà Nẵng được giải phóng ngày 29/3/1975 (Ảnh tư liệu)
Như vậy, chỉ trong 3 tuần lễ kể từ ngày nổ súng đánh Buôn Ma Thuột, quân và dân ta đã giải phóng được một nửa địa bàn lãnh thổ miền Nam, tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn I ,II, các đơn vị thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân lực Việt Nam Cộng hòa, xoá sổ hai trong số 4 quân khu, đẩy nhanh quá trình tan rã hoàn toàn của chế độ Sài Gòn.
Những kết quả lớn lao đó đã tiếp thêm không khí lạc quan, xúc động, phấn khởi cho Hội nghị Bộ Chính trị (mở rộng) họp vào ngày 31-3-1975, chỉ một tuần sau hội nghị ngày 25/3. Đây là một hội nghị lịch sử, đánh dấu bước chuyển giai đoạn quyết định thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Bộ Chính trị nhận định: Cả về thế chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo quân địch, còn địch thì đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong…thời cơ chiến lược để tiến hành cuộc Tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà”. Từ nhận định trên, Bộ Chính trị thống nhất chỉ đạo: Nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược với tư tưởng chỉ đạo Thần tốc – Táo bạo, Bất ngờ – Chắc thắng, thực hiệnTổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể để chậm.
Một lần nữa, tư tưởng thần tốc, táo bạo trong chỉ đạo chiến tranh ở giai đoạn kết thúc lại được thể hiện rõ dựa trên những đánh giá, nhận định khách quan, khoa học về so sánh lực lượng, về thế và thời cơ. Bộ Chính trị nhận thức rất rõ rằng thời gian lúc này chính là lực lượng trong bối cảnh kẻ địch đang hoang mang đến cực độ, tan rã từng mảng lớn. Chỉ có thần tốc xốc tới, táo bạo, kiên quyết đánh thẳng vào hang ổ cuối cùng của kẻ thù trong thời gian sớm nhất, chúng ta mới tận dụng được thời cơ có một không hai vừa xuất hiện. Bộ Chính trị quyết định nhanh chóng chuẩn bị mở chiến dịch Sài Gòn – Gia Định, coi đó là hướng tiến công chiến lược chủ yếu, là đòn tiến công chiến lược quy mô lớn nhất và cuối cùng của quân và dân ta để giành toàn thắng.
Mọi công tác chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng được xúc tiến khẩn trương. Thừa thắng, bộ đội chủ lực phối hợp với quân và dân các tỉnh dọc ven biển miền Trung, từ Phú Yên trở vào tới Bình Thuận, nhanh chóng đánh chiếm làm chủ các thị xã, tỉnh lỵ, đập tan tuyến phòng thủ từ xa, vòng ngoài Sài Gòn của địch tại Phan Rang, tiêu diệt, làm tan rã và bắt sống hàng vạn quân địch, trong đó có cả sĩ quan cấp tướng, phá bỏ hệ thống chính quyền các cấp của chúng.
Chấp hành chỉ đạo của Bộ Chính trị , thực hiện phương châm của đồng chí Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Tổng tư lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa – Táo bạo, táo bạo hơn nữa”, các binh đoàn chủ lực của ta đã nhanh chóng cơ động lực lượng nhằm hướng Sài Gòn. Tinh thần chiến đấu khẩn trương “1 ngày bằng 20 năm” được quán triệt tới từng cán bộ, chiến sĩ. Các đơn vị thuộc Quân đoàn 1 cơ động gần 1.600 km; Quân đoàn 2 cơ động gần 900 km; Quân đoàn 3 gần 1.000 km chỉ trong thời gian ngắn, kịp có mặt trước cửa ngõ Sài Gòn trước ngày nổ súng.
Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn – Gia Định mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngày 21/4/1975, phòng tuyến Xuân Lộc, cánh cửa bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông bị đập tan. Các lực lượng quân ta nhanh chóng áp sát Sài Gòn, chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Tối cùng ngày, Nguyễn Văn Thiệu lên đài truyền hình tuyên bố từ chức tổng thống. Trần Văn Hương lên thay.
Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh quyết định mở cuộc tiến công Sài Gòn vào chiều 26/4/1975 từ 4 hướng bằng lực lượng của 4 quân đoàn 1,2,3,4 và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh giải phóng, ta tập trung một lực lượng áp đảo về binh lực và vũ khí, phương tiện quân sự để giành toàn thắng trong thời gian sớm nhất. Sự táo bạo nhưng chắc thắng thể hiện ở chỗ gần như toàn bộ lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội ta đã được huy động cho chiến dịch lịch sử này. Ở hậu phương lớn miền Bắc tuy vẫn còn chủ lực tinh nhuệ nhưng không nhiều. Điều này phản ánh sự đánh giá, nhận định của Đảng ta về âm mưu, hành động của kẻ thù trong cơn tuyệt vọng là hoàn toàn đúng và có cơ sở, bởi sự táo bạo trong chỉ đạo chiến lược, khi có thời cơ và lực lượng, sẽ tạo nên chiến thắng một cách nhanh nhất. Bộ Chính trị cũng cho chủ trương: đơn vị nào nếu có điều kiện tiến công thì cứ đánh để tranh thủ thời gian.
Nhân dân Sài Gòn đón chào Quân Giải phóng (Ảnh tư liệu)
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã nhanh chóng giành thắng lợi với việc quân ta từ các hướng ào ạt tiến công nội thành Sài Gòn, đánh chiếm tất cả các mục tiêu quan trọng, trong đó có Dinh Độc lập, buộc Tổng thống chính quyền Sài Gòn là Dương Văn Minh (lên thay Trần Văn Hương ngày 28/4) phải tuyên bố đầu hàng vào trưa ngày 30/4/1975.
Sự thần tốc, táo bạo trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng ở giai đoạn kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Cả một đội quân hùng hậu được xếp hạng thứ 5 trên thế giới sụp đổ trong vòng chưa đầy hai tháng với ba đời Tổng tổng chỉ trong vòng hơn một tuần lễ làm cho Hoa Kỳ và đồng minh bàng hoàng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là chiến dịch có quy mô lớn nhất nhưng lại giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất, thần tốc nhất, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước 21 năm của quân và dân ta và kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất cho dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Quỳnh Chi